27/3/2016
(tiếp theo)
Giờ này, có rất nhiều khách đang thăm viếng và lễ bái tại chùa, trên khoảng sân rộng bao la của đỉnh đồi Singuttara, vốn đã được lát gạch từ thời Hoàng Hậu Shinsawbu. Vậy mà không khí vẫn lặng yên, mọi người đang chắp tay, quì hoặc ngồi để nguyện cầu hoặc chiêm ngưỡng cái trang nghiêm thần thánh chốn hồng trần.
Giữa không gian bao la, ngôi bảo tháp vàng rực rỡ, cao vọi, như 1 tòa chánh điện lộ thiên, khách tham quan thì nghiêm cẩn trong cách đi đứng, người hành hương thì cúng bái đúng lễ nghi. Tòa tháp nằm trên một đế 8 cạnh, tương ứng với 7 ngày và 2 buổi sáng, chiều thứ Tư, được đặt tên là Góc Chủ Nhật(Sunday Corner), góc thứ Hai(Monday Corner)…đến Góc thứ Bảy(Saturday Corner), tại đó có 1 bể nước, để mọi người tới thực hiện nghi lễ tắm Phật kèm lời nguyện cầu phước đức. Người sinh vào thứ mấy trong tuần sẽ đến lễ bái tại Góc tương ứng, ví dụ góc Saturday cho người sinh vào thứ bảy, góc Tuesday dành cho những người có ngày sinh trùng với Thứ Ba…
Một so sánh ngẫu nhiên đến với tôi, khi nhớ lại chùa Saket ở Golden Mount, Bangkok,. cả 2 đều là chùa cổ, nằm trên ngọn đồi cao, cũng có một bảo tháp đồng dạng, vàng chói rực rỡ; nhưng Saket nhỏ hơn rất nhiều và quan trọng nhất, Shwedagon là vàng thật!
Nhưng, thật hay không, có gì quan trọng, bởi niềm tin và sự thành tâm mới ý nghĩa hơn nhiều và điều này nằm trong tâm thức của con người chứ nào phải đâu trong tướng, hình ngôi cổ tháp!
Cho nên, khi bước chân đến đây, chứng kiến cảnh mọi người đang thành tâm đãnh lễ, người xấu chắc cũng phải tự vấn lại mình mà quay về điều thiện, đó là cái giá trị không thể nào đo được bằng vàng, dù thật hay giả!
Thoạt đầu tòa tháp (stupa) chỉ cao 8m, rồi nâng dần lên 20m. Đến năm 1453, Hoàng Hậu Shinsawbu cho nâng tháp lên đến 40 mét và bắt đầu cho dát vàng do bá tánh dâng cúng. Vàng này được các thợ chế tác theo phương pháp truyền thống, là những lá mỏng tang, “dính” trên ô giấy nhỏ, người cúng chỉ việc áp sát mặt có vàng vào tượng Phật hay thân tháp rồi miết mạnh đều khắp, gở nhẹ giấy ra, lớp vàng ở lại, làm dày thêm cho tượng hay tháp đó.
Đã từng bị hư hại và tôn tạo nhiều lần sau những biến cố lịch sử và thiên tai, nhất là sau trân động đất vào thế kỷ 17, chùa bị hư hại nặng, Vua Hsinbyushin cho sửa chửa tòa tháp và nâng lên đến độ cao hiện tại (98m).
Chùa đã từng bị quân Bồ Đào Nha cướp phá và quân Anh chiếm đóng trong thời gian dài, may mắn, đã không bị phá hủy, nên nhân loại ngày nay còn được một báu vật lừng danh mà hàng triệu người mong được đến viếng, dù không phải là Phật tử.
Các ngôi tháp nhỏ, trắng tinh thanh thoát hay vàng nhủ chói chang, bên trong có hoặc không các tượng Phật, được xây dựng trật tự chung quanh ngôi bảo tháp, đỉnh nhọn dựng tua tủa lên trời cao, tạo nên một “rừng thiền” độc đáo!
Tất cả, dường như để tôn thêm cái vĩ đại của bảo tháp trung tâm.
Tất cả, đã làm nên một kiệt tác kiến trúc mà thế giới phải …ngước nhìn.
Shwedagon vốn là một ngôi chùa cổ, theo truyền thuyết đã có từ 2.500 năm trước, lúc Đức Thich Ca còn tại thế; nhưng với các chuyên gia, thì chùa được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 6 đên thế kỷ thứ 10, sau công nguyên, nghĩa là chỉ khoảng 1.400 năm trở lại. Cho dù là thế, với số tuổi đó (1400 năm) chùa Shwedagon cũng thuộc hàng đại cổ tự!
Sau những giây phút ngỡ ngàng, tôi bắt đầu cuộc “hành hương” ngẫu hứng chung quanh ngôi bảo tháp, từ những hành lang dẫn đến các đền tháp nhỏ chung quanh, mà thật sự tôi không hề biết rõ về nó, chỉ là quan sát, chụp ảnh với sự thích thú âm thầm…
Ở bất cứ chỗ nào, dù là giữa sân nắng chói chang dưới chân stupa vàng rực rỡ hay trong góc khuất phía sau ngôi tháp nhỏ, những Phật tử lòng thành cũng có thể lặng lẽ nguyện cầu.
Bottom of Form
Rồi, tôi đột ngột bước ngay vào sân chính, lóa mắt vì tòa tháp vàng chói rực giữa trời xanh!
Rời cửa hành lang từ thang máy dẫn ra sân chùa Shwedagon, chúng tôi bước qua 1 đoạn ngắn bị che chắn bởi công trình phụ phía tay trái, 1 cội bồ đề già bên tay phải…
Còn tiếp