ĐỜI PHIÊU BẠT (hay ÁO DÀI ƠI)tập 1
Lời nói đầu
Cách nay hơn 100 năm, đại văn hào Hector Malot ( Pháp ) đã cho ra một tác phẩm để đời, đó là Sans Famille ( vô gia đình ). Nói về một thằng bé đi tìm mẹ vì bị người cậu bắt cóc bán cho người khác từ lúc mới lọt lòng, với mục đích chiếm quyền thừa kế .
Ông đã "mượn" sự tìm mẹ của thằng bé để giới thiệu gần như toàn bộ các vùng miền nước Pháp ở đầu thế kỷ 19, lúc mà nền công nghiệp châu Âu đang phát triển mạnh mẽ. Đó là chuyện Vô gia đình theo kiểu Pháp.
Nay, tui cũng sáng tác một truyện ngắn Vô gia đình theo kiểu. ...VN. Đó là câu chuyện của anh chàng tứ cố vô thân tư Lê ,cũng di chuyển gần một nửa chiều dài đất nước vì cuộc đời đưa đẩy. Mặc dù cuộc đời tư Lê đã từng bước ngang qua cuộc chiến khốc liệt, nhưng tác giả chỉ lướt qua phơn phớt (như để gợi nhớ lại ở đất nước mình có một gíai đoạn như thế ) và chỉ chủ ý đi sâu vào cuộc sống khốn khó,biết vươn lên của tư Lê . Đồng thời nói về tình đời, tình người mãi mãi là chuyện muôn đời không bao giờ dứt.
Mời các bạn xem nha.
Và nhân đây cũng xin phép và cảm ơn tác giả các hình ảnh, mục đích để minh họa cho bài viết thêm sinh động, không vì mục đích thương mại. Đa tạ
x x x x
- Ông tư ơi, ông tư có nhà hôn?
Có tiếng gọi của giọng nữ từ trên bờ sông vọng xuống .
- Quái, đứa nào kêu tao sớm quá bây! Ông Tư vén chiếc mùng màu cháo lòng,ló đầu ra khỏi cái mui ghe ,ghếch mắt nhìn hướng lên bờ.
Trong ánh sáng tờ mờ lúc rạng đông, ông Tư thấy dáng dấp của 1 bé gái chừng trên 10 tuổi đang đứng trên bờ. Dáng mảnh khảnh của nó nổi bật,thanh tú trong sương sớm. Hình như trong tay nó đang xách cái gì đó đựng trong bịch xốp ( chú thích : bịch nylon ). Ông Tư hỏi :
- Hồi nảy ( chú thích : vừa rồi ) con kêu ông hả ?
Con bé nói vọng xuống ,líu lo, huyên thuyên :
-Dạ, tuần sau tựu trường rồi. Năm nay con lên lớp 6,trường bắt phải mặc đồng phục áo dài trắng. Má con kêu ghé ông Tư đặt may cho đẹp . Ông Tư làm ơn đo lẹ lẹ để con dìa phụ má đặt lọp ( chú thích : dụng cụ bắt cá )
-Ừ, xuống đây ông đo cho
Con nhỏ này cái miệng "lách chách " mà dễ thương thiệt. Ông tư cười thầm rồi đứng dậy với tay lấy cuộn thước dây để trong hộc máy may. Trên bờ, con bé cũng chân sáo tung tăng chạy xuống chiếc ghe mà ông tư đang neo đậu.
Không biết mừng vì thi đậu vô lớp 6, hay vì được má mua cho xấp vải trắng may áo dài mới để đánh dấu bước trưởng thành của đứa con gái chuẩn bị thành thiếu nữ mà nó tía lia cái miệng.
Không đánh mà khai. Trong lúc ông tư đo kích thước thân thể thì nó kể là nhà ở miệt bảy Ngàn ,ba chết vì bị đau gan do uống rượu. Hiện 2 mẹ con đùm bọc nhau mà sống.
-Má con đi mần mướn giỏi làm đó. Ai kêu gì làm nấy. Cuốc đất làm cỏ, cấy lúa má đều làm được hết. Giờ rãnh má đi đặt lọp bắt cá đỡ tốn tiền chợ. Lâu lâu con cũng đi phụ má đặt lọp, vui lắm.
