Bài số: 5
Từ những tháng năm….
|
Đó là một xã hội, đó là một cuộc sống, đó là một bối cảnh lịch sử mà chính con người tạo nên và đang dần canh cải cho tốt hơn..
Nhưng tất cả cái đó từ con người, vật chất, cách sống , luật lệ đều bị lọt thỏm và bị chi phối vào cái khoảng trời mà tầm mắt nhìn thấy được những dảy núi xanh lơ xa tít gần như bao quanh mà bọn trẻ chúng tôi cho đó là nơi cuối đất còn vùng trời như là cái nắp vung to lớntrong suốt trên cao,ngày có mặt trời, đêm có mặt trăng có cả ngàn sao…, nên có những đêm không trăng sao, một anh phụ nấu bếp trong đồn lính có tên quen gọi là Rơ-nô xách cái đèn " bing" nói với đám con nít là chiếu sáng lên tận trời, nhất là những đêm có sương mù càng làm cho lũ trẻ càng tin càng sợ.
Trong cái khoảng không gian đó nhìn về mạn nam là núi Bà vào sáng sớm lặn mất trong đám sương mù trắng như sữa, ở đó phát ra những tiếng hú lanh lảnh của vượn, tiếng quang quác của gà của chim, giờ giấc chỉ được dùng theo chiều cao của mặt trời dù rằng sáng sáng được nghe tiếng kèn “ tò… te… tò...tí …te tò tí te te tò tí te…từ đồn lính phát ra , đó là giờ tập trung chào cờ, còn một hiệu lệnh báo giờ nữa là tiếng trống tầm của sở mới.
Rừng cây nằm sát bên nhà, cho nên ban đêm và ngay cả ban ngày người ta vẫn nơm nớp lo sợ ông ba mươi, người ta vẫn thường rì rầm rằng " tối hồi hôm ổng có qua đây dấu chân to bằng cái tô in rành rành trên đất nên mấy con chó im thin thít," Chuyện cũng nhắc đến ở xóm dưới ổng rình chụp con chó nhà bà Hương Cu sao lại vồ trúng cái tai, nên ông ta bỏ, người ta đồn là ổng kiêng cái lổ tai nên nếu vồ trúng cái tai thì ông ta bỏ đi, lúc ấy tôi cũng đã nhìn thấy cái mặt của con chó lông trắng đó cái đầu sưng vù lên và không còn dám nhảy sổ ra gầm gừ chực cắn khi có ai qua lại.. Thêm nữa , ở trong sở trà Pichene’ ngoài Phẹc, có hai vợ chồng ngủ trong cái chòi, tối về ổng ôm bà vợ đi mất.? nghe mà phát sợ.
Đến cái chuyện Cọp ăn thịt người, để cho ông Sế- đơ-la-ghê dẫn lính săn bắt, điều đó thực hư thế nào không rỏ nhưng không lâu cả làng náo loạn đồn nhau ra trước cổng quận để nhìn thấy một ông ba mươi to tướng nằm trên một chiếc rờ-mọc hình như quan Tây muốn để cho dân làng tập trung coi có ý trấn an dân rằng con cọp ăn thịt người đã bị giết rồi , với kết quả chắc nịch là khi làm thịt mổ bụng người ta kháo nhau rằng còn moi trong bụng ra còn hai bàn tay của con người.
Hết chuyện cọp ăn thịt người , đến chuyện Mọi ăn thịt người, đồng nghĩa với người ăn thịt người, người ta gọi đó là giống “Mọi Xà Niêng” lại thêm một lần dân làng lại to nhỏ và cố lại gần cái lô cốt trước cổng quận nhướn mắt nhìn để xem mặt bốn tên ăn thịt người mà ông quận trưởng cho nhốt ở đó, trong cái vùng sáng lờ mờ có thấy bóng dáng mấy con người không rỏ lắm, nhưng người ta vẫn xầm xì rằng nó có nanh và cặp mắt đỏ như máu.
