LÝ DO
Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Quay mặt vào vách, Thư kéo mền trùm kín đầu. Tiếng nấc được nhốt kín trong lớp mền bông mềm mại. Khóc thỏa thuê, Thư cảm thấy nỗi đau lắng xuống, dịu hẳn đi. Nực quá! Thư tốc mền ngồi bật dậy, lầm bầm:
- Ta không thèm mắc cỡ nữa!
Sáng nay, thầy lý kiểm tra bài khác hơn mọi khi. Thầy lệnh cho học trò phải lên đứng cạnh thầy trả bài vanh vách thay vì viết ra giấy. Cả lớp kinh hoàng! Dù Thư đã thành tâm cầu trời Phật phò hộ cho mình thoát nạn nhưng thầy gọi ngay boong tên Thư. Đọc được vài chữ, Thư… bí, ấp a ấp úng mãi. Đảo mắt một vòng, cầu cứu lũ bạn. Thật tệ! Đứa nào cũng giả đò ngó lơ. Thầy hỏi:
- Thuộc bài không?
Thư chẳng biết trả lời sao. Nếu độn thổ được thì Thư đã chui tọt xuống đất.
Thầy quát:
- Sao không trả lời?
Giật mình đánh thót, Thư vội đáp:
- Dạ, không!
Thường ngày, thầy hiền lắm. Sao bữa nay thầy nóng quá chừng! Thư nghi là thầy giận… vợ ở nhà.
Đập tay xuống bàn đánh rầm, bụi phấn bay mù mịt, thầy hét lớn:
- Về chỗ!
Thư òa khóc. Nó lủi thủi về chỗ trong tiếng guốc khua lọc cọc. Lũ bạn bật cười. Thầy cũng cười. Có tiếng xầm xì:
- Xời ơi! Bữa nay mang guốc cao gót nữa chứ.
- Áo lụa Hà Đông láng lẫy chứ bộ.
- Xí, ăn mặc bảnh bao mà không thuộc bài.
Thư úp mặt xuống bàn, nước mắt tuôn như mưa. Thầy xếp sổ, thở dài:
- Người ta lên tới cung trăng từ lâu rồi mà mấy em vẫn còn vật vã với một hai bài học. Tôi nản quá!
Thư càng khóc to hơn. Thầy nổi nóng, quát:
- Có nín không? Nước mắt giải quyết được gì chứ?
Sương chu môi:
- Nước mắt cá sấu đó thầy.
Thằng Lam chêm vào:
- Dạ, roi mây mới giải quyết được chuyện này, thưa thầy.
Thu Thủy trừng mắt với Lam:
- Ê, đừng có xảnh xẹ nha! Tụi mầy định thừa cơ hội chế dầu vô lửa hả?
Lâu lâu, con Thư mới làm biếng một lần chứ bộ.
Cả lớp cười ồ. Hạnh chen vào:
- Thưa thầy, tại chị của bạn Thư đi lấy chồng nên nó… không thuộc bài đó thầy.
Thầy bật cười. Được nước, cả lớp cười hùa theo. Tình trạng căng thẳng biến mất. Thằng Lam gật gù:
- Lý do nầy chính đáng.
Thầy trở lại chỗ ngồi, lắc đầu:
- Rồi em sẽ khổ thôi!
Thư cũng nghĩ vậy. Đời nó rồi sẽ khổ. Trước mắt đã thấy cực thân. Từ hôm chị Tuyền về nhà chồng, trời chưa sáng rõ, Thư đã phải thức dậy, lo việc nhà… mình. Nào là nhóm bếp, nấu nước, pha trà, chiên hột gà, rửa ly, quét dọn… Hàng tá công việc vây lấy Thư. Mệt phờ người. Thư không còn hơi sức đâu để tập thể dục thẩm mỹ như trước. Đâu còn những buổi sáng nằm nướng, lắng nghe chim hót ríu ran trên vòm lá sầu đông. Đâu còn mặc tình lăn qua, trở lại trên tấm nệm êm ái, đưa tay chụp những giọt nắng đầu ngày rọi xuống tấm dra trắng muốt, mát rượi. Chờ chị Tuyền gọi năm lần bảy lượt mới chịu ngóc dậy, vươn vai, ngáp thêm vài cái:
- E hèm, mệt quá!
- Dậy lẹ lên! Coi chừng trễ giờ học đó. Lười biếng còn hơn… quỉ!
Cười hì hì, Thư bá cổ chị, làm nũng:
- Ai biểu chị siêng làm chi.
- Chứ không lẽ để mẹ làm. Mẹ còn biết bao nhiêu là việc, phải phụ mẹ một tay chứ.
- Em có thấy việc gì đâu mà phụ làm.
