|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Những kỷ niệm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8/5/2019
- Thanh Dang Ngoc-
|
Những kỷ niệm
Một dịp đến Sài Gòn, ghé thăm người bạn bên Khánh Hội. Bà chị, sau nhiều năm gặp lại, mừng rỡ bảo ở lại dùng cơm trưa. Thật tình mà nói, thời củi quế gạo châu này, mời nhau một bửa cơm quả là quí giá làm mình cảm động vô cùng.( những năm 78 hầu hết người dân phải ăn độn )
Sau 75, Sài Gòn thay đổi nhiều lắm. Nhiều gia đình bỏ đi nước ngoài rồi đến chuyện đi vùng kinh tế mới...Sài Gòn thời điểm nầy có vẻ ảm đạm...Gia đình bạn tôi cũng không ngoại lệ, ông bạn cho biết có mua một khu đất trên Xuân Lộc, cả gia đình đã dời đi hơn 1 năm rồi, chỉ còn mình bà chị ở lại mua bán vặt và chăm sóc người ông.,..Cơm nước xong, anh chở tôi qua Chánh Hưng uống cà phê, anh nói mấy cái quán quốc doanh đầu đường, cà phê chẳng ra gì mà không thoải mái nữa. Quán nằm trong hẽm , bàn ghế thấp lè tè nhưng đông khách. đúng là chỉ những người thường lui tới mới biết chỗ. Anh bạn bảo, mặc dù thời tem phiếu, nhưng có tiền thì mọi thứ đều được đáp ứng, kể cả gái....Mình tỏ ý lo ngại về bà chị và ông Bác thì anh bảo, thấy vậy chứ không phải vậy đâu, bà chị còn giúp anh nữa mà, bả bán thuốc tây cho mấy ông Bác sĩ khu nầy đấy....anh bạn cho biết mới có vợ vài tháng nay thôi, hiện ở chung với mấy đứa em, bà mẹ thì mất sau 75. Đời sống tương đối ổn, nhờ bán Than và thỉnh thoảng giao dịch xăng dầu với Bộ Đội. Tâm sự qua lại, biết được hoàn cảnh nhau, anh bảo gặp nhau là may mắn rồi, anh về đây để giải quyết một số thủ tục...đã 4 hôm , ngày mai lại đi. Anh mời tôi đến nơi ở của anh để biết, có lẽ anh sẽ định cư lâu dài nơi ấy. Thế là tôi được dịp du lịch một chuyến.
Theo tuyến QL 1 a, Long Khánh - Phan Thiết, gần ngã ba Ông Đồn, ( chưa đến khu rừng lá ) hướng tay trái có một ngọn núi cao chót vót, đó là núi Chứa Chan. Ông bạn tôi bảo mua lại một khu đất có nhà sẳn bên kia núi, gần ga xe lửa Gia Ray. Hiện tại anh mua Than và chuyển về Sài Gòn cho các đại lý bán và đồng thời mua bán tạp hoá tại chợ.
Cụm dân sống quanh khu vực nầy không lớn , phần lớn dân từ các khu vực lân cận tập trung về đây trao đổi mua bán, vì nơi đây có ga xe lửa. Anh bạn cho biết dân Sài Gòn về đây lập nghiệp, sống rải rác ở các ấp nhiều lắm, tất cả đều tự túc. Họ không muốn vào các khu kinh tế mới do nhà nước lập, vì những khu đó thường xa và thiếu những tiện ích cho đời sống.
Cách cửa nhà bạn tôi khoảng hơn trăm thước, buổi sáng có nhóm chợ, Ở đây ngoài một số rau cải, thuỷ sản bình thường, còn có thịt rừng nữa, Muốn mua thịt rừng phải đậy sớm, từ 3, 4 giờ sáng những người thợ săn, dân thiểu số, đã mang ra dọc theo đường ray đủ thứ thịt rừng mà họ săn bắn hoặc bẩy được, nào là : heo, nai, mểnh, cheo, nhím, gà rừng.....Họ phải đi thật sớm để tránh bị quản lý thị trường gây rắc rối, đòi thu mua..... Riêng thịt heo rừng, vào thời điểm đó giá chỉ bằng nửa heo nuôi....Người địa phương mua để ăn, phần lớn con buôn mua chuyển đi nơi khác tiêu thụ.....
