17/7/2017
Kalaw-Taunggyi.
09h, bác tài Molash đưa “Cồ An” trở lại chùa, rồi quay xe ra quốc lộ 4 (đường Pyang Taung Su) trực chỉ Thủ phủ Taunggyi. Đúng 1 năm trước, tôi và bà xã đã cùng Sư đi Taunggyi để mua sắm chuẩn bị cho Lễ Dâng Y, mục đích cũng là để chúng tôi có dịp viếng thủ phủ của Bang Shan một lần cho biết, vì tôi nghĩ chắc còn lâu mới trở lại. Khi đó, vừa chân ướt chân ráo đến Kalaw, chưa đi đâu, chưa kịp có một nhận định gì ấn tượng tại cái xứ có vẻ “khỉ ho, cò gáy” này, ngoại trừ cái lạnh thấu xương trong đêm đầu tiên không mền đắp! Và vì vậy với 2 lượt đi về cùng 1 buổi sáng loanh quanh chung quanh chợ chính của thủ đô Taunggyi, mà qui mô chỉ bằng cái chợ Huyện Thốt Nốt thì chỉ như “cởi ngựa xem hoa”! Dù vậy, chúng tôi cũng có vài hình ảnh sống động kỹ niệm tại nơi này.
Không ngờ, hôm nay dịp đó lại đến với tôi, sớm hơn dự kiến! Vì năm trước chỉ “cỡi ngựa xem hoa” nên với tôi chuyến đi kỳ này cũng giống như lần đầu, do vậy trong lòng khá háo hức!
Như năm rồi, Sư bảo bác tài Molash ghé Aungpang để mua bánh ăn cho vui miệng, đó là một đặc sản của Miến Điện làm từ đậu phụ, chiên lên nên họ gọi là fried tofu, giòn rộm, rất ngon, có lẽ đây là món ăn vặt bình dân của xứ này mà tôi mạnh dạng ăn vì…quá tuyệt!
Xe lần lượt qua tiếp thị trấn Heho, nơi có 1 phi trường nhỏ để đón khách đi đường không đến Inle, Taunggyi và vùng phụ cận. Kế tiếp là chợ Shwenyaung, từ đây rẻ phải, sẽ dẫn đến chợ Nyaungshwe nằm ở bờ Bắc hồ Inle, nơi có thuyền máy đón du khách đến thăm chiếc hồ đẹp như chốn thiên thai …nơi trần thế!
10h35 Chúng tôi tới thủ phủ Taunggyi, Sư gọi điện cho Koto để biết vị trí cậu ta đứng đợi, rồi tìm đường thuận tiện đến rước, vì bây giờ thành phố đang tràn ngập người dân đi dự Lễ hội khí cầu và diễn hành cổ động Lễ Xuất gia tại Taunggyi.
Sư nói vào các ngày này, lễ hội khí cầu được tổ chức tại Taunggyi, thu hút rất nhiều khách du lịch, nếu không sớm đặt phòng thì sẽ không còn chỗ để nghĩ hoặc phải trả 1 phí rất cao mới có thể tìm được chỗ qua đêm nếu muốn xem hội hoa đăng tuyệt vời tại đất nước còn nhiều bí ẩn này !
Miến Điện là nước có rất nhiều lễ hội truyền thống, nghĩa là những lễ hội đã có từ lâu đời, chứ không phải loại được “sáng chế” theo cơ hội để kinh doanh trong thời buổi bùng nổ du lịch này. Phần lớn, các lễ hội đều có liên quan đến Phật giáo, hay là lễ hội của các chùa lớn trong nước. Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, thì có 2 lễ hội quan trọng đó là Lễ hội Ánh sáng và Lễ hội khí cầu.
1/ Lễ hội Ánh Sáng: Theo truyền thuyết, sau 3 tháng đi giảng đạo cho chư thiên, Đức Phật trở về vào ban đêm, Phật tử phải đốt đèn, nến để đón, lễ hội Ánh sáng được tổ chức để đánh dấu sự kiện đó, về sau lễ này nhằm báo hiệu mùa An cư kiết hạ vừa chấm dứt.
2/ Lễ hội khí cầu: Có lẽ bắt nguồn từ tục thả đèn gió của các dân tộc theo Phật giáo Nam tông. Trước đây, người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh cũng có tổ chức loại hình vui chơi này, nhưng qui mô nhỏ hơn với những chiếc đèn gió đơn giản vào dịp lễ Ok Om Bok, tức là Lễ cúng trăng, tổ chức vào Rằm tháng 10 hàng năm, sau lễ hội khí cầu(Myanmar) đúng 1 tháng.
Với người Miến Điện, đây là một trong những lễ hội ngoạn mục nhất của Myanmar, do người Pa-oo khởi xướng, tiếng địa phương gọi là Taunggyi Tazaungdaing, được tổ chức hàng năm tại thủ phủ Taunggyi.
Trước đây lễ hội chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng năm nay, 2014, lễ diễn ra từ ngày 31-10 đến hết ngày 6-11(7 ngày). Các tộc người, các địa phương sẽ mang tới lễ hội những khinh khí cầu độc đáo, lộng lẫy để thi thố. Ban ngày là những loại mang hình chim thú như bồ câu, voi…, ban đêm là những chiếc khí cầu khổng lồ với đèn nến rực rỡ, có mang theo pháo hoa để khi lên cao sẽ bắn ra những bông hoa lữa vô cùng ngoạn mục. Sư Hoài nói chi phí mỗi khí cầu như thế lên đến vài chục ngàn đô la…ngày mai tôi đưa ông Minh đi coi chơi, Nghe mà thấy…sướng thầm trong bụng!
Sau đây là một số hình ảnh tôi mạn phép trích lại từ internet để minh họa cho lễ hội quan trọng này.
Ngoài các mặt hàng tôi đã kể, chợ này có nhiều món ăn mà tôi thật sự không biết, văn hóa ẩm thực là một trong những trãi nghiệm thú vị trên bước đường du lịch; tiếc rằng tôi lại dở về môn này, nên đôi khi cũng thiếu sót, đành phải chộp ít ảnh để bạn bè coi, riêng mình lần tới, khi trở lại Kalaw chắc cũng “liều gan” chơi thử vài món cho biết mùi!
Và có một mặt hàng rất phổ biến tại các chợ Myanmar, rất quen thuộc với người Việt, đó là trầu, món ăn chơi vẫn còn thịnh hành trong xã hội Miến Điện.
Chợt một đoàn Sư khất thực vừa xuất hiện từ một lối mòn, dẫn đầu là các vị lớn tuổi, theo sau là các chú sadi nhỏ, tôi sẽ tìm hiểu thêm để chia sẻ cùng các bạn về luật tục này của Phật giáo Nam tông, trong những phần tới.
(4)