Còn một chuyện ghê rợn nữa , mà người lớn thường nhắc với bọn trẻ con về chuyện đi ị ngoài đồng ngoài rẫy nhớ lấy que cây gát chữ thập , lấy lá tủ đống phân hay đào lổ lấp, nêu không sẽ bị Ó Ma Lai tìm ăn, như thế thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, người ta mô tả con Ó ma Lai là một con người bình thường như chúng ta, nhưng vào đêm tối rút ruột và bay đi kiếm ăn, gặp phải đống phân của ai đó sẽ bay về nhà hút hết máu của người đó cho đến chết. Sau này nghiệm lại thấy rằng đây là một dạng tuyên truyền về nếp sống vệ sinh thời ấy của các quan Tây.
Cái thế giới ma cỏ cũng lởn vởn trong đời sống quanh đây, sợ ông thần núi, ngán hà bá dưới sông, cái cây to khi đứng bóng không được đứng gần, Tảng đá lớn không được leo trèo, đục đẻo..có chuyện một cậu bé chăn bò là chú Dư con ông Hương Cu chú Sữu con ông Tạo đã từng bị “ma xó” nhốt vào trong bụi và miệng nhét đầy phân bò khiến cho người ta không dám đi lại vào ban đêm. Cọp, heo rừng, rắn rết, ó ma lai nghe qua ai cũng sợ, nhưng người ta không sợ bằng cái bệnh da vàng làm cho người ta nóng lạnh từng cơn, run lập cập mà mười người dân sống ở đây thì chín người mắc phải, nó làm cho người ta không ăn uống đươc, không làm việc được và có thể mất mạng, phải nhờ đến mấy viên thuốc vàng vàng đắng nghét của mấy ông đốc tờ Pháp mới yên thân.
Nhắc lại, khu trung tâm đáng chú ý nhất là nơi cái văn phòng “sếp đơ lê ghê “ nằm cách lộ vài chục mét, cánh trái văn phòng có khu gia binh nhà được làm bằng vách đất lợp tranh và một chuồng nuôi lừa là loại gia súc được người Pháp dùng chuyên chở hay di chuyển đên những nơi rừng núi . Trước cổng quận theo đường 20 là nơi tập trung các quán chạp phô của người Hoa như đã nói trên , vì chưa có chợ nên các thực phẩm tươi sống như thịt heo thường do những thớt thịt các gia đình mổ heo chia chung, hay gà ngóe trong vườn tự nuôi, còn có thể nhắc đến nhóm thịt nai, mển do trong đồn lính bắn được dư ăn giao cho mấy chị vợ lính bán ra ngoài, đến những con thú đánh bẩy được của người Thượng nào là gà gô, thỏ, chồn, heo rừng,,còn các món đồ biển thì chỉ biết đến cá khô hay cá hấp mà thôi …rau cỏ một phần tự trồng hoặc mua của những người Thượng trồng từ nương rẫy gùi ra nào bí bầu, dưa chuột và cả lúa gạo rẫy nữa có thể họ đem bán hoặc trao đổi quần áo,và muối.
