Giả
Nếu có ai hỏi, trên đời này ghét nhất thứ gì, tôi không ngần ngại mà nói rằng: giả. Bởi sự giả trá luôn mang trên mình nó những nguy cơ không lường được.
Giả thường đi đôi với (giả) dối, (giả) mạo, (giả) vờ, giả bộ. Không đơn thuần là tiếng đệm cho chữ rõ nghĩa, chúng đi liền nhau như hình với bóng. Cái giả nào cũng mang ý định lừa đảo, bịp bợm, xảo quyệt, chứ còn mục đích gì khác nữa. Giả sử, giả như (ví dụ) vầy:
Vì tham lam, muốn lợi nhuận nhiều, một vốn bốn lời mà thiên hạ nhẫn tâm sản xuất hàng giả, hàng gian, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng...để lừa bịp người tiêu dùng.
Những ông to bà lớn, gọi chung là tham quan ô lại, tham ô nhũng lạm (diễn nôm là quan tham ô), khi lên nắm trọng trách, có chức có quyền một chút đã không màng lo cho dân cho nước, chỉ chăm bẳm vào mấy chuyện tham nhũng, hối lộ, lót tay, ăn xén ăn bớt của công. Mới vừa ngồi chức vụ chưa nóng ghế, chỉ với đồng lương chính thức ba cọc ba đồng như mọi viên chức khác, vậy mà bỗng dưng một ngày kia, nơi ở của họ sừng sững mọc lên cái biệt phủ, cái dinh thự to đùng như cung điện vua chúa ngày xưa, giữa một rừng những căn nhà tồi tàn rách nát của cư dân xung quanh, trong một tỉnh thuộc hạng nghèo nhất nước, với thái độ thách thức dư luận, thì đích thị nó ngoi lên từ đống tiền giả. Không cần phải mở cuộc điều tra, chỉ cần suy luận chút, con nít cũng hiểu. Tôi gọi đây là đồng tiền ...âm phủ, đồng âm dị nghĩa với tiền vàng mã mà thiên hạ hay đốt trong ngày giỗ kỵ ông bà. Dù sao thì tiền vàng mã cũng là tiền sạch (dù không được ủng hộ), không bẩn thỉu mạt hạng như loại tiền âm phủ của mấy cái biệt phủ, loại tiền bán đứng lương tâm, bán đứng con người họ. Mỗi lần nghe tin nơi này nơi kia thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, công ty này cơ quan nọ làm lỗ ngân sách quốc gia hàng nhiều triệu đô la, tôi liên tưởng ngay đến mớ tiền giả kia, đi từ cửa công vào túi riêng mà cảm thấy rất khinh tức trong lòng. Ông trời sao không trừng trị cho họ biết thế nào là“quả báo nhỡn tiền “, chờ chi đến kiếp sau (có kiếp sau không?), khi họ đã qua bao ải địa ngục, đã ăn hết chục tô cháo lú, còn nhớ gì nữa để hiểu ra chân lý có vay có trả mà sợ hãi chùn tay. Vô lý, và nhất là bất công, chuyện con cái phải gánh thay tội lỗi của họ, kiểu cha ăn mặn, con khát nước. Ai làm người ấy phải chịu chứ sao lại bắt người khác thế mạng? Họ không nhớ sao, chết có mang theo được đâu. Họ không biết sao, ác giả ác báo, thiện giả thiện lai (nghĩa tương tự như Gieo gió gặt bão). Sống sao không biết để đức cho con, làm gương xấu cho con, để làm gì? Phàm trên đời, cái gì giả thì giá (trị) cũng ghẻ (rẻ, đọc theo âm miền Nam), ghẻ ghê gớm, ghẻ mạt rệp!
