2 Kẻ lang thang khám phá nước Mỹ (tt)
Mong Phước Minh
Chào các bạn,
Hơn nửa tháng qua, chúng tôi đột ngột “bặt vô âm tín”, chuyến rong chơi Huê Kỳ bổng thình lình “ngưng phát sóng”; khiến một số người tự hỏi phải chăng 2 kẻ “nhà quê” đã bị mấy “tên cướp 1 tay ở Las Vegas” lột sạch tiền, nên buồn tình leo xuống “hẽm vực” Grand Canyon sống ẩn dật cho hết quãng đời còn lại!? Thôi, cho tôi xin lỗi về sự cố ấy, chuyện Grand Canyon, chuyện Las Vegas sẽ nói sau, bây giờ xin phép trở lại cuộc hành trình.
Nhưng trước hết cũng phải giải thích chút lý do về tình hình đã qua ấy. Như các bạn biết, rời Sài gòn vào sáng ngày 12-4-2017, từ đó hầu như tôi phải “làm việc suốt” cho đến ngày trở lại quê nhà hôm sáng ngày 16-7-2017, gồm việc “rong chơi” thưởng thức điều mới lạ trên hiện trường lẫn trong tư liệu, hệ thống lại các kiến thức và những điều mắt thấy tai nghe, sao cho chính xác,chọn lựa trong số hàng ngàn ảnh đã chộp, chỉnh sửa sơ, để minh họa cho bài viết chia sẻ cùng mọi người. Thật sự đó là một công việc khá nặng nề đối với tôi, khi vừa đi chơi vừa làm “báo cáo”, may mắn là chúng tôi vẫn khỏe mạnh trong suốt cuộc hành trình đầy mệt mõi. Cái mệt mõi triền miên dồn nén lại sau 3 tháng trời đằng đẳng, bổng được dịp “phát tiết”trong niềm vui gặp lại con cháu, người thân và khung cảnh quen thuộc, khiến tôi không thèm làm gì nữa, chỉ lo ngủ li bì và làm những việc linh tinh...không đòi hỏi phải động não lu bu.
Bây giờ, để trọn vẹn, tôi xin được tiếp tục trở lại cuộc rong chơi chưa kết thúc!
Như đã nói, ngày 01-7-2017, sau khi đi thăm San Fransisco, chúng tôi về nhà An(khóa 5, cùng khóa với Lê Quang Minh, Nguyễn Trọng Tài...) để ăn bữa cơm tạm biệt. Tội nghiệp 2 vợ chồng An & Hoa phải chờ chúng tôi đến gần 21g đêm, khiến cái tình đồng hương cùng là đồng môn trở nên vô cùng quý báu và cảm động. An thì vẫn mủ mỉ như hồi còn sinh viên, Hoa thì thật dễ thương dù là lần đầu tiên gặp các bạn cũ của chồng. Ngày này chị Nguyễn thị Thu vẫn còn ở Washington D.C, nên An cũng mời Anh Quí thay mặt, nhưng bây giờ thì đã quá trễ, không ai muốn quấy rầy “người lớn tuổi hơn”, nên đành lỗi hẹn chia tay với Anh, thành thật xin lỗi Anh Quí và chị Thu.
Tôn Thọ Tế phải về nhà rồi lái xe qua nhà An, cũng khá xa, để ăn cơm!
Bữa ăn rất ngon với cua biển, tôm hùm..., nhất là món chè tráng miệng mà Hoa làm, nó ngọt ngào như tình thân của những cựu sinh viên Nông nghiệp đồng môn, dù đã từng cách xa về không gian và thời gian, vẫn luôn đậm đà khi có dịp gặp.
Như thông lệ của những người thân nhau, buổi chia tay này cũng mong có ngày gặp lại, xin cảm ơn Tế, An, Hoa, Huệ, Anh Quí và chị Thu. Riêng Chú Kiệt và Thím Bích, chúng tôi còn thêm một đêm chung nhà và một buổi sáng bịn rịn lúc chia tay.
Ngôi nhà số 1895, Cape Hilda Pl, San Jose sáng ngày 02-7-2014, bổng dưng quan trọng và thân thiết lạ lùng. Hai tuần lễ trôi qua thật nhanh chóng, cái tình ruột thịt Chú cháu cộng thêm tình đồng hương, đồng môn với lòng hiếu khách hiếm có của Kiệt và Bích đã làm nên một chia tay nhiều cảm động. Chúng tôi sẽ rất nhớ nơi đây, nhớ căn phòng nhỏ, nhớ ngôi nhà chỉ có “2 khỉ già”quanh quẩn, đã tiếp đón 2 “khỉ lão” với thân tình nồng nhiệt và nhất là nhớ 2 thằng cháu ngoại của Chú Thím, mỗi chiều ghé ngang chơi giởn làm thêm ấm áp trong những ngày lang thang xứ lạ!
