31/10/2015
Nhân ngày Lễ Hội Halloween:
Thật là một thiếu sót lớn nếu du khách đến London mà không thăm viếng Lâu-Đài-Tháp London (The Tower of London). Nó không những là một lâu đài có một lịch sử lâu đời, tuy không đồ sộ bắng các lâu đài khác, chỉ cao bằng 4 tầng lầu, nhưng nằm trong trung tâm London, bên cầu treo Tower Bridge nỗi danh về kiến trúc, và là nơi tàng trữ châu báu của Hoàng Gia. Ở đây du khách có thể thấy hột xoàn lớn nhất thế giới 530 carats mệnh danh “The Star of Africa”. Hàng năm có trên 1,5 triệu du khách viếng thăm, không những chỉ để thấy viên hột xoàn, và những di tích lịch sử còn lưu giữ từ thời trung cổ với khoảng 40 ngàn lưu vật đủ loại, kể cả khí giới, máy chém và dụng cụ tra tấn. Đặc biệt du khách còn có thể vào viếng những hầm đá giam lạnh buốt tận xương, với những dụng cụ tra tấn rất dã man, mà còn để nghe những chuyện ma đầy kinh dị trong lâu đài này. Lâu-Đài-Tháp London nỗi tiếng thế giới với nhiều con ma, trong số này nỗi danh nhất là con-ma-không-đầu.
Khoảng năm 1080, Đại Đế William (William The Conquerer, 1066-1087) bắt đầu xây cất pháo đài rất quy mô này. Vào thời đó, đây là pháo đài lớn nhất, một tòa nhà 36m x 32,5m, cao 27,5 m. Cách xa vài cây số, ta cũng có thể thấy bốn ngọn tháp cao chọc trời. Rồi qua bao thời đại kế tiếp, pháo đài này được củng cố thêm, có lúc làm nơi vua và hoàng gia cư ngụ.
Vua Henry VIII (1509-1547) là vị vua rất tàn ác và độc tài. Ông giết không biết bao tình địch chính trị, tôn giáo và giết cả một lượt hai bà vợ. Vua có tổng cộng 6 vợ cưới chánh thức. Nhà vua ly dị với Hoàng hậu thứ nhất tên Catherine Aragon vì bà này không có con trai để nối ngôi mà chỉ sanh một cô gái tên Mary, sau này là nử hoàng Mary I. Vua cưới Anne Boleyn làm hoàng hậu thứ 2. Điều này trái với Thiên Chúa Giáo La Mã, vì vậy vua cắt đứt liên hệ với Tòa Thánh La Mã để cưới thêm vợ. Vua đưa Anne Boleyn lên ngôi hoàng hậu, rồi tự phong mình là Cấp Tối Cao của tôn giáo mới Protestant, thách thức với đức Giáo Hoàng La Mã. Anne Boleyn không sinh con trai mà chỉ có một gái tên Elizabeth, sau này là Nử hoàng Elizabeth I. Vua ly dị rồi giết bà. Sau đó, vua cưới hoàng hậu thứ 3 tên Jane Seymour, sinh được một trai tức hoàng tử Edward, sau này lên ngôi tức vua Edward VI. Bà Jane Seymour chết sau khi sanh, Vua cưới hoàng hậu thứ tư tên Anne Cleves, bà này không con nên lại ly dị. Vua cưới bà thứ năm tên Catherine Howard mới 20 tuổi, đẹp, hiền, và thùy mị. Có người ganh ghét phao vu bà ngoại tình, vua ra lệnh chém, và cưới bà thứ sáu tên Kateryn Parr, không có con, nhưng may mắn là không bị chém vì vua Henry VIII chết trước.
Vua Henry VIII
Catherine Aragon Anne Boleyn Jane Seymour
Anne Cleves Catherine Howard Catherine Parr
Kể từ 1530, Lâu-Đài-Tháp London trở thành nhà ngục khổng lồ dành cho bất cứ ai chống đối nhà vua, gồm các đối thủ chính trị như Sir Thomas More, hay tôn giáo như Hồng Y Fisher Rochester và các Hồng Y, Giám Mục theo Thiên Chúa Giáo La Mã và ngay cả hai bà Hoàng Hậu Catherine Howard và Anne Boleyn. Tất cả đều bị xử chém.
Vua Edward VI (1547-53), con của hoàng hậu thứ 3, kế nghiệp, tiếp tục xử dụng Lâu-Đài-Tháp làm nhà tù và xử chém nhiều đối thủ. Vua chết sớm.
Nử hoàng Mary I (1553-58), con bà hoàng hậu thứ 1, kế vì, đưa nước Anh trở lại Thiên Chúa Giáo, và bà trả thù. Không biết bao nhiêu giáo chủ Protestants bị ngục tù và hành quyết ở Tòa Lâu-Đài-Tháp. Nử hoàng cũng ra lệnh chém Lady Jane Grey tại đây, và nhốt Công Chúa Elizabeth (con của hoàng hậu Ann Boleyn, đứa em cùng cha khác mẹ) ở đây.
