3/4/2016
Rời chùa Vàng, Zaw Minn không theo đường Shwedagon Pagoda ngay phía trước cửa Nam để xuống khu phố cổ, mà tiếp tục đường U Htaung Bo, rồi Kan Yeik Tha trước khi rẻ phải qua đường Pasodan. Đường này chia làm 2 đoạn: Upper Pasodan và Pasodan :
-Upper Pasodan kéo dài từ đường Kan Yeik Tha trên bờ hồ KandawGyi tới đường Bo Minn Yaung để lên cầu vượt ngang qua nhà ga đường sắt trung tâm Yangon(Yangon Central Railway).
-Pasodan là đoạn từ khu vực Yangon Central Railway đến bờ sông Yangon.
Tôi sinh ra ở Sài gòn, nhưng từ thơ ấu đến trưởng thành thì sống ở miền Tây Nam bộ. Đất Cửu long ruộng đồng, sông nước, không có điều kiện cũng như không cần thiết để xây dựng đường sắt trong hệ thống giao thông. Cho nên, tôi không có cơ hội nôn nao chờ chuyến tàu sớm mai để trở về quê nhà sau những tháng ngày xa cách, hay bâng khuâng tại các sân ga trong sương chiều để đón chuyến tàu hoàng hôn đưa mình đến xứ xa. Nhưng vốn dĩ đã mang tính phiêu lưu từ nhỏ, hay vì thừa hưởng cái gen phiêu bồng của người cha thủy thủ tàu củi năm xưa, nên tôi luôn mê thích rong chơi lang bạt chốn giang hồ. Và hình tượng sân ga vắng buổi chiều tà hay con đường sắt song song chạy suốt về cuối nẻo mù sương, tăm tắp phía xa, đã từ lâu hiện diện trong tôi một cách lãng mạn đáng yêu. Cả tiếng còi tàu từng hồi rút lên, luôn làm tôi bâng khuâng mỗi khi nghĩ đến, cùng với nó là tiếng xìn xịt đều đều lúc chậm khi nhanh đã gây cho tôi cái cảm giác phiêu bồng từ lâu lắm trong cuộc đời!
Thật ra, cũng đã một lần, lâu lắm rồi, hình như năm 1973, tôi và “người quen hồi nhỏ” đã đáp chuyến tàu Sài gòn-Long Khánh để hưởng cái cảm giác đi-xe-lữa-một-lần-cho-biết! Và có lẽ đó là chuyến đi khởi đầu cho những hành trình “đơn-độc-2-người”sau này? Đó là lần thứ nhất.
Năm 2013, trên hành trình rong chơi từ quê nhà qua Myanmar, khi đến cầu sông Kwai, chúng tôi đã mua vé tham gia chuyến tàu thần chết “The Death Railway”. Minibus thả chúng tôi xuống 1 ga xép bìa rừng thuộc Bản Kao, Kanchanaburi, Thái lan, đó là lần thứ 2 trong đời, chúng tôi được hưởng cái cảm giác đợi chờ chuyến tàu đến nơi một miền quê xa lạ, tuy không lãng mạn như các chuyến tàu trong văn chương, thơ, nhạc… nhưng cũng là trãi nghiệm cả đời tôi không quên. Khi đó, tôi đã có dịp đợi chờ trên sân ga, một sân ga nhỏ giữa hoang vu rừng thưa vắng lặng, nếu không có mười mấy du khách đồng hành, thì cái cảm giác giang hồ lãng tử chắc phải làm tôi ngây ngất.
Túi hành trang và con đường sắt chạy về từ nơi vô định, chất “giang hồ” bổng khiến tôi nhớ đến nhà thơ vắn số Phạm Hữu Quang…
“...Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!”
Tôi đã “vòng vo” về những chuyến tàu và các sân ga, cũng chỉ để mở đầu cho một trong những công trình kiến trúc “thuộc địa” tại Yangon, khi tình cờ tiếp cận “The Yangon Central Railway” trước khi đến với khu vực chính nơi cuối đường Pasodan.
Yangon Central Railway là loại công trình không có tuổi đời hàng nghìn năm như các đền đài, lăng tẩm…nhưng vẫn mang giá trị cổ kính vì nó luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế, văn hóa một thời của một thành phố hay đô thị nằm trên giao lộ lưu thông. Hỏa xa chính là một trong những biễu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp, khởi đầu từ nước Anh vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 18. Việc sử dụng than đá làm năng lượng cung cấp cho những cổ máy hơi nước xuất hiện vào thời kỳ này đã thật sự là một cuộc cách mạng trong sản xuất, làm bùng nổ giao thương, kéo theo là sự lan tỏa tự nhiên của văn hóa, chính trị…trên toàn thế giới.
Với tôi, nhà ga xe lữa với những băng ghế lạnh lùng hay những mái đón sắt uốn đen đúa một cách lãng mạn luôn làm nên những bâng khuâng bất ngờ, khiến nó trở thành nỗi nhớ cho những chuyến đi xa, cho dù nó là ở đâu đi nữa!
