Thiên nhiên Đài Loan không hấp dẫn mấy vì bình bình, không lên đồi xuống dốc, không dòng sông thơ mộng, chỉ là những cụm nhà rải rác đó đây, lâu lâu xen vào những ngôi chùa nho nhỏ đây đó, gần giống như những làng quê thanh bình của Việt Nam, nhưng không tiều tụy mái lá, ruộng trơ rơm rạ mà là những nhà bê tông xen lẫn trong những rẫy trồng thanh long, củ ấu, cây ăn trái, hay những trại chăn nuôi rộng lớn, mà dù ngắm nhìn phong cảnh qua cửa kính của tàu tốc hành chạy với tốc độ gần 300km/h vẫn có thể thấy rõ những dãy chuồng trại chật nức những lứa gà. Miền thôn quê của Đài Loan không đậm chất quê mùa như ở ta, có lẽ hình thành nên từ thời Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chạy giặc Cộng năm 1949, nghĩa là tròm trèm bảy thập niên trôi qua mà nét hiện đại vẫn còn khá rõ. Trước khi Tưởng chạy sang đây, trên đất Đài chỉ có những người thổ dân thưa thớt.
Tại Đài Bắc, thành phố tuy không nổi bật với những tòa nhà đồ sộ, nhưng sự hài hòa tại một thành phố năng động và những đường nét cổ kính lại tạo cho Đài Bắc một nét quyến rũ nhẹ nhàng. Những con đường lát đá, những lối đi bộ dưới hàng hiên những quán ăn, những hàng cây cổ thụ dọc hai bên lề đường…. là những điểm đặc sắc của Đài Bắc. Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan tuy đông dân nhất nước nhưng không xô bồ, bát nháo. Xe hơi không nhiều, taxi vừa đủ, và xe hai bánh vẫn là chủ yếu. Đài Loan là nước sản xuất ra loại xe nổi tiếng SYM, mà ở ta một thời rất thông dụng. Dĩ nhiên, tại đất nước họ, các dòng xe SYM đời mới, đời cũ cũng tràn ngập trên mọi ngả đường. Họ tuân thủ luật giao thông nghiêm túc, nên không có cảnh giành đường. Người Đài Bắc đi đứng chậm rãi, cử chỉ nhẹ nhàng, nhưng có vẻ không cởi mở, có phần bẽn lẽn, rụt rè là khác. Ngôn ngữ giao tiếp vẫn là tiếng Hoa phổ thông, một số ít nói được tiếng Anh. Nhưng khi biết du khách là người đang bập bõm đôi chút tiếng Hoa vừa đủ xài, họ rất vui, trở nên linh hoạt lạ thường, dù họ nói mười thì tôi hiểu được một, họ nói gà, tôi trả lời vịt, vậy mà cùng cười tươi toe toét. Nếu cần họ chỉ đường, họ chỉ dẫn rất tận tình đến khi mình đi đúng đường mới thôi.
Đến Đài Loan du lịch, phải đi cho bằng được tòa tháp trứ danh, được mệnh danh Taipei 101( trung tâm tài chính quốc tế Đài Bắc) ngay thủ đô. Tòa tháp cao tổng cộng 508 mét, có kiến trúc như một măng tre mọc thẳng vươn lên trời cao( văn hóa Trung Hoa rất chuộng hình ảnh của cây tre, tượng trưng cho bậc quân tử), do công ty Samsung( Hàn Quốc) thiết kế và xây dựng năm 1999, hoàn thành năm 2004, liền năm đó được ghi trong sách kỷ lục Guiness là tòa tháp cao nhất thế giới( năm 2010, vị trí này bị tụt xuống hàng thứ hai, nhường cho tháp Burj Khalifa của Dubai), với tầng được sử dụng( cho phép khách được vào tham quan) là tầng 88( có wind damper, là một quả cầu tròn màu vàng, mục đích chống rung lắc cho tòa nhà), tầng 89( cao độ 382m, là tầng quan sát toàn cảnh Đài Bắc ở trong nhà kính), và tầng 91 ( là tầng quan sát toàn cảnh Đài Bắc ở ngoài trời). Du khách được đưa lên đài quan sát trong nhà(tầng 89) với thang máy có tốc độ 1010m/min, nghĩa là chỉ cần 37 giây từ tầng 5( là tầng bán vé) lên tầng 89. Tốc độ này được Guiness công nhận là tốc độ nhanh nhất thế giới mà một thang máy (elevator) có thể đạt được. Từ đây, muốn quan sát toàn cảnh Đài Bắc bên dưới, ta có thể nhìn qua ống dòm với chỉ vài đồng Tân Đài tệ( NT$, đơn vị tiền tệ của Đài Loan).
