|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Phải chi tôi thích con gái... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
27/5/2018
Phải chi tôi thích con gái... |
- Nguyễn thị Mây -
|
PHẢI CHI TÔI THÍCH CON GÁI…
NGUYỄN THỊ MÂY
Một tay níu tà áo dài phần phật bay trong gió lộng. Một tay kéo nghiêng vành nón lá, cô gái mỉm cười. Nắng chiều bỗng dưng rực rỡ, đỗ ánh vàng óng ả lên những đóa cúc mơn mởn, xinh xinh.
Tôi buột miệng:” Đẹp quá!”. Cô gái quay lại mỉm cười. Dưng không, tôi bối rối, hồi hộp! Chộp lấy cái thùng tưới, tôi chạy về phía cuối vườn, bước xuống thềm giếng đất, để giấu bộ mặt sượng sùng. Tôi mắc cỡ. Thường khi, tôi là một thằng lạnh lùng. Vùng nầy, ai cũng biết tôi dị ứng với …con gái. Tôi không thèm nhòm ngó mấy nàng. Chỗ nào có con gái, tôi lĩnh đi nơi khác. Phải chi trong vùng có một trường dành cho dân húi cua thì tôi sẽ xin chuyển trường ngay lập tức, cho khỏe! Tôi chúa ghét con gái. Hình như thượng đế sinh dân kẹp tóc ra để làm khổ con trai. Nhất là tôi! Người đầu tiên làm khổ tôi là …mẹ tôi. Mẹ rất yêu ba. Yêu dữ dội! yêu mù quáng…! Ngày xưa, mẹ đã phải tranh đấu với bà ngoại, các dì, các cậu để được lấy ba tôi. Bà hăng hái rời xa ngôi nhà cổ, nền cao quá đầu gối để đến với một ngôi nhà lá thấp lè tè, xiêu vẹo. Trong nhà thiếu thốn nhiều thứ nhưng đầy ắp tình yêu. Tôi đã sinh ra trong khoảng thời gian hạnh phúc ấy. Và để mọi người biết được điều đó, mẹ đặt tên cho tôi là Nguyễn văn Tình. Đó là cái khổ thứ nhất. Cũng vì cái tên trời ơi, đất hởi nầy mà tôi trở thành một ngón tay cù vào nách lũ bạn. Mỗi lần cô giáo gọi:”Tình, lên trả bài”. Y như rằng lũ bạn lăn ra cười. Nhất là bọn con gái. Chúng ré lên những tràng âm thanh quái đản :”hi hi, hí hí, hì hì…”liên tục, đến khi cô giáo nhịp thước, ra lệnh:” Im lặng!” Tôi mới được yên. Chúng còn nhẫn tâm thêm mắm, dặm muối vảo trước hoặc sau cái tên cúng cơm của tôi, biến tôi thành “Thất Tình, Tư Tình, Ái Tình, Bỉểu Tình, Phong Tình hoặc là Tình Tang, Tình Cờ, Tình Trường…Thậm chí, có đứa gọi tôi là “Đồng Tình Luyến Ái” Tôi ức lắm nhưng chẳng biết làm sao! Không lẽ đi đánh con gái. Suy đi tính lại chỉ còn một cách lánh xa chúng là thượng sách.
Người thứ hai làm khổ tôi là …em gái tôi. Nó chào đời, tôi bị hạ giá ngay. Mẹ tôi yêu nó còn hơn yêu ba tôi. Bà dành hết thời gian để chăm sóc nó. Vậy mà mẹ còn bắt tôi hầu hạ cô em mít ướt. Suốt ngày nó khóc ư ử. Đói khóc! Buồn ngủ… khóc! Tè ướt tả cũng khóc. Nó làm cho ngôi nhà om sòm, rùm beng, rối tinh lên. Tôi bị sai giặt tả lót, đưa võng, hát ru. Tôi tuôn ra hàng loạt những câu ca dao tuyệt vời. Tôi gào khản cổ năm bảy bài nhạc thiếu nhi mà con bé vẫn “oa oa” mãi. Mẹ còn cằn nhằn:”giọng như ngỗng đực, làm sao em nó chịu nghe. Tôi bực bội vung tay:” Con cóc thèm hát ru nó” Mẹ dịu giọng:” Làm anh phải bao dung, rộng lượng chứ, sửa giọng ngọt ngào đi!” Chưa hết, khi nó biết đi, tôi phải chạy theo nó. Sợ nó tới chỗ ba trồng hoa, ngắt vài nụ. Sợ nó chạy ra bờ ao, trợt chân ngã xuống, chết ngủm. Sợ nó te te vào bếp, làm đỗ nồi canh còn nóng, lột da đầu…Tôi canh nó còn hơn chúa ngục canh tù. Vậy mà nó chẳng biết ơn. Mỗi lần tôi cõng nó đi chơi, nó nắm tóc tôi giật giật, hét tướng lên:”Ngựa, chạy lẹ đi ngựa!”
Hết thời gian chăm trẻ, tôi lại bị cô em làm tình làm tội theo cách khác. Nó thường hãnh diện với cái tên Nguyễn Thị Mỹ Tự. Lũ bạn nó dù moi óc cũng chỉ có thể tìm ra được vài chữ ghép vào cái tên của nó. Nhưng cũng không đến nỗi mắc cỡ như tên tôi. Đại khái như: Trật Tự, Tuyệt Tự, Tự Tử, Tự sát…Điều đáng nói là nó học giỏi hơn tôi. Trong lúc tôi è ạch mãi mới được xếp loại trung bình thì mỗi học kỳ, con bé Tự mang về nhà một chữ:”Giỏi” . Ba tôi thường vuốt râu, nhịp chân, tuyên bố;” Đời ba, còn gì vui sướng hơn!” Quay sang tôi, ba ra lệnh cho mẹ:
- Sao bà không mua óc heo về chưng cách thủy cho nó ăn coi có khá lên chút nào không!