Vì vậy, Lâu-Đài-Tháp nỗi tiếng về ma. Nổi danh nhất là con-ma-không-đầu Anne Boleyn.
Hoàng hậu Anne Boleyn chỉ sinh một con gái, tức Công Chúa Elizabeth, sau này lên ngôi là Nử hoàng Elizabeth I. Vì sanh con gái, Hoàng hậu Anne và vua Henry VIII không còn thuận hòa, vua đi tìm hoàng hậu khác tên Jane Seymour. Vua tìm cách trừ khử hoàng hậu Anne bằng cách tìm người phao vu bà hoang dâm và ngoại tình. Vua ra lệnh bắt nhốt bà vào ngục tối trong hầm sâu dưới Lâu-Đài-Tháp London trước khi hành quyết chém đầu cùng 5 thanh niên kia vào ngày 19/5/1536, trong số đó có người em trai của bà.
Hoàng hậu Catherine Howard cũng bị phao vu ngoại tình và cũng bị chém như hoàng hậu Anne Boleyn tại Tòa-Lâu-Đài-Tháp. Trước ngày hành quyết, bà tập kê đầu vào máy xử chém cho quen, và trước giờ bị chém bà thốt lời cuối cùng là tha thứ vua Henry VIII mặc dầu bà bị hàm oan. Vì vậy bà được mang danh là “Hoa hồng không gai”.
Kể từ ngày đó, hai con-ma-không-đầu Anne Boleyn và Catherine Howard xuất hiện thường xuyên cho tới ngày nay.
Con ma Catherine Howard chỉ thấy xuất hiện trong lâu đài, dưới hầm đá, vào ban đêm. Người ta nghe bà than thở rồi khóc thảm thiết trong nhà ngục suốt đêm.
Ngược lại con-ma-không-đầu Anne Boleyn, không những xuất hiện trong Lâu-Đài-Tháp mà còn nhiều nơi xa khác cho tới ngày nay.
Hoàng hậu Anne Boleyn được chôn cạnh nhà thờ bên trong Lâu-Đài-Tháp. Ban đêm người ta thấy bà không đầu đi lang thang dọc các hành lang, rồi xuống sân nhà thờ, đứng bên ngôi mộ của bà. Cũng có người thấy bà, không đầu, đứng bên cửa sổ trong Lâu Đài Hoàng Gia Windsor Castle cách Lâu-Đài-Tháp khoảng 30 km.
Hoàng hậu Anne Boleyn
Hàng năm vào ngày bà chết chém, bà cũng thường xuất hiện tại khuôn viên tòa nhà Blickling Hall, nhà từ đường của dòng họ Boleyn, ở Norford, cách London 200 km. Bà ăn mặc toàn trắng, ngồi trên xe kéo bởi những con ngựa không đầu, người đánh xe cũng không đầu. Bà cũng không đầu. Bà cặp đầu trong hai tay, khi đến Blickling Hall, xe ngựa và người đánh xe biến mất, chỉ còn mình Bà chạy lao nhanh vào nhà, bà quăng chiếc đầu lâu lăn long lóc dọc theo hành lang. Rồi người ta nghe tiếng kêu la thống thiết suốt đêm cho tới sáng hôm sau.
Lord Rochford tức George Boleyn, em ruột của Bà, cũng cùng xuất hiện trong đêm đó, cũng không đầu, cũng ngồi trên xe kéo bởi 4 con ngựa không đầu.
Còn Sir Thomas Boleyn, người thỏa hiệp với vua Henry VIII phao vu và kết tội bà trong tòa xử cũng hóa ma. Theo dân chúng, từ hơn 500 năm nay người ta thấy con ma Thomas Boleyn bị trừng phạt dắt chiếc xe và ngựa đi qua 12 cái cầu giữa Wroxham và Blickling.
Năm 1817, hồn ma Anne xuất hiện tại cầu thang làm một tên lính hoảng sợ đứng tim chết tức khắc.
Năm 1864, một tên lính gặp hồn ma Anne hoảng sợ té xĩu, bị đem ra tòa quân sự vì tội ngũ khi canh gát. Một lần khác, một tên lính gát thấy một bóng trắng lướt qua, mới hỏi “Ai đi đó”. Không ai trả lời, tên lính cấm dao găm vào nòng súng và đâm vào bóng trắng. Không ngờ một vật gì đánh trúng làm rớt cây súng. Tại tòa án, tên lính khai “đó là hình dáng của một đàn bà, trên cổ đội một cái mủ, nhưng không có đầu”. Nhiều người làm chứng trong tòa cũng công nhận là đêm đó có thấy một con ma không đầu. Một người làm chứng đáng tin nhất là một sĩ quan có mặt trong Tháp Máu đêm đó đang đứng trên cửa sổ nhìn xuống thì thấy tên lính gát đâm vào bóng ma y như tên lính khai. Tòa án tha bổng tên lính gát.
