Từ năm 2014, một công trình đồ sộ chiếm lĩnh một khu đất rộng trung tâm của cả một khu vực rộng lớn của khu Đô thị mới Hà Giang Thành Phố Bảo Lộc, công trình này đang trong bước hoàn thiện, ai cũng biết đó là cái Chợ : Chợ Mới Bảo Lộc.Còn có tên gọi Chợ Trung Tâm Thành phố Bảo Lộc
Như vậy là xứ Blao này có thêm một cái chợ mới nữa!
Và cái chợ hiện tại nằm trên đường Lê Hồng Phong sẽ được mang tên cái chợ cũ là đương nhiên, nhưng với mọi thần dân của Blao ngày nào vẫn gọi tên chợ này là Chợ Mới từ năm 1960 đến giờ.
Một địa danh khác là Chợ Cũ vẫn còn được dùng, đó là vùng đất trước nhà thờ Bảo Lộc, trước UBND phường Blao, nó nằm trong góc tư của đường Trần Phú và đường Lý tự Trọng.
Nhắc lại rằng trước năm 1954 khu vục thuộc cánh nam con đường 20 trước văn phòng quận trưởng Blao là khu mua bán gồm các quán chạp phô của các vị khách trú là Hòa Ký, Bình Ký, Vận Ký, Ba Khình, Vĩnh thái.. còn người Việt thì có bà Nhơn Hương Giang, Ông Thợ Triêm, ông Thập Lân, Ông Xã Bắc, ông Hương Cu… Mạn bắc con đường là khoảng đất trống thuộc sở mới mà dọc đường phía đó được trồng cây muồng xiêm ( Cassia seame )dân thời ấy quen gọi là cây keo.
Nếu tính tiếp con đường nối dài từ văn phòng quận ra , qua đường 20 là một đường đất chạy ngang qua chuồng bò thẳng qua đồng cỏ của sở mới ( trước 1975 là đường Nguyễn Thái Học, nay là đường Lý Tự Trọng <2015>) năm 1955- 1956 ngay đầu đường người ta mở rộng làm bến xe, song song đó thì một số nhà của được xây dụng quanh , hàng quán cũng theo quốc lộ cho đến trước nhà thờ.
Phần đất theo đó người ta bắt đầu họp chợ lấy nhà bò của sở mới là trung tâm . Đó cái chợ đầu tiên của xứ Blao nầy.
Cái chợ này thành hình cũng do dân cư nơi đây tăng vọt bởi lẽ sau hiệp định Geneve nhóm người di cư miền từ miền Bắc vào, ở ngay Blao, và các trại định cư quanh vùng bắt đầu thành lập, thêm vào đó một thể chế mới được thành hình vua Bảo Đại bị truất phế mở đầu cho chính thể cộng hòa. Chính chỗ phần đất họp chợ này trước kia là nơi tổ chức các cuộc mit ting biểu tình, cũng là chỗ các đoàn ảo thuật, sơn đông mãi võ thường đến diễn trò.Có một gian hàng bên cạnh bến xe chuyên bán cơm và thức uống được nhiều người biết đến của Mai Lan Phương –Ngọc Chiếu vốn là đào kép của một đoàn cải lương đến diễn tại Blao rồi tan hàng rả đám mở tiệm ăn.
Cái chợ này thành hình không lâu thì bị cháy khoảng 1957. May mắn chỉ cháy từ đường trung tâm vào chợ về phía tây đến tiệm ăn Mai lan Phương Ngọc Chiếu.
Lần thứ hai, lại cháy nhưng không nằm trong phạm vi chợ mà theo dãy phố của người hoa kiều ở mạn nam con đường QL 20 từ trước cổng quận cho đến gần cổng nhà thờ, lúc bấy giờ các nhà này đều làm bằng gỗ lợp tôn kẽm, xuất phát cháy đầu tiên tiệm Vĩnh Thái, là nhà của “cô Bảy Xếnh Xáng” một người phụ nữ Việt lấy chồng người Hoa. Sau vụ cháy, dãy phố này được xây dựng lại bằng gạch với các hiệu: Hòa Bình Ký, Bánh Mì Vĩnh Thái, nhà thuốc Lai Sanh,Vận Ký, Diệu Huê, Tam Hưng Tửu Gia, Tiệm vàng đồng hồ Phú Cường, tiệm sách Việt Cường.