Yangon Central Railway là nhà ga lớn nhất, nằm trong hệ thống 5000km đường sắt của Miến Điện, được người Anh xây dựng vào năm 1877 theo kiễu thời Victoria. Bị phá hủy vào năm 1943, rồi sau đó được khôi phục theo bản thiết kế của kỹ sư Hla Thwin trên cơ sở kiến trúc truyền thống Miến Điện với những tầng mái đặc trưng được gọi là pyatthat. Bản thiết kế mới được phê chuẩn vào ngày 7-5-1946, công trình được bắt đầu thi công vào tháng Giêng năm 1947 và hoàn thành vào tháng Năm, 1954.
Được biết chính quyền Myanmar sẽ xây dựng một ga mới ở khu đô thị vệ tinh là Đông Dagon, cách trung tâm Yangon 32km. Yangon Central Railway trở thành nhà ga chính của tuyến đường sắt vòng quanh Yangon(Yangon Circular Railway), nhằm phục vụ du lịch.
Thông tin này giúp cho các bạn nào có dịp đến Myanmar, nên mua vé để tham gia một chuyến vòng quanh Yangon(độ dài 45,9km, qua 39 ga phụ), chắc chắn nhiều thú vị. Lần này tôi không có thời gian nên hẹn lần sau cho đủ…2 người!
Sau đây là vài hình ảnh tôi mạn phép mượn từ internet.
Thật vậy, nhiều người trong chúng ta thường nghe nói rằng nếu đi Myanmar mà không viếng Shwedagon, thì xem như chưa tới Myanmar. Nói thế chỉ để nâng tầm quan trọng của di sản, vốn là biểu tượng của Myanmar, một cách…không cần thiết, bởi lẽ, ngôi chùa đồ sộ này nằm ngay trung tâm của thành phố cửa ngỏ Miến Điện, thì làm sao thiếu sót trong dự kiến tới thăm của mọi du khách đến từ muôn phương. Ngay cả với người Miến, hành hương đến Shwedagon ít nhất 1 lần trong đời cũng là ước nguyện! Cho nên khi chuẩn bị đi Miến Điện, người ta luôn nghĩ phải tới được ngôi chùa Vàng nổi tiếng này.
Nằm trên đỉnh đồi Singuttara, chùa Shwedagon là báu vật của đất nước Miến Điện. Hơn 1.000 quả chuông bằng vàng trong khuôn viên, 5 tấn vàng lá bao phủ toàn thân tháp chính cao 98m. Riêng phần 10m ở đỉnh tháp được làm bằng 7 vòng đai vàng ròng, tạo thành chiếc lộng cực đẹp quí báu! Ngoài ra còn bao nhiêu tượng Phật bằng vàng hoặc phủ vàng được thờ trong gần 1000 ngôi tháp nhỏ bao quanh tháp chính. Vàng, vàng, vàng! Vàng cả một khu vực linh thiêng bậc nhất Miến Điện, một chốn rực rỡ giữa trời xanh mây trắng, trong không khí trầm mặc, uy nghiêm!
Chưa hết, 5448 viên kim cương, 2317 viên ngọc thạch, nhất là viên kim cương nặng 76 karat làm cho đỉnh tháp chùa Shwedagon trở thành một Vương miện khổng lồ, quí giá nhất nơi chốn trần gian này! Nhưng, quan trọng hơn nữa, đây là nơi lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo là: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.
Do đã từng được Zaw Minn hướng dẫn vào thăm năm 2013, nên bây giờ tôi chỉ nhờ anh “could you please drop me off at Shwedagon for a moment” để chụp vài tấm ảnh sửa chùa mà tôi vừa post. Tuy nhiên, thật thiếu sót nếu tôi không dành cho ngôi chùa vàng nổi tiếng thế giới này một phần trong bài hồi ký “Trở lại Kalaw” này, vì như thế, cũng như tôi …chưa tới Myanmar! Nên …xin mời các bạn cùng tôi …trở lại Shwedagon Pagoda.
“Như 1 khối vàng khổng lồ hình chuông úp, vươn thẳng lên bầu trời xanh biên biếc, stupa chùa Shwedagon, ngay từ nơi “cửa ngỏ” bước vào, đã gây ấn tượng mãnh liệt cho những ai lần đầu đặt chân lên đất Miến. Dẫu đã xem nhiều hình ảnh Shwedagon, nhưng “trăm xem hình sao bằng mắt thấy vật” tại hiện trường, dù là nhìn từ đường dẫn, chưa trọn vẹn, nhưng cái ánh vàng rực rỡ kia vẫn chói chang, lộng lẫy phía trời xa…
Để lên đến sân chùa Shwedagon, nơi có ngôi tháp vàng nổi tiếng nằm trên đỉnh đồi, du khách phải dùng thang máy sau khi mua vé vào cửa, giày, dép, dao kéo, vũ khí…đều phải được gửi lại.
Nhìn dãy hành lang dài với thảm xanh dịu mát của đường dẫn vào khu tháp chính, như bên kia, mái ngói cũng cùng màu, tôi nghĩ, có lẽ người ta muốn làm dịu đi cái rực rỡ, nóng bức của khối vàng hực hở bên trong, hay cũng có thể để làm tăng cái nghiêm trang bề thế của các công trình đồ sộ nơi đất Phật, không phải để thị uy, mà là để tạo sự tôn kính nơi bá tánh trước chốn rừng thiền? Thật ra đây chỉ là suy luận chủ quan của tôi thôi, chẳng có giá trị gì cả!
Thích
Yêu thích
Haha
Wow