Truyện vui
{Nhái theo truyện Mạnh Mẫu chuyển nhà (*)}
Sau lần dọn nhà đến ở cạnh Công ty Xổ số, Yếu Tử học được một cái nghề mới toanh: ghi số đề. Rồi khi “thiên di” đến cạnh sân bóng đá thì Yếu Tử lại đâm ra thích thú với cái trò cá độ ăn tiền. Thấy coi bộ không xong, Yếu Mẫu lại tiếp tục tìm đường dời nhà thêm dăm ba bận nữa. Nhưng tránh vỏ dưa, gặp phải vỏ dừa mới gay chứ. Ở cạnh ga xe lửa thì Yếu Tử học được cách....bán vé chợ đen, nhảy tàu lậu vé, ném đá vào cửa kính toa xe; ở cạnh bến cảng thì học được y chang cách …tuồn hàng lậu, giựt dọc đồ rồi phi thân xuống sông để phi tang, còn ở gần sân bay liền tiếp thu ngay cách tranh giành khách đi taxi, chửi khách, hoặc đòi tiền hối lộ nếu khách muốn thủ tục xuất nhập cảnh được trơn tru. Ở nhà mặt tiền thì lập tức Yếu Tử thành tay yên hùng xa lộ rú còi, lạng lách, lấn đường vượt ẩu, khi bị công an túm cứ việc “mãi lộ” chút đỉnh là thoát. Rồi nhiễm ngay cái thói quen xả rác vô tội vạ. Không có gì sướng hơn được xả rác tự do, ở đâu bị phạt chứ ở đây cứ vô tư đi, xả rác…”free”. Còn chui vô trong hẻm sâu,Yếu Tử lại được học chiêu đàn đúm ăn nhậu, chửi thề, quánh lộn hay… buồn buồn thì cầm mã tấu rượt kiếm đứa nào dám vuốt râu “tiểu hổ” ( là tao đây!), v.v….
Sau thật nhiều đêm trằn trọc vì trăn trở, suy nghĩ tìm cách nào cho Yếu Tử “cải tà qui chánh”, Yếu Mẫu chợt nhớ tới tờ báo “Mua và Bán” dày cộm, chuyên đăng những chuyện mua bán hằm bà lằng thứ trên đời như: nhà đất, xe cộ, tivi, tủ lạnh, máy tính, điện thoại…., nghĩa là một tờ báo chuyên nghiệp …mua và bán (thời buổi kinh tế thị trường mà lị, phải biết mua bán đủ thứ, kể cả mua bán bằng cấp). Cầm tờ báo nặng trịch trên tay ( vì nó dày gấp chục lần những tờ báo chính thống đăng tin tức), việc đầu tiên là Yếu Mẫu giở tìm trang …mua bán nhà đất. Chu choa, báo văn minh ra phết, có phân loại hẳn hòi theo túi tiền của độc giả mới ghê chứ: dưới 1 tỷ, từ 1 tỷ đến 2 tỷ, rồi trên 2 tỷ đến 4 tỷ, v.v….nghĩa là, những “tỷ phú” thời đại này, ai cũng có cửa để …có nhà cả. Còn triệu phú thì …vô thiên lủng, công nhân, nông dân là triệu phú chứ ai vào đây, vì lương cỡ …triệu mấy thôi đã có chức danh....triệu phú rồi, dễ như bỡn. Chỉ có những ai lương dưới tiền triệu, thì sẽ gọi là gì ta? Chẳng lẽ gọi là …là …là…ngàn phú hay vạn phú?
