Điểm dừng chân thứ nhất là Great Sima, nằm cạnh chùa Kabar Aye, nơi tổ chức “Tập kết Kinh Tạng lần thứ VI” 1956. Chúng tôi chỉ đứng ngoài chụp ảnh kỹ niệm vì chưa tới giờ mở cửa. Tuy nhiên, tôi và bà xã cũng đã may mắn vào thăm hồi năm 2013, khi lần đầu tới đây.
Lần này, như đã nói, tôi phải cố gắng tìm ra những “khác biệt” của đất nước này để chuyến đi không trở thành buồn chán như nhiều người nghĩ! Tôi thích cái khái niệm “khác biệt” trong lý thuyết kinh tế, thị trường, cái khác biệt làm nên “tính mới” cho 1 sản phẩm nào đó để hấp dẫn khách hàng trong những lần ra mắt tiếp theo. Nhưng với tôi, có thứ không cần phải thế, nó cứ “như cũ” nghĩa là không nên “khác biệt”, và hôm nay, tôi lại được đắm mình trong cái không khí đó khi vừa trở lại Yangon: một không khí tĩnh lặng của thành phố đầy cây xanh bao phủ, một khu rừng trong phố, hay một thành phố trong rừng, đó chính là điều thật sự thú vị trước khi bước vào phòng ăn bữa sáng Miến Điện đầu tiên!
Yangon nằm ở ngả 3 sông Yangon và sông Bago, cách bờ biển Andaman 30km, dù không còn là thủ đô nửa, nhưng là thành phố lớn nhất của Myanmar, giờ đây là thủ phủ của Vùng hành chính Yangon, là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước Miến Điện. Vì suốt thời gian dài bị đóng cửa, Yangon kém phát triển hơn các thành phố khác trong khu vực và có lẽ cũng nhờ thế nơi đây còn tồn tại nhiều nhất các công trình xây dựng thời thuộc địa (ví dụ: Tòa án tối cao Myanmar, Chợ Bogyoke, Tòa Thị chính và Bệnh viện Đa khoa,…đang được đưa vào diện gia cố bảo tồn).
Sau khi ăn sáng, chúng tôi bắt đầu những khám phá thực sự đầu tiên trên đất nước Myanmar. Với tôi, đây là lần thứ 4, nên có nhiều thứ đã quen thuộc. Nhớ lại, trước khi tới Myanmar hồi năm 2013, tôi hình dung ra một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, một xã hội chậm tiến vì khép kín, Yangon trong trí tưởng của tôi là một thành phố cũ kỹ, đường sá chật hẹp, con người, nhất là các cô gái …xấu xí (xin lỗi)như mấy cầu thủ trong đội tuyển bóng đá nữ Myanmar.
Sau khi giành được độc lập từ Đế quốc Anh, Myanmar đã sử dụng các quốc hiệu sau:
• Liên bang Burma: 1948-1974
• Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Burma: 1974-1988
• Liên bang Myanmar: 1988-2010 (từ năm 1989 thì quốc hiệu tiếng Anh dùng Myanmar thay cho Burma)
• Cộng hòa Liên bang Myanmar: 2010-nay
Vụ đảo chính năm 1962 tiếp sau là một kế hoạch phát triển kinh tế được gọi là Con đường Miến Điện tiến tới Chủ nghĩa xã hội, một kế hoạch nhằm quốc hữu hóa mọi ngành công nghiệp, ngoại trừ nông nghiệp, Myanmar hầu như khép kín,hậu quả là trở thành một trong số những nước nghèo nhất thế giới.
Bây giờ thì khác, sau chưa đầy 10 năm mở cửa, Myanmar phát triển không ngừng, sáng sủa và phồn thịnh hơn. Bộ mặt của Yangon vì thế cũng thay đổi theo, thể hiện trên số lượng xe con đời mới đang dập dìu trên phố, cầu vượt và cao ốc, khách sạn đang mọc lên nhiều nơi. Tuy nhiên, một điều thú vị là vẫn cấm hoàn toàn xe mô tô 2 bánh lưu thông trong thành phố!
Sau đây là vài hình ảnh cũ mới của Yangon.
Hôm qua là một ngày chán phèo khi nằm vật vã chờ nối chuyến bay transfer qua Yangon suốt gần 6 tiếng đồng hồ tại phi trường Suvarnabhumi, Bangkok. Giờ ăn sáng tại các khách sạn Myanmar hình như được “mặc định” là 6:30am, nên mọi người yên tâm ngủ lấy sức cho những ngày lang thang còn lại.
