|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Hành trình xuyên Việt P9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
25/10/2015
Hành trình xuyên Việt P9
KS Mong Phước Minh
|
Chào các bạn,
Ngày hôm nay chúng tôi đã đi từ Mèo Vạc đến thị trấn Bảo Lạc, hiện tại đã ổn định chỗ nghĩ, là một ks nằm bên bờ sông Gấm, có cái view thật tuyệt vời! Khiến 2 kẻ bụi đời vội vàng chộp ảnh, không kịp nghĩ ngơi! Nhưng, trước khi nói tiếp chuyện sông Gấm, tôi xin trở lại đoạn Đồng Văn-Mèo Vạc. Đây là đoạn đường ngắn nhất trong lộ trình, chỉ có 21km. Vậy mà thật vất vả và chiếm lấy của chúng tôi một lượng thời gian lớn trong ngày!
Hôm trước đó, nhiều người đã lưu ý chúng tôi về con đường, bởi nó vượt qua đèo Mã Pí Lèng cực kỳ xinh đẹp, nhưng cũng cực kỳ hiểm trở! KN thì đi nhằm lúc mưa gió sương mù nên chẳng thấy gì, nhưng chắc đã cảm nhận cái độ "chênh vênh" giữa lừng trời lạnh...cẳng! Anh Thành thì động viên và chúc vượt Mã Pí Lèng thành công..v..v...con cái thì có vẻ không an tâm...chờ đợi!
Tất cả điều ấy làm tăng thêm "cảm giác" trước lúc khởi hành, dù mạnh miệng hứa với mọi người rằng sẽ cẩn thận tối đa. Tôi kiểm tra "kỷ thuật" con Daehan trước giờ xuất phát thật kỹ. Sau phiên chợ đặc dắc vùng cao, chúng tôi tiếp tục vượt dốc lên đèo. Thú thật với các bạn, ngày hôm qua tôi đã sững sờ trước cảnh quan hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, với những dốc núi cheo leo men theo sườn non, vực thẩm. Tưởng cái đẹp của đất, đá khô cằn chợt thoát xác thành vẻ đẹp vĩ đại đến lạ kỳ, làm ngơ ngẫn chúng tôi! Thì hôm nay, chen lẫn cái không gian trùng điệp của đá đen, sắc nhọn dần dần là những núi đồi xanh thẳm chập chùng nối đất, tiếp mây. Con đèo Mã Pí Lèng hiểm trở lượn vút lên cao, rồi uốn mình xuống thấp, ôm lấy một bên là sườn núi, một bên là thung lũng thăm thẳm dưới sâu. Tôi đã từng qua lại vài lần trên các con đèo ngoạn mục miền Trung, đã từng ngợi khen con đèo Khánh Vĩnh, hay như vừa mới vượt dọc duyên hải với những ngọn đèo nổi tiếng từ lâu. Mỗi nơi đều có cái đẹp riêng của nó, rồi được đẩy đưa qua các phương tiện truyền thông, nên càng "thấy" đẹp hơn. Bây giờ khi vượt Mã Pí Lèng, tôi đã quên mất đi cái cảm giác ghê sợ vì hiểm trở(thật ra, nếu cẩn thận, chẳng có chút nguy hiểm nào, dĩ nhiên thắng xe phải bảo đảm, kỹ thuật đổ đèo cũng nên ...có chút nghề!)mà thay vào đó là nỗi ngạc nhiên tưởng đến vô cùng khi liên tục chứng kiến những đổi thay đẹp lạnh người qua những khúc quanh, những hẻm núi, cùng những vực sâu hun hút...Đang là đá đen đúa đủ dạng hình, chợt bừng lên xanh thắm rừng thiêng sau một khúc quanh! Đang mênh mông một trũng sâu vực thẳm, bỗng sừng sững núi cao ngất trời, như úp chụp xuống ta! Cái xanh thẳm đẹp lạ lùng của các khu rừng nguyên sinh được điểm tô thêm bởi dãy lụa mềm mại của con đèo đang uốn lượn đâu đó bên kia lưng chừng núi! Rồi bổng từ nơi một điểm dừng, chợt bừng lên lộng lẫy một giòng sông, đang hun hút uốn lượn dưới sâu(sông Nho Quế). Cái đẹp từ đây bỗng trở nên hãi hùng trước bao la, trước cao ngất, trước thẳm sâu...của trời xanh, núi biếc, của hẽm vực và của cái nhỏ bé con người! Một chỏm đá cheo leo bên vách núi, nhìn xuống sâu thấy lạnh cả tâm cang, lạnh vì sợ và cũng lạnh vì đẹp đến sững sờ!
