|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Sợi tình...Nông Lâm Súc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2/9/2016
Sợi tình...Nông Lâm Súc
Đặng Hiếu Sinh & Đặng Lương Nguyệt
|
Sợi tình… Nông Lâm Súc
1.-
Tôi theo chàng Nông Lâm Súc (NLS) Đặng Hiếu Sinh “dìa dinh” từ năm 1980, nhưng phải chờ đến… gần ba mươi sáu năm sau tôi mới thật sự trở thành “Nàng dâu Nông Lâm Súc” trong lần tham dự cuộc “Họp mặt cựu học sinh, sinh viên Nông Lâm Súc 2016” vào ngày 19 tháng 8, tại San Jose, California.
… Rời phi trường San Jose, chúng tôi đón vợ chồng anh NLS Huỳnh Hồng Long (từ Sidney- Úc châu) đến Lake Cunningham Park, địa điểm đầu tiên đón tiếp và gặp gỡ các anh chị phương xa. Vốn là người nhút nhát, nhưng tôi đã nhanh chóng hòa nhập niềm vui hội ngộ cùng với các anh chị -bạn đồng môn của nhà tôi- như anh NLS Lưu Tấn Phước và phu nhân, chị NLS Vương Huỳnh Mai và phu quân, anh NLS Châu Đức Hiếu… kể cả những anh chị lớn hơn, hoặc nhỏ hơn mà nhà tôi chưa hân hạnh được biết, vì không học cùng lớp. Cám ơn các anh chị đã dành cho “nàng dâu mới… mà cũ” sự niềm nở, ân cần, thân thiện để tôi không cảm thấy lạc lõng như đã từng lo sợ.
Trong một “tích tắc” im lặng ngắn ngủi, nhưng cũng vừa đủ cho tôi nhìn ngắm và cảm nhận được niềm vui tràn đầy trong những đôi mắt không còn tinh anh, rực sáng niềm tin và mơ ước của các “cô, cậu” Nông Lâm Súc ngày xưa – hơn bốn mươi mấy năm về trước. Trường xưa, giờ chỉ còn trong ký ức. Nhưng bạn cũ thuở mười tám, đôi mươi, giờ đã được choàng vai nhau bằng vòng tay xiết chặt, với nụ cười rực rỡ, hân hoan, cùng lời thăm hỏi thắm thiết, nồng nhiệt. Kỷ niệm xưa đã được các anh chị hào hứng kể lại với tiếng cười vang thích thú khi khám phá ra điều gì đó thật thú vị. Những điều tưởng đã nằm yên trong quá khứ mịt mù bỗng được khơi dậy, nở bừng ra như những ánh pháo hoa tuyệt vời trong ngày lễ July-4 mỗi năm trên quê hương thứ hai này.
Chắc hẳn, trong lòng mọi người, không ai giấu được niềm rưng rưng cảm xúc khi cất tiếng gọi Thày, dù những vị Thày này không mang hình ảnh một ông lão già nua, chân yếu, tay run như chúng ta đã từng đọc trong các câu chuyện đề cao tình thày trò. Nhưng giữa vị Thày chưa chạm đến “đỉnh già” và các anh, chị học trò đã “bước vào tuổi già” vẫn còn đó tinh thần tôn Sư trọng đạo- tựa như những dòng chữ trên trang sách đầu tiên của quyển đặc san Trường Tôi: Toàn thể học sinh chúng em luôn tri ân quý Thầy Cô đã dạy dỗ chúng em nên người. Có chút gì ngậm ngùi xen lẫn trong niềm trân quý qua câu văn giản dị, chân thật nhưng đầy ắp tình cảm đó. Còn gì cảm động hơn nữa?
Và còn gì để những trái tim “chưa ngủ yên” tránh được nỗi bồi hồi khi nghe như nỗi lòng ai đó đang thổn thức trong cung bậc du dương với giòng nhạc trữ tình “ ... Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu. Mối tình đầu của tôi, là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vỡ, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về… Mối tình đầu của tôi, nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu, nên có một gã khờ ngọng nghệu đứng làm thơ…”. Biết đâu… đối với những người có tâm hồn lãng mạn, “trái tim dại khờ” sẽ bỗng dưng thoáng nhẹ một chút nhớ nhung thầm dành cho “ai đó của thời cắp sách đến trường”, để từ đó “người trong cuộc” sẽ cảm nhận trọn vẹn nỗi da diết trong giọng ca của anh NLS Châu Đức Hiếu, mà theo cá nhân tôi, đó là giọng ca nổi bật nhất trong đêm Đại Hội chính thức tại nhà hàng Flourising Garden.