Năm 1933, hồn ma Anne xuất hiện và nhát tên lính gát, tên này hoảng sợ quăng súng, và chạy la cầu cứu.
Vào thời đó có nhiều tin đồn rằng hoàng hậu Anne Boleyn là một phù thủy: Bà có tới ba cái vú và 6 ngón ở tay trái, bà sợ tiếng chuông nhà thờ, bà ăn thịt người. Người ta đồn rằng khi Hồng Y Fisher bị hành quyết chết chém, người ta dâng đầu đến bà, bà lấy muỗng nĩa cắt lưởi ăn ngon lành. Bà bị kết tội âm mưu đầu độc hoàng hậu thứ nhất và công chúa Mary của bà này. Bà cũng bị kết tội phản bội nhà vua về tội thông dâm với em ruột George Boleyn, tức Lord Rochford, và với 4 thanh niên khác.
Sau này, người ta mới biết đó chỉ là bịa đặt để hợp thức cái chết oan uổng của bà.
Ngoài con ma không đầu Anne Boleyn và Catherine Howard, còn rất nhiều chuyện ma xảy ra trong Lâu-Đài-Tháp London đã được ghi trong sử sách.
Ở thế kỹ 19, viên thủ kho giữ châu báu của Hoàng gia tên Swifte cùng gia đình đang ăn trong Tháp Martin, thì bà vợ la lên và chỉ vào một bóng đang di động. Cả nhà đều thấy đó là một hình ống như bong bóng chứa nước, có kích thước bằng con người, di chuyển nhanh và định ôm bà ta. Ông bèn dùng ghế quăn vào bóng này. Bóng biến mất.
Một vị linh mục trong Lâu đài kể chính mắt ông thấy con ma Thomas A. Becket, vốn là một linh mục công giáo bị xử chém, đã dùng Thập Tự Giá đập sập Cổng của Kẻ-Phản-Quốc (Traitor’s Gate) khi Cổng này vừa xây xong.
Nhiều người cũng chứng kiến vua Edward V 12 tuổi và người em 9 tuổi Richard Duke of York trong Tháp Máu (Bloody Tower), cả hai đều mặc áo choàng trắng y như khi bị nhốt ở đây trước giờ hành quyết.
Ngay cả nhà của Nử Hoàng (Queen’s House) trong lâu đài cũng bị hồn ma của Sir Walter Raleigh quấy phá, vì ông bị tù tội trong nhà ngục kế bên.
Trong những đêm sương dày dặc, người ta cũng chứng kiến cảnh nàng Lady Jane Grey cùng các tên lính hộ vệ ẩn hiện trong sương mù trên sân lính tập. Những đêm này bao giờ cũng trùng vào ngày chồng bà bị xử chém.
Một cảnh rùng rợn thường được kễ là ma tái diễn lại cảnh xử chém Công Nương Salisbury. Người ta thấy lại cảnh Công Nương không chịu đút đầu vào gọng máy chém, mà vùng chạy quanh pháp trường, rồi mấy tên đồ tể phải chạy theo rượt bắt và dùng búa đập bà gục ngã rồi chặt đầu bà.
Trong số 4 tháp, chỉ có Tháp Muối (Salt Tower) là không có tường trình gặp ma quấy phá. Tuy nhiên, ngay tới bây giờ, khi dẫn bất cứ con chó nào vào tháp này, nó đều gầm gừ không chịu vào tháp.
Một điều kỳ lạ là từ ngày Lâu-Đài-Tháp được xây dựng tới nay, bao giờ người ta cũng thấy có những con quạ đen đậu trên tháp. Dân Anh hàng ngày mang thịt bò đến cho chúng ăn, vì họ tin rằng nếu đàn quạ này bay đi thì nước Anh sẽ tàn rụi.
Vì Lâu-Đài-Tháp London nỗi tiếng về ma qua 5 thế kỹ nay, nên lôi cuốn Đài Truyền Hình BBC gởi toán chuyên viên đến điều tra. Họ xử dụng những phương tiện tối tân hiện đại nhất, tự động hay điều khiển từ xa, để ghi âm, ghi hình trong bóng tối, đặt ở mọi góc cạnh trong 4 tháp, trong hầm dưới sâu, nơi có nhiều tường trình gặp ma nhất. Mọi âm thanh, mọi hình bóng di động đều được thâu.
Đoàn diều tra BBC với các dụng cụ tối tân
Cuộc điều tra được truyền hình trực tiếp 1 giờ đồng hồ trong chương trình UK Horizons vào lúc 10 giờ tối đêm 26/10/2001, trước ngày lễ Halloween của đầu tháng 11. Để chấm dứt buổi truyền hình, ông Hemsworth, Giám Đốc thực hiện chương trình, tuyên bố “Chúng tôi có thể chứng minh là 90% những chuyện ma đồn đải từ trước đến nay là không có chứng cứ, tuy nhiên có 10% sự kiện chúng tôi không thể giải thích được”.
Reading, 1/2011.
Nguyễn Thị Kim Thu