Anh bạn rủ vào rừng chơi ; anh có một miếng đất gần sông La Ngà, đã phát quang định trồng thuốc lá, bán cho công ty thuốc lá Sài Gòn. Lúc bấy giờ những hiệu Ruby, Cáptan, Bastos.... nổi tiếng trước đây không còn nữa, chỉ xuất hiện thuốc Sapa, Điện Biên, Tam Đảo, Trường Sơn... từ Bắc đưa vào.... Hai anh em đi xe gắn máy vì mảnh đất cách nhà gân 10 km, đi xe cho nhanh. Bên cạnh đường vào rừng có một nhà dân bán cà phê và một vài loại bánh trái phục vụ cho dân đi rừng. Ghé uống nước , xong gởi xe và đi bộ, anh bảo còn khoảng 2 km đường rừng nữa là tới, đi xe không tiện. Đi khoảng 10 phút thì có một lối rẽ nhỏ nữa , tại đây có một cái chòi, dân đi rừng hay dừng nghỉ mát và tán gẩu... rẽ vào đường mòn một lúc anh bảo tới rồi, nhìn về phía trước có một đường mòn cắt ngang, bên dưới đường là những đống phân voi to tướng ( màu sắc như phân trâu bò ), một khoảng đất rộng hiện ra, nhưng anh bạn dừng lại và ra dấu im lặng. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy, một bầy voi, đếm được 6 con lớn và 2 con nhỏ. Bầy voi đang nằm trên mảnh đất mà ông bạn tôi đã phát quang trước đó, có 2 con lớn đang đứng nhìn vế phía chúng tôi, 2 tai chúng vẩy liên tục, vòi chúng giơ lên cao và hạ xuống ...anh bạn khều vào vai tôi xong bỏ chạy, tôi cũng vừa thấy cả bầy voi đứng dậy và tiến về phía mình, không 1 phút chậm trễ tôi cũng quay đầu bỏ chạy theo ông bạn. Vừa chạy vừa ngoái lại, chúng nhanh thật khoảng cách lúc đầu bây giờ ngắn đi rất nhiều, anh bạn chạy trước ra hiệu quẹo phải, tôi băng qua những đám cây nhỏ được một lúc thì ra đường mòn. Hai chúng tôi dừng lại thở hổn hển. ...Từ xa 2 anh công an đi ngược chiều, bằng giọng bắc hỏi : -" có chuyện gì thế ...sao các anh lại sợ ?" -" Chúng tôi bị voi đuổi " -"thế mà cũng sợ, chúng ông sẽ cho chúng biết tay! ". Hai anh công an với nón cối và súng dài cầm tay, đi nhanh về hướng có voi. Anh bạn tôi bảo :" không ổn rồi, về thôi ". Chưa đến quán cà phê, chúng tôi đã nghe vài phát súng. Một lát sau tại quán cà phê, hai anh công an xuất hiện, đầu không nón, tay không súng, mặt xanh như tàu lá, cải nhau. -" Tại mầy cả, tớ đã bảo đừng bắn mà mầy chẳng nghe..! " -" mầy cũng có bắn còn gì....mất cả súng về báo cáo sao đây "....
Anh bạn bảo, voi ở đây rất hung dữ, chúng thường vượt sông La Ngà về đây phá những rẫy , vườn mía của dân,. ..- " Mất súng, mấy anh công an khi nãy thế nào cũng bị kỷ luật ! " -" Sao công an lại vô rừng ". -" À, đây là khu rừng được cho phép khai thác và trồng lại. Họ đã phân lô và chia hết rồi, nhưng người dân vẫn vào đốn cây, hầm than...cho nên chủ khu đất nhờ đến công an...." -" Từ ngoài vào đây mình thấy rừng còn rậm và tốt lắm, sao phải khai thác rồi trồng lại ?" -" khai thác thì có gỗ bán, trồng rừng lại , kinh phí nhà nước chịu, lợi đôi đàng nên ' họ' đua nhau lập dự án, đua nhau đề xuất phá rừng..." -" Sao anh cũng có một mảnh trong đó ". -" Làm lén thôi, chủ khu đất họ biết nhưng vẫn lơ đi, khi có tranh chấp họ mới nhờ đến công an.". -." Số nhà rải rác ngoài bìa Lâm Trường là của ai". -" Gia đình của nhân viên trong Lâm Trường từ Bắc di cư vào đấy " -" Họ mà kéo vô nhiều nữa, chẳng mấy chốc, khu rừng nầy biến mất ". -" Chịu vậy thôi, họ đang đói mà ".....
Chuyện vô rừng coi như huỷ bỏ. Ngày hôm sau công an, đông lắm kéo vào khu voi về . Sau khi lùng sục, họ tìm lại được 2 cây súng bị mất nhưng đã cong veo. Dân hiếu kỳ đi theo cũng nhặt được 2 cái nón cối nhưng đã dẹp lép...
