|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Một thời xa xưa |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
22/5/2018
Một thời xa xưa
Dòng sông trẹm muôn đời vẫn đỏ
Rừng U Minh muôn thuở vẫn xanh..
Màu đỏ quanh năm của dòng sông chinh là phù sa đã bồi đắp cho vùng nầy và đất đai nơi đây rất phì nhiêu. Thảm thực vật vùng nầy rất phong phú với rất nhiều chủng loại cây vùng nước mặn, lợ....
Dòng Sông Trẹm (hay sông Trèm Trẹm) là một con sông dài khoảng 42 km, chảy về ngang qua huyện Thới Bình, hợp lưu với sông Cái Tàu đỗ ra sông Đốc, sau đó đổ ra biển tây.
x. x
x
Vào khoảng hè năm 63, được Ông tư ( anh ô. nội ) cho về quê chơi 2 tháng, vùng sông Trẹm, qua khỏi chợ Thới Bình độ 1 giờ tàu đò. Hồi đó trong trí còn lại, chợ chỉ lác đác vài chục căn nhà lá ven sông và một cầu tàu bằng gỗ. Hai bên bờ sông nhà rất thưa thớt, những đám dừa nước che kín cả 2 bên chỉ chừa cầu bến lên xuống..... Từ bến lên nhà là một khoảng sân rộng, hông sân có một giàn đóng bằng tràm, móc một số các loại cá đang phơi.Giáp ranh đất nhà 2 bên là con mương đào, trồng tràm ra tận khu rừng đước phìa sau. Đường đi trong xóm là những lối mòn nhỏ nhưng cũng không được liên tục, thỉnh thoảng có những cây cầu là những thân cây đước thả băng qua những đám lá thật lớn....thế mà dân ở đây biết nhau tường tận dù nhà cách nhau cả 5,7 km...
Ở đây muỗi rất nhiều, chưa tối mà bác út tôi, con của ông, đã đốt những đống un để đuổi muỗi, còn nữa vào buổi sáng ngồi trong nhà mà bù mắt bay vào cắn đỏ cả mặt, tay, chân...bác tôi dùng dầu dừa thoa thì hết. Bác tôi có 5 người con, 2 anh nhỏ nhất trạc tuổi tôi, 2 chị và anh lớn, cho nên những ngày ở đó có những kỷ niệm mà đến tận bây giờ vẫn không quên...Vì là vùng nước lơ lớ mặn cho nên hầu như nhà nào cũng có trữ nước mưa để uống, nhà có ... độ gần 20 cái lu lớn đặt phía sau nhà và có mái che riêng, gian bên hông là nhà bếp, cũng là nhà ăn...tất cả đều dùng lá dừa nước, từ lợp cho đến dừng. Chuyện đi vệ sinh, bác tôi bảo tụi bây là con nít, ra bờ sông ấy, thế là tôi ra bờ sông. Đi cầu là bệnh hay lây, nên 2 anh nhỏ yểm trợ tôi ra bờ sông. Phía trước nhà dưới mé sông có 6,7 cây đước lớn, rễ bung ra tua tủa, thích hợp cho anh em chúng tôi giải quyết..., ở đây cá chốt nhiều vô kể, chúng bu vào giành giựt những món ngon vừa được thả xuống, ông bác đứng trên hù, cẩn thận coi chừng chúng phóng lên đớp luôn...thì tao không đền được đâu !
Vào những buổi trưa khi nước cạn, anh em chúng tôi xuống sông tắm và chơi trò ném đất hoặc lần theo mấy rạch nhỏ bắt cá lóc nói. Cá lóc nói ở vùng nầy lớn lắm- không nhỏ như ở miệt Cần Thơ-, ông anh lớn dùng dao cắt những lá dừa, gấp 2 đầu vào rồi gập đôi lại , xong dùng sóng lá gim lại như cái hom...chúng tôi bê những cái hom ấy đi dọc theo bờ mương, cứ thấy những cái hang nhỏ gần mép nước là đặt hom chặn lại. Lên bờ chơi một lúc trở lại thu những hom đã đặt và mang về nhà. Hôm ấy chúng tôi thu được cả rỗ cá, anh tôi chọn ra một số con lớn để nướng ăn, phần còn lại chị tôi đem kho. Phải nói đây là lần đầu tôi được ăn món cá nướng chấm muối chanh ngon vô cùng...
