10/9/2015
BLAO
Chuyện Của Mình
Bài số 10
Tôi còn giữ cái Lơ-ập lo-òn của thầy
Thường ra đứng trước cổng nhà, cạnh quày bán trái cây, cô Hương chủ quán thường nói “ ông mát tay thi thoảng ra đụng vào hàng của con thế nào khách cũng đến mua ”. Và lần này cũng thế, khi vừa cầm một quả chôm chôm, thì một xe gắn máy ghé lại, một giọng Quảng cất lến “ Chôm chôm ni bao nhiêu một ký ? – mười tám ngàn ông ạ- cho tôi một ký – Cân luôn hai mươi ngàn ông nhé. Tôi lên tiếng “ lại chèo kéo nữa, làm khó cho người ta chứ ? Ông khách nhìn tôi cười hề hề bảo “anh vui quá !”
Tôi hỏi anh ở đâu trong này?
- Tôi không ở đây, tôi vào nhà người bạn chơi, nhà tôi ở ngoài trung tâm thực nghiệm lận!
- Sao anh biết tên Trung Tâm Thực Nghiệm ?
- Ồ tôi là nhân viên ở đó trước giờ mà, từ những năm 1950 lận .
Mừng quá, tôi mời ông vào nhà chơi, ông xin phép vì có chuyện cần đi.Thế là tôi xin số điện thoại , hẹn sẽ có lần ghé thăm.
Không lâu, tôi tìm đến nhà, hi vọng rằng anh nhớ nhiều chuyện về sở con trâu ngày ấy. Anh vui vẻ đón tôi từ đầu ngỏ, đúng là căn nhà nằm trong khuôn viên của đất Trung Tâm thực nghiệm, anh cho biết nhà anh là căn nhà nhỏ giữa hai căn nhà lớn bề thế mà chủ nhân là hai đứa con gái của anh. Đó là Tống thị Phẫm và Tống thị Hường, tôi bảo tôi biết hai người này.
Và anh cho tôi biết cái tên của anh cũng đáng nhớ : Tống Hết anh vào Blao khoảng năm 1956 lúc đó 24 tuổi, người Quảng Nam, lúc bấy giờ được phân công việc là “gác gian “ tương tự như là bảo vệ bây giờ với nhiệm vụ là đi thăm thú theo dõi toàn bộ cái cơ ngơi này từ công ốc cho đến các vườn thí nghiệm, nhờ thế tôi biết thêm rằng ở trung tâm có trồng các lô cam, quít, cà phê, dầu trẩu, bồ kết, vườn tiêu ngay cả thời ấy đã có trồng cây bơ rồi nó nằm bên cạnh lô cây keo (muồng đen) trước lô trà thí nghiệm, ngày ấy nhiều người gọi là trái trạng sư, bởi vì tên của nó là Avocatier, trái cây này khi chín mềm mới ăn được, thịt quả lạt và béo mềm nhão tựa như bơ cho nến gọi là quả bơ. Chuyện kể răng khi quả bơ này mới có là loài quả quí, một Phật tử đã gửi kính thầy Nhất Hạnh ở Sài gòn với quả chưa chín, cũng không biết quả gì, lại không chỉ cách ăn, người nấu bếp cứ nghỉ là loại rau quả tựa như su su, su hào, củ dền hay đu đủ.. đem bổ nấu canh,và nồi canh đó không ai ăn nổi vì nó đắng nghét.