2.-
“Cuộc vui nào rồi cũng tàn”. Đó là câu nói mà người điều khiển chương trình thường dùng vào phút cuối trong những bữa tiệc họp mặt. Nhưng chúng tôi - nhóm “già ham vui” đã không để cuộc vui tàn sớm, nên đã cùng nhau tổ chức một “chuyến du lịch bỏ túi” đầy thú vị. Và Yosemite là nơi được chọn.
Chiếc xe Van mười hai chỗ đã đưa mười người chúng tôi băng qua những con đường ngoằn nghèo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm- nếu đây là “con đường tình sử” thì hẳn sử tình này sẽ đầy chông gai, nghiệt ngã. Con đường thật đẹp với những vạt nắng trải dài trên vách đá xám, khi thì phẳng phiu như vết chém ngọt, khi lồi lõm như mặt hồ dậy sóng. Có những đoạn đường chiếc xe vùn vụt lao đi, bỏ lại sau lưng hai hàng thông thẳng tắp, vươn cao thật uy nghi, kiêu hùng. Mùa nóng hạn nên cũng có nhiều cây thông cạn dần sức sống và chuyển sang màu nâu buồn bã. Ước gì có những trận mưa tầm tã kéo dài nhiều ngày để chồi non được hé nở, hầu trả lại cho cây cỏ màu xanh mỡn xinh tươi.
Đường xa, tốc độ lại chậm vì những đoạn đèo hiểm hóc, vì thế, thời gian như dài ra, nhưng trong xe không ngớt tiếng cười với những câu chuyện tếu lâm của anh NLS Long. Ngay lúc tôi thiu thiu ngủ thì một câu chuyện mới lại được bắt đầu với “danh hài” Huỳnh Hồng Long.
“Có cuộc thi vắt sữa bò. Một người vắt được một lít sữa trong vòng một tiếng. Người còn lại, vắt ba tiếng mới được một lít. Kết quả là người vắt ba tiếng được chấm giải.
Mọi người nhao nhao:
-Sao kỳ vậy?
-Thì tại vì anh ta vắt sữa nhằm con bò đực. Bò đực mà vắt ra sữa đâu phải là chuyện dễ.
Mọi người cười nắc nẻ. Tài xế Sinh, dù đang gò mình trên tay lái vẫn chụp ngay cơ hội để trêu ghẹo:
-Ừa! mà nghe đâu cái thằng vắt sữa nhằm con bò đực sau này học bác sĩ.
Chiếc xe dường như chao nhẹ giữa những tiếng cười “hồn nhiên tựa thanh niên, thiếu nữ”.
….
Căn nhà trên con dốc cao đón chúng tôi vào buổi xế chiếu và năm cặp “vợ chồng không còn son” oà lên thích thú khi đứng trước khung cảnh nên thơ, hữu tình. Đó cũng là lúc mọi người nghe bao tử mình bắt đầu lên tiếng. Các bà nhanh chân bước lên tầng trên với khoảng hơn ba mươi bậc thang. Dù thấm mệt nhưng trên môi vẫn còn tươi tắn nụ cười. Nhưng các ông thì… -hình như- cười không nổi với những thùng thực phẩm nặng chịch, kèm với lời than thở nho nhỏ “Mấy bà nhà bếp… bộ mang hết chợ theo hay sao mà khiêng hoài còn hoài vậy nè!!!” (Cũng may là các ông biết thì thầm khi than thở, nếu không thì đầu bếp chính sẽ treo bao tử của các ông suốt ba ngày cho biết thân!!!).
Sau cơm chiều là buổi chia sẻ tâm tình. Đây cũng là dịp để các anh chị hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra cho bạn mình trong cuộc đời vốn nhiều dâu bể tang thương sau khi chia tay nhau nơi cổng trường Nông Lâm Súc. Nhưng sôi nổi, hào hứng nhất vẫn là tình sử của những cặp uyên ương đã cùng nhau đi gần hết quãng đường đời nhiều chông gai, thử thách.
Đầu tiên là chuyện tình của chị NLS Huỳnh Mai và chàng rể NLS Tùng. Sau khi được yêu cầu, anh Tùng hóm hỉnh kể “Ngày xưa tôi là phi công lái trực thăng. Còn bây giờ, bà xã tôi “lái phi công”. Không ngờ, chị Mai oai ghê ta!. Chị Mai cười thẹn thùng rồi tiết lộ thêm, hồi đó có hai người làm mai cho chị, nhưng cuối cùng chị mới biết… hai người cũng chỉ là một mà thôi. Đó là anh Tùng hiền lành, vui vẻ, dù sức khỏe không tốt nhưng cũng quyết leo núi cùng với bạn bè của bà xã.