Nếu ai từng sống thời ấy sẽ thấy một số người thượng đa số là phụ nữ thường bị một cái bệnh là bướu thường ở cổ to cỡ trái cam, có khi trên cổ mang hai ba cái. Lý do là thời ấy không có muối biển, vì cần chất mặn họ dùng một loại quả trong rừng khi quả chín thì có vị mặn đã thay cho muối gọi là cây Muối ?. Cũng nên kể đến một loại rau không phải tốn tiền mua thường mọc rất nhiều nơi vùng đất mới khai phá, mà người ta quen gọi là cải trời, cỏ tàu bay , có thể luộc, nấu canh hay chiên xào ăn nhưng ăn nhiều sẽ bị vàng da ?một loại thực phẩm có nhiều chất đạm nữa là dế cơm, loại này nướng hoặc chiên ăn khá ngon vì béo ngậy nên dễ ngán.Thời ây khi các vườn trà mới trồng cây non trên đất mới ,sợ nhất là loại dế này vào ban đêm ra cắn ngang thân cây, cho nên cứ mỗi buổi sáng người ta đảo quanh khu trà mới trồng thấy chỗ nào đất đùn lên thì đích thị là hang của dế, sẽ đào bắt, dùng một cọng bong cò xỏ xâu để trưa chiều đem về nhà làm món nướng…
Việc chế biến các vật phẩm này thì cũng đơn giản, nấu nướng chỉ cần ba cục đá, ba cục gạch thẻ hay hiện đại hơn là cái kiềng ba chân bằng sắt, củi rả thì quanh nhà đất mới khẩn hoang tha hồ mà nhặt nhạnh, cái “ bic kê “ * là vốn quí bây giờ người có, người không vì vậy cho nên nhiều nhà phải nuôi lửa bằng cách ủ than nóng đỏ trong tro đến khi cần thì dùng nùi cỏ khô thổi bùng lên, việc cho lửa cũng khá kiêng kị bấy giờ, người ta sẽ không cho lửa vào sáng sớm đã thế còn bị trách móc nữa. Bấy giờ trên những con đường mòn dẫn ra nương rẫy ta sẽ thấy mấy người thượng xứ này thường cầm một khúc củi đang cháy dở, đó là cách nuôi lửa , họ đem ra rẩy thổi bùng cho cháy để nhóm bếp, đốt dọn cây, đến chiều về lại cầm một khúc cháy dở đem trở lại nhà để nhóm bếp nấu ăn, sưởi ấm ban đêm , rồi sáng hôm sau lại đem lửa lên rừng….một sản phẩm của thiên nhiên cũng nhờ cái văn minh phương tây mà có được là những thanh gỗ chứa dầu bùng cháy nhanh và đượm lửa thuận lợi cho việc nhóm bếp nhóm lò, người ta quen gọi là Ngo đó là phần gỗ mang đầy mạch nhựa của cây Thông vốn mọc thành rừng ở vùng cao này thời ấy coi như là một sản phẩm vô tận, người Thượng đã đẻo gọt từng khúc đem đổi muối, gạo, cá mắm hay quần áo với người Kinh.
Cuộc sống không thể thiếu nước, nước để ăn uống để tắm giặt. Một dòng suối phát xuất từ vùng trũng đất bà Tham chảy xuyên qua vườn ông thợ Giàu và tiếp tục có thể đổ vào sông Đại bình, một dòng suối khác có nguồn từ vùng trũng trong khu rừng mạn bắc của sở mới chạy về hướng đông mỗi đoạn có một tên riêng nào là suối số 1, suối sổ 3, suối Bảy Vẽ , suối Ông Thẩm, suối ông Cai Dậu.. Đó là những nguồn thường nước xanh trong có nhiều loại cá cua là nơi những người Thượng vẫn thường dùng rổ xúc cá làm thức ăn. Đáng chú ý nhất là đoạn suối số 3 với khoảng rộng và dài cùng độ sâu vừa tầm , là con suối quan trọng nhất bởi lẽ khu trung tâm đều dùng đến nó, bọn trẻ toàn làng cũng chọn nơi đây làm nơi bơi lội, .trong khoảng mịt mùng rừng cây nhà ở thưa thớt cho nên gọi là suối thực sự chỉ là một đoạn mà thôi cho nên một dòng suối mà mang nhiều tên như : suối mang số 3 là đoạn suối chạy qua lô số 3 của cánh đồng trồng cỏ của sở mới, suối Bảy Vẽ vì chạy qua trước nhà ông Bảy Vẽ hay chính ông ta là người ti2nm thấy khoảng suối này đầu tiên ?
Còn nước uống thì theo những giếng đào cũng chỉ dựa vào các vùng trũng thấp thường cũng chỉ bên cạnh các dòng suối trên như giếng ông Quản Chí, Hai Ốm gần dòng suối từ cánh tây của sở mới ( sau này là hồ Đỗ Hữu ) Xóm trong thì có giếng Thợ Giàu, Hai Ý, Hương Kiểm Búa,..có một cái giếng đào trên đỉnh đồi trong vườn nhà ông Tôn cụt rất sâu người ta nói nó sâu đến âm phủ lận. Việc lấy nước bằng cách gánh bằng hai thùng sắt tây vốn là thùng chứa dầu lửa mỗi thùng chứa 20 lít, còn những người thượng thì họ lấy nước trong những trái bầu khô hay những ống tre vì chủ yếu nước đem về là để đun nấu ăn uống .
