9/4/2015
Tôi đến thăm cô Nguyệt Yến vào buổi chiều cuối tháng 3. Trời Sài Gòn hiện nay có những trận mưa trái mùa, buổi chiều thường mưa, cơn mưa đến gần như không báo trước và tạnh rất nhanh.
Cách nay rất lâu, anh Trần Kim Chi, một học viên cũ của nông lâm súc Bình Dương có nhắn tin cho tôi, cô Yến bệnh và bệnh rất nặng.
Vào tháng 11 năm rồi, cô Yến còn rất khoẻ, cô còn đi dự họp tại Bình Dương, cô còn ngâm thơ, nghe các bạn nói cô ngâm thơ rất hay.
Tôi có điện thoại cho chị Bùi Thị Lợi, có gì thì đại diện nông lâm súc Bảo Lộc đến thăm, chị Lợi cũng đã đến còn bây giờ tôi mới đến.
Tôi nhớ cái hẻm quẹo vô nhà cô, hơn 20 năm rồi tôi không đến, hẻm vẫn như vậy, tôi không nhớ rõ nhà, bèn dừng lại hỏi thăm, vài người ngồi bên đường biết, họ cho rằng cô bệnh nặng lắm, có lẽ không qua khỏi.
Cô Yến khi về trường Trung học nông lâm súc Bảo Lộc dạy, cô dạy toán cho các lớp đệ nhất cấp, còn chúng tôi cô không dạy, mà toán là thầy Minh, nhưng ở nội trú, chúng tôi thường đến nhà cô chơi, nhà cô ở gần trước nhà thầy Nhuệ. Rồi tôi học xong về Saigon tôi không còn liên lạc với cô và nghe nói cô trở về Bình Dương để dạy, thì lúc đó tôi đã đổi về Gia Định rồi.
Tuy nhiên cứ mỗi năm họp mặt, tôi thường vẫn gặp cô, với dáng người thon thả, mỗi lần đi hơi khòm và lúc nào cũng vậy tiếng nói lớn trong trẻo gây chú ý cho mọi người.
Sau năm 1975, có một lần tôi được mời đi gặp giáo viên chủ nhiệm của con tôi đang học ở trường Trung học Nguyễn Thị Minh Khai ( trường Gia Long cũ ) tôi ngạc nhiên đến bất ngờ, người chủ nhiệm lớp của con tôi là cô Yến.
Cô Yến kể rằng, khi đọc tên con tôi là cô nhận ra ngay nó là con tôi và bà xã tôi.
Tôi hãnh diện nói với mọi người cùng đi họp, cô Yến là cô của chúng tôi và bây giờ là cô của con tôi, cô cảm đông lắm và mọi người đến nhìn cô với những cặp mắt thán phục.
Đứng trước nhà cô, cổng không khóa, một tòa nhà cao đến 3 tầng, các phòng trên đều có máy lạnh. Tôi gọi cô rất lớn, nhưng không có tiếng trả lời, một hồi lâu có một người đàn bà ra mở cổng vào nhà, tôi vào trong căn phòng nhỏ, cô đang nằm thiêm thiếp, mắt nhắm nghiền, hai môi bị lở, không biết vì nóng hay bị va chạm, mắt quần thâm, chân đã bị sưng phù.
Tôi thưa cô, vợ chồng tôi đến thăm, cô mở mắt ra hỏi cô nhớ không, lúc đầu cô không nhớ, nhưng sau cô nói cô đã nhớ, nhớ vợ chồng tôi và nhớ cả thằng con tôi.
Nói rồi, cô nhắm mắt lại, mệt mỏi, tôi ngồi với cô một chút rồi đi ra.
Trong nhà cùng với cô có 2 người đàn ông bị tai biến mạch máu não, nằm bất động, đó là 2 người em của cô.
Người giúp việc cho tôi biết cô đang dạy học thì gục xuống và khi đem vô bệnh viện, người ta phát hiện cô ung thư gan ở giai đoạn cuối, trước đó cô bị cao huyết áp và tiểu đường.
Bệnh viện bảo không thể chữa trị được và cuộc sống của cô được tính bằng từng ngày.
Rời nhà cô, vợ chồng tôi yên lặng, yên lặng suốt đường đi về nhà, tôi nghĩ miên man về cuộc đời. Hôm trước tôi đến thăm thầy Hạnh vừa nằm xuống, và bây giờ đến thăm cô Yến và có lẻ cũng sẽ phải nằm xuống không lâu, cũng sẽ phải đi vào cõi vĩnh hằng.
Tại nhà không một người thân, cô đơn
KS Bùi Châu Dương.