Còn Thày Hạng, chỉ một câu hỏi “Cô Hương muốn đi theo tôi coi trường không?”. Trường học thì có gì để coi đâu hén? Nhưng cô Hương mau mắn gật đầu -Có phải cô Hương sợ, nếu mình chần chờ lỡ ảnh đổi ý thì sao?- Vậy đó, chỉ một câu hỏi mộc mạc, giản dị mà hai người đã gắn bó với nhau cho đến bây giờ.
Trong khi cô Hương cúi đầu bẽn lẽn thì anh Long khều nhẹ Thày Hạng kể chuyện...
“Buổi sáng, ông chồng thức giấc nói với vợ, tối qua, tôi nằm chiêm bao thấy tôi cầu hôn với bà. Bà vợ hứ một tiếng, tưởng gì lạ… vậy cũng kể. Lạ chứ…. vì lúc đó bà từ chối…”
Ha!Ha!!! mọi người cười rân trời. Riêng Thày Hạng, khoái chí đến nỗi mọi người ngưng cười mà Thày vẫn còn tủm tỉm cười hoài. Không biết tối hôm đó Thày Hạng có được cô Hương thưởng vài chục cái ngắt véo cho bầm mình không?
Anh NLS Phước… thì quả là cậu con trai chí hiếu. Sau nhiều lần chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã nhau vì bất đồng ý kiến với cuộc hôn nhân tự chọn của người anh, anh Phước quyết định sẽ làm theo lời ông bà xưa dạy “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Cuộc tình không gian nan, trắc trở, dù anh Phước bị chị Hi -cô vợ tương lai- chê lên, chê xuống “ốm nhách, cao nghệu như cây tre miễu”. Là người yêu nhạc, chắc anh Phước không xa lạ gì với bài hát “con gái nói có là không”, chê tức là khen. Bởi vậy mà giờ đây anh được hưởng phước với bà vợ giỏi giang hơn người.
Chuyện của NLS Long và nàng dâu NLS Mỹ Dung là chuyện tình từ thuở còn cởi trần tắm mưa chung, nên núi sông nào ngăn nổi tình yêu dạt dào như sóng biển. Chỉ hình dung ra cảnh tối tối chàng Long ôm đàn gải tửng tửng, trong khi nàng Mỹ Dung nôn nao bước tới, bước lui mà không dám ra khỏi nhà vì ông bà cụ đang ngồi gần đó, cũng thấy vui hết biết. Tình duyên xuôi chèo, mát mái, nhưng cuộc sống của hai người sau năm 1975 là cả một khoảng đời gian truân. Tuy vậy, anh Long, người thanh niên có khuôn mặt đậm nét thư sinh, nhưng tính tình quả quyết, gan dạ- bước vào đời với đầy rẫy những cam go, gian khổ- đã can đảm vượt qua tất cả bằng ý chí mạnh mẽ. Và chính ưu điểm đó đã mang đến cho anh sự thành công đang có -một bác sĩ bình dân, vui vẻ, hòa đồng với bệnh nhân, nổi tiếng khắp vùng Cabramatta, Sidney, Úc châu.
Và… dĩ nhiên, vợ chồng tôi cũng phải “thật thà khai báo”. NLS Đặng Hiếu Sinh và “nàng dâu NLS mới mà… cũ” đã trải qua nhiều gian nan, chia cách với những đoạn đường đầy chông gai, gian khổ từ lúc anh còn là lính trận, lội rừng, băng suối với giày saut, áo trận, cho đến lúc trở thành người tù cải tạo, vượt thoát khỏi trại giam, tổ chức vượt biên với chiếc ghe nhỏ dài mười thước, không có tài công chuyên nghiệp, một mình anh chèo chống để đưa ba mươi ba người đi tìm tự do trong niềm hy vọng mong manh.
Sau những giây phút vui buồn kể lể “tâm sự đời tôi” là giờ văn nghệ. Mọi người say sưa thả hồn theo lời ca, tiếng nhạc. Hay? Dở? Không biết!!! vì không có khán giả bình chọn. Nhưng chắc chắn, đây sẽ mãi mãi là một kỷ niệm khó quên trong những trái tim tuy không còn non trẻ nhưng đậm đà tình bằng hữu nồng nàn.
