Tôi là người Việt Nam
Cầm lên một món hàng, điều đầu tiên mà ta đưa mắt tò mò tìm kiếm chính là cái dòng chữ nhỏ xíu gần sát đáy vỏ hộp, mục đích cân đong độ tin cậy ít nhiều về món hàng, là dòng made in…ở đâu. Thì với người cũng thế. Một người ngoại quốc mới toanh có dịp tiếp xúc lần đầu thì ngay sau câu chào xã giao đều muốn biết bạn come from …nơi nào. Vài người bắt chuyện đoán mò: bạn là người Trung Quốc? là Thái Lan? là Myanmar? (thậm chí là Hàn Quốc, là Nhật Bản?), v.v…. Có cả những người, chắc vì ngại không muốn hỏi, hồn nhiên dùng vài từ tiếng Trung để rà đài, như mặc định tôi chắc mẩm là người Trung Hoa. Một thời gian như vậy quả đã khá lâu, vậy mà chưa bao giờ có người đoán đúng. Về phần tôi, tôi luôn tự giới thiệu một cách chắc nịch về mình: tôi là người Việt Nam. Giọng nói không đến nỗi tự tôn, nhưng cũng không có gì phải tự ti, một câu trả lời mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đều không thể nói khác.
Và thái độ của họ đều giống nhau: ồ lên vì ngạc nhiên, sau đó dè dặt. Vì lẽ gì? Vì không biết vị trí nước Việt Nam nằm ở đâu? Vì không biết người Việt Nam như thế nào? Thân thiện? Lạnh lùng? Hiền lành? Lém lỉnh? Những câu trả lời thực tế sẽ làm cho người Việt chúng ta chạnh lòng.
Nếu nói đến Trung Quốc thì người ta mường tượng ngay ra một đất nước …ở dơ, ồn ào; nói về Ấn Độ thì là một đất nước được ướp đẫm….. cà ri, còn nói về Nhật Bản thì người ta ấn tượng về một dân tộc rất kỷ cương, nghiêm chỉnh, đầy lòng tự trọng….Còn nói tới Việt Nam? Có rất nhiều thứ cần nói, phải nói. Chẳng hạn:
Trên chuyến bay xuất phát từ Việt Nam đi các nước, hay một chuyến bay quay trở về Việt Nam, tức là những chuyến có đa số người Việt, điều mà ai cũng thấy rõ nhất là …bát nháo như một cái chợ: ồn ào, la lối ầm ỹ, cằn nhằn cảu nhảu (nhiều lúc còn…..chửi thề), đổi ghế đổi chỗ loạn xạ (nếu cùng trong một nhóm du lịch). Máy bay bay rì rầm với tốc độ đều đều dễ khiến cho hành khách gà gật muốn ngủ, thế nhưng từ một hai hàng ghế nào đó, phía trên dộng xuống, phía dưới vọng lên những âm thanh tiếng Việt (có khi cả tiếng Hoa, vì hai dân tộc này có nguồn gốc tương tự nhau?) cứ oang oang nói chuyện riêng tư như chốn không người, còn theo suốt chuyến bay mới ghê. Chuyện nói nhiều không chỉ xảy ra trên chuyến bay, nó còn hạ cánh xuống mặt đất, đáp trên những food court (cửa hàng ăn uống), trên các phương tiện công cộng (bus, MRT), trên những chốn đông người (công viên, trạm xe, siêu thị…). Khu vực nào phát ra tiếng ồn ào, hãy lắng nghe lẫn trong mớ tiếng Hoa, tiếng Hindi, thể nào cũng có tiếng Việt mình!
Không biết hoặc không có văn hóa xếp hàng. Cái này đích thị là do thói quen từ trên sân nhà Việt Nam. Cảnh xô lấn, chen ngang, hay một người xếp hàng cho một chục người (một người đứng trong hàng, những người bạn đứng ngoài hàng vô tư giỡn hớt, nói cười hô hố, khi tới phiên mới lần lượt chen vào) thường xảy ra tại những cửa hàng thức ăn nhanh, phòng vé khu du lịch. Tôi từng nhìn được sự bất mãn hiện lên trên gương mặt những người dân xứ khác. Thường thì họ im lặng chịu đựng, nhưng nét biểu cảm thể hiện sự xem thường thấy rõ.