Vào năm 1961 thì vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi khu vực chợ, thuộc mạn bắc con đừơng kéo dài từ bến xe cho đến trước cổng nhà thờ hình như nhà cuối cùng là nhà sách Văn Hóa của ông Nguyễn văn Kha, trước đó là tiệm tạp hóa rồi đến hiệu Giặt ủi Quang Trung, tiến về phía trung tâm chợ còn các tiệm may Minh Thu, tiệm may Thời Đại, tiệm giày Bình Lợi, tiệm phở Trung Việt… Vụ cháy lần này như một sự xóa sổ cái chợ cũ lụp xụp tạm bợ để tập trung về cái chợ được mang danh chính thức là chợ Bảo lộc đã được thành hình nằm trên đường cánh đông xuất phát từ tòa hành chính mang tên là đường Cách Mạng, hiện nay là đường Lê Hồng Phong (2015). Được gọi là chợ mới.
Sau vụ cháy đó, một số hiệu buôn từ chợ cũ chuyển sang là trà Quốc Thái, tiệm vàng Bào Ngọc, tiệm may Hưng Thành, hiệu giày Bình Lợi,may Thời Đại..Riêng hiệu giặt ủi Quang Trung không tiếp tục ,theo lời ông Vũ Bình Minh con trai của ông Vũ xuân Tưởng cho biết ba ông vào Nam trước năm 1940 làm việc ở xửơng Ba Son Sài Gòn, khi ông được 10 tuổi gia đình mới chuyển về Blao mở tiệm giặt ủi đó là tiệm giặt ủi đầu tiên xứ này, có thể trong nhóm dân di cư vào đất Blao lúc ấy có họ hàng thân thích với gia đình ? thời gian đó sau khi đậu tiểu học, ông học ở trường Cộng Hòa, chuyển ra Phan thiết, đậu văn bằng tú tài ông học sư phạm, đang dạy học bị động viên sau về tiểu khu Lâm Đồng. Nay ông bà Vũ Bình Minh là chủ cơ sở Chế biến Cà phê và Khách sạn Minh Quân trên đường Trần Phú gần bờ hồ Bảo Lộc.
Khu chợ mới Bảo lộc ( 1961 ) gồm một chợ lồng nơi bán quân áo hàng tạp hóa và một khu riêng bán hàng thực phẩm khô, thịt cá, rau cải… nay vẫn còn, trước mặt chợ là đường Lê Hồng Phong là dảy Kiosque ba mặt còn lại tiếp giáp với các đường Lê thị Pha, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ gồm các dãy phố hai tầng. Dãy phố hai tầng ấy cùng một kiểu cũng được xây từ đầu chợ theo đường Cách Mạng hướng vế tòa hành chính.
Trở lại cái chuồng bò của sở mới, là cái khung chính của chợ Blao ngày nào, nói là chuồng bò chứ thực ra là một cái khung nhà trống trơn chỉ có mái tôn và sườn cột. Ngày còn bé chúng tôi vẫn thường vào chơi nơi ấy sau khi tắm suối số 3, suối lò than hay lội rừng hái sim hái lan, hình như chỉ là chỗ cho bò nghỉ nắng vào trưa mà thôi, lúc ấy đàn bò của trường Nông Lâm Mục nhiều lắm có cả trâu Ấn độ nữa, mãi đến khi tôi vào học Nông Lâm Súc thì mới thấy cái chuồng nhốt bò ban đêm ở mé rừng sau lô trà số 2 gần chuồng ngựa.
