1/5/2016
(Tản văn)
Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi lần đến ngày rằm hoặc mùng một âm lịch, mẹ lại dẫn chị em chúng tôi đi lễ tại một ngôi chùa quen thuộc, và chỉ đi đến chùa đó thôi, dù có rất nhiều chùa khác to lớn, đẹp hơn gấp bội. Chùa này đã in đậm nét trong ký ức tôi đến giờ chưa phai. Chùa thì nhỏ, nhưng khuôn viên lại rộng, chúng tôi thích đến đó để có không gian tha hồ chạy nhảy, chứ nhà mình thì bé tí bằng lỗ mũi làm gì được tung tăng. Thế nhưng khi bước vào bên trong chánh điện, chúng tôi không ai bảo ai nghiêm trang hẳn lại, im bặt như tờ. Không gian ở đây thấm đẫm sự trầm mặc, huyền bí bởi rất nhiều thứ quyện lại: những bức tượng Phật cao lớn uy nghi, tiếng chuông chùa chốc chốc lại vang lên buồn bã, mùi nhang trầm ngan ngát tỏa hương…. khiến chúng tôi như bị sự tĩnh mịch làm cho khiếp vía. Bao giờ đến chùa mẹ cũng bắt chị em tôi ra phía đàng sau trước, để bước vào một gian phòng âm u màu đen xám, với thứ ánh sáng nhờ nhờ nhập nhoạng, chỉ đủ để nhìn thấy….18 tầng địa ngục chạm khắc quanh bốn bức tường. Không hiểu sao, chỉ trong một diện tích nhỏ xíu kia mà người ta có thể khắc họa đủ bấy nhiêu tầng địa ngục với những vạc dầu sôi, những ma quỉ đang cắt lưỡi, xẻo tai, lóc thịt, móc mắt, chặt tay những ai phạm đủ thứ tội trên thế gian: bất hiếu, gian dâm, dối trá, trộm cắp, sát sinh, hoang phí…gì gì nữa mà tôi nhớ không xuể, nhưng tựu trung là làm những việc trái lương tâm, đạo đức. Từ những ngày đi lễ chùa thuở bé ấy, đã hình thành trong tôi một nỗi sợ, sợ địa ngục. Nỗi sợ ấy lớn theo thời gian tôi lớn, dù chưa biết tính xác thực của chuyện có hay không có địa ngục, nhưng nó đã trở thành một niềm tin mãnh liệt, mà mãi tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn ấn tượng. Ơn trời, nhờ biết sợ, nên tôi không dám làm gì bậy bạ cả.
Những lần lên chùa, ngoài cái gian phòng đen ngòm âm u kia ra, một khi đã “thoát” được nó thì những nơi còn lại đều đem đến sự thích thú, hào hứng hẳn. Thích nhất là được “ăn cơm chùa”(nghĩa đen).Những bữa cơm chỉ có rau đậu, tương chao …vậy mà sao thấy ngon quá là ngon, dù ở nhà mẹ tôi làm ngon không kém, nhưng ăn vẫn không thấy ”hảo xực” như “ăn chùa”. Bọn tôi cứ lua hết chén cơm này sang đĩa mì kia đến kềnh cái bụng, mà không bị mẹ hay các ni cô phàn nàn, còn được khích lệ bằng những câu đại loại: ăn nữa đi, ăn nhiều cho mau lớn. Thuở ấy cuộc sống không vội vã, con người cư xử với nhau xởi lởi hơn bây giờ nhiều. Không hề khách sáo, nói ăn thì cứ việc ăn, cho lộc chùa thì cứ việc lấy, mà không sợ bị cho là ham ăn, hỗn uống. Khái niệm “ăn chùa, xài chùa”(ăn thoải mái, xài không mất tiền) từ những bữa cơm chùa ấy xem ra cũng nhẹ nhàng, hiền lành chứ không mỉa mai, độc địa như sự ám chỉ những kẻ chỉ chực lợi dụng lòng tốt, sự mến khách của người khác. Những bữa ăn chay ngày ấy ( dù lên chùa hay ở nhà) chưa hề xuất phát từ đức tin tôn giáo, chỉ đơn giản là thấy mẹ ăn thì chúng tôi ăn theo ( vì thương mẹ, sợ mẹ ăn một mình buồn, thế thôi). Nhưng có một điều, bữa nào ăn chay, mẹ cũng đều nói, chỉ một câu: ăn chay cho tâm tịnh. Tâm tịnh là gì, mãi sau này lớn, tôi mới hiểu.
Giai đoạn đi học xa nhà, phải ở ký túc xá, vì nhà nghèo, nên cha mẹ tôi không kham nổi việc cung cấp tài chính rủng rẻng như người khác, tôi đành phải chọn giải pháp “ăn chay trường”. Gọi là “bị ăn” thì đúng hơn, bởi trong các thứ tiền như tiền ăn, tiền học, tiền sách vở, tiền xe cộ… thì chỉ có khoản tiền ăn là có thể “tinh giản” tới mức bèo nhất mà thôi, còn các thứ tiền khác, làm sao đừng? Cho nên, ăn chay mà tâm chẳng tịnh, vì triền miên bị những cơn đói hành hạ. Bữa nào cũng chỉ có bìa đậu trắng chấm chao, hoặc nước tương, và chút rau muống, cà chua, dưa leo héo mua rẻ ở chợ chiều gần trường là xong một bữa ăn, vừa khô khốc, vừa …tẻ nhạt (vì có biết đổi món bằng cách nào đâu), làm sao tịnh tâm ( lúc này tôi đã hiểu nghĩa của từ này). Chỉ thấy lòng vui vui đôi chút, vì rốt cuộc cũng có lúc được người khác “bắt chước”, nghĩa là khi lũ bạn lục tục chuyển từ ăn mặn sang ăn chay mỗi khi gần đến …kỳ thi. Chúng nó lâm râm khấn vái một cách thành khẩn ”xin trời phật phù hộ cho con đậu kỳ thi này, con xin nguyện ăn chay một tuần ( hay nửa tháng gì đó )”. Tùy hỉ, ăn được nhiêu lâu, hay bấy nhiêu. Đức tin chỉ hình thành khi cần đến đấng vạn năng ra tay cứu giúp. Dẫu sao, những lúc như thế tôi mới thấy sự chay tịnh của mình là “thiện duyên”, còn thì cứ phải cắn răng tự động viên: ăn để sống, chứ không phải sống để ăn!
Ngày ấy, chỉ những người nghèo mới ăn chay chứ có tiền mà phải chay tịnh thì quả là ”ép xác “quá. Không nói đến những người có tâm nguyện ăn chay thật sự, còn ăn chay theo kiểu “cắn răng” thì ”tâm động” vô cùng, vì lúc nào cũng phải tìm cách “vừa học vừa làm” kiếm tiền trang trải việc học. Tiện nhất vẫn là làm gia sư, vừa đúng sở học, vừa được gọi bằng cô giáo với sự kính cẩn. Tôi vô cùng khâm phục những em học sinh, sinh viên, để kiếm thêm, đã không ngại làm những việc lao động tay chân như phụ bán quán, đi phát tờ rơi, chạy xe ôm, tiếp thị sản phẩm….Riêng tôi, cho tới giờ này vẫn chưa dám làm những việc ấy. (còn tiếp)