RƠI
Nguyễn thị Huyền Ngân
|
Rơi
Truyện vui
Đầu tiên, tôi xin được tự giới thiệu một chút về mình: tôi tên khai sinh là Rơi, họ Tờ. Khi đọc đến tên tôi, xin hãy đọc một cách “rã rời”, “rụng rời” từng âm tiết giùm, giống kiểu mấy người mới học tiếng Anh, ngữ âm thường rời rạc bời rời như cơm khô thiếu nước, dream thành đờ rim, sleep thành sì líp đó, đọc nhanh quá, tên tôi sẽ dính lại thành chùm, thành ra một nghĩa hoàn toàn khác, không phải “rơi” mà thành (ma) “trơi”, rất tội nghiệp cho cái tên xinh đẹp của tôi.
Tôi thật vô cùng hãnh diện về cái tên của mình, vì từ trên trời rơi xuống đã cho tôi một cơ hội được ăn theo người nổi tiếng. Mọi người đều biết, cái tên rơi rớt, rơi rụng này rất hiếm khi bị trùng lắp lắm, nó thuộc loại ….hàng độc, hàng hiếm vì quá đẹp, đâu như mấy cái tên thông thường vừa đơn điệu, vừa buồn tẻ như …Hùng, Dũng, Phát, Tài… Độc vậy mà lại trùng với tên một ca sĩ hẳn hòi, nổi đình nổi đám một thời vang dội mới tài chứ: Lệ Rơi.
Tên đã đặc biệt, mà chỗ ở của tôi lại càng đặc biệt hơn: đứng đường. Ậy, chớ vội đồng hóa tôi với gái đứng đường nhé, vì tôi nghiêm chỉnh con nhà hơn nhiều. Đó là vì tôi muốn nói tắt cho đỡ mất thì giờ thôi, chứ nếu trình bày đầy đủ chi tiết thì tiểu sử tôi hóa ra rất …hoành tráng, không khéo những kẻ GATO( ghen ăn tức ở đó mà, không phải bánh gâteau) gán tôi cái tội nói dai, nói dài, nói dở, nói dóc….Thôi, đành phải diễn nôm như thế vầy mới rõ nghĩa: rằng thì là có mấy gã khổng lồ , gọi là lính đánh thuê cũng được, không phân biệt trai gái, nhưng đa số tuổi đời còn rất trẻ( gọi khổng lồ là so với tôi, tờ giấy), tranh thủ giờ nghỉ trưa ra đường đứng kiếm tiền trang trải học phí, người nào trong tay cũng lăm lăm một xấp tôi dày cui.( Có một dạo còn thấy đạo quân khổng lồ khác với nhiệm vụ khác, vì bức xúc trước cảnh bát nháo đường phố xe cộ gì đó, nên nảy ra sáng kiến khi đèn đỏ bật lên thì dàn hàng ngang trước dòng xe đang dừng để giương mấy tấm bảng viết vẽ thủ công mấy câu khẩu hiệu: hãy tắt máy xe khi dừng chờ đèn đỏ; dừng đúng vạch sau làn đường dành cho người đi bộ; an toàn giao thông, trách nhiệm của mỗi người…. Được chục lần thì lặn mất tiêu, chắc vì thấy thiên hạ vẫn còn đang “bú mớm”, “bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn”(*), máy xe cứ nổ ầm ầm khi dừng đèn đỏ, còn bánh xe cứ lấn lên vạch vôi trắng, nên đã “pótay chấm cơm”, dẹp bảng, lặn tăm ráo trọi ). Nãy giờ nói coi bộ lan man, hình như lạc đề thì phải, giờ quay lại chủ đề chính nè. Đang nói tới đâu rồi ta? À, mấy gã khổng lồ đang nắm đầu tôi, bắt lũ tôi nằm sắp lớp y như ép cá mòi, đứng chốt tại mấy ngã tư, ngã năm, ngã sáu, và ngã bảy đường …chờ khi nào đèn đỏ vừa bật lên, sẽ nhảy xổ ra như hổ đói vồ mồi, tranh thủ tối đa phân phối lũ tôi với tốc độ nhanh nhất có thể, vì quỹ thời gian đèn đỏ chỉ kéo dài từ 30 đến 60 giây( tùy vị trí