THIÊU THÂN ĐÊM TRỪ TỊCH
TRUYỆN NGẮN- NGUYỄN THỊ MÂY
Thiên đình rực rỡ, lộng lẫy khác thường. Vẻ huyền ảo biến mất với những dòng sáng rót từ bóng đèn màu lan tỏa, hòa lẫn ánh hào quang của trăng sao tụ hội, giăng giăng đây đó. Cảnh u tịch, uy nghiêm cố hữu chẳng còn. Bóng người di động không ngừng. Tiếng cười khúc khích, tiếng nói thầm thì, tiếng chân bước khẽ, tiếng xiêm y lào xào, chạm nhẹ. Tất cả tạo thành một loại âm thanh trầm trầm, đè nén, gắng gượng trang nghiêm một cách vô ích. Tựa như một đợt sóng ngầm âm ỉ, sôi sục, chờ phút trào dâng, cuồn cuộn.
Hình như cả thiên đường hôm nay chợt thức. Tiên đồng, ngọc nữ đều lẫn khuất đâu đây. Họ dán mắt vào cái sân khấu lộ thiên trên những tảng thạch bàn. Một tấm phông vẽ cảnh núi non chớm chở, có lối mòn quanh co, chạy dài theo sườn núi. Phía trái, một hang đá giả được tạo hình bằng một loại giấy dầu mà cõi trời không có. Một chiếc cầu mây vắt ngang sân khấu, cặp theo là thanh gỗ mỏng. Thoạt nhìn, tưởng như lớp bông trắng cuộn lấy chiếc cầu.
Lão Tự hân hoan đến độ không còn cảm thấy đau nhức, mệt mỏi như mọi ngày. Căn bệnh phổi lâu nay khỏi hẳn . Lão khoan khoái ngữa mặt , rướn cổ hát:
– Coi kìa! Thiên đường uy nghiêm .
Mở hội tưng bừng, chào đón xuân về…
Muôn màu đèn hoa , khoe sắc giữa cõi trời bao la
Phải ta là Từ Thức, lạc bước non bồng thuở trước?
Dâng lên Ngọc Hoàng lời ca tiếng hát, làm quà trần gian.
Thằng Tuấn cười rộ. Nó đang ngồi vắt vẻo trên nhánh cây nạm ngọc, vừa buộc xong sợi dây căng tấm màn nhung đỏ thẳm, Tuấn vẹt nhánh lá ngọc bích, nhô đầu ra, gọi:
– Ông ơi, bữa nay ông hát hay quá!
Lão Tự mỉm cười, vênh mặt, đưa tay vuốt những sợi râu lún phún bạc, kể lể:
– Hồi đó, tao là một danh ca đó nghen!
Tuấn nheo mắt tinh nghịch hỏi:
– Còn bây giờ?
Lão Tự đâm bực. Cái thằng tệ quá! Nó muốn chế giễu mình đây mà. Lão Tự tán tỉnh rụi:
– Bây giờ, tao còn ngon hơn nữa. Thầy của các danh ca đó, được không?
Câu nói sạo thuyết phục được Tuấn ngay, thằng bé nhà quê chơn chất. Điều gì đối với Tuấn mà không hay, không lạ. Thậm chí, cục cà rem mà nó chỉ mới biết vị lành lạnh, ngòn ngọt gần đây thôi khi theo gánh hát rời quê. Đối với Tuấn, sân khấu đã là một thiên đường nhỏ. Ở đó, có đầy đủ những số phận may rủi, ngọt bùi hoặc cay đắng. Bao bí ẩn cuộc đời cứ được tách bạch, phơi bày rồi khép lại khi màn hạ. Mỗi đêm, một quảng đời được tái hiện. Ở đó, tình yêu, tình người được định hình rõ rệt. Ở đó, những người tốt hoặc xấu được đánh giá cụ thể bằng tình cảm người xem đối với đào kép. Khán giả đại diện cho chân lý phán xét mọi điều và khán giả cũng thay cho xã hội mà giáo dục con người bằng cách phê phán nhân vật mà đào kép thể hiện. Tuấn đã từng được chứng kiến cảnh mẹ khóc thút thít khi xem những đoạn đau thương và bà nội chưởi đổng lớn tiếng ở những màn có vai độc ác. Cảm xúc mạnh mẽ ấy đã lôi cuốn Tuấn mãnh liệt. Nó không còn thích công việc đồng áng nữa. Tuấn bỏ nhà trốn theo ông bác ruột là lão Tự để sống cạnh sân khấu, dù nó chưa biết chút gì về đàn ca.