Nghe con bé vô tư kể về nhân thân của mình bất chợt ông tự chép miệng, nghĩ đi nghĩ lại nhà ai cũng có hoàn cảnh hết. Mà hễ "hoàn cảnh" thì. ...."hoảnh càng " !
-Mà nhà con ở 7 Ngàn có gần chợ hôn. Có gần cái lầu ông Tây ,mà người ta thường kêu là lầu Trắng đó? ..Ông tư hỏi
Con bé ngạc nhiên:
-Dạ nhà con ở gần đó. Ủa, mà sao ông tư biết rành 7 Ngàn vậy.?
Ông tư cười hiền :
-Thì mấy năm trước ông có giăng câu, đặt lọp ở đó.
-Chời! Ông tư giỏi thiệt ta! Hôm nào rãnh ông tư vô 7 Ngàn chơi, con nói má làm đồ nhậu cho ông tư. Nghe xong ỗng tư mắc cười quá. Chỉ cần biết giăng câu, đặt lọp giỏi là con nhỏ tôn mình làm thần tượng rồi. Nhìn vẻ thơ ngây chân chất của nó, bất giác ông nghĩ tới thằng Lai con ông, giờ này không biết ở phương trời nào. ?!
Sau khi làm thao tác của thợ may xong, ông hẹn nó 4 ngày nữa ghé lấy . Con bé bước lên bờ,bóng nó với chiếc xe đạp khuất dần trong tầm mắt của ông tư. Ông quay vào trong, lần về phía "bếp " , bật cái hộp quẹt nhôm( ruột là bông gòn với dầu hôi ) để nhóm lửa pha tách cà phê sáng theo thói quen.
Thật ra "nhà " của ông là chiếc ghe tam bản nhỏ xíu do người quen thương tình chia lại . Nhìn quanh ông cái gì cũng cũ kỹ. Từ chiếc ghe, tấm biển hiệu "Nhà may Tư Lê" , cho tới. ..con người ông đều trông cũ mèm so với thời điểm hiện tại.
Ngồi bên ly cà phê ở đầu mũi ghe, vừa nhâm nhi vừa tận hưởng không khi yên bình nơi sông nước nầy bất chợt ông tư buộc miệng :
-Mau thiệt! Mới đây mà đã 20 năm mình sống nơi nầy .
"Nơi nầy " mà tư Lê nói tới, đó là vùng ngã bảy Phụng Hiệp, nơi tập trung 7 nhánh sông qui tụ về. Nhờ vị trí thuận lợi, "đắc thủy" mà không biết từ bao giờ nó hình thành khu vực chợ tự phát trên sông nước tại đây. Bà con nông dân từ 7 ngã sông mang hàng "tự sản" đem ra đây để. .."tự tiêu" thụ .
Thế rồi quá khứ dần dần trong ký ức tư Lê hiện về như mới ngày hôm qua.
1968. Rời viện mồ côi Quy Nhơn khi tròn 18 tuổi, cái tuổi được coi là "đủ lông đủ cánh" có thể tự lo cho cuộc đời của mình mà không phải nương nhờ sự cưu mang của xã hội nữa. Tư Lê sục sịt chia tay mấy sœur của viện để ra đi . ...lập thân. Hành trang của tư lúc đó là cái nghề may thời thượng học được trong thời gian ở đây . Ở viện mồ côi các sœur luôn tạo điều kiện cho mấy đứa trẻ mồ côi như tư Lê. Đứa nào muốn học văn hoá thì sœur gửi ra các trường phổ thông, còn đứa nào muốn học nghề thì các soeur cũng tạo điều kiện cho đi học nghề. Theo đầu óc non nớt và giản đơn của tư Lê lúc đó thì nghề may là"ngon " ăn nhất vì nhìn quanh đâu đâu cũng thấy người ta mặc áo dài. Nữ sinh mặc áo dài là đương nhiên rồi, ngoài ra các mệ, các o đi một bước ra đường ,kể cả đi bán, đi chợ ,đi lễ nhà thờ,..... đều mặc cái áo dài truyền thống thì lo gì thất nghiệp! Nghĩ thế nên tư quyết tâm học nghề thiệt giỏi để "gầy dựng tương lai".