Vâng, sau khi vượt hết cung đường này, tôi và bà xã đồng ý đây chính là một kỳ quan của đất nước! Tôi chưa đến Sơn Đòng, qua hình ảnh thì cực kỳ lộng lẫy, nhưng phải hổ trợ bằng ánh sáng nhân tạo mới thấy được cái kỳ quan ẩn dấu dưới hang sâu, còn cảnh đẹp trên cung đường Đồng Văn-Mèo Vạc, nó rực rỡ bên đường và lộng lẫy giữa trời.
Vì vậy dù chỉ có 21km mà chúng tôi phải mất hơn nửa ngày để hoàn tất, đành phải ngủ lại Mèo Vạc để nhớ lại cái cảm giác đẹp đến kinh hoàng của Mã Pí Lèng mà mình mới vượt qua.
(thị trấn Mèo Vạc)
Con đường từ Mèo Vạc về Bảo Lạc, đã được bà xã điều nghiên trươc, khoảng cách chừng 80km, nơi có thể dừng chân để qua đêm, vì tiếp theo không có 1 thị trấn nào gần hơn 30km(để có thể đi tiếp cho đủ 110km).
Việc ngủ lại Mèo Vạc là chính xác, bởi nếu hôm qua đi tiếp 80km đường đèo thì chắc chắn đoạn cuối sẽ rơi vào lúc tối trời. Nên biết rằng đêm trong rừng xuống rất nhanh, chừng 6 giờ là đã tối, hơn nữa bây giờ là mùa Đông, ngày lại ngắn.
Và hôm nay, sau khi hoàn tất cung đường, tôi lại tiếp tục thấy mình bị "gạt": 2 bác cứ đi, đường qua Bảo Lạc bằng phẳng lắm...
He he, đúng là bằng phẳng...từng 100m, rồi ngoặc xuống cánh chỏ hay ngoắc lên...cù loi, liên tục từ khi ra khỏi thị trấn Mèo Vạc cho đến lúc cắm đầu cắm cổ xuống Yên Sơn, rồi lại tức thì bò dốc leo lên cao, ngoằn ngoèo cho đến khi lại cắm đầu xuống núi. Đúng là không có nhiều đèo trên đường này, vì chỉ có 1 đèo duy nhất từ Mèo Vạc đến Bảo Lạc, nhiều lúc con Daehan chúi mũi, tôi phải mõi nhừ đôi tay bóp thắng, 2 đùm trước sau nóng không thua ống pô xe! Phần lớn đoạn đường xe chỉ chạy số 1, số 2! Có lẽ nhờ piston và cylinder đã "mòn ổn định", sau 15 năm sử dụng, nên không bị "bó cứng"?
Con đường như thế mà chạy vào lúc tối trời chắc chắn cực kỳ nguy hiểm, nhất là không may đèn bị đứt bóng!
Thật tình, dù là ban ngày, nhưng đoạn đường này rất ít người và xe. Nhiều đoạn quá vắng, tôi nói với bà xã, may mà đường này không có bọn ác, chúng chỉ cần chận đường rồi lột sạch, nạn nhân chẳng thể kêu ai!
Cho nên ngủ lại Mèo Vạc để hôm nay đi chính là thượng sách.