Ở những nơi du khách đông như tòa tháp Taipei 101 này, thì thường kèm theo là phòng theater( rạp chiếu phim), và food court( một tổ hợp nhiều cửa hàng ăn uống), những restaurant, giá cả bình dân, hợp khẩu vị người châu Á. Tại đây, chúng tôi gặp một người Việt gốc Hoa khác, anh Hoàng Nhơn Tài. Anh là nhân viên phục vụ cho toàn food court. Ở những nơi mà tôi từng biết như Singapore, Malaysia, Indonesia, và giờ đây là Đài Loan, các quán ăn có cùng một tập quán : tới quầy mua thức ăn hay nước uống, trả tiền xong, sẽ xếp hàng đứng đợi họ dọn ra, sau đó mình phải tự mang về bàn ăn của mình ( tự phục vụ, self service). Ăn xong, sẽ có những người phục vụ chung cho các quán đi dọn sạch, bàn lại tiếp tục chờ người sau đến xí chỗ. Những giờ cao điểm (giờ ăn), xí được một bàn đủ chỗ cho nhóm bốn người là một việc rất trầy trật. Anh Tài là một trong những người phục vụ ấy. Đi ngang chỗ chúng tôi ngồi, nghe xí xô xí xào tiếng Việt, anh dừng lại, hỏi một câu mà hầu như ai gặp đồng hương trên xứ người cũng đều hỏi y như nhau: ”người Việt hả”. Thế là bắt chuyện. Anh cho biết mình sang đây định cư đã sáu năm, do người chị ruột bảo lãnh. Anh sinh năm 1967 tại Chợ Lớn, khi ở VN anh cũng là dân buôn bán tại chợ Bình Tây. Sang đây, anh xem như mình vẫn đang ở nhà vì không gian, môi trường sống “y chang “như Việt Nam, lại là người gốc Hoa nên hòa nhập tự nhiên như người bản xứ. Anh bảo làm công việc dọn bàn không nặng nhọc, lại được ở trong nhà mát mẻ, không phải đầu tắt mặt tối chạy xe lấy hàng giao hàng như khi còn ở Việt Nam, mà lương cũng khá, khoảng 38.000 NT$/tháng, còn được nghỉ 8 ngày/tháng. Nếu có sức khỏe làm thêm thì mỗi tháng có thể kiếm 41.000 NT$, tương đương 1.300USD( 100usd =3100 NT$), coi như sống được.
Mức sinh hoạt của Đài Loan không quá đắt đỏ, nhưng ở Đài Loan vẫn có người ngủ lề đường (ngay tại thủ đô), và người ăn xin khá nhiều. Cách họ xin cũng hiền lành. Mặc định là cái nón để trước mặt, không thêm gì khác. Cũng không lên tiếng van xin thống thiết, chỉ ngồi im lặng, mặc người qua lại. Ở chợ đêm bán đồ ăn Rui Feng, chợ đêm bán hàng hóa Xin Jue Jiang ( nằm cạnh trạm tàu điện R9 Central Park, Cao Hùng), hoặc chợ đêm Ximen ding( Tây Môn Đình, Đài Bắc), rải rác đây đó là những người tàn tật, già cả, thậm chí còn có nhiều “kẻ xin” sang trọng như những ca sĩ, nhạc sĩ cũng hòa nhau trên bước đường làm hành khất. “Thiện an nị” là câu cám ơn mà tôi học được khi cho một ông lão mù những đồng xu( xu ở đây chỉ có các mệnh giá 1; 5; 10; 50 NT$). Không thấy đồng xu 2NT$ và 20NT$, nên không biết tiền Đài Loan có hay không có mệnh giá này, cũng như tiền đổi ở quầy foreign exchange cũng chỉ thấy họ đưa toàn tiền giấy mệnh giá 100 NT$, 500 NT$, và 1000 NT$.
