|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Vợ chồng tôi đi học. . . |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
08/01/2019
- Đỗ văn Lượng - |
|
VỢ CHỒNG TÔI ĐI HỌC THIỀN
(Bút ký Khóa thiền từ ngày 20/12/2018 đến 31/12/2018)
Phần 2
Ngày thứ 3, sau 9 giờ tối về phòng, mọi người đã đi ngủ riêng tôi phải tranh thủ giặt quần áo rồi đi tắm. Khu tắm giặt ở tầng thấp phía dưới, đèn mờ mờ rất âm u, giờ chỉ còn 1 mình tôi. Tắm xong, vừa mở cửa ra là tôi thấy có 1 bóng người thoáng qua, tôi bước ra thì không thấy ai, tôi hơi giật mình và rợn người. Nghĩ là mình bị ma nhát, tôi mau thu xếp đồ và đi về phòng. Cứ nằm suy nghĩ mãi mà không ngủ được, làm sao đây trong khi mình còn ở đây đến 10 ngày nữa, mà không ngủ được thì lại hay đi tiểu đêm, nếu gặp ma thật thì cũng không dám la, có la cũng không ai tiếp, vì như thế là phạm giới. Tôi cứ suy nghĩ mãi chuyện này mình phải tự xử, nếu có ma thì ma này cũng ở trong chùa chỉ có ăn chay trường thôi, như thế là ma hiền, chắc nó chỉ đùa cho vui chứ không hại ai. Nghĩ thế tôi quyết định ngồi dậy, quay trở lại phòng tắm, bật đèn lên xem còn thấy nó không, nếu còn thì mình sẽ làm bạn với nó thì nó mới để yên cho mình sống qua 10 ngày, và rồi tôi chẳng tìm thấy gì. Tắt đèn quay trở lại giường lại nhớ đến bà xã, chết rồi, không biết bả có bị như mình không. Bà xã lại chúa sợ ma, lo và thương cho bà xã quá. Thế là thêm 1 đêm thức tới sáng. Nghe mọi người xung quanh ngáy mà mình thấy thèm được ngáy.
Đến ngày thứ 5. Sau nhiều đêm mất ngủ cứ ngồi dậy là đau đầu, chóng mặt, tôi phải uống thuốc mới ngồi thiền được. Cơn đau nhức của tôi cũng đã đến đỉnh điểm. Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không tiếp tục nổi. May thay bạn hộ thiền chắc là thấy tôi ngồi mà cứ vặn vẹo liên tục, thay đổi đủ 36 tư thế ngồi, nên ngay giờ nghỉ trưa hôm ấy bạn đã mang dầu và dụng cụ tìm đến tận giường tôi. Thế là bạn ấy cho tôi nằm sấp xuống xoa dầu rồi làm 1 số động tác day huyệt, xoa bóp lưng, chỉ ít phút sau tôi đã thấy bớt đau và rất dễ chịu. Cảm ơn hộ thiền Quang, nhờ bạn mà tôi mới hoàn tất được khóa học này.
Ngày thứ 6, mọi chuyện có vẻ đỡ hơn. Cơn đau nhức đã giảm, tôi có thể ngồi yên được lâu hơn. Lén nhìn qua thấy bà xã vẫn đúng giờ, ngồi yên và rất tỉnh táo. Tôi yên tâm hơn. Hóa ra bà xã mình đã hòa nhập tốt, ngồi thiền còn giỏi hơn mình. Có lẽ bà xã có căn tu hơn mình. Thế là đêm đó là đêm đầu tiên tôi ngủ được, ít nghe mọi người ngáy... vì mình mắc ngáy.
Đa số các bạn thiền sinh nam đều còn rất trẻ, U30 đến U50 là rất nhiều, U60 ít và U70 trở lên là rất ít. Tôi là người đứng thứ nhì sau 1 ông bạn lớn hơn tôi 1 tuổi. Nhưng có lẽ tôi lại là 1 thiền sinh cá biệt nhất vì không chịu ngồi yên mà cứ vặn vẹo liên tục, may mà giữa chỗ tôi ngồi với sư cô có 1 cây cột, sư cô thì nhỏ hơn cây cột còn tôi cũng không lớn hơn nên sư cô không phát hiện. Cái không may là trong suốt khóa học 10 ngày mà tôi chỉ nhìn rõ mặt sư cô được 3 lần, 2 lần cô gọi lên kiểm tra và 1 lần ngày cuối khóa trong buổi chia sẻ kinh nghiệm, còn trong phòng thiền thì vì ngồi xa, đèn mờ, mắt già, lại bị cây cột che khuất nên chẳng thấy rõ được mặt cô.
Sư cô tuy nhỏ người nhưng chí lớn, có nhiều sáng tạo, dám nghĩ dám làm với 1 trái tim không biết mỏi. Trong tư thế ngồi thiền, sư cô giảng liên tục, lưu loát, giọng rõ ràng, thanh thoát trong nhiều giờ liền mà vẫn không thấy mệt mỏi. Những bài pháp thoại vào cuối ngày của sư cô rất hay, ý nghĩa thật sâu sắc, nó giúp cho thiền sinh soi rọi lại chính mình, nhận định được những gì mình đã làm và chọn cho mình một hướng đi tích cực. Sau mỗi khóa học chắc chắn sẽ có không ít thiền sinh thay đổi được cuộc sống của mình tốt hơn là nhờ vào những lời vàng ngọc từ trong các bài pháp thoại của sư cô.
