Phà Vàm Cống đóng cổng, 30-6-2019.
Ngày 29-6-2019, tôi về chợ Vàm Cống dự đám giỗ Bà Nội, thay vì vượt cầu dây văng vừa mới khánh thành hôm 19-5-2019, tôi chọn đi phà để tìm lại cảm giác thân quen đã có từ thuở còn ấu thơ. Có lẽ đó là 2 chuyến “đi-về” cuối cùng của tôi trên một trong những chiếc phà đã từng qua lại nơi đoạn sông Hậu này, vì ngày mai, 30-6-2019, đúng 9 giờ sáng, bến phà Vàm Cống chính thức đóng cổng sau gần 1 thế kỷ hoạt động!
Lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của Sài gòn không thể tách rời với sự hình thành và phát triển của miền lục tỉnh ngày xưa. Sài Gòn từ khi được thành lập, là thủ phủ của miền đất phương Nam, là cửa ngỏ giao thương với thế giới. Việt Nam là một nước nông nghiệp, mà nguồn nông sản chính yếu lại xuất xứ từ vùng sông nước miền Tây, nên hệ thống giao thông nơi đây cũng phát triển song song với sự phát triển chung của khu vực.
Vì sông rạch vùng này như mạng nhện (hình thành một hệ thống giao thông thủy vô cùng quan trọng), đường bộ phải nối liền bằng vô số cầu; tuy nhiên sông Tiền và sông Hậu là 2 nhánh sông lớn của Mekong ở hạ lưu, mặt sông rất rộng, trước đây chưa có khả năng xây cầu, nên phải sử dụng phà để vận chuyển các phương tiện qua sông.
Phà Mỹ Thuận lập năm 1910, ngừng hoạt động năm 2000.
Phà Cần thơ lập năm 1918, ngừng hoạt động năm 2010.
Vàm Cống là bến phà chính thứ 3 trong khu vực, được lập năm 1925.
Giòng sông Hậu vào mùa nước lũ tràn bờ, rộng hơn và chảy rất xiết về phía hạ lưu. Có lẽ vì vậy mà người Pháp đã làm bến phà không ngoài sông Cái như Cần Thơ hay Mỹ Thuận, mà thụt vô phía trong vàm của kinh Lấp Vò khoảng 500 mét, để phà dễ cập bến những khi gió to sóng lớn, nhờ cồn Cái Cùng che chắn phía thượng lưu, nhất là vào mùa mưa bão. Con đường quốc lộ từ Sài Gòn về(đoạn từ Mỹ Thuận đến phà Vàm Cống lúc tôi còn nhỏ là đường liên tỉnh chạy thẳng từ phía Lấp Vò ra không đến sát bờ sông Hậu mà ngoặc về tay phải, cặp theo đoạn đầu kinh Lấp Vò, thêm chừng 200 mét thì đến bến, có một cầu dẫn nối bờ sông và một phao nổi(pontong), dân quê tôi quen gọi là “cầu bắc”.
Sau đây là vài hình ảnh cũ của phà Vàm Cống:
h.1 Ông Ngoại tôi đứng cạnh chiếc xe “mui rùa” trên phà “cá nóc” khoảng năm 1950.
h2. và h3. là bến phà Vàm Cống cùng 1 vị trí ở 2 thời điểm trước 1950 và sau 2010.
Cái thời “ngăn sông cấm chợ” kéo dài hơn 10 năm, cùng sự quản lý yếu kém làm đất nước kiệt quệ. Hên là sau đó bắt đầu “đổi mới”, gắn thêm cái đuôi “kinh tế thị trường” vào nền Xà hội chủ nghĩa, nên đất nước dần ngóc đầu lên. Phà Vàm Cống ngày càng nhộn nhịp, bến cũ phía trong Vàm Cái Sức không còn thuận tiện, phải thay đổi vị trí, dời ra bờ sông Cái, phía hạ lưu, hoạt động suốt đến ngày 30-6-2019 này. Đây cũng là bến phà duy nhất phải 1 lần thay đổi vị trí!
Tuy sinh sau đẻ muộn so với 2 “đàng anh”, nhưng thời gian hoạt động của Bến phà Vàm Cống là dài nhất, 96 năm so với 90 và 92 năm của Mỹ Thuận và Cần thơ.
Ngày xưa, xe cộ ít, số lượng phà cũng không nhiều, tải trọng lại nhỏ, chạy chậm, phà phải chờ có xe lớn mới vượt sông nên thời gian chờ phà rất lâu, có khi phải mất đến 2 giờ hoặc hơn, thông thường cũng phải hơn một giờ mới có chuyến. Trước khi rời bến, phà gióng còi báo hiệu như trống trường báo giờ vào lớp, nhà tôi trong chợ Vàm Cống, cách bến phà khoảng 500 mét, có thể nghe tiếng còi rúc lên như trâu rống, tiếng còi rất đặc trưng, không lẫn với tiếng nào khác(kể cả tiếng “ trâu thật” rống). Thường thì phà báo hiệu đến 3 lần trước khi rời bến nên đôi khi nghe hồi 1 vẫn còn chạy ra kịp, không phải đợi chờ.