- Em mà thấy chắc là trời sập. Thôi, đi rửa mặt rồi đi ăn sáng đi, kẻo trễ học đó, cô nương.
Chị Tuyền luôn làm mọi người hài lòng với buổi điểm tâm. Phần Thư là một quả trứng gà ốp la, mấy miếng dưa chuột xanh rờn, giòn rụm. Đôi khi là một mẫu thịt nướng thơm phưng phức. Thằng Út được phân phối hai khứa cá kho khô, vài ba chú tép rang. Thằng bé này ưa những món đồng nội. Lớn lên, thế nào nó cũng về sông để… ăn cá, về đồng để… ăn cua. Chẳng biết chị Tuyền thức từ lúc nào mà bày vẽ chu đáo như vậy. Thư thương chị lắm, thầm hứa sẽ giúp chị. Nhưng, sau đó lại quên ngay. Tan học, Thư hay theo Thủy với Hạnh đạp xe lòng vòng qua các phố, hay ghé vào công viên để ngắm hoa nở rộ, khoe sắc. Ba đứa đuổi theo những cánh bướm sặc sỡ. Thư thích bấu thành hồ ngóng nhìn mấy con cá tai tượng lượn lờ trong làn nước trong vắt. Bật cười với những gợn sóng lăn tăn sau những cái đuôi ngoe nguẩy như làm nũng của chúng. Có hôm, mãi vui, quên giờ giấc, chừng thấy công viên vắng lặng, ba đứa giật mình, xem đồng hồ thì đã gần mười hai giờ. Ba đứa lật đật phóng xe như bay. Dọc đường, gặp chị Tuyền đang đạp xe hớt hải, mắt láo liên tìm kiếm. Vừa thấy Thư , chị òa khóc. Một lúc lâu mới thốt được:
- Em làm chị sợ hết hồn hết vía. Tưởng em bị tai nạn gì rồi. Ba mẹ đang giận đó.
Hôm ấy, Thư bị ba hét vang trời, hăm đánh năm roi. Mẹ thì mắng thư suốt buổi tối. Còn bà nội cứ ca cẩm:
- Con gái không nên nết. Sau này thế nào cũng khổ.
Thư trốn vào phòng, chui vô mền cười rúc rích: "Bà ơi, bà nói sai rồi, cháu mới là người sung sướng nhất.”
Từ khi có một người con trai lạ xuất hiện trong nhà, đeo theo chị Tuyền, Thư mơ hồ sắp có thay đổi. Và người thay đổi đầu tiên là chị Tuyền. Chị chăm chút mái tóc, khuôn mặt, bàn tay… Đôi má chị thường bừng lên sắc hồng e thẹn. Chị hay soi gương, mỉm cười một mình. Đêm, chị đứng hàng giờ bên cửa sổ, nhìn đăm đăm những vì sao. Những đêm trăng sáng, chị ngửa mặt, môi he hé như hớp lấy mật vàng rót từ cung Quảng. Có đêm, chị trầm tư bên bàn viết. Một lô giấy bị xé, ném đầy sọt nhựa. Chị khóc. Chị cười, như ngây dại. Thư sợ lắm nhưng không dám méc vì dạo này, chị Tuyền thường bị mẹ mắng. Chị để hồn tận đâu đâu, rửa chén thì vỡ chén. Chiên hột gà thì để khét hoài. Tròng trắng thì thành tròng vàng, còn tròng đỏ thì lại muốn hóa đen. Một hôm, khi làm cá, chị khứa nhằm tay, đứt hết một miếng da, máu nhỏ giọt. Thư hoảng hồn kêu to:
- Chết, đau không chị ?
Chị lắc đầu, nước mắt ứa hoen mi. Bà nội nghe động, lần vách đi ra, nhìn chị, bà lắc đầu:
- Con này hư! Lớn lên, đời nó sẽ khổ.
Thư bật cười:
- Ai bà cũng bảo sẽ khổ. Bà mà đi làm thầy bói thì chắc ế… nhệ.
Chị Tuyền, anh Dũng giận nhau gần một tháng. Nhà Thư vỡ sáu cái chén, ba cái dĩa, bốn cái ly. Sọt nhựa đêm nào cũng đầy những mẫu giấy ghi chép:
“Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?"
“Em như bức tượng đang tô
Anh như ngòi bút họa đồ trong tranh.”
“Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”…
Cho đến một hôm, anh Dũng chạy vào nhà nắm lấy bàn tay chị Tuyền trước cặp mắt sửng sốt của Thư, nỗi kinh hoàng của bà nội. Anh trắng trợn… tỏ tình:
- Tuyền ơi, anh yêu em! Anh không thể sống thiếu em. Bằng lòng làm vợ anh nghe Tuyền!
