16/4/2015
*
Cầu Trắng, Cầu Đen
-A lô, ông đi tới đâu rồi, khoe rằng có xe bạc tỉ mà sao chỉ có 500 met mà gần 15 phút rồi ông thấy tăm hơi đâu cả ?
- Tôi đang ở đường Chu văn An đây !
-Ủa , bộ ông đi vào thác Đam Ri sao ?
- Tội quá cha nội, ông bảo theo bờ hồ đến ngã ba rẻ phải có cổng chào qua cầu trắng rẻ trái chạy thẳng thì đến nhà, tôi có thấy cái cầu nào đâu?
-à, à…tôi xin lỗi ông.
Cho đến bây giờ những người dân nơi đây vẫn dùng hai chữ Cầu Trắng, Cầu Đen để nói hai đoạn đường từ Văn phòng UBND Thành phố Bảo Lộc theo đường 28-3 và đường Lý Tự Trong nối với đường Trần Phú Bảo Lộc ( quốc lộ 20 )
Thực sự hai khoảng đường đó đều đi qua con suối nhỏ phát xuất từ vùng trũng của khu rừng sau Sở Mới tức Trung tâm thực nghiệm canh nông sau là trường quốc gia Nông Lâm Mục, trường TH Nông Lâm Súc...và bây giờ là Cao đẳng Công nghê- Kinh tế Bảo Lộc – ( 2014) Con suối đó có nhiều tên theo từng khu vực vì lúc đó người dân sử dụng thuộc khoảng nào thì dùng tên chỗ ấy:
-Đầu tiên là suối số 1 còn gọi là suối Lò than , lúc ấy là suối chảy qua lô trồng cỏ số 1 của trường QG Nông Lâm Mục, gần đó có những hầm đốt than.
- Kế đến là suối số 3 , vì suối chảy ngang qua lô trồng cỏ số 3.
- Suối Bảy Vẽ, suối chảy trước mặt nhà ông Bãy Vẽ , nhà ông ta là đầu đường Nguyễn thị Minh khai bây giờ. Ngày xưa khi còn học tiểu học , suối Bảy Vẽ là nơi bọn con trai chúng tôi học trường tiểu học thường ghé tắm, nó nằm trên con đường tắt đi qua sở trà Pitchené.
- Từ suối Bảy vẽ dòng chảy qua cống xuyên đường thành suối ông Lý Xướng vì trong phần đất nhà ông Lý, đến suối ông Thẩm rồi Cai Dậu....
Đến năm 1959, tỉnh Lâm đồng được thành lập, lấy Bảo lộc làm tỉnh lỵ , giai đoạn đầu văn phòng tạm được đặt tại Trung tâm thực nghiệm ( Ferme.)
Khu văn phòng chính của tỉnh được bắt đầu xây dựng trên đỉnh đồi đồng cỏ của trường Quốc Gia NLM, phần đất này của trường cắt giao cho tỉnh, cơ ngơi đầu tiên xây dựng là tòa hành chánh và các cơ sở khác ( nay là UBND TP Bảo lộc).
Từ tòa hành chánh ra quốc lộ 20 bằng 3 con đường chính:
Đường trung tâm đi qua khoảng suối số 3 tên đường Cộng Hòa nay là đường 28-3 ( năm 2014)
Đường ở cánh tây đi qua gần suối số 1 đường Nguyễn Thái Học nay là Lý Tự Trọng ( năm 2014)
Đường ở cánh đông ngang qua chợ tên Cách Mạng nay là Lê Hồng Phong ( năm 2014)
Cũng nói thêm rằng con đường trung tâm từ quốc lộ 20 vào khu hành chính qua con suối là một vùng trũng khá sâu, cùng lúc theo thiết kế là sẽ chận dòng suối gần chỗ xuyên qua đường để tạo thành hồ đặt tên là hồ Đồng Nai. Do đó một chiếc cầu gỗ được bắt đầu xây dựng từ năm 1959, đến năm 1961 đã hoàn thành phần sàn, lúc đó chỉ có xe đạp và ngừơi đi bộ đã qua lại vì đường nối với cầu chưa được làm. Bấy giờ ô tô tới lui tòa hành chính theo con đường phía đông đi ngang chợ, hoặc theo đường suối lò than của trường Quốc gia NLM.