Mẹ tôi thở dài:
- Có chớ sao không. Thôi, để tôi mua óc bò chiên bơ cho nó ăn, may ra…
Nhỏ em tôi thích chúi mũi vào đời tư của tôi. Thừa lúc tôi vắng nhà, nó lục tung tủ sách của tôi, lôi ra mấy quyển tiểu thuyết diễm tình, kiếm hiệp để méc ba mẹ. Tôi lại đựoc dịp nghe ba đánh giá:
- Mầy hư quá rồi! Tiêm nhiễm văn hóa độc hại nặng quá rồi. bảo sao không học dở. Nhà nầy vô phước thật!
Một lần, tôi theo lũ bạn đi hái trộm đào, xui xẻo gặp nhỏ em chết tiệt. Nó liền méc mẹ. Bà…liền tụng cho nghe một bài kinh:”Giáo dục đạo đức” từ sáng đến tối. Tức mình, tôi thề với trời đất:
- Tôi thề sẽ thù con gái cho tới chết!
Mấy ngày gần tết, vườn hoa nhà tôi cứ bị một lũ con gái ung dung vào chụp hình. Chúng thay phiên nhau ỏng ẹo, đứng, ngồi,… nằm bên cạnh những đóa hoa rực rỡ để chụp ảnh. Tôi đỗ quạu, hét :” Chụp, chụp hoài! Lỡ làm gãy nhánh hoa thì sao?
Một con bé tóc ngắn như con trai toét miệng cười:
- Thì tụi em đền cho.
Nghe động, nhỏ Tự từ trong nhà chạy ra:
- Mấy chị khéo khéo nha! Đặng giáp tết ba em đem ra chợ bán.
Một cô gái tóc dài sà tới, nắm bàn tay Tự:
- Em đừng lo, tụi chị cũng yêu hoa như em vậy. Ừ, hay là em ra đây, tụi chị chụp cho vài kiểu.
Trời đất ngó xuống mà coi! Nhỏ em tôi liền hăng hái nhập cuộc. Nó cũng cười nụ, vân vê tà áo bà ba, cũng đứng, ngồi, nằm. Nó làm gãy mất hai nhánh thược dược. Nó còn nháy mắt với tôi;
- Vui quá xá!
Tôi méc ba, ông thản nhiên phán:
- Kệ nó! Ngày thường có ai bén mãn đến đây đâu. Hoa dù đẹp cũng đâu bằng người đẹp.
Tôi muốn méc mẹ nhưng nghĩ lại sợ bà ghen bóng gió rồi người bầm giập cũng là tôi.
Đúng như ba bảo. Khi ba đem những giỏ hoa ra chợ bán sạch. Trong vườn chỉ còn lại vài khóm lài, khóm cúc èo uột, vài luống hồng nhung nở muộn thì chẳng còn ai tới ngắm hoặc chụp ảnh. Ba ngày tết tôi buồn đứt ruột. Ra vào chẳng biết làm gì. Hết bóc một miếng mứt bí, lại hốt một nhúm hột dưa cắn cho đỡ buồn. Kết quả, trên gò má láng lẩy của tôi xuất hiện năm bảy …cái mụn đỏ ửng, nhưng nhức. Nhỏ em được dịp trêu ghẹo:
- Năm mới, anh hai trổ mã con trai rồi.
Cúng tất xong, mẹ bảo hết Tết. Tôi quay lại với công việc bình thường. Vừa quảy cặp thùng định tưới mấy luống cà thì mấy cô gái hôm nọ ghé thăm vườn hoa. Lần nầy, họ mặc áo dài rất đẹp. Sau khi vào nhà chúc Tết ba mẹ tôi, đưa cho nhỏ em mấy tấm hình. Họ túa ra sân chụp thêm vài kiểu nữa . Tôi xót dạ hết sức khi thấy vườn hoa xơ xác, lơ thơ vài vạt hoa nở muộn. Nhưng, tôi chợt nhận ra người đẹp làm gì cũng đẹp. Những cô gái xuân thì như những đóa hoa rực rỡ trong vườn đời. Tôi bỗng thấy mình…ngu thật. Sao lại thù con gái?
- Anh hai , làm gì đứng chôn chân dưới đó vậy? Mắc cỡ hả? Lên đây, em cho xem cái nầy, ngộ lắm.
Giật mình, ngước lên, Mỹ Tự tươi cười, tay chìa mấy tấm ảnh ra phía trước:
- Hình anh nè. Bữa hổm, mấy chỉ chụp lén đó. Đẹp trai quá!
Tôi quăng cặp thùng tưới qua một bên, phóng tới, chộp lấy tấm ảnh. Đúng là tôi. Chúa ơi. Tôi mặc quần tà lõn, đứng dạng chân, hai tay chống hông, mặt nghênh nghênh, môi mím, mắt sáng quắc. Trông như ông kẹ vườn. Thấy phát ghét! Quê ơi là quê! Phải chi tôi mặt quần dài, đừng đưa cặp giò ốm tong, cao nhòng, đen nhẽm ra. Phải chi tôi đứng khép nép một tí! Hai tay buông xuôi hoặc nâng một đóa hoa. Phải chi tôi mỉm cười! Mắt nhìn xa xăm. Phải chi tôi…thích con gái thì mùa xuân nầy sẽ đẹp biết bao.
NGUYỄN THỊ MÂY
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1064038 visitors (3180625 hits) |