Có một hôm vào sáng sớm, ra con mương bên hông nhà tôi thấy lút nhút bên dưới toàn là cá kèo. Sau khi nghe tin và ra xem, Bác tôi dùng lưới mùng chặn 2 đầu con mương, cả nhà xúm lại, với tất cả mọi phương tiện vớt, xúc...kết quả buổi sáng hôm đó được hơn 2 lu loại 1 giạ ( 40 lít )....Ông và bác tôi bảo đây là chuyện bình thường , đôi khi có những đàn cá đối tràn vào ao nữa, bắt ăn không hết, phải mang đem cho khắp xóm...ở đây bán ai mà mua...
Thấm thoát mà đã hơn tháng rưởi, một tối ông tôi loan báo với cả nhà :" Vợ chồng thằng út chuẩn bị ghe cộ xong chưa, ngày mai tao đi đám giỗ bác ba bây, sẳn dịp mang trả thằng nhóc nầy cho nội của nó....mấy đứa nhỏ đứa nào theo thì chuẩn bị quần áo" tưởng chỉ có 2 anh nhỏ , ai dè cả 2 chị lớn cũng đòi đi, anh lớn thì chắc rồi , vì mỗi khi ông đi đâu, anh đều là tài xế chèo ghe, ông bảo thanh niên lớn rồi cần đi cho biết đó biết đây. Có lẽ nhờ thế mà ông anh tôi chuyện đông chuyện tây đều vanh vách...Vậy là bác út trai và bác gái thủ dinh, mà nghe nói đám giỗ ở thứ 11 lận, chắc hẳn là xa lắm,vì chiếc ghe trần sáng nay có cả mui nữa...và những lỉnh kính nồi niu, chén bát, ....
Hồi xuống đây đi với ông bằng xe đò, rồi 2 chặng tàu đò mất cả ngày; bây giờ chuyến về bằng ghe chèo....nghe phát ớn...
Đêm ấy hình như cả nhà đều ngủ trễ vì chuẩn bị, còn tôi thì nôn nao, những ngày vui sao chóng qua thế, phần lại thấy nhớ nhà...
Sau khi ăn sáng trời hãy còn mờ mờ, ông tôi giục : "mấy đứa nhanh lên, mình phải đi sớm để tránh nắng...Khởi đầu ông tôi chèo, một bà chị bơi phía trước, hướng đi nghịch với lúc mới đến đây, chúng tôi nằm trong khoang ghe ( có mùng vì sợ muỗi.).Sáng trời hẳn thì anh lớn chèo thế cho ông, và chị nhỏ ra phía trước thay chỗ chị lớn, 2 bên bờ vẫn lác đác nhà như xóm ông tôi....đến trưa thì ghe chúng tôi đi vào kinh, quan cảnh bắt đầu thay đổi hẳn, xa lắm mới bắt gặp có nhà ở,tuy nhiên chốc chốc lại có ghe đi ngược chiều. Điều mình chú ý là, khi gặp nhau các người trên ghe đều hú chào nhau, trao đổi vài câu...hình như họ biết rỏ nhau trước vậy. Từ khi rẽ vào kinh mình không thấy có đước nữa, xuất hiện 2 bên bờ toàn là tràm, ông nói trước đây là rừng tràm già nhưng xảy ra một trận cháy lớn cách đây vài năm, rừng bây giờ là rừng non, mới phục hồi....Trời tháng nầy rất oi bức, ông tôi bảo dừng lại nghỉ và cho biết đã được nửa đường rồi..... ( cho đến tận bây giờ mình cũng không biết có phải là kinh 11 hay không nữa.). Tất cả kéo lên bờ kinh chọn bóng mát nghỉ vì dưới ghe rất nóng. Trong lúc ông tôi uống trà, anh tôi vào rừng, chúng tôi định đi theo nhưng bị ngăn lại, ông nói ở đây nhiều rắn lắm, còn nhỏ không nên vào...., một lúc sau ông anh trở lại với một tổ ong mật đựng trong nón lá, đúng là dân U Minh thứ thiệt. Tôi cũng được chia phần và dùng tươi ngay tại chỗ...