Ngày 02-7-2017, Chú Thím đưa 2 chúng tôi đến trạm xe đò Hoàng, nằm trước Siêu thị Lion, 2525, King Rd, San Jose. Đang có một chuyến xe vừa lên khách xong, rời bến, không biết đi đâu. Chuyến kế tiếp là xe đi L.A. Thím Bích nhanh chóng lên xe ngồi để lấy chỗ ưu tiên. Xe đò, xe lữa ở Mỹ mà tôi đã đi, đều như thế, không ghi số ghế, ai lên trước ngồi trước. Xe đò Hoàng cũng vậy, Thím Bích đã lo chỗ, chúng tôi chỉ chờ đưa hành lý vào khoang.
Xong xuôi, là một chia tay rất bịn rịn không quên lời hẹn gặp. Cảm ơn Chú Thím Kiệt và Bích rất nhiều!
Hôm nay, ngoại trừ vài người da đen gốc Ấn Độ, tất cả đều là người Việt. Xe đò Hoàng từ dưới bến đến trên xe, gần giống như xe đò Việt Nam: Nhiều người Việt í ới đưa đón, anh “lơ” xe chất hành lý vào khoang kèm theo những câu trả lời...tiếng Việt... Có điều trước khi chuyển bánh, người phụ xế nhắc nhở mọi người bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh, rồi phát cho mỗi người 1 chai nước và 1 ổ bánh mì thịt nguội ăn đi đường.
Người Mỹ có hệ thống đường sá rất phát triển, nhưng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng lại không phổ biến. Mọi người chỉ dùng xe cá nhân trong những cự ly gần, còn để đi từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, hoặc giữa 2 thành phố cách xa nhau trong tiểu bang, họ chọn đường không, rồi lại thuê xe tự lái để tới lui công việc, xong thì trả xe tại phi trường rồi lên máy bay về nhà, giá thuê chỉ từ 25 đến 40 $US/ngày, thật tiện. Xe lữa, thuộc công ty quốc doanh, chủ yếu là vận chuyển hàng hóa, xe cộ, máy móc cồng kềnh, người đi thì ít, thuộc giới bình dân hoặc một số dân du lịch cho biết, như tôi đã chứng kiến, nên luôn thua lỗ, ngân sách chính phủ phải bù đắp hàng năm. Còn xe đò như Greyhound thì thê thảm hơn, nhiều năm liền thua lỗ, phải bán cho 1 công ty của Scotland vào năm 2007, chấn chỉnh lại để tiếp tục hoạt động tới nay.
Chính phủ Mỹ khi cho nhập cư những người Việt tỵ nạn muốn rải đều họ trên khắp đất nước rộng mênh mông của mình, nhưng cái xã hội dân chủ ấy không thể áp đặt theo kiễu “đưa đi kinh tế mới”, nên đành phải chấp nhận một sự tái phân bố của cộng đồng người Việt ngày càng đông đúc sau những năm 80-90. Và thế là những con người tha hương tìm đến sống gần nhau, dù nơi đó có khô cằn sỏi đá, quê mùa đồng ruộng như vùng Nam California, hay chốn thiên tai động đất như San Jose phía Bắc. Hai nơi này cách nhau khoảng 375 miles, nên nhu cầu thăm viếng, gặp gỡ, làm việc...là có thực. Xe đò Greyhound của Mỹ không thích hợp với người Việt, xe lữa thì bất tiện, còn máy bay thì phức tạp vì phải chờ đợi nhiêu khê... nên anh Hoàng Linh, một thanh niên trẻ Việt nam sang Mỹ hồi đầu thập niên 1990, đã mạnh dạn thử nghiệm kiễu xe đò thuần Việt.
Ban đầu là những chuyến xe 7 chỗ do anh tự lái, để đưa rước những người Việt sống tại 2 thành phố San Jose và Los Angeles, đi thăm thân nhân hoặc làm việc. Dịch vụ này phát triển nhanh chóng, nên anh thành lập công ty xe đò Hoàng và nâng cấp phương tiện lên thành những xe bus 57 chỗ ngồi hiện đại, phục vụ chu đáo và nhất là rất thích hợp với “phong cách bình dân” Việt, nên lớn mạnh không ngừng. Điều đó khiến có đối thủ cạnh tranh, anh phải nhận 6 phát đạn vào năm 2006, may mắn là thoát chết và tiếp tục điều hành xe đò Hoàng lớn mạnh như hôm nay, còn 3 kẻ “giết mướn” đã bị bắt và nhận án thích đáng!
XE ĐÒ HOÀNG
SAN FRANCISCO - OAKLAND - SAN JOSE - SANTA ANA - LOS ANGELES
TOLL FREE: 1 888 8 ĐI XE ĐÒ
1 888 834 9336
Website: www.xedohoang.com
SANTA ANA: 714 839 3500
SAN JOSE: 408 729 7885
LỊCH TRÌNH
HÀNG NGÀY
KHỞI HÀNH TỪ NAM CALI
WESTMINSTER: 10: 00AM
ABC Supermarket - 8900 Bolsa/Magnolia
ELMONTE: 10: 30AM
Viễn Đông III - 2650 N. Rosemead.Garvey
CHINA TOWN: 10: 45AM
Cây Xăng 76 - 2001 N. Broadway/ 20 Ave.
