MẠN ĐÀM VỀ CHIẾC XE ĐẠP
Nói về chiếc xe đạp thì nó cũng trải qua nhiều thăng trầm như cuộc đời con người ta vậy.
Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng 30.4.1975, chiếc xe đạp thật là đắc dụng trong cuộc sống . Lúc đó cả nước còn chế độ tem phiếu , mỗi tháng ai có thẻ đăng bộ xe ( cạt vẹt ) thì được cấp 4 lít xăng, một quý (3 tháng ) được 12 lít. Vậy là bình quân mỗi tuần được xài. ....1 lít xăng !
Tui còn nhớ lúc đó mấy xe chở hành khách công cộng gắn 1 cái thùng to tổ bố phía sau ( bằng 3 cái thùng phuy chồng lên ) xe để đốt lò than đá làm nhiên liệu cho xe. Ai mà ngồi gần cái lò than đó thì phải biết, nóng kinh khủng. Vì tình hình xăng dầu cả nước lúc đó rất khan hiếm, thì xe gắn máy mỗi tháng được bán 1 lít xăng thì quả là diễm phúc trên đời! ?
Tui còn nhớ năm 1976,lúc còn dạy ở trường NLS Ba Xuyên (bây giờ là tỉnh Sóc Trăng) mới quen cô giáo Hoa. Sau thời gian hẹn hò ,hè đến, em mời anh tới Bình Dương .......cho biết nhà.
Thế là khi về nhà ở Biên hoà, tư tui báo cáo sự tình với ông bà già. Ổng bả Ô kê cái rụp .Nhưng cái trở ngại lớn nhất là.... phương tiện di chuyến . Đi qua bển bằng cái gì? Nếu đi bằng xe khách thì khi tới bến xe Thủ dầu Một phải kiếm xe đi 1 chặng đường nữa từ đó xuống ngã 3 An Sơn gần 6km .
Nhưng tính từ hồi mặc tả lót tới lúc đó tư tui có biết Thủ dầu Một, chợ Búng, ngã 3 An Sơn là con khỉ gió gì. Mọi việc chỉ do em kể lại.
Thôi thì muốn chắc ăn nên sử dụng xe Honda là hợp lý nhất. Đi tới đâu mình hỏi thăm tới đó là tới chỗ thôi.
Tính toán xong, tui xin phép ba má cho con. ...mượn chiếc Honda đi về bển thăm em. Nhưng cái quan trọng là lấy xăng ở đâu mà chạy?
Cũng may, ba tui nói quý này chưa lãnh xăng . Nghe vậy tư tui cầm vội cái "Hậu khổ" cùng cái phiếu mua xăng và can nhựa 12 lít , chạy ngay tới cây xăng gần rạp hát Biên Hùng (cách nhà 3km) để mua tiêu chuẩn quý 2 năm 1976. Lúc đó người ta sắp hàng dài gần. ....30 mạng. Nhưng việc gì cứ kiên nhẫn là má thành công. Chừng hơn 1 giờ đồng hồ thì cũng tới lượt tui. Được nghe gọi tên nhận xăng, lúc đó mồ hôi mẹ, mồ hôi con chảy ướt lưng.
Về tới nhà, tui châm đầy nhóc bình xăng của chiếc xe Honda dame của bố già, và để chắc ăn ,còn bao nhiêu trong can nhựa, tui để lên cái ba ga ở phía trước xe để lỡ tìm nhà em không gặp thì cũng còn xăng mà ......back home . He he.