Trong khu dân cư đó ngoài cái đình nằm ở khu vực đầu làng, thời ấy ít ai qua lại bởi vì nó tiếp giáp với rừng, nơi ấy thỉnh thoảng có cuộc tế lễ theo phong tục địa phương, theo lời ông Trần đình Vọng vốn là một người dân Huế vào lập nghiệp ở đây cho biết năm 1940 ông đã được nhập tên vào làng Công Hinh, ông kể rằng còn nhớ đã tham gia chặt cây, cắt tranh để làm đình với bà con thời ấy , còn nhớ được một người là ông Bùi Thơm, ông kể những người phụ trách việc làng bấy giờ là ông Nguyễn Xu, ông Đặng văn Lân, ông Xã Bắc..
Tại khu trung tâm cuối dảy phố của người Hoa có một ngôi nhà thờ bằng gỗ có tháp chuông nhọn cao vút không biết lập tự lúc nào do đức cha Đậu quản xứ, cách đó là chùa Phước Huệ thuộc chi hội Phật Học Công Hinh là một ngôi nhà tranh vách ván do thầy Đường Hạnh trụ trì. Ngày ấy người theo Phật Giáo nhiều hơn, hoạt động nổi trội hơn nhưng về mặt uy thê thì phía nhà thờ có vẻ quan trọng hơn dù không nhiều giáo dân nhưng là tôn giáo của những quan chức người Pháp. Đó là những hoạt động Tâm linh, tín ngưỡng bấy giờ
Chỉ có một nhà “ Xẹc *“ là một gian nhà gỗ rộng nền láng xi măng có đóng “la phông*” do người Pháp lập trên phần đất của bà Tư Hườn nằm sát quốc lộ nhìn qua bên kia đường là rừng cây của sở mới, sát đường phía bên kia là một nhà mát hình tròn lợp tranh có lẽ cùng được lập nên cùng thời nhưng dân bấy giờ đồn ở nơi ấy có ma nên ít ai lên nơi đó. Riêng nhà Xẹc vào đêm thứ bảy chủ nhật hay lễ “các to ru dê*”, “ nô en*” và tết tây tập trung gồm các quan thầy Pháp, các chủ đồn điền, các quan chức người Việt đưa vợ con đến ăn uống, nhảy đầm phòng được đốt sáng bằng đèn măng xông và nhạc phát ra từ máy quay dĩa…bọn trẻ con nhà gần đó mon men xem thỉnh thoảng được các ông tây bà đầm cho miếng bánh, một quả “bôm *“hay một miếng “phô mai *” cũng có những người lớn hiêu kỳ ghé xem chơi lại được mời uống rượu chát, champagne….
Không có rạp hát nhưng thi thoảng được giải trí nhờ các đám sơn đông mãi võ đến biểu diễn và bán thuốc hoặc trong các ngày lễ hội của tây của ta với trò múa lân đốt pháo, đập niêu, leo cột mỡ , nhảy bao bố…và của người thượng du như lễ chém trâu..tất cả đều tập trung trước bãi sân rộng cạng cái Lô cốt của văn phòng Sếp-đề-lê-ghê mà dấu tích còn lại là cây gòn ở phường Blao vẫn còn (vào năm 2012).Cây gòn này được trồng để dựng cây nêu lể Giàng và cột trâu.