Thật ra Lê không phải là tên cúng cơm của tư Lê mà đó là cái họ do mấy soeur đặt. Sở dĩ mấy sœur lấy họ Lê là vì họ này khá thông dụng ở VN, còn tư là đặt theo từng đợt làm giấy "khai sanh tập thể" cho đám nhỏ được nhặt từ nơi đem về đây,mấy soeur làm một lượt. Có khi theo số thứ tự: một, hai, ba, bốn, ....Vì vậy tư Lê có tên là Lê văn Tư. Hoặc có khi soeur lấy theo một đoạn câu nào đó : Hoà ,Bình, Thống, Nhất , Hạnh, Phúc, Muôn, Năm, ....thì thằng nhỏ tất nhiên là. ....Lê văn Hoà,Lê văn Bình! Và khi mở tiệm may, để cho ngắn gọn, mọi người dễ nhớ Lê văn Tư trở thành Tư Lê kể từ lúc đó.
Mà không biết ông trời dung rủi thế nào mà tư Lê trôi dạt gần trăm cây số đến xã Tam Quan, thuộc quận Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định. .
Đúng là xứ dừa Tam Quan. Nơi đây không biết cơ man nào là dừa. Trong một lần vừa đi chơi vừa tìm "kế" mần ăn, tư Lê được bà chủ nhà tốt bụng, vừa là chủ quán nước ở góc chợ quê đồng ý cho tư tạm trú và mở tiệm may. Nghe hoàn cảnh của tư, bà chủ nhà sốt sắng :
- Thôi thì cứ ở đây với dì, miễn bây biết làm ăn là tốt rồi.
Vậy là hay hổng bằng hên, từ đó tư trở thành một thành viên của gia đình bà chủ nhà. Bà này chồng chết, đang phải nuôi 2 đứa con, một đứa đang học đại học ở Sài gòn, một đứa đang học lớp đệ nhất ở Quy Nhơn .
Ngày qua ngày, cuộc sống cứ trôi theo dòng thời gian. Nhờ khéo tay, bảng hiệu ngắn gọn TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI ngày càng đông khách.,đã trở thành "hiện tượng " ở vùng đất quê nầy. Thậm chí có người kén thợ may ,từ Quy Nhơn cũng tới đây đặt may .
Một hôm, bà chủ nhà vui vẻ buột miệng :
-tui hỗng có con gái chứ nếu có tui gả cho cậu rồi.
Tư Lê bẽn lẽn :
-con tứ cố vô thân ai mà thèm dì năm ơi.
Vậy mà "một hôm ngọn gió tình yêu đến"
Tư Lê "đứng ngẩng trông vời áo tiểu thư ".
Số là như đồng hồ sinh học, ngày nào trong tiệm may nhìn ra tầm 9 giờ sáng , tư Lê đều trông thấy một cô gái độ chừng đôi tám, nước da trắng bóc quảy gánh dừa đi ngang . Tóc cô gái xõa bờ vai. Nhất là cặp mông nhún nhảy trong chiếc áo dài sờn cũ nhưng trông đẹp lạ kỳ. Tuyệt vời nhất là tay cô đánh đòng xa theo nhịp đi cùng quang gánh coi thiệt ngộ. Hình ảnh đó khiến tư Lê chết mê chết mệt.
"Ừ nhỉ, bỗng dưng mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm gió tình yêu lại
Đứng ngẩng trông vời áo tiểu thư"
Xuân Diệu
Ông bà ta có nói : kim trong bọc có ngày cũng lộ ra, quả đúng vậy. Với sự tinh ý và kinh nghiệm đời, bữa nọ dì năm lên tiếng :
-tui thấy cậu "mê" con Ngọc Hân ở xóm trên rồi phải không ? Muốn thì bữa nào dì làm mai cho.
Tư Lê đỏ mặt ấp úng :
-không có đâu Năm ơi. Con tứ cố vô thân ai mà thèm.
Dì năm vừa "soi " tư Lê vừa nói :
-thì cậu "tứ cố", nó "vô thân" hợp quá còn gì. Ba má nó bị bom đạn chết hết rồi. Nó ở với dì từ nhỏ chuyên bán dừa . Dì của nó là bà ba Nữa ở xóm trên chuyên bán dừa, bỏ mối dừa ai mà hổng biết.
Thế là "Hợp đồng " bất thành văn giữa dì năm Ra,chủ nhà với anh thợ may tư Lê về việc mai mối này xảy ra chớp nháng.
Và với tài ăn nói ngọt như mía lùi của dì năm Ra khiến cô gái mới lớn Ngọc Hân và dì ba Nữa xiêu lòng cái rụp .