Sau năm 75, ông già là công chức ngành giáo dục ( giáo viên ) của của chế độ cũ , tất cả khoản phụ cấp thâm niên mấy chục năm , phụ cấp vợ con bị cắt ráo, lương của ông lúc đó vỏn vẹn chỉ có 50 đồng ( lúc đó tất cả công chức đều lãnh lương đồng hạng 50 đồng )?bằng với thằng con đang dạy học ở NLS Ba Xuyên mới ra trường được vài năm cũng. ..50 đồng . He he
Và trong lúc phải nuôi đoàn tàu há mồm gần chục đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn mà lương 50 đồng thì đồ đạc trong nhà lần lần đội nón ra đi gần hết là tất yếu. Tuy nhiên cũng may là ông già tui vẫn còn giữ lại chiếc Honda cà tàng,vì ông nói để "làm chưn" khi cần đi xa nên không nỡ bán . Nhờ vậy mà bữa nay tui mới có cơ hội ngồi lên chiếc Honda dame trực chỉ Bình Dương tìm. ...em. He he ?
Thời gian đó chưa có "mô hình xăng cục gach",mà nếu có cũng rất hiếm. Chỉ thời gian sau, loại hình kinh doanh xăng cục gạch mới dần dần xuất hiện do qui luật " cung -cầu "và bắt đầu có dài dài theo đường, vì cây xăng quốc doanh chỉ bán theo tem phiếu. (Không như hiện nay, chỉ cần cho xe chạy vào bất kỳ cây xăng nào, đổ bao nhiêu lít cũng được! ).
Nói ra chuyện này, mấy cô cậu thế hệ 7X, 8X trở về sau chắc không thể hình dung nổi đâu. Lúc đó mọi việc trong cuộc sống hàng ngày đều lấy căn bản từ cái sổ hộ khẩu. Từ nhu yếu phẩm cho tới xăng dầu, gạo(12kg/đầu người /tháng )..đều xài tem phiếu căn cứ vào hộ khẩu. Để thấy hiện nay rất là sung sướng.
Theo như em hướng dẫn trước lúc tạm biệt Ba Xuyên để dìa nghỉ hè ở quê hương Bình Dương thì khi tới chợ Búng hỏi ngã 3 An Sơn, tới ngã 3 An Sơn hỏi cầu Móng, tới cầu Móng hỏi nhà ông 5 N. là ai cũng biết hết á ?.
Thiên địa thánh thần ơi, vậy mà từ Biên hoà tui hỏi đường tới Chợ Búng thì dân họ chỉ lòng vòng lạc vào khu Sóng Thần, rồi có lúc đi từ đường nhựa, chuyển sang đường đất đỏ trong nông thôn (chỉ dành cho xe. ...bò!? ? ) rồi lại ra cái đường nhựa hơi bự thì thấy mình đang cặp sát . ...nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Sông Bé! Thì ra cái con đường bự bự đó bây giờ là đại lộ Bình Dương mà "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" tui có biết nó là con đường khỉ gió gì đâu! ?
Đúng ra lộ trình từ nhà ba má tui tới nhà em chỉ có 23 cây số. Nếu đi xe gắn máy tà tà chừng 40 phút là tới, nhưng lúc đó tui đi hết 2 giờ mới tới. ..cầu Móng. Vừa qua cầu Móng, gặp 1 chị đang phơi lúa trên đường tui dừng xe lại hỏi thăm thì được chị nhiệt tình giúp đỡ, vì chẳng những chỉ đường tới nhà ông 5 N. mà còn kêu 2 đứa con ( độ 7-8 tuổi ) leo lên xe của tui để chỉ tận chỗ :
- Út em, Út anh con dẫn chú này vô nhà ông Năm đi. Ông Năm là cậu của tui đó mà.
Mèn ơi, hên dễ sợ, hỏi thăm mà đúng ngay bà con.
Theo hướng dẫn của 2 bé ngồi sau, tui chạy xe Honda vào tới sân nhà ông Năm ( cách chỗ vừa hỏi thăm chừng 200m).
Từ đàng sau nhà ,"em hiền như ma sœur" xuất hiện bước ra chào khách phương xa. Và sau màn thủ tục nhập gia với ông bà già wợ tương lai là tiết mục dùng cơm trưa có kèm món la sét ( dessert ) ....măng cụt ,sầu riêng cây nhà lá vườn no bóc ké .???