Chiếc phà, trước năm 1960 chỉ có một đầu cho xe lên xuống, tương tự như mấy chiếc “chẹt” ngày nay, ở giửa phình rộng ra như bụng cá nóc, nên gọi là “phà cá nóc”, chỉ chở được vài ba chiếc xe hơi, vì vậy trên phao nổi (pontong), nơi phà cặp bến, người ta làm một mâm xoay để khi xe xuống đến đây, các công nhân sẽ xoay cho đuôi xe nằm ngay trước mỏ bàn đò, rồi theo hiệu lệnh của họ, tài xế sẽ cho xe lùi xuống phà. Tới bến, người lơ có nhiệm vụ rút canh chèn bánh và coi chừng phía sau, tài xế theo sự hướng dẫn của công nhân phà cho xe vượt lên mâm, các công nhân lại đẩy cho mâm xoay đến vị trí mà đầu xe hướng thẳng lên cầu dẫn, chạy lên bờ.
Từ năm 1960 phà Vàm Cống bắt đầu có những chiếc đò 2 đầu thay thế cho phà “cá nóc”, lần lượt tăng tải trọng, 100 rồi 200 tấn.
Năm 1981, sau nhiều năm xa quê, vì hoàn cảnh tôi lại trở về Vàm Cống sinh sống. Lúc này kinh tế rất khó khăn, người ta đi lại buôn bán không nhiều nên phà đưa khách qua lại cũng chạy cầm chừng, khi nào đầy xe, đủ khách mới vượt sông, mà chỉ chạy chậm chậm để đở hao dầu. Phà chỉ hoạt động ban ngày , chính thức từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Lúc 19 giờ mỗi bờ còn 1 chuyến xuôi ngược, 21 giờ chỉ còn 1 chuyến xuất phát phía bờ Long xuyên chạy sang bờ Lấp Vò rồi sau đó trở về nghĩ. Nếu trể chuyến này khách phải chờ khi nào có xe đột xuất, thường là xe tải chở hàng tươi sống hoặc thỉnh thoảng là xe Hồng thập tự chở bệnh nhân đi cấp cứu, khi đó đi phà khỏi tốn tiền vì không còn ai bán vé. Thời này, trể một chuyến phà phải đợi có khi đến 2 giờ mới qua được sông, nhiều người không thể chờ nên sử dụng một phương tiện khác rất phổ biến đó là “ đò dọc”. Mà không hiểu sao lại gọi là “đò dọc” trong khi chỉ để vận chuyển khách ngang sông ? Có lẽ, dù không hợp lý, nhưng cũng là cách để phân biệt với những chiếc phà.
Bây giờ, nhìn cảnh đìu hiu trên 2 bờ của bến phà Vàm Cống, khách qua đường có thể thấy đâu đó những nỗi buồn trĩu nặng trên mặt những cư dân sinh sống nơi đây. Bởi vì từ bây giờ, họ không còn tiếp tục mưu sinh nhờ vào hoạt động của bến phà như những tháng ngày trước đây. Cái vắng vẻ thênh thanh của con đường dẫn xuống phà, trái ngược hoàn toàn với những nhộn nhịp, hối hả ngày nào, dù đã kéo dài từ sau ngày cầu Vàm Cống được thông xe, nhưng chắc cũng khó để họ quen dần như trong suy nghĩ!
Xuống pha, tôi bước lần theo những bậc thang dẫn lên trên nóc, một chút ngậm ngùi khi thấy trong cabin giờ chỉ còn 1 tài công đang lặng lẽ điều khiển con phà rời bến, nhìn bao quát giòng sông thân yêu đang cuộn trôi về phía hạ nguồn mà lòng đầy tâm trạng! Sông vẫn còn đó, chảy miệt mài suốt từ quá khứ đên tương lai, nhưng bến cũ từ đây sẽ vắng bóng con đò! Tôi, giờ đây sẽ không còn qua lại trên những chuyến phà quen thuộc, cùng với bao hành khách và xe cộ, kèm theo các hoạt động mua bán mưu sinh của dân nghèo lên đênh cùng nhịp sóng vỗ thân quen.
Tất cả sẽ dần mất đi, giống như tiếng “độc huyền cầm” buồn hắt hiu của Ông Lão nghèo ăn xin trên bến xưa ngày cũ, hay giọng ca đầy thân phận của người thương binh mù vang lên cùng tiếng đàn thùng da diết một thuở xa lơ xa lắc nào!