Nhưng, thật hay không, có gì quan trọng, bởi niềm tin và sự thành tâm mới ý nghĩa hơn nhiều và điều này nằm trong tâm thức của con người chứ nào phải đâu trong tướng, hình ngôi cổ tháp!
Cho nên, khi bước chân đến đây, chứng kiến cảnh mọi người đang thành tâm đãnh lễ, người xấu chắc cũng phải tự vấn lại mình mà quay về điều thiện, đó là cái giá trị không thể nào đo được bằng vàng, dù thật hay giả!
Các tài liệu tham khảo có sự khác biệt lớn về khối lượng vàng của chùa Shwedagon, 500kg, 5.000kg và 60 tấn, tôi không biết số nào là chính xác; nhưng có một điều chắc chắn, tôi đang đứng giữa 1 kho báu, kho báu của vàng bạc và đá quí, đồng thời cũng là kho báu của niềm tin, của cái tâm hướng thiện, mà giá trị của nó không thể cân, đong, đo, đếm.
Vàng bạc châu báu, có giá trị cực cao theo chuẩn mực của xã hội loài người, cho nên, giữa một khối lượng vàng, kim cương, đá quí khổng lồ của chùa Shwedagon, tôi và nhiều người khác, chắc chắn không khỏi choáng ngợp, đó là cái cảm giác ban đầu khi đặt chân tới đây. Nhưng lúc bình tâm nhìn lại, sự thanh thản thể hiện trên những bước chân đi, sự an lạc biễu lộ qua các gương mặt thành kính, của bá tánh hiện diện khắp sân chùa, tôi cảm thấy, khối vàng bạc, đá quí đang lộng lẫy giữa trời, bổng trở nên nhẹ tênh, như chiếc lá, như sợi mây đang bềnh bồng rong chơi giữa trời trong xanh biếc!
Cho nên, dù đã tồn tại hơn thiên niên kỷ, dù đã được tô điểm từ mấy trăm năm bằng vàng ròng và đá quí, để ngày nay có được giá trị vật chất lớn lao đến sững sờ, chùa Shwedagon cũng dường như chưa đánh động vào lòng tham của những ai đặt bước đến đây.
Vàng cứ càng dày thêm từ bàn tay công đức của bá tánh, nhưng không phải làm giàu thêm cho chùa, không bán ra để giải quyết 1 nhu cầu vật chất nào đó. Mà vàng ở đây, chỉ là sự tích tụ của lòng thành kính, thiện tâm. Vàng đến đây, như để phá vở cái giá trị vật chất đang có, vì thật ra nó vốn chỉ là không, khi loài người chưa xuất hiện, 1 số không trống rổng, không hình, chẳng tướng!
Và như thế, chùa Shwedagon đang sừng sửng giữa đời thường, không cần phải bảo vệ chặt chẻ.
Thật là một tuyệt vời rất đáng để ta suy ngẫm!
Shwedagon vốn là một ngôi chùa cổ, theo truyền thuyết đã có từ 2.500 năm trước, lúc Đức Thich Ca còn tại thế; nhưng với các chuyên gia, thì chùa được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 6 đên thế kỷ thứ 10, sau công nguyên, nghĩa là chỉ khoảng 1.400 năm trở lại. Cho dù là thế, với số tuổi đó chùa Shwedagon cũng thuộc hàng đại cổ tự!
Thoạt đầu tòa tháp (stupa) chỉ cao 8m, rồi nâng dần lên 20m. Đến năm 1453, Hoàng Hậu Shinsawbu cho nâng tháp lên đến 40 mét và bắt đầu cho dát vàng do bá tánh dâng cúng. Vàng này được các thợ chế tác theo phương pháp truyền thống, là những lá mỏng tang, “dính” trên ô giấy nhỏ, người cúng chỉ việc áp sát mặt có vàng vào tượng Phật hay thân tháp rồi miết mạnh đều khắp, gở nhẹ giấy ra, lớp vàng ở lại, làm dày thêm cho tượng hay tháp đó.
Đã từng bị hư hại và tôn tạo nhiều lần sau những biến cố lịch sư và thiên tai, nhất là sau trận động đất vào thế kỷ 17, chùa bị hư hại nặng. Vua Hsinbyushin cho sửa chửa tòa tháp và nâng lên đến độ cao hiện tại là 98m.
Chùa đã từng bị quân Bồ Đào Nha cướp phá và Anh chiếm đóng trong thời gian dài, may mắn đã không bị phá hủy nên nhân loại còn được một báu vật lừng danh khiến hàng triệu người đến viếng dù không phải là Phật tử.