Lão Tự cũng biết vậy nhưng ông không cản mà còn giúp cháu. Tuấn là sự lập lại nỗi đam mê sân khấu của ông thời thơ ấu. Tuấn làm bất cứ việc gì cho gánh hát miễn được ở trong đoàn. Nó được chấp nhận dễ dàng và bận tối mắt tối mũi bởi khối công việc. Đúng là người tìm việc chứ việc đâu tìm người. Tuấn nhào tới với công việc và thằng bé chẳng còn phút nào rảnh rỗi. Ban ngày, Tuấn phụ giúp chị Ba bếp. Ban đêm, Tuấn vừa kéo màn vừa chờ đợi những lớp cần… hậu diễn. Khi vua chúa hay quan trên sân khấu gọi “Quân sĩ đâu?”. Lập tức, Tuấn cùng vợ, chồng, con cái của đào kép hè nhau “Dạ!” rân trời một lượt. Đôi khi còn phải dùng sào, gậy đập xuống sàn diễn nghe cồm cộp để tạo âm thanh cần thiết. Sau này, ông bầu nảy ra sáng kiến dùng máy ghi âm các loại tiếng động để khi cần cho phát ra. Tuấn và nhóm trẻ con nhẹ việc nhưng ai cũng buồn vẩn vơ, cảm thấy thiếu mất một cái gì đó trong cuộc sống.
Lão Tự cũng dạy Tuấn hát được vài điệu. Thằng bé ca bài Nam ai khá vững. Nó làm ông muốn rơi nước mắt. Mới đây, trong lần diễn đầu tiên của Tuấn, nó sắm vai cậu bé lạc loài rất đạt. Chẳng biết tổ đãi hay sao mà nó xuất thần ca mùi rệu. Ai cũng trầm trồ. Lũ trẻ kháo nhau, Tuấn có thể trở thành danh ca. Nhưng bỗng dung thằng bé bể tiếng. Giọng khàn như vịt đực. Ông bầu không cho lên sân khấu nữa mà phân công nó tiếp tục phụ chị Ba bếp nấu nướng. Tuấn vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh, không chút so đo, giận dỗi. Hình như đối với Tuấn, làm việc cũng là một cách giải trí. Tính nó giống hệt ông hồi bé. Ông cũng luôn tìm tới công việc và cảm thấy hạnh phúc với những gì mình làm được.
Nhờ siêng năng mà từ một đứa nhỏ nhà quê, giọng ca bình thường mà Tự dần dần gây được sự chú ý của khán giả. Tự diễn xuất mỗi lúc một tiến bộ. Không bao giờ ca trật nhịp và luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, dù họ lớn hơn Tự.
Lão Tự không sao quên được những ngày ấy. Tự đang cùng chị bếp nhổ lông gà, chuẩn bị nấu cháo khuya cho đào kép ăn khi vản hát thì anh Tám Sung chạy sầm sập xuống bảo Tự:
Mầy lên đóng vai con hương quản Lân chút coi. Không biết thằng Thành nó đi đâu mất biệt. Gần tới màn rồi mà không thấy bản mặt nó đâu. Đồ quỉ mà!
Hoảng vía, Tự run giọng:
– Con mà đóng tuồng gì? Thôi, con sợ lắm!
Tám Sung nổi nóng hét:
– Vậy chứ mầy nhập đoàn làm chi mà không chịu lên sân khấu? Mầy muốn làm cha hả?
. – Làm cha đâu, con làm…bếp gần chết chứ bộ!
Chị Ba bếp cười thành tiếng:
– Thì thôi, mầy lên sân khấu một lần cho biết. Lớp này cũng dễ. Chỉ có đi khập khiễng tơi lui rồi chửi dăm ba câu. Vừa định xông tới ôm con gái thì đã bị Việt Minh xử tội rồi. Có gì khó mà sợ không biết. Đi mau đi, kẻo khán giả quạu, đòi trả vé thì đói cả lũ.
Tám Sung lôi Tự lên phòng hóa trang. Nó được trùm cho cái áo dài the, xỏ them vào đôi giày Tây nữa là xong bộ dạng Việt gian. Trống ngực Tự đập liên hồi như trống chầu hát bội. Mặt đỏ bừng, chân tay lạnh ngắt. Có tiếng thúc giục “Ra đi thằng quỉ!” Tự cũng chưa nhúc nhích. Ông bầu nổi nóng chưởi té tát:
– Tổ cha nó! Mầy chờ tao cõng mầy ra hả thằng quỉ sống!
Tự đành lê từng bước nặng nề ra sân khấu. Bởi lẽ đôi giày lớn hơn bàn chân Tự Nó cứ muốn tuột ra. Còn cái áo mắc toi. Chắc là hồi nảy quýnh quá, không giũ trước khi mặc nên kiến còn trong ấy hay sao mà nó cứ chạy lên chạy xuống, nhột muốn chết. Bỗng dưng nó chui thẳng vô nách Tự cắn một cái đau điếng. Hết chịu nổi. Tự luồn tay vào trong áo bắt con kiến ra, vò nát, ném đi. Khán giả cười rộ. Tự cũng cười, nó phân bua:
-Áo dài để tám nữa chưa giặt kiến bu, cắn đau thấu trời!
