7/8/2016
Trở lại Kalaw (tt)5
Theo kế hoạch, nếu trời không mưa, chiều nay Sư Hoài sẽ đưa tôi đi xem Lễ hội Khí cầu Taunggyi. Như vậy tôi có thể sử dụng buổi sáng “trống trải” này cho riêng mình, đó là hỏi mượn chiếc xe gắn máy của Chùa, để lại rong chơi chợ Kalaw.
Với nhiều người, khi đã du lịch 1 lần đến đâu đó, thì coi như mình đã biết rồi, không cần phải đến lần thứ 2, hoặc nếu có trở lại thì cũng phải chậm thêm 1 thời gian nhất định. Còn tôi thì khác, mỗi ngày là một ngày mới và mỗi nơi đều có cái mới mỗi ngày! Với những nơi chốn mà mình lỡ có một lần bị ấn tượng vì cảnh quan quá đẹp, vì 1 lần đầu gắn liền kỹ niệm hay một rung động thoáng qua…trong lúc bất-chợt-gây-hiệu-ứng-nhớ-đời, thì nơi đó luôn là chỗ tôi hay tìm đến nếu có dịp, dù chốn ấy đã rất quen thuộc từ lâu, dù có khi nó đã mất rồi những nét xưa, dáng cũ đã làm tôi ấn tượng!
Ví dụ Đà Lạt của tôi vào lần du sát đầu tiên cùng các bạn đồng môn Khóa 1 Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần thơ, luôn nằm trong tâm khảm, bởi cái lạnh tuyệt vời trong cảnh quan thơ mộng thuở hoang sơ của đập Suối vàng Ankroet, cùng rất nhiều những thứ khác ở thành phố hoa đào năm 1971! Nó đã khiến tôi bồi hồi như gặp lại người quen khi hướng dẫn các bạn Khóa 3(Kim Nguyệt, Dương Minh, Lâm Lến, Trần Binh…) trở lại “Thành phố buồn” năm 1973. Đà Lạt không cũ, Đà Lạt không quen thuộc đến nhàm chán, với tôi, nó luôn tuyệt vời mỗi lần quay trở lại, dù để chỉ được nghe đâu đó cái lành lạnh thoáng qua, để thấy được đâu đó cái chiều bâng khuâng bay khói thuốc khi dựa lưng vào gốc thông già! Dù bây giờ thành phố Đà Lạt đã làm tôi luyến tiếc vì chẳng còn tìm thấy nhiều bóng thông bên bờ Xuân Hương thơ mộng, không nhìn được cảnh 1 đoàn phụ nữ người Lạch lưng địu, tay dắt con băng ngang thảm cỏ đồi cù trong làn sương mờ sáng sớm. Nhưng biết sao được, thay đổi là thuộc tính của cái cỏi đời trần tục này, nên tôi vẫn luôn mong ngày trở lại nơi đây để tìm đâu đó chút “hương xưa” ngày cũ!
Ví dụ Hội An, thị xã hiền hòa mà lần đầu khi tôi ghé đến vào năm 2004, với con lạch nhỏ nghèo nàn phía dưới dạ Chùa Cầu, khô khan ít nước, dẫn ra nhánh sông Hoài bé tẹo, có chiếc cầu gỗ đơn sơ vượt qua bên kia xóm nhỏ, thật bình yên, thật xưa cũ như gánh chè thưng của chị bán rong vừa dừng bước bên ngoài chiếc quán cóc nơi góc đường phố cổ. Chiếc quán cà phê bình dân rất… “cũ kiễu Hội An” với mấy chiếc ghế cóc, bàn cây, đã làm tôi mê mệt như con hẽm nhỏ êm đềm loang chút nắng trên tường cũ rêu phong…dẫn tôi đi vào cái thời người “khách trú” hiền lành kĩu kịch quang gánh, lắc chiếc trống con đi nhuộm quần áo dạo xa xưa! Nó khiến tôi từ đó thầm nghĩ phải ghé lại Hội An nếu có dịp đi ngang! Bây giờ nơi đó là góc đường Bạch Đằng-Nguyễn Thái Học, vẫn còn cà phê ghế cóc, nhưng đoạn Bạch Đằng dẫn đến Cầu Nhật Bản(Chùa Cầu, Lai Viễn Kiều) đã được kè thêm và làm “mới”khiến tôi buồn một chút khi nhìn thấy lại, cầu An Hội bê tông thay thế chiếc cầu cây cũ kỹ, nay rực rỡ muôn màu mỗi lúc đêm về! Vẫn còn đó những gánh hàng rong vất vả mưu sinh trên hè phố, cùng những chiếc xích lô mới hơn, nhưng kiếp người lao động chắc chưa hết nhọc nhằn! Nghich lý thay, những hình ảnh đó đã góp phần tạo nên thương hiệu “Phố Cổ”, điểm thêm gam màu buồn trên bức tranh toàn cảnh Hội An. Để rồi mỗi lần đi ngang tôi không quên ghé lại!