Vậy là chẳng mấy chốc cái đám cưới "nổi" nhất xóm của đôi uyên ương trai "tứ cố",gái "vô thân" được tổ chức thiệt "rậm đám" . Bà con trong xóm ai cũng thương hoàn cảnh 2 đứa mồ côi mồ cút mà biết lo mần ăn. Quả là trai tài gái sắc!
Thanh niên, thiếu nữ trong xóm tình nguyện tới dựng rạp, căng bạt . Có nhóm vào mé biền đốn 2 cây đủng đỉnh bự tổ chảng khiêng về. Có nhóm đi "quơ" tóc tiên, dương sĩ, bòng bong ,để trang trí cổng chào. Bởi vậy, tuy đám cưới nhà nghèo ở làng quê nghèo mà rất xôm tụ . Ai cũng nói cặp nầy hổng chừng có phước, "tiền hung hậu kiết",hậu vận sung mãn.
Và sau cái đám cưới quê vui vẻ cả làng đó thì gần một năm sau, một thằng cu tí ra đời trong sự chào đón thân thương của bà con xóm giềng.
Hạnh phúc vỡ òa. Hai vợ chồng mừng vui đặt tên con là Lê tương Lai với mong ước đời của nó tương lai xán lạn chứ không gian khó như cha mẹ nó.
Cũng từ ngày ấy, nơi tiệm may Tư Lê có thêm tiếng còn nít bi bô khiến căn nhà trọ càng thêm vui vẻ. Dì năm chủ nhà tốt bụng thấy nhu cầu tụi nhỏ về chỗ ở nên lên tiếng cho 2 vợ chồng cơi nới thêm diện tích để đủ chỗ sinh hoạt.
Có thể nói thời gian hạnh phúc nhất của tư Lê là lúc ở nhà dì năm Ra tại nơi miền quê hiền hoà nầy.
"Đường vô xóm nhỏ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ "
Cuộc đời những tưởng cứ lặng lờ trôi như dòng sông Kôn hiền hoà chảy qua xứ Bình Định nầy.
Nhưng một hôm ,nửa đêm về sáng, từ xa vọng lại tiếng ầm đùng của đại bác, rồi tiếng máy bay gầm rú xé tan bầu trời. Dì năm thức dậy chong cây đèn đầu, giọng lo lắng:
-chắc đụng độ lớn đây. .
Trời sáng dần, ngồi dưới hầm trú ẩn ,tư Lê ló đầu ra quan sát tình hình. Từ xa phía bên kia biền là cánh rừng nguyên sinh, cách nơi đây chừng 4km, máy bay quần đảo liên tục. Tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ như bắp rang. Đến chiều, tiếng súng ngày nghe càng gần. Bà con xóm trên gồng gánh nhau tản cư. Họ chạy ngang nhà dì năm thông báo : chạy đi chị Năm ơi, đánh nhau dữ lắm. ...
Tư Lê thấy từ bên kia biền , chiếc máy bay vừa chúi xuống cắt bom thì cây dừa lão bị bứng gốc tung lên cao như có một sức mạnh khủng khiếp của cơn bão dữ. Ôi, chiến tranh!
Trận đánh ở xã Tam Quan ngày đó kéo dài gần một tuần. Nhà cửa cháy ngùn ngùn ngụt. Chợ xã vắng teo. Người trong xã mạnh ai tìm chỗ an toàn để trú ẩn hoặc chạy ra Quy Nhơn.
Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, kéo dài gần một tuần rồi mà không có dấu hiệu giảm nhiệt. Một hôm dì năm từ bên nhà bước qua tiệm may của tư Lê, giọng buồn lẫn lo lắng :
-Dì thấy tình hình nầy ngày càng không ổn, dì năm bàn như như vầy, thôi thì hai đứa bây chạy về Sài Gòn mà sống. Dì cho địa chỉ của thằng Mạnh ( con lớn của dì năm, đang học đại học ở Sài gòn ),nó bây giờ là "thổ địa " ở đó, kêu nó giúp tìm chỗ ở. Dì nghĩ tụi bây xuống đó chắc làm ăn khấm khá hơn. Còn dì chắc không đi đâu hết. Quê cha đất tổ, nhà cửa ở đây thì dì sống chết cũng ở đây.