đường lớn nhỏ) hoặc ít hơn, với lý do là ….không thể nhiều hơn(thiên hạ mà bị dừng đèn đỏ lâu quá, thể nào mấy cái đèn giao thông vô tội cũng sẽ bị …văng miểng chửi thề cho coi. Con người ta càng lúc càng nóng nảy quá chừng, chỉ đợi có nửa phút đến một phút phù du, thấm tháp chi so với quãng thời gian lê thê nhiều giờ liền ngồi trong bàn nhậu hay ngồi bấm game trên máy điện thoại, vậy mà đã nổi xung thiên quát hét cằn nhằn, bấm còi inh ỏi phía đàng sau. Ô, lại lạc đề). Mấy gã này chen chúc trong dòng xe dày đặc, tiến đến trước từng chiếc “phương tiện tham gia giao thông” để trịnh trọng trao tận tay, dúi tận mặt những gã “cá nhân tham gia giao thông” (toàn chơi chữ trong giáo án thi lấy bằng lái xe hai bánh đó nhá) đang ngồi trên những chiếc”phương tiện tham gia….”. Thôi, nói huỵch toẹt ra là “cái xe do cái người lái” cho gọn, rườm rà những là “phương tiện tham gia giao thông” với “cá nhân tham gia giao thông ”, nghe “đao to búa lớn” gì đâu. Lo mà phát lia phát lịa cho mấy cái xe và mấy cái người còn đang bận tâm trong tư thế …dzọt dù đèn xanh chưa tới kia kìa. Ai lắc đầu thì dòm ngó trên xe coi có chỗ nào bám được thì nhét đại vào, sao cho xấp giấy tôi vơi dần thì mấy khổng lồ mới được mau về nhà. Nói nào ngay, nếu xe hơi, xe bồn, xe tải, xe bớt( buýt đó)… mà có mở cửa thì dám tôi cũng chui tọt vô nằm chễm chệ trên volant tay lái chứ chẳng tha đâu.
Sau một hồi khua chiêng gióng trống như trên, tôi đã thấm mệt rồi, bây giờ mới túm lại nè: tôi là Tờ Rơi. Chấm hết.( Gớm, thân thế sự nghiệp chỉ có vậy mà phóng tác lê thê như một bài diễn văn khai mạc hội nghị).
Tuy chỉ là tờ rơi, nhẹ bằng tờ giấy cực kỳ mỏng, diện tích phủ bì bằng một tờ A4 cắt làm tư, nhờ phương pháp sinh sản vô tính mà tăng lên thành … bội số của bốn, ra hàng trăm hàng ngàn tờ có giá trị tổng cộng khoảng mười ngàn việt nam đồng( lại rườm rà nữa rồi), nhưng khoan vội khi dễ tôi, vì tôi mang trên mình vô khối những thông điệp của cuộc sống: từ chuyện “nhỏ như con thỏ” là khai trương quán nhậu hải sản bình dân ngao sò ốc hến, cửa hàng gạo “rẻ nhất thành phố, mua đâu rẻ hơn hoàn lại tiền”, hay tiệm làm tóc đủ món uốn duỗi gội nhuộm, dịch vụ cộng thêm là neo chân neo tay, dũa móng, cắt da( neo là nail đó, là làm móng, chứ không phải đến đó làm tóc rồi bị trói chân trói tay); đến chuyện “lớn lao như con dao” là vay tiền mua nhà, mua xe, bán đất, bán nền, trong giờ quảng cáo (được ghi rõ thời gian trên mình tôi) sẽ chỉ lấy tượng trưng giá phi lợi nhuận ( sao giông giống bán thuốc sơn đông mãi võ quá vậy cà) chỉ trăm mấy triệu một nền trăm mét vuông, nếu tính tỷ lệ ra thì rẻ hơn bó rau muống, mại dzô. Đồng loại với tôi có nhiều “thằng” còn chơi nổi, lòe loẹt in hẳn bốn màu, trên mình nó chụp hình minh họa mấy cái loa, ampli, quạt máy, tivi, tủ lạnh, dàn ka ra ố kề….với giá sốc, nổ banh nhà lồng chợ luôn.
