24/12/2017
ĐỜI ANH RA SAO NẾU KHÔNG CÓ EM
Trần-Đăng Hồng
Kể từ thưở nhỏ, tôi mang nhiều thứ bệnh ngặt nghèo, tuy không làm chết người ngay, nhưng gây nhiều đau đớn và mất ý nghĩa cuộc sống. Hy vọng rằng với những ai có những chứng bệnh như tôi có thể tự chữa trị để hết bệnh mà không cần uống thuốc, bởi vì thuốc men cũng không hiệu quả mấy.
Trước nhất, chứng tháo dạ của tôi. Hể ăn đồ lạ là bị “Tào Tháo rượt”. Từ thưở nhỏ, cũng như suốt thời gian làm việc ở Cần Thơ, lúc nào tôi cũng mang theo một chai thuốc bột trị đau bụng của cha tôi. Chứng này trở nên trầm trọngtrong thời gian ở Anh, khi không còn thuốc của cha tôi, và do điều kiện ăn uống cẩu thả trong thời gian 5 năm không có vợ chăm sóc. Đến nỗi, tôi không dám ăn rau sống, dưa leo, trái chua, uống sữa tươi, hay thịt có mỡ nhưthịt vịt, cá béo như salmon, ba sa, nhất là món ăn chứa nhiều dầu như thức ăn Tàu, v.v. mà không có một loại thuốc tây nào chữa trị dứt. Đi ăn đám cưới mà đãi ở các nhà hàng Tàu thì tôi đành nhịn đói. Bác sĩ cho thuốc uống dài hạn liên tiếp 4 tuần, hể hết thuốc thì chứng tháo dạ trở lại. Bác sĩ gởi đến bệnh viện để thử phân, nội soi colonoscopy, thì bao tữ cũng như ruột dư ruột già đều tốt. Bác sĩ nói rằng bộ tiêu hóa tôi rất mẫn cảm (allergy) với thức ăn. Vì vậy, vợ tôi kiên trì chữa trị cho tôi bằng cách thay đổi thực phẩm để xem thức ăn nào làm tôi tháo dạ, thức ăn nào không, nghĩa là phải mất một thời gian dài. Vì vậy, trong bữa ăn, tôi có phần ăn riêng với thức ăn thay đổi cộng thêm nhiều gừng hay tiêu, quế, tỏi và chanh (kể cả võ). Sau một thời gian dài, khi chứng tháo dạ chấm dứt, vợ tập bao tử tôi quen dần với sữa tươi và những thực phẩm gây tháo dạ bằng cách cho ăn một ít, rồi từ từ gia tăng lần số lượng. Phải mất rất nhiều năm, tôi mới có lại được bao tữ bình thường, nghĩa là ăn được mọi thức ăn, uống cả nửa lít sữa tươi, không cần uống thuốc mà không sao cả. Tuy vậy, từ mấy chục năm nay vợ không cho tôi ăn đồ dư ngày hôm trước, hay thức ăn hâm được nóng lại, vì tôi rất dễ bị ngô độc thực phẩm.
Một chứng bệnh thứ 2 là tôi bị phong thấp khớp xương (osteoarthritis), xảy ra 2 lần. Lần thứ nhất, cách đây 34 năm (lúc 44 tuổi), vai mặt của tôi đau đớn vô cùng, tay mặt không dơ cao được, nên không thể tự thay quần áo, cọ rữa khi tắm, và không thể lái xe hơn cả tháng trời, tôi phải đi làm bằng xe bus. Ban đêm nhức nhối không thể ngủ được. Bác sĩ cho thuốc giảm đau, hết thuốc thì đau trở lại. Bác sĩ cho chích một loại thuốc steroid vào khớp bả vai, nhưng vẫn không hiệu quả. Chụp hình thấy xương bả vai sưng phù có đóng vôi. Nhờ làm việc trong nhà thương, vợ tôi đến phòng chữa trị người bị phong thấp, quan sát và học tập cách họ chữa trị bằng vật lý trị liệu physiotherapy. Vì vậy vợ tôi chữa trị cho tôi bằng hai cách cùng lúc. Thứ nhất là thay đổi thực phẩm, tránh một số thức ăn chứa nhiều vôi, chọn thức ăn chứa nhiều chất K (potassium) (để cân bằng với calcium). Thứ hai là mỗi ngày vợ tôi chà xát (massage) vai tôi 2 lần, sáng sớm và tối trước khi ngủ, mỗi lần kéo dài từ 35 đến 45 phút. Trong lúc làm massage, thì thỉnh thoảng kéo tay tôi dơ lên cao rồi kéo hạ xuống, nhẹ nhàng. Những tuần đầu, làm cử động này đau kinh khủng, nhưng sau đó giảm đau dần, rồi từ từ quen. Để có giấc ngủ ngon, một bịch nước nóng ấp lên vai. Vợ tôi chữa trị cho tôi đều đặn như vậy trong 6 tháng, thì vai hết hẳn cho tới nay, chụp hình thì không còn vôi nữa.
