01/10/2015
Dân tộc nào sống ven biển hay sông lớn, như sông Amazon, Cửu Long, Ganges, Hoàng Hà, v.v. đều có những thần thoại hay huyền thoại giải thích về sự hiện diện của loài cá heo (dolphin). Cá heo gồm có nhiều loài, loài sống ngoài biển, loại sống nước lợ ở cửa sông, có loài sống trong nước ngọt. Đặc tính chung của loài cá heo là sống tập đoàn, ít nhất cũng vài ba con, có khả năng truyền đạt thông tin cho nhau, được cho loài động vật thông minh, và rất thân thiện với loài người. Chính vì cái đặc tính sau cùng, cá heo được có nhiều thần thoại hay huyền thoại.
Văn minh Âu châu bắt nguồn từ nền văn minh Hy Lạp thời cổ đại. Hy lạp có hàng trăm đảo nhỏ, là nơi động đất thường xuyên, là dân tộc đầy mạo hiểm trên biển cả, nên không biết bao nhiêu chuyện thần thoại liên quan đến biển cả và các vị thần cai quản thế giới siêu phàm, v.v.
Các miêu tả đầu tiên về cá heo xuất hiện trong thần thoại của nền văn minh Minoan ở đảo Crete Hy Lạp. Trên những bức tường cung điện mô tả nền văn minh Minoan là hình khắc họa mô tả những câu chuyện của các thủy thủ từ Byzantine, Ả Rập kể lại được cá heo cứu khi bị đắm tàu hay gặp rắc rối trên biển.
Bức họa khắc cá heo trên tường của đền thờ
Để giải thích bản chất thân thiện cứu vớt người lâm nạn của cá heo, theo thần thoại Hy Lạp, Dionysus là vị thần cai quản vườn nho và làm rượu nho. Một ngày nọ thần bị hải tặc bắt vì tưởng ông là một hoàng tử giàu có để lấy tiền chuộc mạng. Sau khi thuyền ra khơi, thần Dionysus làm phép tạo cây nho mọc nhanh khắp chiếc tàu, bao phủ cả cột buồm và buồm, biến các mái chèo thành rắn làm bọn hải tặc kinh hoàng nhảy xuống biển. Thần Dionysus thương tình, biến họ thành cá heo để loài cá này chuộc tội bằng cách cứu nạn người đi biển.
Một chuyện khác liên quan với cá heo. Thần Poseidon, là anh trai của thần Zeus và Hades, cai quản biển cả, có pháp thuật gây động đất và bão tố. Thần cũng bảo vệ tất cả các loài động vật và thực vật biển, thường được các thủy thủ tôn kính. Đặc điểm để nhận ra thần Poseidon là cây đinh ba sử dụng để gây động đất. Một ngày quá cô đơn, Poseidon lên cơn thịnh nộ gây ra bão táp sóng biển dâng cao tận trời. Biết tính xấu này do sự cô đơn, thần Poseidon quyết đi tìm vợ. Một ngày nọ, thần gặp một mỹ nhân ngư Amphitrite với mái tóc vàng và đôi mắt xanh đang khiêu vũ với bao cô gái mỹ nhân ngư đẹp khác trên đảo Naxos. Gặp nàng, thần Poseidon ngõ lời cầu hôn. Ông nội của mỹ nhân ngư Amphitrite là Thần Titan Hy Lạp cai quản biển Ocenus và mẹ của nàng là nữ thần biển Nereus không chấp nhận và ngăn cản cuộc tình duyên này. Vì vậy, nàng cự tuyệt và nói rằng nàng không thích bản chất hung hăng bạo động gây động đất và bão tố của chàng. Nàng bèn bay lên ngọn núi Atlas để xa lánh chàng. Tuy nhiên, chàng Poseidon quyết tâm chinh phục. Chàng gởi một thông điệp đến vua Delphinus là vua cai quản tộc cá heo ở biển. Vua cá heo vâng lệnh chàng, bắt đầu cuộc hành trình lâu dài và đầy hiểm nguy tìm nàng Amphitrite để thuyết phục. Vua cá heo hứa với nàng rằng, nếu nàng ưng lấy Poseidon, thì tất cả pháp thuật của Poseidon sẽ làm cho biển yên sóng lặng, không còn hiểm nguy cho người đi biển nữa. Cảm động với lời hứa, nàng mỹ nhận ngư Amphitrite chấp thuận lấy Poseidon. Cả hai sống hạnh phúc, sinh được hai gái mỹ nhân Rhodes và Benthesicyme và một trai ngư nhân Triton, thân người đuôi cá.
Một bức tượng của Poseidon với chiếc đinh ba và một con cá heo
Chuyện thần thoại Hy Lạp về cá heo thì nhiều lắm, bất cứ vị thần nào khi ra biển khơi đều có sự hiện diện của cá heo. Nếu dân Việt tin tưởng vẽ đôi mắt trên ghe thuyền để được yên lành trên sóng nước, thì người Hy Lạp tin tưởng vào cái neo có đính hình cá heo. Đồng tiền cổ Hy Lạp cũng có hình cá heo để mong phước lành khi đi biển.
