Năm học mới đã bắt đầu. Tuy đã nghỉ hưu nhưng lòng mình vẫn nao nao nhớ về Ngày TOÀN DÂN ĐƯA TRẺ ĐẾN TRƯỜNG. Và lại nhớ đến công ơn của những thầy cô phụ trách Phổ cập Giáo dục. Nhân dịp này, Nguyễn Thị Mây xin giới thiệu với các bạn một gương người tốt việc tốt là thầy PHẠM TIẾT ĐỘ thông qua bài viết NGƯỜI THẮP LỬA.
Đây là bài viết đạt giải thưởng báo chí VÌ TRẺ EM LÂN II, năm 1999.do Uỷ Ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em VN, kết hợp Hội Nhà Báo Việt Nam trao giải. NTM chân thành cảm ơn thầy Phạm Tiết Độ đã nêu một tấm gương sáng cho ngành GD và cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Trân trọng!
NGƯỜI TỐT – VIỆC TỐT
NGƯỜI THẮP LỬA
Nguyễn Thị Mây
Người dân trong vùng luôn dành cho thầy PHẠM TIẾT ĐỘ những lời tốt đẹp nhất. Thầy chính là ngọn nguồn ánh sáng xua tan bóng tối cuộc đời lũ trẻ bất hạnh, mang chúng thoát khỏi vòng số mệnh nghiệt ngã, dốt nát, giúp cho trẻ được hưởng quyền làm người.
Thầy sinh năm 1936. Năm nay, thầy đã bước qua tuổi lục tuần. Ở độ tuổi nầy, thầy được phép nghỉ hưu. Với hoàn cảnh gia đình khá giả, thầy có đủ điều kiện để hưởng nhàn với một thú vui tao nhã nào đó. Như chăm sóc hoa kiểng
Vào ngành giáo dục từ năm 1958, thầy đã thể hiện lòng yêu nghề, mến trẻ bằng hành động cần cù giảng dạy. Đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, thầy được đề bạt làm Hiệu trưởng trường Cấp I Mỹ Cần, thị xã Trà Vinh. Công việc trôi chảy, thuận lợi, trường lớp khang trang, giáo viên của trường nhiệt tình, học sinh chăm chỉ. Tưởng thầy hài lòng với thành tích ấy. Nào ngờ, thầy rẽ sang hướng khác, con đường đầy trắc trở, khó khăn. Đó là chuyên trách Phổ cập Giáo dục Tiểu học – Xóa mù chữ. Điều đáng nói là Phổ cập Tiểu học ở một địa bàn mà dân cư đa số sống nghề nông. Trà trộn trong những người lương thiện là bọn đầu trộm đuôi cướp. Chưa kể một số người sống bằng nghề bán dâm, cờ bạc…Thầy lao vào cuộc chiến mới “Đẩy lùi giặc dốt” .Xóa bỏ tình trạng mù chữ trong tầng lớp dân nghèo, ô tạp. Công việc mà thoạt nghe ai cũng lắc đầu buột miệng “quá khó!”.
Đối với người nghèo, cầu được ăn no, mặc ấm quan trọng hơn biết 29 chữ cái. Họ xem việc học như một món hàng xa xỉ, không cần thiết. Không học cũng không chết. Còn đối với tầng lớp khá giả họ nhìn thầy, người đi vận động mở lớp, lập trường như nhìn một …quái nhân. Nửa kinh ngạc, nửa kinh sợ. Họ sợ ánh sáng văn hóa sẽ khiến bộ mặt xấu xa lộ rõ. Mọi sự thật phũ phàng được phơi bày. Và, họ kinh ngạc đến độ bật ra những câu nói như hắt một gáo nước…nóng vào mặt thầy!” Cha già lì dễ sợ! Đã bảo không học hành gì ráo mà cứ năn nỉ hoài. Mệt quá!”. “Bộ hết chuyện mần rồi sao mà chả cứ rảo hết đầu trên xuống xóm dưới, kêu réo từ già đến trẻ chùm nhum lại …đánh vần!” . “Chưa thấy ai khờ như cha thầy giáo này! Tao đã nói nhà nghèo, không gạo nấu, tiền đâu mua tập? Tưởng sao, trời sụp tối, thằng chả vác mặt tới, đem cho bịch gạo, cuốn tập, cây viết…”. “Còn tao, kêu nhức đầu, ổng mua thuốc. Điệu này, bữa nào tao đòi vợ. Chả dám cưới cho lắm à nghen!...”. ‘Hổng biết học cho ai nhờ mà ổng cực dữ vậy nữa!’.