Cách đây 6 năm, tôi bị osteoarthritis ở cả 2 đầu gối, đi đứng rất đau, đi khập khiễng, nghĩ rằng chắc phải đi xe lăng. Nhờ kinh nghiệm của lần trước, vợ tôi cũng dùng phương pháp chà xát 2 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài cả tiếng đồng hồ, dủi co chân, ôm bình nước nóng, với chế độ ăn uống đặc biệt. Nhờ vậy, sau hơn 6 tháng tôi mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, mỗi khi trở trời, thay đổi áp xuất, đầu gối hơi đau, khó ngủ, giữa đêm khuya vợ phải chà xát hàng giờ để tôi ngủ lại.
Từ hơn năm nay, bác sĩ báo cho tôi biết là máu tôi có độ đường đang tiến tới thời kỳ tiền-tiểu-đường (pre-diabetes) và gởi tôi đi theo học khóa ngăn ngừa bệnh này. Vợ tôi cũng đi theo. Như đã nói trong một số bài trước, vợ cho tôi ăn theo khẩu phần khuyến cáo của bác sĩ, và chỉ sau 3 tháng, độ đường trong máu đã xuống thấp và ổn định trở lại, mà không phải uống thuốc gì.
Từ 6 năm nay, khi vợ tôi bắt đầu nghỉ hưu, vợ chồng chúng tôi càng có nhiều thì giờ sống bên nhau và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi chưa hề xa nhau quá 4 tiếng đồng hồ, đi đâu cũng có cặp, đến nỗi tất cả nhân viên tính tiền (cashier) của một siêu thị lớn biết mặt chúng tôi. Mỗi khi không thấy tôi đi theo các bà tính tiền hỏi “Hôm nay ổng đâu rồi, bộ bịnh hả”. Cũng câu hỏi tương tự khi tôi đi chợ một mình.
Từ ngày mở mắt chào đời, các cháu lúc nào cũng thấy cả hai ông bà ngoại bên cạnh chúng, từ chuyện chăm sóc cho đến việc chở chúng đến trường hay đón về. Mỗi khi chỉ thấy vắng một người, chúng đều hỏi hoặc ông ngoại hoặc bà ngoại đâu rồi. Hay đôi khi một mình tôi lái xe đưa cháu đi học hay đón về, sau khi hỏi bà ngoại đâu, chúng trở nên yên lặng với vẽ buồn vì thiếu một người.
Càng về già, tình nghĩa vợ chồng càng sâu đậm, sức khỏe mỗi ngày mỗi sa sút thêm, nên cần bên nhau nhiều hơn để chăm sóc cho nhau.
Xin mượn lời ca tiếng hát của ca nhạc sĩ Mạnh Quỳnh hát vinh danh “VợTôi” trong Youtube sau đây:
Reading, cuối năm 2017.
Hình 1. Tại khuôn viên Đại Học Reading, cuối năm 1975 – Một thời đau khổ, 35 tuổi.
Hình 2. Giáng sinh 1986 - Chồng 46 tuổi, vợ 38 tuổi
Hình 3. Tại phòng nội trú sinh viên của con gái Mỹ-Anh ở St Thomas Hospital, London năm 1996. Chồng 56 tuổi, Vợ 48 tuổi.
Hình 4. Năm 1998. TS Hồng thuyết trình tại ĐH Nông Lâm Thủ Đức – Chồng 58 tuổi, Vợ 50 tuổi
Hình 5. Giáng sinh 2015. Chồng 75 tuổi, Vợ 67 tuổi
Hình 6. Giáng sinh 2017 - Chồng 78 tuổi ta, vợ 70 tuổi ta.