Nghe dì năm nói cũng có lý . Xuất thân từ thằng tứ cố vô thân thì đâu cũng là nhà. Đã từ lâu tư Lê không quan tâm tới chuyện"chính chị, chính em" gì cả và cái gọi là "lòng yêu nước" lại càng xa xỉ . Tư chỉ biết cuộc sống bình lặng, ngày có ăn 3 bữa là đủ. Nơi nào có bom rơi, đạn lạc thì tư cố chạy càng xa càng tốt.
Thế là chiều hôm đó tư Lê gom góp đồ đạc dành dụm bấy lâu nay. vô 2 bao tải lớn cùng vợ con lên chiếc xe đò trực chỉ Sài gòn .
Thằng bé Lai mới hơn một tuổi chẳng biết gì, cứ ngủ suốt trong tay mẹ. Thỉnh thoảng thức dậy ư, e có vẻ vui lắm. Nó đâu biết lòng cha mẹ nó rối bời khi nghĩ tới tương lai mờ mịt phía trước.
Sáng hôm sau, lần theo địa chỉ dì năm Ra cho, tư Lê tìm tới nhà thằng Mạnh.
Mạnh ở chợ vườn chuối thuộc khu bàn cờ. Nhà nó hơi sâu trong hẻm. Căn nhà này dì năm mua cho nó học suốt mấy năm Đại học ,rồi dự định khi em thằng Mạnh đậu đại học cũng lên đây. Anh em ở chung cho tiện. Dì chọn nhà ở sâu trong hẻm thứ nhất là vừa túi tiền, thứ hai là yên tỉnh hơn ở ngoài đường.
Sau 2 ngày ở tạm nhà thằng Mạnh , cả nhà tư Lê lại đùm túm nhau tới căn nhà mới do thằng Mạnh tìm giúp với điều kiện thỏa mãn 2 yêu cầu. Thứ nhất, phải vừa túi tiền, có nghĩa là căn nhà thuộc loại trung bình, không"lộng lẫy " quá, nhưng cũng không tệ quá và phải có đủ tiện nghi tối thiểu như phòng khách phòng ngủ, bếp, phòng ăn và. ....toilet.
Thứ hai là phải ở mặt tiền đường để tiện việc ......mần ăn . Mà mần ăn ở đây là may quần áo.
Căn nhà tọa lạc trên đường Phan đình Phùng(bây giờ là Nguyên đình Chiểu ) , thuộc chợ Vườn chuối, cách tòa đại sứ Campuchia chừng 800m .Đây là căn nhà phố chợ thuộc loại nhà liền kề. Vì liền kề nhau nên không nhà nào có cửa sổ. Để giải quyết sự tù túng ,đa số nhà ở đây đều có gác lửng, và trên gác lửng là .....mái nhà có thêm cái cửa sổ trổ nóc để hưởng chút không khí hiếm hoi thổi vào căn nhà.
Tư Lê nhìn căn nhà lần đầu tiên bước vào, gật gù tỏ vẻ ưng ý :
-thằng Mạnh tìm căn nhà này được đa,chắc mần ăn thuận lợi đây.
Sau gần 3 ngày vợ chồng tư Lê hì hụi chưng dọn, trang trí căn nhà mới. Việc ưu tiên số một là dành hẳn phòng khách cho việc may đồ sắp tới. Nói "phòng khách" cho oai chứ có 12 mét vuông thôi nhưng cũng có thể đặt được 1 cái máy may, 1 cái máy vắt sổ, 1 bộ sa lon để tiếp khách tới đặt may, vậy là ổn.
Trong lúc soạn mớ đồ đạc lĩnh kĩnh, tư Lê lôi ra tấm biển thiếc 100 x 60 cm : TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI.
Nhìn tấm biển mới ngày nào còn ở cách đây gần 700 cây số mà giờ nằm nơi đất Sài gòn này . Quả thật nó giống như cuộc đời trôi nổi của tư Lê. Nhưng sao giờ đây tư thấy nó "quê "thế nào đó. Phải làm lại tấm biển mới thôi, mà phải lớn hơn cái biển cũ cho phù hợp với căn nhà mới chứ !
Chừng 5 ngày sau, thợ quãng cáo mang thang và dụng cụ tới để trưng tấm biển hiệu sau khi được tư Lê thúc hổi làm lẹ cho kịp ngày tốt khai trương.
