13/11/2016
AN GIANG MÙA NƯỚC NỔI
Chào các bạn, hổm rày tôi đã dẫn các bạn rảo quanh khu vực Châu Đốc, Bảy Núi rồi trở về Long Xuyên qua ngả tỉnh lộ 941 Tri Tôn-Lộ Tẻ, ta còn có thể theo tỉnh lộ 943 ngang qua huyện Thoại Sơn cũng khá là thú vị. Tuy nhiên, trước khi về Long Xuyên qua tuyến này, xin mọi người hãy trở lại Châu Đốc vòng qua mấy huyện cù lao, để không bị thiếu sót.
Như ta biết, sông Mekong bắt đầu tách đôi để thành 2 phụ lưu chính tại khu vực gọi là Sông 4 mặt ở Thủ Đô PhnomPenh. Nhánh lớn là SôngMekong, khi vào địa phận Việt Nam còn gọi là Sông Tiền, nhánh nhỏ là sông Bassac, khi vào Việt Nam được đặt tên là Sông Hậu. Trước khi đổ ra Biển Đông, cả 2 được nối liền bởi vô số những kinh rạch chằng chịt khiến cho vùng đồng bằng mênh mông ở giữa 2 phụ lưu này bị chia tách thành rất nhiều những cù lao xanh tươi, trù phú. Và các huyện, xã nằm trên đó thường được gọi là huyện, xã cù lao. An Giang có 3 Huyện cù lao là An Phú, Tân Châu và Chợ Mới.
An Phú là huyện đầu nguồn, hầu như nằm gọn trong sự bao bọc của 2 nhánh sông Bassac, sông Châu Đốc và đường biên giới Việt-Cam. Vào những năm “Mekong chưa cạn giòng”, An Phú là huyện chịu ảnh hưởng của lũ rất trầm trọng! Khi đó vào mùa này, đất đai bị ngập suốt 4, 5 tháng, việc đi lại rất khó khăn, huyện lỵ An Phú gần như tách rời với phần còn lại, tàu đò là phương tiện chính để đến các vùng của huyện, bến đò Cồn Tiên tại chợ Châu Đốc là điểm xuất phát lâu đời. Đặc biệt đây là huyện có số người Chăm Hồi Giáo cao nhất tỉnh An Giang(6000), họ là hậu duệ của các người Chăm Cao Miên vốn là lính, theo chân của quân Chúa Nguyễn rút về từ Trấn Tây Thành vào thời Vua Thiệu Trị, khi triều đình Huế không còn khả năng duy trì sự kiểm soát tới PhnomPenh. Vì vậy, An Phú là nơi có nhiều tập tục, lễ hội văn hóa Chăm khá đặc sắc. Nhiều Thánh đường Hồi giáo (gọi là Masjid) với kiến trúc rất đặc trưng, tạo nên một nét khác lạ, khiến du khách thích thú. Xã Đa Phước là xã đầu tiên nằm ngay ngã 3 sông Châu Đốc và Bassac, từ bờ Châu Đốc ta có thể nhìn thấy Thánh đường Hồi giáo uy nghi bên kia sông.
Bây giờ, sau khi cầu Cồn Tiên được hoàn thành vào năm 2003, tỉnh lộ 956 và 957 nối liền với quốc lộ 91, đường lên biên giới Việt-Cam trở nên thật thuận lợi. Đường đến An Phú không còn phải “lụy đò”, bến Cồn Tiên phía bờ Đa Phước bây giờ như ngỏ cụt, là nơi lên xuống hàng hóa thủy sản hoặc đón khách du lịch thăm viếng làng bè, vì nơi đây có chỗ thuận tiện đậu xe.
Từ năm 2003, cầu Cồn Tiên đã nối liền Châu Đốc với huyện An Phú, tỉnh lộ 956 trở thành quốc lộ 91C chạy thẳng đến bến phà cửa khâu Long Bình, nơi con sông Bình Di là ranh giới thiên nhiên giữa 2 đất nước Việt-Cambodia.