Dĩ nhiên, tôi cũng không đồng tình với chuyện ly hôn giả, kết hôn giả và làm đám cưới giả theo ý đồ của một số người có mục đích định cư nước ngoài chẳng hạn, là những người ngồi đây nhưng tưởng tượng ra có một thiên đường ngoài kia. Một người quen biết của tôi là một giả dụ. Gia đình đang yên ấm, vợ chồng con cái đề huề, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường sao mà vợ chồng bàn tính chuyện ly hôn giả, để người vợ kết hôn giả với một Việt kiều với cái giá ba chục ngàn đô la Mỹ, tính rằng sau khi sang đến nơi một thời gian sẽ lại ly hôn với chồng (mới) để bảo lãnh cho chồng (cũ) sang đoàn viên, tái hợp, sống một cuộc sống sung sướng như xưa. Như xưa đâu chẳng thấy, chỉ thấy vì thời gian chờ đợi tái hợp quá lâu, chồng sinh tật lăng nhăng với người khác, còn vợ bên kia cũng chẳng thủy chung gì hơn, lửa gần rơm mà nảy sinh tình cảm với người mới. Kết quả là, ly hôn giả thành ly hôn thật, kết hôn giả thành kết hôn thật. Một gia đình tan nát, trả giá cho việc tính toán nước cờ giả dối mà thành giả thật với chính mình. Con cái lãnh đủ sự sai lầm của cha mẹ.
Ăn cắp thì là giả rõ ràng, giả mười mươi, được gọi là đạo chích, mà trong giới văn chương thường dùng là đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo ý tưởng. Ngay đến cả luận trình tiến sĩ, biên soạn tự điển...(toàn giới trí thức cả) cũng không ngoại lệ. Họ vô tư sao chép, xào nấu, vay mượn, giả nai lấy của người khác làm của mình, biện hộ cho cái nghề đạo tặc của mình là do “tư tưởng lớn gặp nhau”. Lớn gì lớn đến nỗi giống đến từng dấu chấm phẩy mới ghê!
Lại có những hạng người đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa, kiểu “nam mô một bồ dao găm”. Ngoài mặt thơn thớt nói nhân nghĩa, đạo đức, nhưng trong lòng toan tính hãm hại người khác. Trong cuộc sống đầy dẫy những hạng người thế này, là những kẻ chuyên đi lừa đảo thiên hạ, những kẻ nói ngon nói ngọt dụ dỗ người cả tin, những kẻ giả danh, giả dạng, giả mạo (giấy tờ) hòng qua mắt thiên hạ....
Hay có những kẻ làm bậy, để thoát khỏi án tù tội, họ bèn nghĩ ra cái mánh giả điên giả dại, giả tạo ra chuyện thần kinh có vấn đề; hay có những kẻ giả nghèo giả khổ để gợi lòng thương hại, giả ngu giả dốt để đỡ phải làm việc cực thân, lại có người lộng giả thành chân (chuyện giả nhưng được lập đi lập lại riết thành ra người ta tin là có thật). Giả hạn (chẳng hạn) nếu cứ được xem, được nghe những truyện ma quỷ, truyện kinh dị từ ngày này sang ngày khác, đến lúc nào đó họ sẽ tin là có ma thật.
Thời nay thật giả lẫn lộn, như:
- Học giả (đồng âm dị nghĩa với các nhà học giả thật, là những người học cao, tri thức rộng): là những kẻ muốn lên chức nhưng dốt nát, nhờ người khác học giùm thi giùm.
- Bằng giả: là những kẻ chẳng chịu học hành nhưng thích khoe mẽ, muốn thăng tiến mau chóng.
- Tên giả, tuổi giả: với mục đích giấu nhẹm tông tích.
- Địa chỉ giả: (chữ hay dùng hơn là địa chỉ ma): địa chỉ không hiện hữu trong bản đồ địa chính vùng.