Tạ Ơn Trên đã ban cho chúng ta một cuộc sống bình an, hạnh phúc sau những lao đao, vất vả khi đất nước chìm trong nỗi điêu linh, thống khổ.
Sau hết, nhóm “già ham vui” của chúng ta hãy tạ ơn nhau vì đã mang đến cho nhau niềm vui trong buổi hoàng hôn của tuổi xế chiều.
3.-
Đúng là… văn hóa “Lady first” đã tự nhiên xâm nhập vào đầu óc sau ba mươi ba năm sống nơi quê hương thứ hai này, nên tôi nhường cho “nàng dâu NLS” viết trước. Dĩ nhiên, cũng đã giao kèo ai sẽ viết phần gì trong lần hội ngộ nầy, vậy mà nàng dâu NLS đã xâm lấn gần hết“ vùng biển lòng” của tôi…Nhưng tôi nào dám khiếu nại và cũng chẳng biết kiện cáo lên ai. Thôi thì đành… tự an ủi mình “Vậy càng khỏe cho tấm thân già của tui”.
….. 46 năm, cái vòng tròn nhân sinh đã chất chứa biết bao cuộc vật đổi, sao dời, không ngờ tôi còn có cơ hội gặp những người bạn “học trò không có sách cầm tay”, hay “ngây ngô tóc thề, môi tím”. Trước ngày hội ngộ, tôi hình dung hình ảnh những người bạn xưa: Anh chàng Vương Khôi là một chú nhóc gầy gầy. Chị Huỳnh Mai, dáng cao cao với mái tóc dài óng ả. Lý thị Thuận một thời hoa khôi lớp Canh Nông. Phan Quang Ánh, chàng thư sinh trắng trẻo. An “Hắc công tử” Sóc Lương. Những ông già lom khom, những bà già lụm cụm, làm sao nhận ra đây? Tôi đã thầm hỏi như thế khi nhớ đến vài người đồng hương đã từng gặp lại sau hơn bốn mươi năm. Vậy mà… không ngờ các anh, các chị vẫn không thay đổi nhiều như tôi nghĩ. Chị Mai chỉ lạ đi vì mái tóc ngắn. Khôi vẫn gầy và liếng thoắng như Lão Ngoan Đồng trong kiếm hiệp. An, vẫn còn là An “Hắc công tử”. Anh Ánh có thêm chút thịt da. Đó là phần ngoại hình. Còn tính tình… vẫn thân mật, cười đùa, mầy tao mi tớ như 46 năm xưa. Làm sao quên được những trận cười hả hê với chuyện khôi hài của Châu Đức Hiếu trên chuyến xe du ngoạn San Francisco, của Huỳnh Hồng Long khi leo dốc, thở không ra hơi. Rồi những bữa ăn, dù thịnh soạn hay đơn giản, lúc nào cũng nồng nàn “hương vị tình cảm” của các bà nội, bà ngoại, đảm đang trên tầng cao núi đồi Yosemite National Park.
Các bạn nhé, hãy lắng lòng đôi ba phút để nghe từng rung động đang miên man luân chuyển trong trái tim ta với bao kỷ niệm đáng yêu và đáng nhớ trong những ngày hội ngộ. Tôi cảm nhận được một luồng sinh lực “cải lão hoàn đồng”. Liều thuốc nầy chắc chắn sẽ giúp tôi chân cứng hơn, mắt sáng hơn trong niềm vui chờ đợi lần họp mặt tới.
Cám ơn Thầy Nguyễn Văn Chút, Cô Nguyễn Thị Nghĩa, Thầy Nguyễn Trường Hy và tất cả anh chị trong Ban Tổ Chức. Quý vị đã hy sinh thời giờ, công sức để tổ chức một cuộc họp mặt thật thành công và tạo cho anh chị em chúng tôi cơ hội gặp gỡ nhau -điều mà không phải ai cũng làm được- từ tiền đại hội, đêm hội ngộ, chuyến du ngoạn San Francisco và hậu đại hội chia tay.
Cầu xin Ơn Trên ban cho quý vị nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc đầy ý nghĩa là mang niềm hạnh phúc đến cho các anh chị em NLS, những người đang sống quãng đời còn lại không biết sẽ ngắn hay dài!!!
NLS Đặng Hiếu Sinh &
Nàng dâu NLS Đặng Lương Nguyệt
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061950 visitors (3175037 hits) |