có thêm chuyến 4:00PM (Thu, Fri, Sat & Sun)
ĐẾN
SAN JOSE: 4:30pm
OAKLAND: 5:30pm
Chiều ngược lại
KHỞI HÀNH TỪ BẮC CALI
San Francisco - Lúc: 6:30AM
590 Van Ness Ave, San Francisco, CA 94102
Sacramento - Lúc: 7:30AM
6930 65th St, Sacramento, CA 95823
San Jose - Lúc: 8:30AM
2525 S King Rd, San Jose, CA 95122
Đến Tại: Lúc: Giá Vé:
China Town, Metro Station
1231 North Spring Street, LA, CA 90012
2:00PM $40
Thuan Phat Supermarket, El Monte
2650 N Rosemead Blvd, El Monte, CA 91733
2:15PM $40
ABC Supermarket, Westminster
8970 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683
3:00PM $40
Lucky Seafood, San Diego
9326 Mira Mesa Blvd, San Diego, CA 92126
5:00PM $60
Ngoài ra, còn có 2 chuyến xe buổi chiều Thứ Sáu và Chủ Nhật, dành cho những người về thăm nhà cuối tuần rồi trở lại để kịp làm việc vào sáng Thư Hai.
Khởi Hành Từ: San Jose - Lúc: 5:00PM
Departure Location: 2525 S King Rd, San Jose, CA 95122
Đến Tại:
Thuan Phat Supermarket, El Monte
2650 N Rosemead Blvd, El Monte, CA 91733
11:00PM $40
ABC Supermarket, Westminster
8970 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683
11:30PM $40
Như vậy, tính đến ngày hôm nay, 2 kẻ bụi đời đã lang thang trên các phương tiện máy bay, tàu điện ngầm, tàu viễn dương, xuồng kayak, xe hơi, xe đạp, xe mô tô, xe đò Mỹ, xe lữa, riêng bà xã còn được hân hạnh đi xe lăn! Lần này lại ngồi xe đò Việt trên đất Mỹ, nên vừa ngắm cảnh hùng vĩ Hoa Kỳ lại vừa được xem hài kịch Chuyện tình Điêu Thuyền của Nguyễn Ngọc Ngạn trên Paris by night, đồng thời được nghe đủ thứ chuyện Cà Mau, Cà chậm...của mấy bà chị vừa về thăm quê hương trở qua. Cho nên, dù còn hơn nửa tháng mới tới ngày về lại Việt Nam, nhưng hôm nay chúng tôi đang có cảm giác như đã tới quê nhà, nếu không nhìn thấy mấy quảng cáo tiếng Anh, không có cái lều trắng...thì nhìn cái cảnh bày bán trái cây dọc đường trước cây xăng dừng chân, tôi cũng tưởng như đâu đó trên đường Trung Lương về Mỹ Thuận!
Khoảng 3:30pm thì xe tới ABC Market, trạm cuối của lộ trình dài 375 miles nối liền Bắc-Nam Cali. He he, chuyện kinh doanh vận tải khá lớn như vậy mà xe đò Hoàng chẳng cần một bến đổ nào hoành tráng riêng biệt, nó đơn giản chỉ là 1 parking thông thường trước chợ ABC. Có lẽ cũng chẳng phải tốn một phí nào tại cái điểm đến cuối cùng này.
Hành khách lục tục xuống xe, chờ thân nhân tới rước. còn 2 kẻ quê mùa này lại bắt đầu bơ vơ nơi xứ lạ quê người, vì giờ này đứa em họ vẫn chưa kịp tới đón, tôi phải chờ và tìm cách liên lạc, nhưng cái sim Mỹ nạp tiền ở chợ Hồng Kông, Atlanta đã hết tiền, may nhờ có 1 cậu thanh niên sẳn sàng gọi giúp. Em tôi cũng vừa tới nên không khó để nhìn thấy, cô 6 tấp xe vào để phụ chất hành lý, rồi tìm chỗ đậu. Sau đó cùng bà xã tôi vào chợ ABC...cho biết và mua ít thức ăn. He he, em tôi vẫn tươi trẻ và vui vẻ như mọi lần, đang sẳn sàng chứa chấp 2 kẻ lang thang đầu đường xó chợ này trong 2 tuần sắp tới.
“Trước mắt, sẽ tới T.T.Travel để anh chị mua vé đi thăm Las Vegas, chi 105$US/người cho 3 ngày 2 đêm, nếu muốn, mua thêm tour thăm Hoover Dam và Grand Canyon”. Ha ha, 2 ngày đêm ở khách sạn nhiều sao mà chỉ có 105 đồng, kể cả vé xe khứ hồi Los-Las Vegas, rồi thêm cơ hội đến 2 địa điểm nổi tiếng thế giới kể trên thì thật tuyệt vời!
Cuối cùng, chúng tôi tiếp tục lưu lại đất Mỹ thêm 2 tuần và hôm nay là ngảy thứ 1 tạm trú tại nhà của cô em chú bác ruột Phước Lý tại Firmona Ave, khu Lawndale, Los Angeles, South California.
(còn tiếp)