Không có một trường học nên bọn trẻ cứ lêu lỏng tụ tập leo cây ,lội suối..có cái sân banh sau đồn lính trên con đường ra mã thánh sau nhà thờ, chỉ có quan chức người Pháp và lính trong đồn ra đá mà thôi, bọn trẻ gần đó tập trung ra , chực có trái bóng nào lăn ra khỏi vạch vội giành nhau chạy lượm để chạm được trái banh da bởi lẽ chúng bao giờ có được đụng đến quả banh da đâu, dù rằng chúng cũng có những cuộc đá bóng ở sân chùa hay nhà thờ thay vì quả banh thì chúng dùng quả bưởi để héo, vậy mà cũng có những trận nẩy lửa giữa xóm trên và xóm dưới, giữa phe nhà thờ và phe chùa, những trận đấu không có trọng tài, không có tiếng “síp lê *“ trụ thành có thể là hai cục gạch, hai chiếc dép, hai đống quần áo, trang phục thi đấu thì một bên mặc áo một bên ở trần. còn sân bóng thì được vạch ranh giới bằng que nhọn hằn lên mặt đất.Với một qui mô như thế thì trận đấu được tiến hành không có thời gian, nhưng tinh thần thi đấu là tự giác , khi xảy ra những tình huống phạm lỗi thì bên này hay bên kia lên tiếng, dĩ nhiên cũng có lúc cải cọ nhưng việc dàn xếp cũng nhanh chóng, những từ ngữ mà bọn trẻ học lóm được khi ngồi xem và nghe được trong các trận đấu của lính trên sân sau nhà thờ là “me , cọt ne..bát sê, ọt giơ…*” cũng được dùng trong các trận đấu dù là đá banh bưởi.
Còn phía người lớn, ngoài những người làm quan chức trong guồng máy chính quyền đương thời còn có những viên chức làm cho sở mới, họ được người dân vô cùng trọng vọng gọi là ông phán, ông tham…Đa phần là làm phu, làm thợ cho các đồn điền mới xây dựng chủ yếu là các sở trà với những công việc gần như thủ công phá rừng dọn cây, đào lỗ, ương trà trồng trà…họ chỉ là thiểu số so với người bản địa mà thời ấy người ta gọi là Mọi là những sắc dân sống ở mạn thượng du cho nên nhóm người Việt tha phương cầu thực đó mang một cái tên là “ Đi Mọi” có nghĩa là đi đến có một cuộc sống như Mọi, họ từ nhiều địa phương đến với nhiều lý do , nhưng với số ít ỏi đó là cơ hội để cho họ thân thiện nhau .
Nhắc lại, mấy mươi năm trước bác sĩ Yersin đã lập ra Dalat chắc chắn là có xuyên qua vùng này cho nên đã tạo nên con đường 20 nối liền Đa Lạt Sài gòn, bà Hương Giang một người cố cựu ở đây từng cho biết con lộ này được thành hình khoảng năm 1936-1937, được gọi là con đường huyết mạch của Blao chỉ là con đường rải đá tráng nhựa, rộng cỡ 4 mét , đi lại trên con đường này là những xe đò vơi các hãng Rờ nôn ,,Pờ rô..còn xe quân sự thì là “ Đốt Cát *“ xe “ Rép *“ và những đoàn “cồng voa *“thỉnh thoảng qua lại ..để cho những âm thanh rầm rì vang vọng,hay những hồi còi tin tin kéo tầm nhìn cho người dân và lũ nhỏ hiếu kỳ…
Bùi Tho
Nhà thờ Blao năm 1940
Voi dùng vào du lịch
Con Cọp còn gọi là ông ba mươi
Lễ hôi của dân tộc Ba Na Gia Rai
* ông ba mươi ý gọi là con cọp, con hổ.*bíc kê(briquette) cái bật lửa *- xẹc (Cercle ): Câu lạc bộ - * la phông ( Plafond ) : trần nhà- * các-to-ru-dê ( quatorze julliet) 14 tháng 7 lễ độc lập của Pháp- * nô-en ( Noel)-* bôm (Pomme) trái táo -* Síp- lê (siffle') cái còi - * me ( main ) cái tay - ý là phạm lỗi chạm tay-* cọt- nê (corner) phạt góc * bát-sê (passe) chuyển qua- ý là chuyển bóng * ọt giơ ( Hors-jeu) việt vị -* hiệu của các xe : Rờ nôn (Renault) pơ- rô (Peugeot) đốt cát ( Dodge 4) Rép ( Jeep ) * Cồng-voa ( Convoire ) đoàn xe