Tấm biển lần này tư Lê làm "hoành tráng" hơn. Dài 3 m ( bằng chiều ngang căn nhà phố ),chiều đứng 60cm : TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI NAM NỮ. Phía dưới là hàng chữ nhỏ hơn: bảo đãm quý bà quý cô , quý ông hài lòng : lưng ong-tà úp - eo thon .
Trong suy nghĩ của tư Lê, mình mới ra tiệm, người ta chưa biết tiếng thì phải ghi như vậy cho họ chú ý .
Ngày ấy, nếu ai đi ngang chợ Vườn chuối trên đường Phan đình Phùng, cách tòa đại sứ Campuchia (ngã tư Phan đình Phùng -Lê văn Duyệt ,hiện nay là Nguyễn đình Chiểu -CM tháng Tám ) gần 1000m thì thấy 1 tiệm may mới toanh trưng biển hiệu vừa thiệt thà vừa gây sự tò mò ,chú ý cho mọi người.
Quả đúng vậy , có người đi xe qua còn ngoái đầu lại xem cái bảng hiệu dài dòng mà hơi bị lạ đó. Thế là họ tới đặt may một lần thử xem sao. Dần dà tiếng lành đồn xa, người đặt may ưng ý rỉ tai bạn bè, người thân tới tiệm tư Lê ngày càng đông.
Mà thật ra tư Lê có tài thiệt. Cô nào ít xương dư mỡ, tư Lê "nhấn ben" là có eo ngay, còn cô nào it mỡ thừa xương như con khô hố thì qua bàn tay tư Lê make up sẽ thướt tha trong chiếc áo dài truyền thống như Thái hậu Vương vân Nga huyền thoại.
Áo dài nếu đi sâu vào"chiên môn "cũng lắm điều rắc rối. Từ áo dài cổ điển cổ cao 12cm qua áo dài cách tân cổ thấp 2 cm, cho tới không cổ như kiểu áo dài Trần lệ Xuân . Rồi từ áo dài cổ điển nổi tay nơi trên cùi chỏ, chuyển sang nối từ cổ vào. ....nách mấy bà mấy cô ,gọi là áo dài raglan, thịnh hành những năm 70. Rồi từ vạt dài gần chạm gót sang vạt ngắn cũng cởn trên đầu gối. Vạt áo lúc ngang, lúc xéo. ... Thật là rắc rối nhưng qua tay tư Lê đều"trị "được hết, !
Thuở đó, năm 1970 phong trào mặc áo dài vẫn còn thịnh hành ở Sài gòn. Thôi thì từ các nghệ sĩ ,đào cải lương,kịch sĩ , ca sĩ phòng trà,diễn viên điện ảnh, cho tới mấy cô công, tư chức, mấy em học sinh nữ đều tới đặt may ở tiệm tư Lê. Vợ vắt sổ, chồng may, chẳng mấy chốc mà khấm khá .
Có thể nói, khu bàn cờ lúc đó như cái xã hội VN thu nhỏ. Vừa có chiến tranh vừa có hoà bình. Nơi đây quy tụ dân tứ xứ đổ về sinh sống với 1001 lý do. Do chiến tranh ở quê, sợ tên bay đạn lạc, làm nông bán mặt cho đất ,bán lưng cho trời mà không nuôi nổi vợ con và còn một số người. ...trốn nợ, giật hụi cũng chọn nơi đây làm chốn dung thân.
Những ngày đầu ở nơi thành phố lớn nhất miền Nam này, đêm đến tư Lê không tài nào ngủ được. Các nơi khác thì không biết sao chớ cái chợ Vườn chuối này dường như không ngủ. Đầu hôm là các quán nhậu, các món ăn chơi ban đêm mà dân các miền trong nước bày bán như để nhớ lại quê hương gốc gác của mình như: bún bò Huế, mì Quãng, bánh khọt, bánh cống Cần thơ, bún nước lèo Sóc trăng.. .....Giữa khuya thì tiếng nắp khoén ( nắp chai bia, nước ngọt )khua xèng xèng và giọng rao khàn đặc của chú chệt già : -tẩm quất đây,!,,!!!!tiếng rao mời gọi của chú chệt xa dần thì tới giọng rao :- bánh mì nóng hổi mới ra lò đây! !!!!!!!, rồi bánh bao đây, bánh bao nhân thịt, bánh bao chỉ đây! !!!!!,rồi phở tái Nhật Tân đây! !!kèm theo tiếng rao giọng Bắc là tiếng gõ của 2 mảnh tre nghe dòn rụm : lách cách, lắc cắc. ....