Không trả lời. Chị Tuyền òa khóc. Thằng Út hoảng vía, chạy đi tìm mẹ để méc. Bà nội ngửa mặt kêu trời. Chỉ có Thư bật cười. Nó biết từ giờ phút nầy chị Tuyền sẽ hồi sinh. Chị sẽ không đánh rơi vật gì nữa. Và, những bữa điểm tâm lại tuyệt vời.
Đám cưới chị Tuyền thật vui. Ngày phản bái, chị và anh Dũng về thăm nhà. Chị tặng Thư một chiếc áo lụa và đôi guốc cao gót màu cánh phượng với lời dặn dò Thư thay chị lo việc nhà. Rốt cuộc, trong cuộc thay đổi, Thư là người khổ nhất. Nó phải “gánh hết” việc nhà. Đôi bàn tay Thư bắt đầu xuất hiện những vết chai. Các móng dài bị cắt ngang để lọ nồi không còn chỗ ẩn náu.
Mấy ngày nay, thằng Út sốt li bì, bà cũng kêu mệt. Ba mẹ thì bận việc cơ quan. Bao nhiêu việc dồn cho Thư. Nó không có giờ nào rãnh để học bài. Thật xui xẻo! Vào lớp bị thầy truy bài. Ôi, Thư xấu hổ lắm. Chẳng lẽ đem chuyện làm việc nhà ra để bào chữa. Chắc các bạn lại cười thầm cho xem. Vì thật ra lý do đó cũng khó thuyết phục lắm. Bởi lẽ, một số bạn còn khổ hơn Thư nhiều. Chúng vừa học vừa làm. Có đứa phải đi gánh nước thuê, có đứa đi xách hồ, bán vé số. Vậy mà chúng vẫn thuộc bài. Tự ái của Thư vốn to hơn cột đình. Nó không thể để lũ bạn chế giễu, thầy chủ nhiệm thất vọng và phải xứng đáng khi ăn mặc bảnh bao. Thư sẽ giặt sạch cái áo đẹp ấy rồi giấu tận đáy tủ như giấu sự xấu hổ của mình. Nó đợi đến khi nào lũ bạn phải tròn mắt mỗi khi Thư “ẵm điểm mười", thầy chủ nhiệm phải thốt lên: "Giỏi quá!”, lúc đó, nó mới mang chiếc áo đẹp ra và… mặc khi đến lớp. Nhưng điều đó còn… xa lắc xa lơ. Phải phấn đấu lắm đây! Trước tiên phải làm sao?
Thư ôm lấy đầu. Mơ ước đẹp đẽ biết bao nhưng muốn biến nó thành hiện thực thì chẳng dễ dàng gì! Làm sao có thể vừa đảm đang việc nhà vừa học giỏi? Thư yêu quí bà nội, cha mẹ và thằng Út. Bà nội năm nay yếu lắm rồi. Mắt mờ, tay run. Ba mẹ Thư bận việc cơ quan suốt ngày, đâu thể để mọi người cực nhọc thêm. Còn thằng Út là con trai, lại là vua vụng về. Bảo nó làm thà Thư làm luôn cho nhanh. Phải nghĩ cách thôi! Thư đến ngồi ở góc học tập, chợt trông thấy trên bìa bốn của quyển vở có in sẵn một cái thời khóa biểu rất xinh. Trong đầu Thư bỗng lóe lên một tia sáng: "Tự xếp thời khóa biểu cho mình!”. Sao mình không tự quy định giờ học, giờ làm, giờ nghỉ cho mình chứ? Loáng cái, nó đã sắp xếp đâu vào đấy. Tuy nhiên, Thư cảm thấy giờ học bấy nhiêu chưa đủ để giỏi. Nó tìm cách để “vừa học vừa làm”. Cuối cùng, Thư cũng vạch ra một “chương trình ngoạn mục”. Vừa nấu cơm Thư sẽ vừa học Sinh hay Sử. Mỗi ngày, Thư viết ra giấy “mười từ vựng Tiếng Anh” để… bỏ túi, bất cứ lúc nào tiện, móc ra học mà không phải mang quyển sách kè kè bên mình. Như vậy, trong một tháng Thư sẽ thuộc 300 từ vựng. Ba tháng thì thuộc 900 từ… Còn vừa dọn dẹp nhà cửa Thư sẽ vừa ôn công thức Lý. Hóa… Điệu này, chẳng bao lâu, Thư sẽ được như ý.
Thư khoan khoái nằm lăn ra giường, nhắm nghiền mắt để tưởng tượng ngày mình ôm phần thưởng…
- Trời đất, giờ nầy mà con ngủ hả Thư? Làm biếng quá vậy!
Thư giật mình, mở bừng mắt, ngồi bật dậy nhoẽn cười, nhủ thầm: "Trước tiên, phải chiến thắng cái thói làm biếng của mình mới được!
N.T.M