Khán giả cười ầm ĩ. Đúng lúc đó, một nhóm nông dân từ trong cánh gà đối diện đi ra. Họ chỉ vào Tự:
-Thằng ôn hoàng con kìa! Coi chừng có chuyện với nó đó.
Tự đã từng thấy cảnh Thành đóng màn này, nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn run giọng:
– Coi …coi …chừng …cái gì …hả? Tránh ra cho…cho…tao…tao đi!
– Mầy đi đâu!
-Tao đi đâu kệ tao, mầy hỏi chi?
Tự lầm lũi đi tới. Nó dùng mông hất hai người ra hai bên, quên chú ý, đôi giày tuột ra nằm lại đàng sau. Tự chạy trở lại, mỗi tay xách một chiếc rồi dông thẳng. Khán giả cười quá chừng. Tự hừng chí, nó liền vòng qua cánh gà bên kia, chờ lúc cô đào đóng vai Thắm vừa ngồi xuống gốc cây, nó xấn xổ tới. Tự giăng hai tay có cầm hai chiếc giày ra trước mặt cô gái. Nó cao giọng:
-A, em Thắm! Hôm nay gặp ở đây rồi. Đường vắng hì hì…Em ơi, đừng hòng thoát khỏi tay anh!
Thắm đứng bật dậy:
-Im đi cái thằng…trơ trẻn! Mầy mà bước tới, tao …sẽ cho biết tay.
Tự vẫn lừ lừ bước ra, nhìn trừng trừng vào mắt cô gái. Thắm hoảng sợ thật sự. Bất ngờ, cô ngồi thụp xuống, chộp lấy cục đá để sẵn, đáng lẽ phải ném trật, cho Tự nhào tới ôm. Đàng này, Thắm liệng một cái vèo, trúng phóc vào mũi Tự. Tự tưởng trời đánh. Tự rống lên “Ui da!”. Máu mũi xịt tùm lum. Đúng lúc ấy, một anh đóng vai Việt Minh chạy tới thét lớn “Cho mầy chết! Tên dâm đảng”. Anh ta bóp cò liên tục mấy cái. Lập tức Tự ngã đánh rầm trên sàn diễn.
Sau màn “lỗ mũi ăn trầu” của Tự, nó nổi tiếng luôn. Tự được bốc từ dưới bếp lên sân khấu thế chỗ Thành. Ban đầu, tập đóng vai phụ. Có lẽ nhờ Tổ nghiệp phù hộ nên Tự dần dần giỏi, trở thành kép chánh. Niềm say mê nghệ thuật đã khiến Tự quên mất tình cảm riêng tư. Anh quên yêu và đến khi ngã bệnh mới hay tuổi trẻ đã rời bỏ Tự lâu rồi. Tự lật đật yêu, vội vàng thương và thất bại trong đời sống vợ chồng. Hai người li dị nhau chóng vánh cũng như lúc họ tìm tới nhau. Từ đó, Tự lại quay về với niềm say mê của mình. Lão yêu sân khấu hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Vì ở đó, giá trị lão được nâng cao. Lão thấy ít ra mình cũng còn làm được một cái gì đó có ích cho mọi người, đem lại vài giờ thư giãn giữa cuộc sống bon chen, tất bật.
Và, lão Tự quý bất kỳ ai cũng yêu sân khấu như lão. Chính vì thế mà lão và Tuấn trở thành đôi bạn vong niên gắn bó, khăng khít khó rời. Tuấn đang chập chững trên con đường mà trước đây ông cũng lần dò từng bước. Lão Tự quý thằng bé như con và truyền lại cho nó tất cả những gì lão biết về cải lương.
Đêm nay, một sự kiện lớn xảy ra trong làng sân khấu. Và cũng là một điều khó tưởng trong đời sống con người. Đoàn hát được rước “lên trời” biểu diễn cho Ngọc Hoàng xem. Một tin động trời động đất! Cả những người dửng dưng với cải lương cũng phải kinh ngạc, chú ý. Đoàn hát của ông bỗng chốc “Nổi cộm như sao chổi” trên bầu trời nghệ thuật.