Một nơi đáng cho du khách tham quan nữa chính là quảng trường Chiang Kai Shek, tức quảng trường Tưởng Giới Thạch.
Một chút tiểu sử về Tưởng Giới Thạch( 1887-1975): Ông sinh tại tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa lục địa, và tạ thế tại Đài Loan. Vốn là một người tham gia Trung Quốc Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên(1866-1925) (Tôn Trung Sơn, người làm nên lịch sử Cách mạng Tân Hợi 1911, lật đổ nhà Mãn Thanh, lập ra nước Trung Hoa Dân Quốc). Năm 1925, Tôn Dật Tiên qua đời, Tưởng Giới Thạch nắm quyền tổng tư lệnh lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng, chống lại phe Cộng sản ở Trung Hoa lục địa. Năm 1949, Quốc Dân Đảng bị đánh bật khỏi đại lục, Tưởng cùng đoàn tùy tùng ôm tất cả vàng ngọc châu báu( hơn 700.000 hiện vật gồm đồ gốm, sành sứ, những tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ tinh xảo, một số bộ sưu tập từ thời tiền sử có niên đại trên 5.000 năm…. trong cung điện ở Bắc Kinh( hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia, còn gọi là Bảo tàng Cố cung Đài Bắc) chạy sang đảo Đài Loan, chờ cơ hội trở về đại lục phục hận, nhưng mãi mãi đã không thể trở về vì quốc cộng càng lúc càng bành trướng thanh thế, còn Tưởng thì ngậm ngùi ở lại Đài Loan cho đến khi nhắm mắt. Là một người có công khai phá đất nước Đài Loan, làm tổng thống từ 1949 (khi mới đến Đài Loan) cho đến khi mất (1975), nên nhân dân nhớ công ơn, năm 1976, đã xây dựng Chiang Kai Shek Memorial Hall để tưởng nhớ vị tổng thống đầu tiên Tưởng Giới Thạch, và đưa vào sử dụng cho công chúng đến chiêm ngưỡng và vui chơi từ năm 1980. Ngoài đài tưởng niệm hình bát giác có mái màu xanh, mà bên trong là tượng Tưởng Tổng thống (lớn gấp ba lần người thật) bằng đồng mặc trang phục truyền thống, quanh năm luôn có hai lính gác hai bên( cứ mỗi giờ lại làm nghi thức thay người gác, mà tôi may mắn có dịp chứng kiến). Hai bên tả hữu quảng trường là nhà hát quốc gia( National Concert Hall), nơi thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn ca nhạc quan trọng trong và ngoài nước.
Còn phải kể đến là chùa Long Sơn, ngôi chùa cổ gần 300 năm( xây dựng năm 1738). Chùa vẫn còn giữ nguyên nét đẹp cổ kính trầm mặc, dù ở ngay giữa lòng thủ đô Đài Bắc tráng lệ. Tín ngưỡng chính của Đài Loan là Phật giáo, dân chúng có niềm ngưỡng mộ và tôn kính mãnh liệt các ngôi chùa, và sư sãi. Đến chùa, ngoài không gian trang trọng nơi cửa Phật, việc tụng niệm, cúng bái, hành lễ, xin xăm, bói quẻ v.v…nhìn đâu cũng thấy giống ta quá. Đi tham quan chùa Long Sơn đúng vào ngày mùng một tháng mười âm lịch nên chùa đông nghịt người. Cũng mờ mịt khói nhang, cũng đồng thanh những bài tụng A Di Đà, cũng ngan ngát hương trầm bủa vây không gian…..Sao bỗng dưng thấy nhớ mấy ngôi chùa ẩm thấp thân quen, và nhớ cả những món chay đạm bạc quê nhà quá đỗi.
May mà vừa vặn đến ngày về. Chỉ mới xa có vài ngày mà đã thấy như lâu lắm. Về thôi.
9/11/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Hoàng hôn trên Quảng trường Chiang Kai Shek( Đài Bắc)
Bên trong tòa nhà thờ Tưởng Giới Thạch
Quảng trường Chiang Kai Shek(Tưởng Giới Thạch).Đây là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Đài Bắc(Nationál Concert Hall)
Mô hình tòa tháp 101 tầng
Chụp với mô hình của tháp Taipei 101