- Tin nhắn (điện thoại) giả: mục đích lừa gạt, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
- Động tác giả: là từ hay dùng trong bóng đá, nhưng bên ngoài sân cỏ, trong cuộc đời thường cũng có nhiều kẻ làm động tác giả để cướp nhà, cướp đất, cướp xe, cướp của, và cả cướp mạng sống người khác.
- Tình giả: chỉ mê sắc đẹp (của người nữ), hay mê sự giàu có, địa vị trong xã hội (của người nam), v.v...
Bên cạnh những thứ giả tai hại kể trên, có nhiều thứ mang tiếng giả nhưng được chấp nhận, như:
- Khoa học giả tưởng: là loại truyện hay phim tưởng tượng, nhiều năm sau trở thành sự thật. Như loạt truyện viễn tưởng của nhà văn Pháp Jules Verne (1828-1905), viết dựa vào những giả thuyết, giả định được tưởng tượng một cách phong phú vào thời đó như: Hành trình vào tâm trái đất (1864), Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870), Vòng quanh thế giới 80 ngày (1873).... , đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm, phi thuyền, những chuyến du hành vào vũ trụ, trước khi những phương tiện này được phát minh (chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright (Mỹ) thực hiện năm 1903; tàu ngầm đầu tiên do Simon Lake (Mỹ) phác họa năm 1882, sau khi Lake đọc hàng loạt truyện của Jules Verne).
- Giả dạng thường dân: là từ chỉ vua đi vi hành thăm thú dân tình. Nay dùng ám chỉ những người giàu có, những người tài năng nhưng không thích cho ai biết.
- Đồ giả cổ: là những món hàng bằng sành sứ, nhái theo mẫu mã của những hàng quý hiếm xưa.
- Món giả cầy: là món thịt heo giả làm thịt chó.
- Phim giả tình thật: chuyện này thường xảy ra trong giới nghệ sĩ.
- Người giả: những quí bà thích làm đẹp theo trào lưu, muốn níu kéo tuổi thanh xuân nên đi thẩm mỹ viện xâm lông mày, xâm môi, cắt mí mắt, nâng mũi, chẻ cằm, nâng ngực.....Khuôn mặt được tút lại nhìn thoáng qua thấy ngay sự giả tạo, nhiều khi trông còn tệ hơn so với trước khi sửa. Robot (người máy) cũng được liệt vào hàng người giả, bởi không có cảm xúc. Người nào sống không cảm xúc thường bị ví von là người máy.
- Răng giả, tóc giả, mắt giả (kính lão), tai giả (máy trợ thính): đến một lúc nào đó, thường từ U 50 trở đi, người ta sẽ phải chấp nhận một thực tế: sống chung với ...những thứ giả kể trên.
Hoặc giả (ngoài ra) , cũng có những sự việc dù mang trên mình chữ giả, nhưng không hàm nghĩa giả dối, không làm hại ai, vì nghĩa của chúng đã khác:
- Ký giả: tức phóng viên, người chuyên đi viết tin cho các báo. Gọi ký giả, nhưng bản tin phải được bảo chứng bằng chữ ký ...thật sau mỗi bài.
- Giả: người, gã, hắn, thằng chả (tiếng miền Nam). Ví dụ: giả say thật (thiệt) rồi.
- Tác giả: chủ nhân của một bài văn, một vở kịch, một bài hát, một công trình...
- Độc giả: người đọc.
- Khán giả: người xem.
- Thính giả: người nghe.
Và.....Tôn Hành Giả. Những khán giả mê Tây du ký những năm 1986 thế kỷ trước chắc không thể không biết đến nhân vật này: Tôn Ngộ Không (tức Tôn Hành Giả do Lục Tiểu Linh Đồng đóng)
Trong tiếng Hán và tiếng Việt thì nghĩa chữ giả giống nhau, còn chữ chân (Hán) là thật (Việt), nên mới có kiểu chơi chữ thuần Việt thú vị: người chân giả nhưng lòng chân thật.
23/7/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Ảnh minh họa (nguồn internet )
|