Tôi xin phép hơi dài dòng về chuyện cũ ở Việt Nam để các bạn thấy rằng việc loanh quanh trở lại chợ Kalaw sáng nay cũng là một thú vị của tôi, tiếp tục ghi lại những hình ảnh đời thường nơi thị trấn nhỏ bé này biết đâu cũng là những khoảnh khắc quí giá mà mai đây có thể không còn thấy lại vì các cơn lốc đổi thay do sự phát triển của qui luật cuộc đời! Còn riêng với các bạn, tôi chỉ muốn nhắc điều này: nên sớm có kế hoạch viếng thăm Myanmar, để còn kịp chứng kiến những nét đẹp nguyên sơ, chân chất… kẻo rồi đây nhiều thứ sẽ mất đi theo qui luật phát triển đời thường! Chẳng hạn như những gì tôi thấy trong buổi sáng hôm nay, biết có còn tồn tại trong vài năm sắp tới nơi ngã 3 du lịch sôi động này.
Hôm qua, như đã kể, là ngày họp chợ phiên theo chu kỳ 5 ngày, 5-11-2014. Chợ lộ thiên và chợ chính trong phố đều đồng thời mở cửa, nhưng hôm nay, 6-11-2014, chợ lộ thiên vắng hoe đã đành, mà Kalaw Market cũng cửa đóng then gài, thật ngộ! Một số người có thể đã chuyển qua phiên chợ kế tiếp, Pindaya, để bán hàng cho cư dân nơi đó, còn người mua Kalaw chắc cũng chẳng cần sắm thêm cho tới phiên chợ 10-11-2014? Nông sản thì có sẳn ở vườn nhà, cá thịt, hoa quả… thì có vài nơi bán tạm bên lề đường, nơi góc phố.
Tôi mon men thăm các cửa hàng bao quanh khu chợ, vẫn đang mở cửa như mọi ngày? Các quán ăn thưa khách như cái chợ nhỏ Kalaw, ghế cốc, ghế đẩu ...và cả món ăn, có vẻ bình dân giống các chợ miền quê Việt, vài điểm bán trái cây bày hàng ngay trên lề đường đi bộ, 2 bà cháu thảnh thơi đi chợ sớm, trong không khí yên bình của một thị trấn vùng cao.
Như chúng ta đã thấy, việc xuất gia của thanh niên, thiếu nữ Myanmar thật là quan trọng, người Miến đã chuẩn bị cho lễ này rất kỹ lưỡng và đầy màu sắc, ngoài các đoàn diễu hành của quần chúng Phật tử, hình như các tổ chức kinh tế cũng góp mặt, nên tôi thấy dịch vụ Trekking A1 đang chuẩn bị cho sự hiện diện của mình trong sinh hoạt truyền thống này! Và thật bất ngờ tôi thấy mấy trẻ em Miến tham gia diễu hành đã “trang điểm” cho mình những khuông mặt rất sáng tạo, vừa ấn tượng vừa thật dễ thương!
Tôi tiếp tục lang thang qua các cửa hàng nằm trên đường quốc lộ 4, dựa lưng vào chợ Kalaw, không thấy tiệm cà phê, chỉ thấy quán ăn và tiệm kem, bán nước ngọt(soft drink), điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, đi đâu cũng thấy cà phê, thuốc lá và… quán nhậu! Đặc biệt quanh đây có rất nhiều điểm làm dịch vụ du lịch. Ngoài các Travel Agency đặt trong các căn phòng riêng biệt dọc theo quốc lộ, bên kia đường thì tôi cũng thấy nhiều điểm rất khiêm tốn, chỉ 1 bàn, 1 ghế, 1 điện thoại bàn …và tấm bích chương quảng cáo là đủ để giúp khách du lịch đến đặt tour, mua vé, book phòng khách sạn….
Và trước khi trở về chùa, tôi còn chú ý tới một thứ văn hóa khác đã từng rất quen thuộc khi còn nhỏ ở quê nhà, bây giờ gần như đã chấm dứt hoàn toàn, ấy là tục ăn trầu. Hôm qua tôi đã có nhắc tới việc kinh doanh trầu nơi chợ phiên, còn hôm nay thì tôi tận mắt chứng kiến việc bán trầu lẽ và sĩ ngay trong các cửa hàng tạp hóa. Vì ăn trầu là thói quen phổ biến của người Miến, nhất là nam giới, nên các tủ bán trầu cũng hiện diện khắp nơi, giống như các tủ thuốc lá ở bên ta. Têm trầu cho khách chắc cũng là một nghệ thuật với nhiều phụ gia đặc biệt ngoài trầu, cau, vôi..., người bán têm bán trực tiếp cho khách hay têm sẳn cho vào hộp nhựa(loại đựng xôi ở bên ta). Khách thường đến mua một lần nhiều hộp để ăn dần trong ngày mỗi khi cơn ghiền ập đến, hoặc dùng để đãi bạn bè!
Còn tiếp