Trong phần giảng về quán chiếu từng phần, từng phần trên cơ thể từ trên đỉnh đầu xuống ngón chân và ngược lại đến phần “cá nhân”. Có bạn hỏi tôi, phần cá nhân là phần gì? Tôi giải thích là trong cơ thể học không có phần nào là phần cá nhân cả, nhưng ở đây cô dùng từ “cá nhân” để chỉ cho bộ phận sinh dục thì tôi thấy hoàn toàn chính xác. Vì trên phương diện “chủ quyền biển đảo” thì đây là của riêng tôi, không ai được đụng đến nếu chưa được sự cho phép của tôi.
Tôi có 2 ông bạn già rất dễ thương, chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, ở cách tôi 1 phòng - ông Nghĩa và ông Hiển. Cả 3 chúng tôi đều không ăn chiều, tối sợ tôi đói, 2 ông có khi thì mang cho tôi trái chuối, khi thì vài cái bánh ngọt, ít hạt sen... Có hôm thấy tôi đau lưng, ông Hiển còn mang cả lọ dầu nóng qua cho tôi xoa bóp. Rất cảm ơn 2 ông nhưng không dám nói, chỉ biết chắp tay xá xá vì nếu nói là chúng tôi đã bị phạm giới. Tôi không còn từ nào khác hơn ngoài 2 từ “dễ thương” dành cho 2 ông vì 2 ông đã giúp mình bằng hành động chứ không bằng lời nói (tịnh khẩu mà).
Từ ngày đầu tiên bước chân vào phòng thiền là mọi người đã “á khẩu” - À không, “tịnh khẩu” chứ. Thật ra á khẩu còn đỡ hơn tịnh khẩu, vì á khẩu còn có thể quơ chân múa tay ra dấu và còn có cả nụ cười. Còn tịnh khẩu thì hoàn toàn không. Mọi người đụng mặt nhau, chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt vô cảm, không được đụng chạm, ra dấu và không có cả nụ cười. Tất cả đều như những bóng ma. Một hôm tôi bị mang nhầm dép, không dám hỏi ai, gặp ai cũng nhìn nhìn xuống chân họ, rồi đến kệ để dép nhìn nhìn lựa lựa giống như ông già đi ăn cắp dép... Nhưng may thay có ai đó đã mang đổi lại cho mình.
Rời phòng thiền nhìn mấy ông bạn già, ông nào cũng vừa đấm lưng vừa xoa gối thấy thương cho mấy ông ấy quá và cũng thương cho cả chính mình. Hỡi các ông bạn già dễ thương của tôi ơi, học thiền đã không còn hợp với tuổi già của chúng mình nữa rồi, 10 ngày cũng chưa phải là đủ, vipassana mới chỉ là phần nền thôi, muốn xây xong cái nhà phải còn nhiều tầng, nhiều lớp nữa, liệu sức già tụi mình có đủ leo lên lợp mái nhà đó không?! Thôi thì hãy chấp nhận và làm tốt hơn những gì mình đang có và hãy hạnh phúc với chính nó đi. Tất cả đều là vô thường mà, và vô thường cũng sẽ là vô thường thôi. Hãy động viên và nhường lối cho các bạn trẻ, đường các bạn ấy còn dài, sức còn trẻ. Nếu tất cả các bạn trẻ trên thế giới này đều học thiền thì chắc chắn trái đất này sẽ không còn chiến tranh, bệnh tật và nhân loại sẽ bớt đau khổ hơn.
Đến ngày thứ 10, trong giờ chia sẻ cuối buổi sáng, tất cả thiền sinh tập trung ở phòng ăn của thiền sinh nữ. Khi Ban tổ chức vừa tuyên bố “các bạn được khai khẩu” thì cả hội trường như bầy ong vỡ tổ, gần 200 người ai cũng nói, cả một bầu không khí sôi động hẳn lên và nụ cười đã bắt đầu nở rộ. Lúc này trông mặt mọi người không còn căng thẳng, nhìn ai cũng thấy dễ thương hơn. Các bạn hộ thiền cũng đã trở lại chính mình, trước đây dễ ghét bao nhiêu thì giờ dễ thương bấy nhiêu, cũng vui cười, cởi mở như mọi người. Và hôm nay cũng là lần đầu tiên vợ chồng tôi được “tái hợp”, chúng tôi được chính thức gặp nhau và trò chuyện, không trộm nhìn nhau nữa. Thấy bà xã an toàn, vui vẻ tôi mừng quá nhưng chúng tôi vẫn còn trong giới hạn vì phải đến sáng mai mới chính thức kết thúc khóa học.
Ngày 31/12 là ngày cuối, chúng tôi dậy lúc 3 giờ 30 sáng, vệ sinh cá nhân xong là mang mùng, mền, áo gối, drap trải giường đi giặt, phơi, quét dọn phòng, hành lang, nhà vệ sinh và xung quanh khu vực mình ở. Đúng 5 giờ tập trung vào phòng thiền lần cuối. 6 giờ 30 phút kết thúc khóa thiền. Một số thiền sinh cũ tiếp tụp ở lại vệ sinh phòng thiền, các bạn còn lại ra làm vệ sinh sân xung quanh. Sau đó ăn sáng, nhận đồ ký gửi và thu xếp hành trang. Ngày cuối khóa cũng là ngày cuối của năm 2018. Chung tôi, balô - vali lên xe xuống núi trong tâm trạng thân tâm an lạc và hạnh phúc.
Năm mới xin chúc mọi người mọi điều như ý.
Cần Thơ 02/01/2019
Đỗ Lượng ( NLS-CT)
Mời xem vài hình ảnh:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1064261 visitors (3181006 hits) |