Sau chuyến đi đầy kỷ niệm ấy được coi như chuyến đi tiền trạm của tui để rồi một ngày đẹp trời, ông bà già tui thân chinh qua Bình Dương để bàn chuyện liên kết thông gia. Và tui cũng không biết "em hiền như ma sœur" trở thành "gấu mẹ vĩ đại" lúc nào không biết. He he ?.
Ủa, đang nói về chiếc xe đạp sao tui lại. ...lạc đề qua chuyện đi Sông Bé tìm "người đẹp Bình Dương " vậy cà ? Nhưng thưa các bạn, chuyện gì nó cũng có nguyên nhân của nó. Ý tui muốn nói về những ngày gian khó những năm đầu sau giải phóng mọi thứ đều thiếu thốn ,trong đó có xăng đầu. (Và lúc đó còn có câu. ...tân tục ngữ : "mặt nhăn nhó như bị mất sổ gạo" . vì lúc đó, nguồn sống cả nhà là cái sổ gạo tem phiếu, nếu mất là coi như cả nhà bị. ...treo mỏ . )
Và cũng vì nhiên liệu khan hiếm , mà đàn con gần chục đứa đang ăn học nên má tui (lúc đó khoảng 45 tuổi ) phải vài ngày chạy về quê 30 km bằng chiếc xe đạp mini trành bầm (loại xe đạp bánh niềng 600) để "xâm canh" hầu cứu nguy cho gia đình .(* )
Lúc đó chiếc xe đạp là phương tiện đắc dụng kinh khủng. Ngoài việc đi lại bình thường như đi chợ, học sinh đi học, nó còn là cần câu cơm cho những người nghèo khó phải thồ vài chục chén,tô, đồ mỹ nghệ từ các lò ở Bình dương đi xuống Sài gòn bán, có những người cha, người mẹ thồ những bao than to đùng nặng gấp 5 lần trọng lượng của họ. Tôi cũng từng thấy có người thồ những lóng gỗ cặp 2 bên sườn xe đạp và họ hàn 2 cái bàn đạp dài ra hơn bình thường. Họ đạp xe với tư thế. ...chàng hản!. Rồi có những người chở lu, kiệu đi Sài Gòn bán cho những vựa. Tất cả cũng vì cuộc sống gia đình, con cái nheo nhóc. Nhưng đâu phải đi chuyến nào cũng trót lọt. Họ bị chận bắt dọc đường với lý do ....buôn lậu!
Tình hình này cũng mất dần sau những năm 90 khi đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường,hàng hoá ngày càng dồi dào. Xe cộ có đầy đủ xăng dầu ( bỏ chế độ tem phiếu ) nên vấn đề lưu thông phân phổi đến được tới nhiều địa phương , hàng hoá không còn khan hiếm như lúc trước nữa nên chuyện luu thông phân phổi bằng phương tiện xe đạp thồ dần trở thành chuyện cổ tích và chuyện "ngăn sông cấm chợ " cũng theo đó mà biến mất !
Và khi kinh tế thị trường bắt đầu ló dạng ở VN khoảng đầu những năm 90 thì rục rục rịch xe gắn máy ở Campuchia, loại second hand ( nghĩa địa ) tràn vào như thác lũ ,rồi xe nhập từ Nhật dạng CKD, SKD cũng theo chân đổ bộ, sau đó tới anh hàng Tàu cũng không kém cạnh. Vừa dỏm vừa nhái kiểu, nhưng được cái là giá bèo, vừa túi tiền của giới lao động nghèo nên cũng bán đắc như tôm tươi .
Rồi cái gì đến phải đến: thời của xe đạp lụi tàn vì không cạnh tranh nổi với sự bùng nổ của xe gắn máy 2 bánh. Cây xăng mọc lên khắp nơi để phục vụ cho các loại xe lớn, nhỏ, nhất là xe gắn máy. Có những nơi mà cây xăng chỉ cách nhau chưa đầy 100m! Và từ thập niên 2000 trở đi người ta thấy mất dần loại hình xăng cục gạch vì không ai sử dụng nữa. ?.