Neo tàu và đồng tiền cổ Hy Lạp với hình cá heo
Người Da Đỏ ở Mỹ châu cũng thần thoại hóa cá heo. Theo chuyện thần thoại của người Da Đỏ Chumash thì thế giới chưa có ai sinh sống. Nữ thần Trái Đất tên Hutash lấy hạt cây Ảo Thuật (Magic Plant) rải trên đảo Santa Cruz và biến hạt cây thành người Chumash, là giống người đầu tiên sống trên trái đất. Hutash lấy chồng là Rắn Trời tức giải Ngân Hà. Rắn Trời dùng lưỡi tạo ra sấm sét. Một ngày nọ, Rắn Trời muốn cho dân Chumash, tức đàn con của vợ chống Hutash với Rắn Trời, một món quà. Rắn Trời làm sấm sét và tạo lửa. Nhờ có lửa, dân Chumash trở nên ấm áp trong mùa đông, và hàng ngày dùng lửa nấu nướng. Vào thời đó, chim đại bàng condor có bộ lông màu trắng, từ núi cao nhìn xuống thấy lửa bùng lên lấy làm lạ, bèn bay xuống quan sát, bay thật gần để nhìn cho rõ, không ngờ lông bị lửa bắt cháy. Từ đó đại bàng condor có màu đen với ít khóm lông trăng trắng ở bụng vì chưa bị cháy. Vì nhờ lửa, dân Chumash sống thoải mái, sanh đẻ quá nhanh, đảo Santa Cruz chật cả người, tiếng ồn ào vang lên tới thiên đình làm phiền Hutash. Ban đêm Hutash không ngủ được. Nữ thần Hutash quyết định một số dân Chumash phải di chuyển lên đất liền để sinh sống, vì thời đó chưa có con người sống trên đất liền. Nhưng làm sao dân Chumash có thể đi qua một biển rộng để vào đất liền? Nữ thần Hutash bèn làm một cầu vòng (rainbow) rất dài và rất cao, nối đảo Santa Cruz với đất liền, và ra lệnh dân Chumash đi lên cầu, nhắm mắt dựa vào thành cầu mà đi. Một số dân qua được cầu an lành, một số khi đến giữa cầu, mở mắt xem thử bên dưới là gì, chỉ thấy mênh mông là sương mù, quá kinh hoàng nên té xuống biển. Nữ thần Hutash thương tình biến các nạn nhân này thành cá heo, bơi lội trong nước biển, ngóng cỗ tìm loài người Chumash anh em ruột thịt và tìm cách cứu nếu gặp nạn trên biển.
Sông Amazon rộng bao la ở Nam Mỹ là nơi sinh sống của loài cá heo nước ngọt, sắc dân gọi là Boto, đặc biệt giống cá này có bộ sinh dục giống con người. Dân bộ lạc dọc sông Amazon tin rằng cá heo boto ban đêm biến thành các chàng trai khỏe đẹp đi vào các xóm làng chim gái rồi rạng sáng hiện lại thành cá heo lặn trốn dưới sông, do đó có nhiều cô gái không chồng sinh con. Vì vậy, đối với bộ lạc Amazon, cá heo là biểu hiệu của sự bất hạnh. Ai gặp cá heo thì sẽ bị ám ảnh điềm xấu suốt đời, ai giết cá heo hay ăn thịt cá heo sẽ bị xúi quẫy suốt đời.
Cá heo trên sông Ganges ở Ấn Độ thì mang sắc thái Ấn Độ Giáo, có liên quan tới Nữ Thần Ganga của sông Ganges. Cá heo là thần dân của nữ thần trên trời, và nữ thần Makara chính là cá heo hóa thần.
Các thần thoại về cá heo sông Ganges Ấn Độ
Sông Cửu Long (Mekong river) cũng có cá heo nước ngọt mang tên cá heo Irrawaddy, được cho là linh thiêng. Chuyện thần thoại nguồn gốc cá heo Irrawaddy của người Lào như sau. Công chúa Sida của vương quốc Lào ở Luang-Phrabang có ý định dùng ghe xuôi ngược sông Cửu Long để buôn bán. Vua cha cho nàng một chiếc thuyền, một người hầu nam tên Kha cùng một số loài vật như chim, ếch, vịt, gà, v.v. Khi đến quần đảo kỳ bí Siphanđone (nam Lào), thuyền đi lạc, chạy lòng vòng trong 3 năm, sống nhờ cá trên sông. Cuối cùng thuyền đến thác nước Khone Phapheng. Nàng và người hầu Kha bối rối, không biết phải tiến lùi ra sao bởi gà mái thì kêu dừng lại, ếch bảo sâu lắm, vịt khuyên quay lại, chim cảnh báo coi chừng mất mạng; duy chỉ gà trống dõng dạc gáy bảo tiến lên. Họ quyết định làm theo ý gà trống và hậu quả là thuyền rơi xuống thác Khone Phapheng và mất hút. Công chúa hóa thành chim bói cá Nok Sida, còn người hầu thành cá heo Irrawaddy. Ngày nay mỗi khi cá heo Irrawaddy nổi lên mặt nước thì chim bói cá Nok Sida xuất hiện bởi trong lúc tìm thức ăn, cá heo đuổi loài cá khác trồi lên mặt nước để chim dễ dàng bắt mồi.
Người Tàu thì thú vật gì cũng ăn, từ côn trùng cho tới cọp, gấu, hải cẩu, v.v. vì “ăn thứ gì bỗ thứ ấy”, ngoại trừ cá heo. Cá heo trên sông Hoàng Hà, tên Baiji, ngày nay coi như bị tuyệt chủng, không phải vì người dân bắt ăn mà vì môi trường bị ô nhiễm. Người Tàu ngày xưa không ăn thịt cá heo (ngoại trừ sau thời kỳ cách mạng văn hóa), vì cho là linh thiêng, ai ăn thịt cá heo sẽ bị bịnh ngặt nghèo, không chửa trị được. Theo thần thoại Tàu, thì cá heo là tái sinh của một công chúa, vì không chịu ép lấy người chồng không yêu thương nên bị vua cha trấn nước cho chết. Công chúa theo kiếp luân hồi được tái sinh thành cá heo Baiji. Ngày nay, các nhà khoa học phân tích thịt cá heo thấy là chứa rất nhiều kim loại độc mercury (thủy ngân) làm chết người.
Reading, 9/2015