Và 3 giờ sáng là bộ mặt chợ thay đổi,chợ đêm bàn giao lại chỗ cho chợ ngày để tiếp tục cuộc sống của người tha hương xa xứ. Dần dà tư Lê cũng quen dần với nhịp sống vội vả, ồn ào nơi phố chợ. Nó đều đặn ngày nào cũng như ngày nấy khiến đồng hồ sinh học của tư Lê dần thích nghi nơi đây.
Lại có những đêm tiếng rượt đuổi rầm rập trong hẻm, tiếng còi tu huýt ré lên giữa đêm khuya đến rợn người. Rồi thỉnh thoảng có tiếng súng vang lên đâu đó. Tư Lê cảm thấy lo lắng bâng quơ. ...
Sống nơi chốn mới được chừng một tuần, một hôm trời vừa sụp tối, tư Lê đang tranh thủ cắt xấp vải cho kịp giao khách thì nghe tiếng động , ngẩng đầu lên chợt thấy một người dáng to lớn đang đứng sừng sững trước mặt. Tư Lê chưa hết ngạc nhiên thì người lạ vui vẻ tự giới thiệu. Anh ta tên hai Nhỏ, ở cách nhà thằng Mạnh 1 căn. Làm nghề bán bánh mì :
-tui nghe thằng Mạnh "quãng cáo"ông quá trời, bữa nay giỗ ông già, mời ông tới nhậu cho vui sẵn dịp làm quen nhau. Tụi mình chòm xóm mà. He he.
Khác với vẻ bậm trợn bên ngoài là con người rặt chất Nam bộ của hai Nhỏ,tên Nhỏ mà không nhỏ :
-thôi dẹp cái đống quần áo của "ông" đi, nhậu 1 bữa chết chóc gì. Bữa nay tui cũng nghỉ bán bánh mì một bữa có sao đâu. He he.
Trước sự quá nhiệt tình của hai Nhỏ, tư Lê đành phải đi theo "người bạn mới " đi vào hẻm sâu để dự đám giỗ và. ...cho biết nhà. .
Vào tới nơi thì đã có sẵn đủ mặt "bá quan văn võ " chừng chục mạng ngồi xếp bằng ở nền nhà xi măng thành vòng tròn, chính giữa là mấy dĩa "mồi"và 1 chai rượu đế chừng 1 lít. Tư Lê đảo mắt quan sát nhanh . Có tên xăm trên cánh tay "xa quê hương nhớ mẹ hiền", có tên xăm trái tim với mũi tên đâm xuyên qua với dòng chữ Hận đời đen bạc. Mặt người nào cũng có vẻ khắc khổ, bậm trợn ,tư Lê thoáng hơi "quợn" ,lại có mặt thằng Mạnh nữa chứ! .Mà chắc nó là thằng trẻ nhất trong đám.
Tổ cha mày ! Vô đất Sài gòn này mầy giao du với cái đám "du thủ du thực", không lo học hành, tao sẽ méc má mầy cho coi. Tư Lê nghĩ bụng.
Nghĩ tư Lê là nhân vật mới toanh, chắc còn ngại ngùng nên hai Nhỏ chủ động giới thiệu với tập thể :
- ông bà ta có nói, tứ hải giai huynh đệ . Bốn biển đều là anh em. Tui xin giới thiệu đây là tư Lê, dân nẫu đó nha. Thằng này gốc Bình Định, cùng xóm với thằng Mạnh đó. Hất hàm về phía "phe cũ "hai Nhỏ tiếp, còn đây là dân tứ xứ tha phương cầu thực làm đủ nghề như là bốc vác, chạy xích lô, 3 gác , vựa trái cây, bán hủ tíu, cháo lòng, bỏ mối hàng,chạy xe ôm, ..... vì hoàn cảnh tập trung về đây kiếm sống. Vì cùng cảnh ngộ nên coi nhau như anh em một nhà. Nay đám giỗ ông già tui, mời các chiến hữu nâng ly. Một, hai, ba, zô!
Vậy là lính cũ, mới bây giờ là chiến hữu hết. Ai nấy nhiệt tình uống và nhiệt tình. ...say. Họ say vì nỗi buồn xa xứ và say cho tình bạn chân chất. ( hết phần 1, mời xem phần 2 )
Lê xuân Sang
|