Ông Hết cũng cho biết thời đó việc ươm trà cành được thực hiện theo hai bên dòng suối sang tận đên sau khu vực nhà ở của các viên chức làm cho trung tâm dọc theo đường vào sở Pichené (nay là đường Nguyễn Văn Cừ)
Khi hỏi về vườn ương sương mù, mà ngày xưa thường gọi là vườn sương mù vĩnh cữu. đó là khu ương giống, giâm cành của các loại cây. Đặc biệt tên gọi đó là nói đến hệ thống phun sương mù, bấy giờ người ta lợi dụng độ chênh lệch của dòng suối theo như ông Hết cho biết là trên 50 met người ta tích nước và dẫn đến hệ thống phun sương cho vườn ương. Nghĩa là không dùng đến máy móc để lấy nước phục vụ, theo ông Hết thì dòng nước từ suối Rọn chỗ đỗ xuống dốc thành thác nước, người ta đã chận chia nước thành hai đường cho nên có 2 cây cầu mà thời ấy người ta gọi là Cầu Đôi, ở dòng mới trước tiên một đường mương được dẫn dến một nhà mày chế biến cà phê ở lưng chừng đồi. Sau đó từ hồ chứa của nhà máy này nước được dẫn xuống vườn ương dùng phun sương mù. Khu vực vườn ươn có đường đi lên xuống , vì thấp sâu và thâm u cho nên con đường được gọi là Đường Hầm.
Ngoài việc làm gác gian thấy tính tình dễ thương và lanh lẹ nên ông Trần văn Điều đã dùng ông phụ việc cho công tác trắc địa, ông gọi ông Điều bằng thầy, vốn là ngôn từ người dân dã thương gọi các quan chức làm việc trong các cơ quan công quyền, chính ông là người cầm tiêu phóng tuyến theo lệnh của ông Điều về việc thiết kế đường ống cho vườn ương. Sau cuộc nói chuyện, tôi nhờ ông Hết cho tôi xuống khu vườn ươn sương mù , nghĩ rằng có còn dấu vết gì không, bởi sau năm 1970 tôi có đôi lần cùng Trần Phin, Lê văn Hoá, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn xuân Hoạt vốn là các giáo sư trung học công lập Bảo lộc rủ nhau xuống nơi này uống rượu, vì đây là nơi bà Mỵ phu nhân của ông Thành làm quản lý. Nhưng rất tiếc con đường vẫn là dốc nhưng không còn là hầm nữa, nhà cửa san sát, không còn dấu tích nào từ vườn ươn cho đến cái nhà máy cà phê. Chúng tôi trở lại cầu đôi là nơi xuất phát nguồn nước cho vườn ươn thì chỉ còn một cầu với dòng nước chính, dù vẫn địa danh là Cầu Đôi.
Với ông Hết câu chuyện về Trung tâm thực nghiệm chắc chưa hết, ông còn khoẻ, còn tỉnh táo và nhất là trí nhớ rất tốt, hi vọng sẽ được biết thêm nhiều điều về Phẹc về Blao ngày ấy.
Một sự việc trong lần gặp gỡ này là ông Hết được tôi nối máy nói chuyện với cô con gái của ông Trần văn Điều là cô Bắc Hiệp chính là phu nhân của thầy Lê Hiền Lương gs Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ nay đã về hưu hiện ở Vĩnh Long.
Và còn một chuyện nữa, ông Hết bộc bạch “ quí thầy quá, trân trọng thầy quá, tôi đang giữ cái La-ạp lo-òn của thầy làm kỷ niệm, Thầy trò tôi xa nhau trên 55 năm rồi! “
**Lơ-ập lo-òn là tiếng phiên âm từ tiếng Pháp từ chữ le plomb nôm na là cái cục chì hiểu là quả dọi, dây dọi vật dụng dùng để ngắm theo đường thẳng đứng, bây giờ quả dọi thường là cục chì có hình chóp nón với đỉnh nhọn quay xuống dưới..Nhưng quả dọi ông Hết đưa ra là một khối cầu bằng sắt đầu trên có móc cột dây, phần đưới có lỗ để gắn một mũi nhọn. Khi đường ngắm hoàn tất thì sợi chỉ được thả ra quả dọi rơi, đầu nhọn sẽ cắm vào đất, khi nhổ quả dọi lên thì còn lại cái lỗ đó là điểm để đóng mốc.
Giấy chứng nhận của Thầy Trần văn Điều
Quả dọi
Đáy quả dọi
Cầu đôi