Tôi đã 2 lần về ngang bến phà này sau mỗi chuyến xuyên Đông Dương(2012 và 2013), đều là vào những buổi chiều, không khí nôn nao xúc động khi trở về đất tổ, hòa cùng cái quạnh hiu của bầu trời dần tắt nắng, đã gây ấn tượng đến nhớ suốt trong đời!
Tuy là huyện biên giới nhưng so với Tân Châu, trong quá khứ, An Phú không phát triển nhiều. Tuy nhiên, khi cầu Long Bình- Chrey Thom hoàn thành, con đường ngắn nhất nối liền Việt Nam với thủ đô Cambodia(76km) sẽ toàn toàn thông thương, chắc chắn bộ mặt của Long Bình sẽ đổi thay. Đó là chuyện tương lai, bây giờ xin nói về một địa điểm đặc biệt của An Phú mà nếu có dịp các bạn nên ghé qua: Búng Bình Thiên.
Là hồ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, diện tích 193 ha, cóđộ sâu trung bình khoảng 6 mét, thông với sông Bình Di qua 1 con rạch nhỏ. Đặc biệt nước trong búng không lưu chảy, chỉ lên xuống theo thủy triều, lại trong xanh quanh năm, kể cả vào mùa lũ khi nước sông Hậu và sông Bình Di đục ngầu màu phù sa! Vậy mà nước không hề bị ô nhiểm, lại nhiều cá, tôm, là nguồn tài nguyên thiên nhiên nuôi sống dân 3 xã Nhơn Hội, Khánh Bình và Quốc Thái. Cộng đồng người Chăm nơi đây là những ngư dân chính mưu sinh trên nguồn nước trời cho đặc biệt này!
Ngoài cái yên bình rất lặng lẽ, như mặt nước Búng Bình Thiên, các bạn sẽ rất thú vị khi chứng kiến những nét đẹp tiềm ẩn khác nơi vùng đất địa đầu hiền hậu này.
Rồi không biết từ lúc nào, mùa nước nổi được đẩy lên thành thảm họa, nhiều biện pháp chống lụt đã được thực hiện, tốn khá nhiều công sức, tiền của! Chủ yếu để cứu lúa tăng vụ, bảo vệ đê bao, đường sá...Không như lũ quét, cuồng lưu ở miền Trung, là thãm họa đau đớn mỗi khi xãy đến cho dân, bởi sự bất ngờ và cường độ hủy hoại của giòng nước xiết đổ xuống từ rừng đầu nguồn. Là thãm cảnh thường xuyên lập lại, phần lớn không phải chỉ do thiên nhiên mà còn vì những hoạt động khai thác tài nguyên rừng, sản xuất năng lượng vô trách nhiệm bởi lòng tham không đáy của một số người! Lũ lụt ở đồng bằng Nam bộ là một tiến trình chậm chạp, kéo dài lâu ngày nên người dân luôn có cách thích nghi để sinh sống, có biện pháp để khắc phục khó khăn, biết tìm cách khai thác những nguồn lợi tiềm ẩn trong cơn chuyển mình nghiệt ngã của đất trời, biến cái khó khăn tiêu cực thành nguồn mưu sinh tích cực, để mỗi mùa nước ngập, suốt hàng trăm năm trước, là dịp người nông dân đón chờ ơn mưa mốc đến từ thiên nhiên. Họ đã phải bận rộn ngày đêm để khai thác nguồn lợi thủy sản trời cho tràn về theo con nước. ! Không lâu lắm, khoảng chừng 5 năm trước, 2011, 2012, tôi vẫn còn chứng kiến mùa cá nhộn nhịp tại cống Trà Sư, mùa ốc nước nổi trên bờ kinh Cần Đăng, Lộ Tẻ.