Thầy nghe hết, nhưng không giận mà còn cười dễ dãi. Thầy tâm sự với người bạn đời, cũng là đồng nghiệp của mình, cô Trần Thị Loán rằng ;’Vì thiếu học mới nghĩ sai, nói bậy! Họ khổ là vì vậy. Rồi đây họ sẽ nhận ra điều đó, sẽ phải thay đổi…” Thương chồng, cô Loán an ủi:” Em quí trọng anh cũng vì vậy, nhưng anh cũng ráng giữ sức khỏe. Thôi thì cũng cầu cho con hưởng đức của cha…”
Đúng như thầy bảo, ví như khu rừng hoang, nếu bỏ công khai phá, vun xới, ta sẽ có một vùng đất phì nhiêu màu mỡ để trồng trọt. Khu rừng vỡ hoang. Người người được vỡ lòng. Cuộc sống quả thật biến đổi theo trình độ hiểu biết của con người. Trong năm 1980, thầy đã mở được 9 lớp. Mỗi lớp có hơn mười tám học sinh. Năm đầu đã có hơn 150 người được xóa mù chữ. Cứ thế , hàng năm thầy đưa trẻ xích lại gần ánh sáng văn minh. Từ đó, nhận thức của trẻ cũng thay đổi. người lớn thì cảm thấy xấu hổ vì ngày xưa đã lỡ lời chế giễu thầy, đã có những hành động phá rối như ăn cắp bóng đèn, xin tập, viết liên tục, xì bánh xe, giấu áo mưa. ..Họ bắt đầu biết cúi mình chào hỏi. Lễ tết, tới nhà thăm thầy…Họ xem thầy như người nhóm lửa. Ánh sáng không chỉ soi tỏ những tâm hồn lũ trẻ bụi đời mà còn tạo ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, người thân thuộc quanh vùng.
Thừa hưởng ở cha tấm lòng nhân ái, bao dung, anh Phạm Tiết Khánh cũng đem hết sức ra lo cho trẻ. Anh hướng tới con đường “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em” và đã đạt được hoài bão. Hiện nay, anh là Chủ nhiệm UBBV&CSTE tỉnh Trà Vinh. Anh cũng đã có nhiều hoạt động lợi ích thiết thực cho trẻ em Trà Vinh. Ai ai cũng biết đến tên anh đi kèm với những công trình xây dựng vì trẻ em tỉnh nhà. Cô con gái út của thầy là Phạm Thúy Loan cũng theo bước cha, anh. Cô đang học Đại học Sư Phạm Cần Thơ. Mọi việc đang còn ở phía trước. Chưa hết, những người thân thuộc của thầy cũng nhận và phản ánh lòng yêu trẻ qua việc tham gia dạy. Họ cộng tác hết mình. Kết quả tốt, đều được cấp giấy khen. Riêng hai cô Trần Thị Thu và Trần Thị Ngọc Mai được thưởng mỗi người một chiếc xe đạp Thái lan do UNICEF tài trợ . Được biết, cả thị xã Trà Vinh có ba phần thưởng mà đơn vị thầy chỉ đạo được cấp hai phần. Thầy được công nhận người có công nhất trong công tác. Điều này chứng minh hùng hồn rằng tíếng tăm của thầy đã vang vọng khắp nơi.
Mới đây thôi, người ta còn thấy đèo hai đứa trẻ đi chụp ảnh và đến Sở Tư pháp nộp phạt làm khai sanh trễ hạn, để giúp hai trẻ đủ hồ sơ dự thi tốt nghiệp Phổ cập Giáo dục Tiểu học.
Đất nước ta đang trong thời kỳ tiến lên Công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Xã hội cần có những con người mới có đủ tri thức, đạo đức để đáp ứng nhu cầu tiến bộ. Và chắc chắn, không ai phủ nhận, xã hội cần thật cần những người như thầy PHẠM TIẾT ĐỘ - Người thắp lửa trên quê nghèo!
NGUYỄN THỊ MÂY
Ghi chú:
NTM viết bài này từ năm 1998.
Đến nay, con trai trưởng của thầy Phạm Tiết Độ đã là PGS Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh. Các con, cùng dâu và rễ của thầy đều thành đạt và điều cảm động là phần lớn phục vụ trong ngành GD- ĐT .
Thầy Phạm Tiết Độ và hiền nội là cô Trần Thị Loán trong chuyến đi Đà Lạt do hội Cựu giáo chức TP Trà Vinh tổ chức.
Ảnh: do Thu Ngân ghi hình.
Ảnh tác giả Nguyễn thị Mây