22/2/2016
Chào các bạn,
Năm 2015, do chuyến xuyên Việt đột xuất, tôi phải nợ lại mọi người cuộc hành trình "Trở lại Kalaw". Bây giờ sau những ngày "bận rộn" cùng Tết, chân cẳng cũng hơi bị ...ngứa ngáy, nhưng chưa thể rong chơi, nhớ lại "món nợ" năm rồi, nay xin tiếp tục...
Trích lại đoạn cũ lúc tạm dừng:
"Bây giờ mới 9h30’, còn thừa nhiều thời gian nên rất thoải mái trong khi chờ đợi, nhất là việc giải quyết cái sự “lộn xộn” bất ngờ âm ỉ trong bụng, restroom ở sân bay thì khỏi chê! Sau đó là chờ và…chờ.Theo thường lệ, tôi mang máy ảnh ra rồi tha hồ chộp lấy những gì mình thích."
Viết tiếp "Trở lại Kalaw":
11h20’ hành khách lên tàu, và theo như cô cháu gái nói, hình như tôi được lên ngồi chiếc ghế sát với khu vực dành cho hạng doanh nhân, được giới hạn bởi tấm màn che, có chỗ để chân hơi rộng hơn.
Ngoài các du khách, tôi thấy có nhiều người Việt đi cùng chuyến bay, có vẻ là công nhân xây dựng(qua cách họ nói chuyện với nhau), còn cô bé ngồi cạnh thì nói mình đi công tác, một cô gái rất “xì tin” và tỏ vẻ ngoài hơi …quan trọng, tôi không dám hỏi gì thêm.
Miến Điện sau thời gian dài “đóng cửa”, nay đang bùng nổ khách đến thăm hay tìm kiếm cơ hội làm ăn, nên đường bay đi Yangon dường như luôn có những chuyến tàu đầy khách. Nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ, dù bị lấn chiếm rất nhiều sau ngày 30-4-75, sân bay TSN vẫn còn mênh mông rộng, thế nhưng nghe nói đang có kế hoạch thay thế bởi sân bay Long Thành?
Và cuối cùng chuyến bay 943 cũng cất cánh lên cao, bỏ lại bên dưới là Sài gòn thân yêu, sau hơn 300 năm xây dựng bây giờ đã trở nên 1 thành phố nhộn nhịp với số dân lên đến 8 triệu người.
Hồi 2011 khi theo tour của Viet Travel đi Thái, tôi nhớ phi cơ phải bay vòng ra biển(Vịnh Thái lan), lần này dường như đường bay thẳng, cắt ngang không phận Cambodia, Thái Lan, nên tôi thấy bên dưới tầng mây trắng luôn là đất liền với nhiều sông rạch uốn lượn qua ruộng đồng, rừng núi. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một phần vùng đồng bằng thuộc hạ lưu sông Mekong xuyên qua các quốc gia trong khu vực, từ trên cao, nên không biết thực trạng những hình ảnh trước đây thế nào.
Nhưng theo các chuyên gia, với sự xuất hiện ngày càng nhiều những đập thủy điện chặn giòng, ngăn nước, đồng bằng hạ lưu sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, có khả năng dẫn đến sự đe dọa an ninh lương thực thế giới!
Trung Quốc đã và đang hoàn thành 5 công trình lớn, gồm Mãn Loan (Man Wan - 1993, 1.500 MW), Đại Triều Sơn (Dachaoshan - 2003, 1.350 MW), Cảnh Hồng (Jinghong - 2009, 1.500 MW), Cống Quả Kiều (Gongguaqiao - 2011, cao 105 m), Tiểu Loan (Xiaowan - 2012, 4.200 MW, lớn thứ 2 Trung Quốc, chỉ sau Tam Hiệp trên sông Dương Tử). Ngoài ra còn 3 con đập khác đang trong quá trình xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Rồi hàng loạt đập khác sẽ được các nước Lào, Thái, Cam đã và sắp được xây dựng dọc theo phần còn lại của giòng sông này thì liệu có còn một lưu vực hạ nguồn Mekong trù phú phù sa, một đồng bằng bao đời người dân sống nhờ con tôm, con cá? Sự bất lực của người nông dân Thái trong vụ kiện tranh đấu cho miếng cơm manh áo liệu có phải là khởi đầu tồi tệ cho một bất hạnh sắp đến của người dân nghèo bản địa?
Khoảng 800.000km2 lưu vực, sông Mekong là mạch máu chính nuôi sống trên 60 triệu con người bản địa nhờ vào nguồn thủy sản dồi dào, lượng phù sa màu mỡ…đã là chuyện của quá khứ. Bây giờ, dấu hiệu của thảm họa dường như mới bắt đầu, khi con lũ hàng năm không trở về theo “tập quán”, giòng Mekong đang cạn dần nguồn nước, cuộc sống dân nghèo trong lưu vực đang bắt đầu những khó khăn chưa từng!