Dĩ nhiên, mùa nước lụt trên hạ lưu sông Mekong cũng có những khó khăn, những hiểm nguy tiềm ẩn, nhất là khi nó đến vào lúc những cơn bão dữ dồn dập kéo đến từ biển Đông, nên vẫn luôn có vài thảm kịch riêng lẽ trong toàn khu vực. Và với phận nghèo, cuộc sống vẫn nhiều nỗi truân chuyên, làm thêm xót xa cho cái vô tư của cậu bé con này, đang sống bấp bênh cùng cha mẹ, dưới mái lá thấp tè không thể gọi là nhà, trên mặt nước đục ngầu phù sa mùa nước nổi!
Nhưng bây giờ khi Mekong cạn giòng, chúng ta mới thấy tiếc nhớ cho những năm thời còn ngập nước. Cách nay không lâu lắm, 2012, 2013 khi nước lũ ngập cả vài nơi trên quốc lộ 91, lé đé lề đường Trần Hưng Đạo, trước nhà tôi, nước tràn cả vào phố chợ Long Xuyên, len lỏi vô nhiều xóm nhỏ nên với chiếc chài cóc cũng có được chút cá cho bữa cơm nghèo!
Bây giờ thiếu nước, mới thấy bị nhiều khó khăn hơn, hạ nguồn thì mặn xâm nhập, thượng nguồn thì mất đi lượng phù sa vô giá từ bao đời về cùng con nước, kèm theo đó là lũ cá đồng cũng ...không cánh mà bay! Người dân vùng lũ thượng nguồn sông Bassac thiếu đi cơ hội mưu sinh truyền thống, cuộc sống bây giờ trong những tháng này chẳng còn dễ dàng như trước, đành để phận đời trôi nổi theo con nước ít ỏi trở về!
Chỉ còn bông điên điển(Sesbania sesban, Fabaceae), đặc sản hoang dạiruộng đồng không ảnh hưởng bởi nước nhiều hay ít, vẫn rực vàng bên mé rạch, bờ mươn, mùa này được người dân thu hái, bán cho khách thành phố trên đường hành hương trở về, họ bày trong những thúng, mẹt...đặt dọc theo đường, vàng rừng rực sắc hoa mai! Tiếc rằng, con cá linh bây giờ đã không còn đầy trong nước, không còn kịp béo tốt, bởi chẳng đủ để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn; tìm một bữa cơm ngon đạm bạc với bông súng, điên điển và cá linh kho lạt chẳng dễ chút nào như những ngày xưa cũ! Thôi thì đành dùng tạm bánh xèo với nhân bông điên điển, tép bạc, thịt heo... cũng là món ăn hot của miệt vườn 7 Núi! Các ảnh dưới đây là tôi mượn từ Internet, xin cảm ơn các tác giả tôi không biết tên.
Nhiều năm trước, lúc Mekong chưa bị ngăn giòng, chặn nước, lũ hàng năm đổ về đã gây những khó khăn riêng. Người nông dân phải tìm nơi cao ráo để trâu, bò tạm lánh, nên có mùa len trâu( vào chân dãy Thất Sơn hoặc tạm đến ven đường quốc lộ), cỏ tươi đã chìm sâu dưới nước, loài nhai lại chỉ còn tạm bữa với rơm khô!
Riêng với bọn trẻ nhỏ, mùa này chúng tôi chỉ gọi là mùa nước ngập, học trò rất khoái vì có khi được nghĩ học 10 bữa, nữa tháng, tha hồ bày những trò chơi thích hợp: bắn ống thụt, câu cá, lội nước, tắm đồng... Chợ búa thì cũng có chút thay đổi khi phải tìm nơi cao ráo để nhóm, người nghèo lại có thêm dịch vụ đưa rước bằng xuồng ngoài việc tha hồ đánh bắt cá đổ về theo con nước thượng nguồn. Khó khăn riêng đó chẳng có gì đáng phải quan tâm, để ý!