Trong năm 1961 chiếc cầu gỗ đang làm phần lan cang thì bị dừng và gở bỏ, để rồi người ta bắt đầu đặt cống và đắp đất và con đường được nhanh chóng hoàn thành vì tòa hành chính đã xây xong. Khoảng vị trí chiếc cầu cũ , trên đường đắp được thiết lập rào cản hai bên với trụ bê tông và giằng bằng ống nước như thành cầu , vì được sơn màu trắng và vì trước đó đã là cái cầu nên người ta gọi là Cầu Trắng, rồi thành quen và được lưu truyền cho đến hôm nay.
Khoảng năm 1967-1968 người ta lại đổ đấp đắp khoảng trũng của con đường đi qua gần suối số 1 trên đường Nguyễn thái Học, việc hình thành cấu trúc cũng như Cầu Trắng, nhưng vì đường ít người đi lại, nhất là ban đêm không có đèn đường, thêm vào đó có những bụi tre trồng gần đường là chỗ đám thanh niên từ xóm sình lên chọc phá.
Vừa là ban đêm tối thui, vừa là có dấu ấn không đẹp về vấn đề an ninh. Trong lúc có một nơi là Cầu Trắng rồi thì cái kiến trúc mới này được gọi là Cầu Đen như một sự thuận tình hợp lý. Cũng nên nói rỏ rằng tên Cầu Đen, Cầu Trắng là do dân quanh vùng tự đặt, gọi riết thành quen chứ không có một văn bản nào xác định. Cho nên rất nhiều khách phương xa khá ngạc nhiên vì không thấy cầu nào mà vẫn có tên là cầu trắng,cầu đen.
Tôi tìm gặp ông Ngô R. người làm văn phòng hành chính tỉnh Lâm Đồng từ 1959 - 1975 , qua 10 đời tỉnh trưởng. Ông cho biết thời làm cầu là của đại tá Huỳnh công Tịnh, khi chiếc cầu sắp hoàn thành thì được sự góp ý của ông Lê Xuân Mộng Trưởng ty Công Chánh mới nhậm chức cho rằng " việc làm cầu trong thời gian có chiến tranh không lợi vì có thể bị đặt chất nổ phá hủy việc sửa chữa rất khó khăn, theo đó cầu gỗ cũ phải làm lại, tốt nhất là nên đặt cống đắp đường " ông Tịnh đã nghe lời khuyên ấy dù chiếc cầu sắp hoàn thành.
Lịch sử của cái tên Cầu Trắng - Cầu Đen là như thế., nó đã trở thành thịt xương của Bảo lộc và có thể sẽ mãi mãi như thế.
Trên hướng đường từ Sài gòn về Đà Lạt qua khỏi cầu Sài gòn , hướng tay phải có hai chiếc cầu có tên là Cầu Đen và Cầu trắng, hai tên gọi này có thể mới có đây khi khu đô thị An Phú An Khánh này được thành lập ? cầu mang tên Đen vì thành cầu được sơn đen, được gọi là Trắng bởi thành cầu sơn màu trắng ? rỏ ràng là hai chiếc cầu đúc chạy qua một dòng kinh với màu nước đen chảy hai chiều theo con triều lên, xuống .
Từ tháng 11-2014 khi ngang qua thì 2 chiếc cầu này đã sơn cùng màu xanh lá cây có thể vì cảnh quang đã được mở rộng thông thoáng từ cầu này nhìn thấy cầu kia, cùng cấu trúc cùng hình dáng nên cùng màu sơn? Tuy nhiên cách gọi của dân quanh vùng, của tiếp viên xe buýt, của anh xe ôm vẫn dùng là cầu trắng cầu đen . Và đặc biệt ngay cả trên ấn bản một bản đồ của thành phố HCM có ghi vị trí của hai chiếc cầu này, kèm theo cả tiếng Anh là black bridge và white bridge
. Không hiểu từ việc trùng lập hai cái tên ấy có trùng lập về ý nghĩa của tên gọi như hai chiếc cầu của đất Blao này hay không ?
Bùi Tho
Cầu gổ tiền thân của Cầu Trắng
Cầu Đen Bão Lộc
Cầu Trắng Bão Lộc
Hồ Bão Lộc
TP.HCM cũng có cầu trắng, cầu đen
Bão Lộc 1968