Ngoài ra, tại sao người ta nhắc nhiều về Đồng Văn, Lũng Cú, nói nhiều về Mã Pí Lèng mà quên mất cung đường Mèo Vạc-Bảo Lâm? Vì theo chúng tôi đây cũng là con đường cực đẹp, nhờ gần như liên tục cặp bờ sông Nho Quế(?), sông nằm sâu hun hút bên dưới, luôn phơi bày cái đẹp hoang dại chốn đại ngàn. Nhờ đi vào ban ngày, lại có nhiều thời gian ngừng nghĩ, chúng tôi thực sự cảm nhận rất sâu sắc về cái đẹp "dại khờ" của chốn hoang vu!
Con sông Nho Quế thượng nguồn chảy xiết, tung trắng bọt giữa giòng nước trong xanh khi đập mạnh vào ghềnh vào đá. Con sông lúc uốn lượn dịu dàng, lúc cong liềm ôm theo thế đất, chảy dọc theo bìa rừng dưới chân núi phía sâu. Có lúc, lòng sông cạn, bày ra bãi cát vàng óng đầy gọi mời tắm mát. Thật không phải dễ gì có được một phối hợp vừa dịu dàng giữa dòng chảy hoang dại
và rừng xanh hoang vắng, cái hoang vắng của đại ngàn và cái hoang dại của giòng nước xiết thượng nguồn đã tạo nên vẻ đẹp lạ kỳ hiếm có, chỉ khi ta chợt dừng nghĩ dọc đường, lặng yên nhìn ngắm từ góc cao, sẽ thấm dần cái hồn hoang đầy quyến rũ!
Có lẽ Hà Giang quá nhiều thứ hấp dẫn, Công viên đá Đồng Văn, mùa hoa tam giác mạch, đèo Mã Pí Lèng hiểm trở, cùng những phiên chợ đầy sắc màu văn hoá...mà quá"chảnh"nên không thèm biết tới cung đường này?
Riêng chúng tôi, thật may mắn được qua đây bằng xe máy, lại đi "túc tăc" để được an toàn, mà có dịp "thấy" được cái đẹp có hồn của hoang dã rừng thiêng! Hãy thưởng thức cái tuyệt vời theo cái cách "hết mình" như thế, bạn sẽ có phát hiện tuyệt vời về vẻ đẹp còn dấu kín của Hà Giang!
Sáng mai, tôi quyết sẽ "thấy" thêm điều gì đó trên con sông Gầm, truóc khi rời thị trấn. Chắc chắn phải có.
(sông Nho Quế)
Hôm nay, 20/10/2015 chúng tôi tiếp tục rong ruỗi qua tp Cao Bằng, cách 130km. Đoạn đường không quá dài nên chẳng phải vội, chúng tôi bước xuống bờ sông Gầm, định...đi bộ qua bờ bên kia vì chỗ này rất cạn, toàn đá cuội, nhưng vừa xắn quần lội được 1 đoạn thì thấy xác 1 chú cẩu chổng cẳng lên trời nên đành quay lại, đổi hướng qua sông Neo, là 1 chi lưu của sông Gầm, đây là điểm cuối của nó ngay sau khi chảy ngang thị trấn Bảo Lạc. Chúng tôi chụp thêm vài tấm ảnh với lòng sông cạn đầy sỏi đá rồi lên chợ ăn sáng trước lúc khởi hành.
Sau khi vượt qua các cung đường ấn tượng trên vùng đất Hà Giang, nhất là khi đã chứng kiến cái đẹp hoành tráng của con đèo khét tiếng Mã Pí Lèng, chúng tôi nghĩ sẽ không còn gì hấp dẫn trên đoạn đường còn lại, nên chỉ muốn đến Cao Bằng để từ đó tìm lên Bản Giốc, muốn một lần trong đời nhìn thấy được "phần còn lại" của con thác đẹp nhất nước Nam ta.
Nhưng rồi khi vừa rời thị trấn, con đường về Cao Bằng lại tiếp tục chạy cặp một giòng sông, lần này chính là con sông Neo, với những cảnh quan còn tuyệt vời hơn hôm trước(khi đường 43 cặp sông Nho Quế). Vẫn những hoang vu của đại ngàn, mà giờ đây chỉ toàn rừng già xanh lá, giòng sông Neo thượng nguồn hẹp té nhưng chảy xiết, khiến cái yếu ớt của nước sôi sục hẳn lên vì phải vượt mình qua sỏi đá giữa lòng sông.