Khi đến nơi thì trời đã tối dãy nhà trên bờ đã lên đèn. Ông nội tôi đón ngay tại bến và phán ngay, sao mầy đen dữ vậy. Ông bác trả lời ngay, suốt ngày trần truồng hết dưới sông rồi ra rừng, sao mà không đen....
x. x
x
Dân kỳ cựu cho biết vào những thập niên 50 về trước, vùng nầy cá sấu thường xuất hiện dưới sông và trên bờ có cả cọp nữa . Heo rừng thì lúc tôi đến hãy còn, vì lâu cũng thấy trong xóm có người bắt được chia lại cho bà con ở đây......
Đi lại trong vùng nầy không thuận lợi, phần lớn dân dùng ghe, xuồng làm phương tiện chính. Chỉ những nơi gần chợ đông dân mới có trường học, cấp trung học phải ra quận học hoặc ra Cà Mau....Dân vùng sâu, trẻ em thường bỏ học sớm...
Tôm cá vùng nầy thì khỏi nói, rất dồi dào và đủ chủng loại.. vào đầu mùa mưa cá lóc từ Gò Quao, An Biên đổ qua , gặp vùng nước mới nổi lờ đờ theo bờ rạch,sông nhiều vô số, rất đễ bắt .... nhất là mật ong, mật vùng nầy nổi tiếng ngon, hương vị khác loại mật từ tây nguyên,nên nhiều nơi khác đến đặt hàng, từ đó có những gia đình chuyên ăn ong ( chỉ những người sống bằng nghề lấy ong rừng bán ),.... Thực vật rất đa dạng : đước, bần, mắm, tràm , dừa nước thì gần như chỗ nào cũng có . Đàn ông đa số nước da màu sậm, nhưng phụ nữ thì phần đông sáng sủa và duyên dáng....
Những năm chiến tranh ác liệt, phần lớn dân phải bỏ xứ ra đi, gia đình ông, bác tôi cũng tản cư về Giồng Riềng sống.... nên những ai đến đây thời điểm ấy, chỉ chứng kiến cảnh hoang tàn, âm u mà thôi...
Dòng sông nầy mùa khô, có nơi rất cạn, có thể lội bộ băng ngang...Hiện tượng bên đục bên trong, thực ra chỉ thấy ở những khu vực giao nước do các kênh từ U Minh thượng đổ về...và theo mùa..
Sông Trẹm là một nhánh tả ngạn của sông Đốc. Phần hữu ngạn là sông Cái Tàu, đi ngang qua chợ U Minh, ( còn có tên là rạch Tiểu Dừa ), độ dài cũng tương đương với sông Trẹm...Kinh đất sét nối liền thượng nguồn sông Trẹm và sông Cái Tàu.....
Hiện nay con đường ven biển kết nối từ Rạch Giá với Cà Mau ( đường xuyên Á ) đã hoàn thành. Con đường nầy song song với sông Trẹm bên bờ tả , băng qua kinh xáng Chắc Băng ( tại thị trấn Thới Bình ) và về Cà Mau.
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau
Gió lao xao thổi vào mái lá,
như ru tình cô gái Tiền Giang ,
Yêu quê hương thương miền cổ cựu,
Vấn vương tình đất tổ quê cha. ...
Xứ đâu có xứ lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um...
20. 5 . 18
Thanh Dang Ngoc
Sông Trẹm: đoạn qua Thới Bình- Cà Mau
Cá Thòi lòi (bóng sao)
|
Nhà dân ven kênh ( ảnh st internet) |
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061888 visitors (3174811 hits) |