Hôm nay, khi chúng tôi đến thì đang có rất đông du khách và tín đồ tới cúng bái. Thời tiết không thuận lợi vì khi nắng, khi mưa, cùng lúc ngôi tháp chính, đang trong thời gian làm vệ sinh định kỳ, nên mất đi cái vẻ lộng lẫy chói sáng của khối vàng mang hình chiếc chuông úp!
Giờ này, có rất nhiều khách đang thăm viếng và lễ bái tại chùa, trên khoảng sân rộng bao la của đỉnh đồi Singuttara, vốn đã được lát gạch từ thời Hoàng Hậu Shinsawbu. Vậy mà không khí vẫn lặng yên, mọi người đang chắp tay, quì hoặc ngồi để nguyện cầu.
Giữa không gian bao la, ngôi bảo tháp cao vọi, như 1 tòa chánh điện lộ thiên, khách tham quan thì nghiêm cẩn trong cách đi đứng, người hành hương thì cúng bái đúng lễ nghi. Bảo tháp nằm trên 1 bệ cao hình bác giác, tương ứng với 8 hành tinh và 8 linh vật cùng 7 ngày trong tuần là: Sunday Corner(chim thần granuda), Monday Corner(cọp), Tuesday Corner(sư tử), Wednesday Morning Corner(voi có ngà), Wednesday Afternoon Corner(voi không ngà), Thursday Corner(rắn thần naga), Friday Corner(Bò), Saturday Corner(chuột), ai sinh vào thứ mấy trong tuần thì lại đúng góc của ngày đó để cầu nguyện, lễ bái. Bà xã ngẫu nhiên tới lễ tại Góc con chuột, tuổi cầm tinh của tui!
Đó là những hình ảnh của năm 2013.
Còn bây giờ, stupa chính đang trong thời gian làm sạch sẽ, các giàn giáo bằng tre được ốp rất chắc chắn và chính xác, tạo nên 1 lớp “vỏ”đồng dạng với ngôi tháp vàng phía trong, mềm mại và duyên dáng, điều đó làm che bớt cái ánh kim rực rỡ, nên ngôi tháp phần nào mất đi vẻ lộng lẫy ngự trị trên rừng tháp nhỏ dưới chân.
Tôi không biết lý do người Miến dùng tre thay vì kim loại, để tạo giàn giáo bao quanh tháp khi cần sửa chửa hay làm vệ sinh. Nhưng cái lớp vỏ tre bao quanh tháp, uyển chuyển uốn lượn theo từng đường cong mềm mại của một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ như stupa chùa Shwedagon mà tôi thấy trước mắt hôm nay, đã như làm tăng thêm cái cảm giác thân thiện với thiên nhiên, gần gũi với tính chân thật giàu cảm xúc của con người, thay vì là những thanh sắt khô cứng, nhạt nhẽo; với tôi lớp vỏ ấy, cũng là một tác phẩm nghệ thuật giản đơn!
Khi viếng chùa Shwedagon tại Yangon, biễu tượng của Myanmar, tôi choáng ngợp vì vẻ đồ sộ của ngôi tháp chính, về sự lộng lẫy của rừng zedi rực rỡ bao quanh; dù biết công trình này xưa cổ; nhưng cái vẻ mới mẻ, do được dát vàng, được bảo quản hàng năm, khiến Shwedagon lúc nào cũng rực rở, dù cho 100 hay 1.000 năm nữa. Với tôi, Shwedagon là 1 kỳ quan, 1 tuyệt phẩm kiến trúc tôn giáo, xứng đáng là biễu tượng của Myanmar.
“Như 1 khối vàng khổng lồ hình chuông úp, vươn thẳng lên bầu trời xanh biên biếc, stupa chùa Shwedagon, ngay từ nơi “cửa ngỏ” bước vào, đã gây ấn tượng mãnh liệt cho những ai lần đầu đặt chân lên đất Miến. Dẫu đã xem nhiều hình ảnh Shwedagon, nhưng “trăm xem hình sao bằng mắt thấy” tại hiện trường, dù là mới nhìn từ xa, chưa trọn vẹn, nhưng cái ánh vàng rực rỡ của cái zedi khổng lồ thì đang lồng lộng giữa trời xanh…”
Một rừng những tháp lớn, nhỏ ngôi thì vàng chóe, ngôi thì trắng toát, với các đỉnh nhọn đăm thẳng lên nền trời cao, tất cả dường như đã góp phần làm tăng thêm cái vĩ đại của 1 công trình kiến trúc độc đáo của nhân loại!
Tiếp theo chúng tôi tới thăm điểm chính tại Yangon, đó là Chùa Shwedagon, nằm trên đỉnh đồi Singutta.