Sau khi chợ dời đi họp ở nơi mới , thì khung chuồng bò ấy được gở đi cùng một phần nhà kho gần đó người ta xây dựng làm cái nhà thương đầu tiên ở xứ này, nó nằm trước nhà thờ. Phần nhà kho còn lại Linh mục Lan đã mượn trường Quốc Gia Nông Lâm Mục làm trường Trung học tư thục Cộng Hòa nằm trên đường Phát Diệm ( nay là đường Nguyễn văn Trỗi ) cùng lúc đó thị thượng tọa thích Giác Đức mở trường Tư Thục Bồ Đề tại chùa Phước Huệ,
Đến năm 1970, khi bệnh viện Bảo lộc được xây dựng xong sau tòa hành chánh ( nay là BV II Lâm Đồng ) thì bệnh viện trước nhà thờ trở thành khu ở tập thể của nhân viên bệnh viện. Sau năm 1975 là văn phòng làm việc của xã Thiện Thành rồi văn Phòng thị trấn Blao.
Câu chuyện lòng vòng chỉ có một xác nhà từ chuồng bò đến chợ, từ chợ đến nhà thương. Nên xin phép kể thêm rằng lý do nào lại làm cái nhà thương cạnh quốc lộ 20 trước nhà thờ có nghĩa là khu dân cư đông đúc ồn ào ? Sỡ dĩ lập nơi ấy vì trước đó có một trạm xá là nhà gỗ lợp tôn người dân bấy giờ gọi là nhà thương Phi Luật Tân vì do nhóm quân y Phi Luật Tân phục vụ. Thực sự trong thời Pháp thuộc dù gọi là nhà thương thí, nhưng cũng chỉ là trạm xá nó là căn nhà gỗ đầu đường vào sở Bảo Đại trước trừơng Quốc Gia Nông Lâm Mục.
Cái nhà thương Phi Luật Tân đó sau năm 1975 trở thành cái trạm xá của ấp Thiện Thành, cái nhà thương thí của Pháp không làm chức năng đó nữa từ khi có cái nhà thương Phi luật Tân và cái xác nhà của nó qua nhiều đời chủ : ông Nguyễn Đức Bích, từ 1973 ông Trần Hiệp giám đốc nhà thuốc sâu Chánh Hiệp Sài gòn, cuối cùng là của ông Tạ Chí Ba, sau năm 2000 mới thay hình đổi dạng.
Ngoài cái chợ mới như đã nói trên thì các khu định cư các xã lân cận cũng lập chơ như : Chợ Tân Bùi, Chợ Tân Hà, Chợ Đại Lào, chợ Tân Thanh… Bảo lộc là chợ trung tâm nên thường vào chủ nhật rất đông người đến mua sắm, các chợ khác chỉ họp vào buổi sáng chủ yếu cung cấp hàng thực phẩm nhu yếu, có một chợ được gọi là chợ chiều, vì nó chỉ họp vào buổi chiều nó nằm ngay khúc cua đầu tiên vào Ferme chủ yếu bán hàng thực phẩm cho những bà con gần đó, nay không còn nữa.
Dù rằng ngôi chợ mới trên đường Nguyễn Công Trứ thuộc khu đô thị mới Hà Giang chuẩn bị khai trương, Bảo lộc giờ đây đã có siêu thị Co-op Mart, có nhiều trung tâm mua sắm và đặc biệt có đên vài trăm cái chợ mới được họp ở ngã ba, ngã tư . Cũng bán thịt bán cá, rau quả nói chung là đủ thứ đối với những người chuyên mua bán, phần còn lại là người trong khu dân cư trồng được cây rau, trái mướp, quả bầu , con gà con vịt nuôi được mang đến bán, có tên là Chợ Xổm hay Chợ Chồm Hổm được gọi như thế là do chợ chỉ họp một thời gian ngắn trong ngày và phần đông người bán đều ngồi chồm hổm.. Nói đến chợ loại này thì chúng ta cũng hảnh diện vì nước Mỹ hiện đại nhất thế giới vừa bắt chước lập loại chợ này trên đường Old Foltin Rd trước nhà thờ giáo xứ Đức mẹ La vang ở thành phố Houston.