Kỉ niệm dạy học:Phiếu điểm danh |
- Thầy Châu Kim Lang -
|
Kỉ niệm dạy học: Phiếu điểm danh
Tôi chọn cách điểm danh và ôn bài cũ theo cách riêng của tôi. Tất cả sinh viên phải trả lời từng câu hỏi bằng cách viết ra giấy. Mỗi câu hỏi dành vài phút, tùy nội dung nhiều ít để sinh viên trả lời ngay, rồi tôi nêu câu hỏi kế tiếp. Mỗi lần ôn bài cũ trung bình 3 câu hỏi ngắn. Lúc dạy ở NLS BL, xong câu hỏi ôn tập, tôi thu bài làm ngay, rồi mới giảng bài mới. Sau này dạy ở ĐHSPKT, tôi thu bài vào cuối buổi học.
Cách ôn tập nầy tôi phát hiện ra một vài điều thú vị. Không trả lời được câu hỏi, phần lớn sinh viên hay lật tài liệu để xem, như vậy là học không trung thực. Tôi yêu cầu xếp hết tài liệu khi trả lời câu hỏi, đòi hỏi sinh viên cố gắng nhớ lại. Không nhớ được, tức khắc trung khu ký ức ghi nhận bộ nhớ còn thiếu sót, còn lỗ hổng (Gap). Tối về nhà sinh viên ôn tập, xem lại tài liệu, lỗ hổng đó được lắp lại bằng dữ kiện ôn tập. Chính nhờ đó mà phương pháp sư phạm đòi hỏi người học phải ôn tập thường xuyên. Ký ức có hai mức độ: tái nhận và tái hiện. Tái nhận là nhận lại mỗi khi xem lại tài liệu, còn tái hiện là tự mình nhớ lại tài liệu. Ôn tập đòi hỏi ở mức tái hiện. Tái hiện được tài liệu mới chắc rằng đã thu thập được kiến thức, đi thi làm bài mới có kết quả. Không nhớ công thức, không làm toán được. Chuyện đơn giản như thế!.
Một điều thú vị nữa, không trả lời được câu hỏi, trong giây phút đó ‘lương tâm” con người trổi dậy, sinh viên tự trách mình: “sao học hành thế!”… Có người lại nghĩ đến ba má làm ăn cực khổ có tiền đóng học phí cho mình, thế mà mình học hành như thế nầy à!... Chỉ cần một phút nầy thôi, người học thức tĩnh, sẽ học nghiêm túc hơn.
Trong lúc giảng bài mới, thỉnh thoảng tôi đặt câu hỏi khi có khái niệm liên quan với bài cũ, hoặc câu hỏi suy luận liên quan đến thực tiễn đời sống. Hết giờ học, sinh viên nộp phiếu bài làm nầy, tôi kết hợp dùng làm phiếu điểm danh buổi học.
Khi nói đến phiếu điểm danh tôi liên tưởng đến một kỉ niệm: lúc thầy Ngô Đình Duyên đến tuổi nghỉ hưu (năm 1987) có chuyển cho tôi vài tài liệu sư phạm trong đó có một bó Phiếu của sinh viên từ năm 1972 đến 1975 (lúc CĐSPKT còn ở Bách khoa Phú Thọ, và ĐHGD Thủ Đức). Trong mỗi buổi học, thầy NĐD đề nghị sinh viên nêu hai thắc mắc liên quan đến nội dung môn học, Thầy còn dùng phiếu nầy để biết số hiện diện mỗi buổi học. Phiếu không có tiêu đề, tôi gọi đó là Phiếu ý kiến kết hợp với Phiếu điểm danh. Thầy cũng sử dụng phiếu nầy cho khóa “Thăng tiến giáo chức chuyên nghiệp đệ II cấp” năm 1974.
Sau hơn 40 năm, giấy in rônêo nguyên gốc vốn đã vàng, nét mực chữ viết mờ đi theo thời gian, nhiều phiếu đọc không rõ. Những sinh viên nay đã về hưu hết rồi… Có khoảng vài trăm phiếu, nếu liệt kê danh sách cũng mất vài trang giấy…
Tôi có ý định gửi các phiếu đó cho “chủ nhân” để làm kỉ niệm một thời đi học.