Có thể nói, từ những năm 1975-2000 là thời hoàng kim của xe đạp, đến nỗi có nhiều nhạc sĩ sáng tác nói về tình yêu đôi lứa đầy thơ mộng quanh chiếc xe đạp . Người ta ăn (với )xe đạp ,ngủ (với )xe đạp ,làm việc với xe đạp . Anh "lay" ( đèo ) em khắp cùng trời cuối đất!
Thời gian đó nhiều dịch vụ ăn theo xe đạp như cửa hàng bán đồ phụ tùng, tiệm sửa xe đạp, đồ tốt cũng có mà dỏm cũng có. Thượng vàng hạ cám. Bảo đảm 6 tháng tức là. ...sáng tháo! Cũng trong gíai đoạn này, như ông bà ta có nói "cái khó ló cái khôn" . Chính sự thiếu thốn phụ tùng xe đạp mà xuất hiện những "kỷ sư chân đất" , "chuyên gia" lộn sên ,tân trang xích líp. Líp bị trật con chó ( *) thì người ta giải phẫu nó ra rồi chêm vào đó 2 cục cao su nhỏ (cắt từ chiếc dép Nhật cũ )thay thế 2 cọng thép bị hư , lắp vào xe đạp chạy cũng bá cháy. He he
Cũng trong gíai đoạn này xuất hiện loại vỏ (lốp = Enveloppe )xe làm bằng bao cát đúc cao su ( vì khan hiếm bố làm vỏ xe ), còn ta- long thì tận dụng ta-long của bánh xe cũ. Và từ đây xuất hiện những đại gia mang tên "vua lốp" chuyên sản xuất loại lốp phục vụ cho giới xe thồ . Lốp làm ra rất chất lượng "nồi đồng cối đá" được giới xe thồ tin dùng. Có thể coi những đại gia này là những người đi tiên phong những bước đầu tiên của kinh tế thị trường.
Nhưng từ năm 2000 trở đi , bóng dáng xe đạp mất dần trên đường. Giờ đây nó chỉ phục vụ cho thiểu số giới lao động nghèo và học sinh trung học. (đa số là loại xe niềng 650 ) . Thời gian nầy nếu đi xe đạp lỡ bị xẹp bánh hay hư hỏng dọc đường thì khó tìm được 1 tiệm sửa xe đạp! Hầu như tất cả các tiệm chuyển qua sửa xe gắn máy hết.
Thế rồi sau thời gian êm ắng của chiếc xe đạp trước cơn bão của xe gắn máy, người ta bỗng thấy xuất hiên dần dần những chiếc xe đạp thể thao đắc tiền ( niềng 700 ). Đó là xe của những đại gia thừa calo,muốn tìm cách giải quyết số calories dư thừa trong cơ thế. Những chiếc xe đạp của họ có giá từ vài chục triệu tới ngoài trăm triệu.
Lúc nầy (khoảng năm 2008-2012) xã hội phân ra 2 cực : thật nghèo đi xe cùi bắp ,thật giàu đi xe đạp xịn.
Tuy nhiên giai đoạn này không kéo dài lâu, vì các nhà kinh doanh xe đạp nhận thấy nhu cầu rất lớn của "mặt trận" này còn đang để ngõ. Thế là sau 2012, hàng loạt xe đạp địa hình, xe đạp cuộc (course) ,xe đạp 650 cải tiến , xe đạp mini 600 cải tiến, xe đạp gấp lại, xe đạp chạy nhông, xe đạp không thắng (thật ra nó có thắng ở đùm sau. Đạp tới là chạy, đạp ngược lại là thắng. Giống như xe Gœbel , Sachs vậy .)ào ạt xuất hiện đầy các cửa hàng bán xe đạp. Thượng vàng hạ cám. Từ chiếc nhập ở nước ngoài còn nguyên đai nguyên kiện ,cho tới hàng second hand, hàng của Đài Loan, Trung quốc sản xuất tại. ...VN. . Nó vừa túi tiền theo phân khúc người tiêu dùng : từ cao cấp, trung bình cho tới bình dân. Giá từ trên dưới 2 triệu cho tới vài trăm triệu đồng.