Lão Tự chẳng biết điềm lành hay dữ. Thiên đường là nơi mà ai chẳng mơ ước được một lần giáp mặt. Nhưng ở đó, có Ngọc Hoàng là chúa tể của muôn loài. Ngài có toàn quyền sinh sát trong tay. Hát hay không nói gì. Lỡ có sai sót, biết đâu Ngọc Hoàng lại chẳng truyền lệnh hóa kiếp cho đào kép. Chẳng biết lúc trở về trần thế họ có còn là con người hay biến thành chim chóc, gà, trâu, cây cỏ…Cứ nhìn vở tuồng Ngưu lang Chức Nữ mà đoàn sẽ diễn cũng đủ thấy rõ điều đó. Tình yêu của Ngưu Lang, Chức Nữ đẹp thế mà Ngọc Hoàng cũng nở chia cắt họ, mỗi người một nơi. Người đầu sông, kẻ cuối sông. Con sông chưa dài và rộng bằng nỗi nhớ của hai kẻ yêu nhau! Dãy Ngân Hà mỗi năm lại chìm trong nước mắt yêu thương và trần thế cũng sụt sùi mưa lệ trắng trời. Lão Tự không sao hiểu nổi vì lẽ gì mà một người chai cứng cảm xúc, chẳng biết yêu thương con người lại là Ngọc Hoàng. Ngài thản nhiên ngắm nhìn niềm vui, nỗi buồn với ánh mắt vô cảm, không chút áy náy trước khổ đau mà con người gánh chịu. Không những thế, Ngọc Hoàng còn thích tạo ra nghịch cảnh. Hình như điều đó khiến ngài thỏa mãn cá tính của bậc chúa tể muôn loài, mới có dịp tỏ rõ uy quyền đối với kẻ dưới tay. Lão Tự chợt thấy ghét Ngọc Hoàng hơn ai hết và ông nhất quyết phải làm cho Ngọc Hoàng tỉnh ngộ.
Buổi diễn rõ ràng thành công. Tiên đồng, ngọc nữ há hốc mồm mỗi lần nghe “vô vọng cổ”. Còn Ngọc Hoàng thỉnh thoảng ngài nhấc roi bạc gõ đánh rầm xuống bệ ngọc thay cho tiếng trống chầu tán thưởng. Đào kép có thích thú nhưng không khỏi giật mình. Và, cứ sau mỗi tiếng “rầm” ấy tiếng vỗ tay nhịp nhàng của thần thánh lại vang lên. Chẳng biết họ cảm thấy hay thật sự hay là chỉ để tỏ lòng trung thành với “thủ trưởng” cả trong lĩnh vực thưởng thức ca cổ, cải lương.
Lão Tự đâm bực. Ông được chọn đóng vai Ngọc Hoàng. Lão Tự ngồi trên chiếc ngai từ sân khấu nhìn ngang qua chỗ Ngọc Hoàng ngự lãm. Ông bỗng nãy ra trò đùa ngộ nghĩnh. Đến màn xử tội Ngưu Lang, Chức nữ. Ngọc Hoàng Tự phán rằng:
-Nầy hai kẻ yêu nhau kia! Hai ngươi đã làm trái đạo lý nhà trời. Lẽ ra ta phải đày mỗi người một nơi, Nhưng tình yêu của hai ngươi khiến ta xúc động. Từ nay, ta cho phép hai ngươi được mãi mãi bên nhau.
“Ngọc Hoàng thật” đứng phắt dậy, thét lớn:
– Cha chả, hay cho tên kép hát. Mi dám cả gan cãi lệnh ta à? Thiên tướng đâu, mau đuổi hắn về trần và biến hắn thành một loại thiêu thân nơi trần thế!
Cơ thể lão Tự bỗng chuyển động, teo tóp bất ngờ. Hai tay biến thành cặp cánh mỏng. Lão Tự thử nhịp đôi cánh và thấy mình bay vút lên không. Lão lao về phía ánh đèn màu sân khấu.
-Ông, ông ơi, tỉnh dậy đi. Ông nói mê gì vậy?
Lão Tự thoát khỏi cơn mơ kỳ hoặc. Một giấc mơ vừa đẹp vừa đáng sợ. Ông đưa mắt ngơ ngác nhìn quanh. Thằng Tuấn đang ngồi bên giường. Nó trố mắt nhìn ông, người bác ruột mà cũng là người bạn vong niên đang lâm trọng bệnh, lo sợ một điều bí ẩn nào đó đang bủa vây ông. Tuấn hỏi:
-Ông mơ thấy gì mà kêu dữ vậy?
Lão Tự đưa tay lau mồ hôi trán, lẩm bẩm:
-Ta tự hào là một loại thiêu thân!
Thằng Tuấn chẳng hiểu gì hết. Nó thương ông lắm. Tuấn chỉ muốn làm ông vui. Nó ba hoa một câu đã học lóm được:
-Ông ơi, chỉ còn vài phút nữa là giao thừa. Khoảnh khắc khởi điểm của mùa xuân. Một năm mới sắp bắt đầu. Ôi, ý xuân tràn trề, tình xuân rạo rực!
Nguyễn Thị Mây