Đồi Singutta cao 58m so với mực nước biển, với diện tích khoảng 56.000m2, là nơi Vua Mon, Okkapala ngự trị, theo truyền thuyết đã có 3 thánh tích của Phật giáo gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái bình nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, khiến cho nơi đây rất thiêng. Về sau, có 2 anh em lái buôn là Tapussa và Bhallika, mang về dâng lên Vua 8 sợi tóc do Đức Phật Thích Ca, đích thân nhổ tặng, Vua liền cho lập đàn cúng tế, 8 sợi tóc được Vua cho rửa sạch sẽ tại giếng nước thiêng và lưu trử tại đây.
Đó là truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại, thánh tích có hay không, chúng tôi thật sự không biết, vì chẳng thấy. Nhưng với người Myanmar, Shwedagon là một trong những chốn thiêng liêng mà tín đồ Phật giáo ao ước phải ít nhất 1 lần trong đời tới viếng!
Từ cửa Nam chùa Shwedagon, theo con đường cùng tên ngay phía trước, chúng tôi được đưa thẳng đến chợ Bogyoke Aung San, mà tên cũ là chợ Scott, cách đó khoảng 2,5km. Nằm trên đường Bogyoke Rd, chợ này là 1 trong rất nhiều công trình kiến trúc thời thuộc địa còn sót lại với tuổi đời gần 100 năm, nhưng đó không phải điều làm cho chợ nổi tiếng, mà vì bởi đây là nơi tập trung mua bán đá quí (đã qua chế tác) hàng đầu của Myanmar.
Cẩm thạch Miến Điện, từ lâu được xem là tốt nhất thế giới, cho nên nếu có dịp đến xứ này, nhiều người thích tìm tới chợ Bogyoke Aung San, để biết thực hư, vì đây là nơi tập trung buôn bán lẻ các loại đá quí. Nhiều người khi vừa đặt chân tới đã bị cuốn hút nên… rờ lại túi tiền để liệu tính mà bảo toàn lộ phí trở về. Và sự thật chẳng ngoa, cả một chợ rộng lớn được dành phần nhiều cho mặt hàng đá quí, sắc màu lấp lánh, khiến mấy chị… ngẫn ngơ. Có những cửa hàng rộng mấy chục m2, nhưng cũng rất nhiều nơi chỉ vài m2 khiêm tốn! Nhưng giá cả thì chẳng chênh lệch nhau, nếu biết …mặt dày trả giá! Có điều đá quí ở đây …chẳng quí chút nào! Và bạn cũng không cần phải đắn đo nhìn lại túi tiền, vì nếu muốn có 1 ít ngọc để về khoe với người thân hay làm quà cho bè bạn, thì chỉ cần 50$ US thôi, cũng đủ. Tôi nói ngọc, có nghĩa đó là ngọc, không phải là đá, nhưng vì rẻ quá nên ai cũng nghi ngờ…để rồi mang bệnh tức khi trở về nhìn thấy đá…Non Nước chỉ là loại đá hoa!
Bây giờ, mời các bạn hãy theo tôi vào chợ.
Như những lần trước, chúng tôi tìm đến cửa hàng Heyday, do 1 ông chủ người Miến gốc Hoa bán, vui tính và uy tín, biết nói chút tiếng Việt và quan trọng là người quen của Sư Hoài, nhờ vậy mua hàng luôn được tặng thêm những món giá trị khác. Xin lưu ý lần nữa, tại chợ này có các loại đá với cấp độ khác nhau, từ rất rẻ đến cao, nhưng không có loại giả.
Biết Sư H. khá rành về mặt hàng này, nên bà xã đã nhờ Sư lựa cho một số. Sư còn bày cái này cho cháu nội, cái này cho con dâu, còn cái này cho con gái cưng nè. Ông M. thì cho mấy cục sỏi ở …ngoài đường, như vậy ai cũng có cả. Hi hi, dù bây giờ là đệ tử của Đức Di Đà, Sư H. vẫn hồn nhiên đùa giỡn như hồi còn đi học, không hổ danh đứng thứ 3 sau ma và quỉ!
Tôi là kẻ “ngoại đạo” chỉ biết nhìn và thấy …sao giống đá Ngũ Hành quá! Nhưng khi lại gần xem kỹ thì đúng là…đẹp thiệt.
Tôi lòng vòng qua mấy cửa hàng bên cạnh để xem Kim Cương, Ruby, Saphia, Topaz chơi. Tôi mê mẩn trước 1 viên ruby đỏ cực đẹp, bằng ngón tay cái, nhưng tiếc rằng nó có 1 vết nứt nhỏ ở phía đáy, người ta nói đá như thế sẽ mang lại điều xui! Tôi trả lại, chẳng ai phiền trách gì!
(Còn tiếp)
|