Con sông trở nên dữ dội hơn mỗi khi vòng qua các khúc uốn, khiến dãy lụa mềm sinh động hẳn dưới sâu!
Vì cái đẹp không thể dùng 1 loại "đại lượng" nào để cân đo, đong đếm, nên không thể nào đánh giá chính xác cung đường nào đẹp hơn, tôi đành phải "tham lam" tiếp tục ngợi ca con đường mới hôm nay. Thôi thì cứ xem như mỗi nơi đẹp một vẻ, cung Hà Giang nổi bậc bởi "đá khô khan", còn đường về Cao Bằng thì là rừng xanh hoang dại. Đèo ở bên này không dữ dội với cua gắt bên vực thẳm cheo leo, mà lại dịu dàng vờn quanh sườn núi với cây xanh rừng thẳm. Vẫn những dốc ngược rì rì bò vút lên cao, rồi ào ào quay xuống núi; nhưng lần này, không vực sâu cặp sát vào con dốc, đoạn đường đèo lại mềm mại đổ xuống những cua lơi, nên độ nguy hiểm cũng không bằng, nhờ vậy, tôi vừa lái xe vừa có thể thưởng thức cái dịu dàng của vẻ đẹp cảnh quan trên đường này. Đó là những lộng lẫy sắc màu của những ruộng bậc thang. Ô hay, sao tôi bổng dưng bất ngờ đến thế, khi nhìn thấy những ruộng lúa vàng tươi, điểm tô cho rừng xanh thêm rực rỡ. Tôi bất ngờ với cái óng ả vàng mơ của những bậc thang nương lúa, vẻ nên những đường nét nghệ thuật mà các nghệ sĩ tạo hình cũng phải ghen tị khi qua đây! Các tông màu vàng đậm nhạt xen lẫn những vệt cỏ xanh phân cách, những bóng đổ ánh sáng làm nên các bức hoạ lộng lẫy giữa đồi núi, rừng xanh. Vùng này không nổi tiếng về ruộng bậc thang như Sapa, nhưng vẫn có những mảng màu làm say đắm kẻ lang thang từ Nam ra Bắc. Tôi đã tới Sapa, nhưng chỉ thấy ruộng bậc thang từ trong xe và rất xa bên kia đồi núi; còn bây giờ, ruộng nằm sát bên đường, ruộng rực vàng trước mặt và ruộng được tôi chiêm ngưỡng, chụp ảnh khi phát hiện những đường nét lãng mạn quyến rũ đến bất ngờ. Tôi nghĩ có lẽ người sơn cước đã cố ý "gọt giũa" các mảnh đất một cách rất nghệ thuật, suốt bao đời canh tác, nên mới có được những tác phẩm làm rung động khách qua đường hôm nay!
Ngoài những ruộng bậc thang, con đường đã dẫn chúng tôi băng ngang một vùng rừng núi điệp trùng, con đường đã đưa chúng tôi đến những rừng tre kỳ lạ, không um tùm rậm rạp mà thẳng đứng một cách uyển chuyển, đều tăm tắp một cách đầy đặn đủ thưa, để chúng ta phải giật mình khen đẹp, giống y bối cảnh rừng tre trong "Thập diện mai phục" làm nên tên tuổi Chương Tử Di!
Và cuối cùng, con đường sau khi rời thị trấn Tĩnh Túc, đã đưa chúng tôi xuống vùng trung du Cao Bằng, uốn lượng mềm mại qua các miền quê sơn cước êm đềm đẹp đẻ. Một con đường thật đẹp, đáng được nằm trong top những con đường đẹp nhất Việt Nam.
Con đường cứ như thế, đưa chúng tôi đến thành phố Cao Bằng lúc 15h30, chấm dứt đoạn đường 130km trong ngày thứ 30 của cuộc hành trình.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061888 visitors (3174809 hits) |