Thêm vào đó dịch vụ sửa chữa ,tân trang xe đạp cũng sống lại . Cửa hàng bán đồ chơi ăn theo xe đạp mọc lên như nấm . Nào là mũ (nón ) bảo hiểm, áo, quần, găng tay, giày, kiếng đeo mắt ,........trang bị cho người , đến trang bị cho xe như đèn trước, đèn sau, đèn signal, kèn, đồng hồ tốc độ , bộ vá xe, ống bơm mini bình nước,túi đựng đồ, vv....và vv..có giá từ vài chục đồng tới vài chục. ...triệu đồng!
Cụ Nguyễn Du có nói:- nghề chơi cũng lắm công phu. (Kiều ) quả đúng vậy. Bước vào lĩnh vực nầy mình thấy nó cũng có lý thú và đam mê. Một sự đam mê thế thao lành mạnh. Tuy nhiên cái gì nó cũng có chừng mực ,"liệu cơm gắp mắm" và phải là "người tiêu dùng thông minh".
Nên chọn món hàng vừa ý mà cũng vừa túi tiền của mình , với mục đích tăng cường sức khỏe mà không bị. ...viêm màng túi.. Tuy nhiên, việc học nào cũng phải "có giá " của nó . Khi bước vào lãnh vực nầy mà rành rọt thì chắc bạn cũng phải. ...lãng phí một số tiền cho sự "học khôn"trong việc mua sắm đồ chơi cho "cục cưng" của mình.
Trên đây là bài viết vui nói về chiếc xe đạp. Mục đích để các bạn xem thư giản . Có thế xem như đây là phần BIS trong loạt bài CUỘC ĐỜI "CHIẾN ĐẤU" CỦA TUI. Kỳ nầy tui "chiến đấu" để làm xẹp cái bụng bầu.
Nếu có gì không phải mong các bạn góp ý.
CHÚ THÍCH :
( * )không biết từ "xâm canh" có nghĩa gì mà để giải quyết thiếu đói trong gia đình, má phải đạp xe về quê ở huyện Vĩnh Cửu cách nhà 30km để trồng lúa, đậu phọng, ..... Mà có nhiều nhỏi gì, chỉ khoảng 3 công đất (3.000m2 )do ông bà để lại ,lúc chiến tranh phải tạm rời bỏ nơi chôn nhao cắt rún để ra thị xã Biên hoà ở.
Vậy mà lúc thu thu hoạch ,thuê xe Lam chở chừng gần chục bao lúa (loại đựng phân Urea ) từ làng Bình Long, huyện Vĩnh Cửu về tới thị xã Biên hoà bị các chàng trai du kích địa phương của chúng ta chận xét đóng thuế 5-6 trạm vì cái tội. .....xâm canh! ? ? Chả bù hiện nay, nhiều đại gia có vài chục ha cho tới hàng trăm ha cao su , ruộng lúa rất thoãi mái.
Thôi thì cứ xem như đó là kỷ niệm, ở đất nước mình có 1 giai đoạn "khó khăn" như thế. Cũng may là nó không còn nữa. ????
(*) "con chó " là 1 chi tiết trong cái líp xe đạp . Nó có công dụng là khi ta đạp tới nó sẽ mắc vào răng của líp mà làm dây sên (xích ) chuyển động, xe đi tới . Khi ta đạp ngược lại, con chó sẽ xếp càng ,xe không di chuyển.
Ở miền Bắc gọi là con cá, còn ở miền Trung gọi con cóc! ?
6.8.2017
Xe đạp thồ
Cây xăng thời bao cấp. Hehe
Xe khách với nhiên liệu. ...than đá
|