Đón chào tôi, dù hình dạng đen trắng hay màu mè chói lòa của tất cả bọn thằng tôi đều được chào đón bình đẳng cùng một thái độ: rất ư hờ hững. Ô mai gọt( oh my god), tội nghiệp cái thằng tôi. Có người cầm lên, mắt này liếc sơ qua một cái, mắt kia liếc lên cái anh bạn đèn đỏ ba cái, rồi thản nhiên thả luôn xuống đất. Lại có người, chẳng cần liếc sơ hay liếc thân gì ráo, tụi tôi vừa lìa khỏi tay gã khồng lồ, chạm nhẹ vào tay lái xe của xe( guidon) và tay lái xe của người( tức hand đó) thì đã tá lả bay ngay xuống đường, không chút bịn rịn, xao xuyến. Vài người lịch sự hơn, chắc được dạy dỗ cẩn thận về môn giáo dục công dân là không được xả rác ngoài đường, đã miễn cưỡng cầm lấy tay tôi, nhẹ nhàng thôi, như thể sợ tôi đau, rồi đút vào túi xách, túi quần, túi áo…, dù cho khi về nhà vài ngày sau tôi cũng cùng chung số phận là sọt rác, hay sang hơn, là tích tụ lại trong đống giấy lộn, chờ ngày “sang tay” vựa ve chai. Dù cách nào, sọt rác hay vựa ve chai, thì bọn tôi cũng còn có phước là được chết ở trong nhà mát mẻ, không phải đầu đường xó chợ, dang nắng dầm mưa nhão nhoét đến tận ban tối mới được hốt vô ky xúc rác. Thảng hoặc, trước một cơn mưa lớn bộn bao giờ cũng đi kèm một cơn lốc bạo lực, bọn tôi tức thì được thăng hoa thành…. tờ bướm, bay bướm tung tăng như một gã lãng tử chân chính, du lịch tè le tuốt luốt tới một nơi cách nơi vừa được “xả hàng” cả hơn cây số, vừa mát mẻ, vừa tung tẩy vờn vẫy, có khi còn bay ngược vào mặt cái “ cá nhân tham gia giao thông” đã nhẫn tâm thả tôi “xuống phố chiều nay” hổng chừng.
Tôi cứ thắc mắc rằng thì là trên mình tôi mang thông điệp có tính nhân văn quá xá như vậy, từ những tiện nghi vật chất như xe, nhà, đất, tivi, tủ lạnh; những thú vui bù khú bạn bè như vậy( nhậu nhẹt), đến những nhu cầu thiết yếu rất cần như vậy (cơm, áo, gạo, tiền); còn có cả những nhu cầu bức bối cho tinh thần nữa nà: Bạn muốn làm ca sĩ nổi tiếng? Dễ ợt, hãy nhanh chân đăng ký thày “A đến Z”, giảng viên thanh nhạc trường…( xạo ke); hay: dạy đàn ba tháng biết đệm cho mình hát( tức là không đệm được cho người khác hát, vì vế sau thì khó à nha, nói ba tháng mà đệm cho người khác hát là lòi chành xạo); hoặc: lấy lại căn bản môn tiếng Anh trong vòng một tháng( đệ nhất xạo) v.v. và v.v…Vậy mà tôi và các bạn tôi cứ bị người đời hắt hủi, ghẻ lạnh là sao, hở ông trời?
Bây giờ thì tôi đã hiểu ra vấn đề. Người ta quảng cáo ầm ỹ trên báo chí, trên tivi, đài phát thanh, trên mạng, với số tiền quảng cáo hàng triệu triệu đồng một phút phát sóng, mà còn chưa ăn thua, còn kêu rên ế ẩm, hàng bán chậm, lỗ công lỗ tiền ma két tin (marketing). Huống chi tôi, cái thân phận mỏng manh của tờ giấy rẻ bèo, vừa thả xuống là biết đường đi sẽ đến là thùng rác, nên dù cho có mang trên mình cái sứ mạng cao quý là đem lại lợi ích cho người, cũng chẳng mấy ai tin. “Của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của vất đi”, tiền nhân có nói vậy đó. Thiên hạ chê tôi rẻ, sợ tôi là “con lừa”, tiền mất tật mang. Quan hệ xã hội đã sản sinh ra nhiều giống lừa quá, nên tôi bị hoài nghi là đúng thôi, dù quả lừa của tôi, nếu có cũng tí hon, chẳng đời nào so sánh được với những cú lừa của mấy kẻ “thân thế quyền tiền”.
Sau bao nhiêu lần “nằm đường” vì đứng hết nổi, chứng kiến sự xả rác vô tư đi quá cỡ thợ mộc của nhân tình thế thái, tôi không còn nhiệt huyết “trải thảm trắng” dưới những làn xe nữa, nên có ý định làm một mâm cơm cúng đổi tên. À không, chỉ đổi họ, chứ tên thì giữ lại, vì cái tên này là hàng cực hiếm, khó trùng lặp lắm, ngu sao đổi. Tôi định đổi họ, từ họ tờ sang họ lệ, lệ rơi. Nghe cũng hay hay đấy chứ. Nhưng sao nghe quen quen, hình như có gặp đâu đó rồi thì phải. Ối, tôi nhớ ra rồi. Thật may mắn làm sao, dù không hề cố ý đâu nha, bây giờ không những tôi trùng tên mà còn trùng cả họ của cố nhân thần tượng nữa cơ: ca sĩ Lệ Rơi. Ới, lệ rơi ơi là lệ rơi ơi!
01/09/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(*) Mượn chữ trong bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần thị Lam( Hà Tĩnh)