Nhất là không gì xấu hổ bằng chuyện mang tiếng xấu “ăn cắp” của người VIệt. Đủ tầng lớp, đủ giai cấp, đủ ngành nghề được liệt kê, không miễn trừ thành phần nào trong xã hội. Từ một cô nàng biên tập viên một đài truyền hình danh giá, đến anh chàng du học sinh đi bằng ngân sách nhà nước, từ những du khách tham gia một tour có giá trị hàng mấy chục triệu đồng (nên thật ngạc nhiên là tại sao phải ăn cắp vặt món đồ chỉ vài chục đô), đến cô tiếp viên hàng không xinh như mộng, cơ phó hãng hàng không quốc gia, giám đốc công ty, nữ cán bộ thành đoàn thành phố…. Và “địa bàn hoạt động” thì không chừa một quốc gia nào (nghĩa là dàn trải “phi vụ” trên toàn thế giới!): Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan….Có đi nước ngoài mới thấy chuyện ăn cắp tưởng dễ như trở bàn tay đối với những đạo chích. Những khu trung tâm thương mại, siêu thị… họ chưng bày hàng tràn lan khuất phía bên ngoài cửa hàng hay dọc lối đi của khách bộ hành một cách rất hớ hênh mà chẳng hề có người trông coi, càng không cần phải gửi giỏ, xét túi mỗi khi vào bên trong. Khách vô tư mang lỉnh kỉnh nào giỏ, túi xách, ba lô, máy tính….kể cả xe đẩy người già, tàn tật, hoặc xe nôi em bé lủ khủ khăn giấy, bỉm, bình nước, quần áo, đồ chơi….mà không hề gặp bất cứ sự chặn xét phiền toái nào. Đó chính là cái bẫy ngọt ngào dẫn dụ ruồi muỗi vào tròng. Nhưng cao thủ hai ngón quên béng đi một điều rằng: đất nước của người ta đã quản lý bằng camera từ lâu rồi, và họ không biết rằng ở bất cứ chỗ nào: trên đường đi, khu dân cư, thang máy, cửa hàng, siêu thị…..đều treo một tấm bảng nhỏ xíu mà nặng ký: camera in operation (camera đang hoạt động 24/24). Vả lại, mỗi món hàng đều gắn con chip điện tử, khi đã qua khâu tính tiền mới tháo được chip, còn không thì hệ thống báo động ngay lối ra sẽ hú còi phát hiện. Bao nhiêu cửa ải, chạy đâu cho thoát? Chỉ vài cặp kính, chai rượu, thỏi son, điện thoại…, hỏi có đáng để phải trả giá đắt?
Thief is a crime. (Ăn cắp là một tội ác)
Low crime doesn’t mean no crime. (ít tội ác không có nghĩa là không tội ác)
Shoplifting is an offense. Shoplifter will be charge in court (ăn cắp hàng hóa là một tội. Kẻ cắp sẽ bị buộc tội).
Đó là những câu tôi đã đọc được (dẫu sao thì chúng được viết bằng thứ tiếng phổ thông nhất thế giới như để cảnh báo chung chung cho bất kỳ quốc tịch nào). Nhưng vẫn còn rất nhiều câu đại loại thế mà tôi chưa tận mắt đọc được, cũng như chưa tận mắt chứng kiến những tấm bảng Coi chừng ăn cắp được viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng nước sở tại, chứng tỏ họ đang chỉ đích danh “người Việt ăn cắp”, là những người đang tự khinh mình và khinh quốc tịch mình đang mang trên người. Một sự sỉ nhục quốc thể thật cay đắng.
Nhưng, dù có đắng cay chua xót thế nào, mỗi khi có ai hỏi your nationality, thì tôi vẫn phải trả lời, không tự tôn mà cũng chẳng tự ti ( vì tôi không phải là con sâu "làm sầu nồi canh", chỉ là bất lực, không thể cải thiện được hình ảnh đất nước mình): Tôi là người Việt Nam.
26/7/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(ảnh minh họa, internet)
|