Hôm sau nữa anh bạn rủ lên núi chơi. Đường lên núi cũng dễ đi vì có sẳn lối mòn, và cây cối gần chân núi cũng thưa. Anh bạn giải thích, đây là núi cao nhất khu nầy, cao tới 880 m, bên kia QL hướng Vũng Tàu - Phan Thiết còn một núi Mây Tào nữa, nhưng thấp hơn (704 m). Như vậy so với Bà Đen ở Tây Ninh núi nầy thấp hơn độ 100 m (996 m). Càng lên cao đường càng khó đi, nên tôi bảo tới đây được rồi. Từ vị trí nầy chúng tôi quan sát được cả một khu vực khá lớn bên dưới, bao quát cả khu rừng mà hôm qua chúng tôi bị voi đuổi. Thắng cảnh thật tuyệt vời ...nhưng thời tiết ở đây mùa nầy oi bứt quá. Anh bạn tôi trở lại đám lồ ồ bên dưới để đốn ,còn tôi vẫn mãi mê nét đẹp của núi rừng,...,núi ở đây cây cối còn nhiều và rậm, có lẽ nhờ có khu rừng bên trong mà người ta không chú ý khu nầy.... ,Bổng tôi bắt gặp tổ ong mật, chúng đóng trên nhánh mít rừng ngang tầm mắt. Ở vùng U Minh tôi cũng đôi lần đi lấy mật, nên tôi bình tỉnh lui lại, chuẩn bị tìm cách lấy tổ ong nầy.
Trở lại chỗ đám lồ ồ, anh bạn đang bó lại để mang về. Mượn cây rựa, áo kaki dài tay và nón bo của anh để trở lại lấy mật.Tôi bảo anh hãy về trước hoặc xuống núi trước vì ở đây có thể bị ong tấn công....anh bảo sẽ chờ tôi gần chùa bên dưới. Sau khi nai nịt gọn gàng, tôi gom một mớ cỏ khô, trộn thêm ít cỏ tươi để khi cháy cho có khói, bó chặc vào một nhánh cây tìm được. Thế là tôi có cây đuốc. Đối với ong mật, khi đến gần tổ ta tránh gây tiếng động và chậm rải thôi, đừng làm chúng sợ. Đàn ong bám quanh tổ đang chớp cánh, có lẽ chúng biết sự hiện diện của tôi. Để chúng không náo động, tôi ngồi xuống và móc thuốc ra hút, làm như thể không chú ý đến tổ ong. Đúng như kinh nghiệm, chỉ một lúc sau đàn ong không còn chớp cánh nữa... giờ là thời điểm thích hợp nhất để ra tay. Tôi đốt đuốc tạo khói và từ từ tiến về phía tổ ong, tội nghiệp, chúng vẫn chưa biết được nguy cơ sắp xảy ra. Tay cầm đuốc, tay kia dùng ngón trỏ vạch nhẹ những con ong phía trên để kiểm tra số mật có đáng để lấy tổ ong đó không. Mật tổ ong nầy nhiều thật, một số bò lên bàn tay tôi nhưng chúng không chích. Rút tay ra, bỏ đuốc xuống, một tay cầm rựa, tay còn lại nắm chặt nhánh phần trên tổ ong, chặt một phát thật mạnh nhánh rời khỏi thân cây, đàn ong túa ra tứ tán, lao vào đốt tôi. Chặt gọn phần ngọn xong, tôi nhanh chóng xuống núi,. Đàn ong đuổi theo và đánh tới tấp vào phần đầu và lưng, nơi đã được che chắn kỹ. Khi xuống đến gần chân núi, đàn ong theo lúc đầu đã giảm, nhìn quanh thấy mấy bụi chuối, có lẽ là của nhà chùa, ghé tạc vào chặt vài tàu và gói tổ ong lại. Khi đã xuống khỏi chùa, anh bạn chạy lại đở tổ ong từ tay tôi thì bị chích vài phát....Kết quả cuối cùng, đươc tổ ong, tôi bị 5 ,6 đốt nơi bàn tay.
Hồi đó khu vực quanh núi ít người ở, và người ta cũng chưa khai thác du lịch, nên đường lên núi còn khó vì cây cối rậm rạp, chúng tôi chỉ lên được khoảng 1/3 núi mà đã mệt. Xe khách cũng khan hiếm vì nhiên liệu lúc bấy giờ mua theo tiêu chuẩn. Thời tem phiếu ấy mà, bây giờ kể lại đám trẻ cho là chuyện cổ tích, làm gì có...
Ghi lại để nhớ....thời tem phiếu.
x. x
x
-Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh chảy ven tp Bảo Lộc thuộc Lâm Đồng, Đồng Nai. Chiều dài trên 272 km, với lưu vực 4.710 km2
-Dữ liệu chiều cao núi có thể không chính xác. Mô tả nhằm xác định, núi Chứa Chan thấp hơn núi Bà Đen và cao hơn núi Mây Tào.
-Thỉnh thoảng báo chí đưa tin những vụ lâm tặc phá rừng nơi nầy nơi nọ. Thực ra nạn phá rừng đã từ lâu rồi và vẫn âm thầm diễn ra, rừng càng ngày càng bị thu hẹp....
Thanh Dang Ngoc
Cần Thơ, 31/ 5 / 2018.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061797 visitors (3174529 hits) |