Lướt nhanh qua cái mục …nhà đất, Yếu Mẫu tưởng dễ như ăn cơm sườn chứ, hóa ra lại khó như hái sao trên trời. Đó là Yếu Mẫu đã dùng phương pháp loại trừ bớt rồi đấy, nghĩa là chỉ chọn trong nội thành thôi, còn ngoại thành thì xin miễn, theo gương ông Trịnh Công Sơn( có chế chút đỉnh) “đi đâu xa xôi cho đời mỏi mệt”, vả lại Yếu Mẫu …không biết chạy xe máy, nhờ thằng con nó chở, thì chỉ cần nhìn ra xung quanh thấy mật độ xe cộ lưu thông dày đặc trên đường, bất kể giấc nào, sáng trưa chiều tối, Yếu Mẫu đã thấy …chóng mặt, hoa mắt, ù tai muốn xỉu. Chưa kể là phải kè kè cái khẩu trang nghẹt thở do ô nhiễm môi trường. Gọi là khẩu trang chứ nó che được cả cái mũi, nghĩa là công dụng hai trong một, cũng đỡ được phần nào sự tổn thương cho mấy cái giác quan tội nghiệp trên mặt. Không khéo với cái bệnh “lo ra” kinh niên, cộng với bản tính của Yếu Mẫu là …yếu bóng vía ( nghe tên là biết người rồi), thể nào cũng giật mình thon thót vì mấy cái vụ còi xe, mấy vụ cãi vã vì va quẹt, hoặc mấy vụ hét hò từ phía sau khi đèn đỏ chưa qua, đèn xanh chưa tới vì cái tội đứng án ngữ không để mấy tay anh chị rất quý quỹ thời gian ít ỏi ( để ăn chơi) của mình, đòi vọt lên phía trước, v.v…. mà té lăn đùng ra đường có mà gãy tay, xụi chân. Cơ may ( à không, cơ nguy) có ngày trọn gói ngũ quan sẽ bị chấn thương mãn tính mất thôi.
Nhà thì kiếm không ra, nhưng Yếu Mẫu lại rút ra được một câu “cửa miệng” mà hình như ai cũng thích dùng làm phương châm để …bán nhà cho dễ hay sao ấy: nhà gần chợ, gần siêu thị, gần trường, gần bệnh viện…,trong đó chỉ có gần trường là Yếu Mẫu thấy ưng cái bụng mà thôi. Nhưng coi chừng, gần trường cũng có năm bảy đường “ gần trường” nha, thằng con mình nó đã lớn bộn, cưỡi xe máy chạy vù vù rồi, lỡ chỉ gần trường …mầm non thì …ăn thua gì!!! Thời này trường ….đa cấp lắm ( y như món hàng đa cấp rất thịnh hành), chứ không độc cấp, học từ lúc còn để chỏm, ê a cái “Tam Thiên Tự” ( Tam Tự Kinh), những là: thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba….cho đến khi đậu tiến sĩ….giấy (à không, tiến sĩ một ngày rưỡi ra lò (*), đừng có mà mơ nhé, Yếu Mẫu lạc hậu quá!
Cũng từ câu khẩu hiệu trên, Yếu Mẫu lẩm cẩm nhớ lại cái …tam đoạn luận mà mình học đâu từ cái thời còn mài đũng quần trên ghế …nhà mình. Rằng thì là: nhà gần chợ hoặc siêu thị (loại chợ này còn mới, thời ni mới có, hồi nẵm chửa có), đồng thời nhà gần trường, suy ra “trường gần chợ”. Chà, mình đã khốn khổ vì …chạy ( trốn) chợ, sợ con mình học thói cân gian, bán lận, nói thách, chửi khách, đánh …đồng nghiệp ( vì giành mối) thì nay, cái trường nào cũng gần cái chợ. Nhưng Yếu Mẫu …đừng có “no”( lo, nói ngọng), cứ để cho …mấy cái chợ nó "no”. Chúng đâu có cần đếm xỉa tới Mẫu, vì chúng cứ hàng lớp bủa vây khắp nơi từ khi nảo khi nao rồi, gọi là chợ tự phát đấy, hỡi Yếu ( phu) nhân tội nghiệp kia ơi. Chợ to thì còn chọn nơi chốn bề thế tọa lạc cho nó “soang”, chứ chợ nhỏ thì…vô phương tém dẹp. Ra ngõ gặp chợ mà. Mấy cái chợ nhỏ ( nếu hiểu rằng cái gì dính dáng đến mua bán, đều được gọi là chợ) nó mọc khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm gì nó cũng tới được trơn trọi với đủ loại phương tiện chuyên chở: xe đạp, xe máy, xe đẩy, hàng gánh, thậm chí, xe hơi con, xe tải nhỏ…cũng không từ. Đã thế còn bắc loa inh ỏi nữa chứ, như cái “chợ” mua tivi, tủ lạnh, máy bơm nước, quạt máy, đồng hồ ơ rô…, chợ kẹo kéo, chợ “ai chưn(g) (đạp) gai tét giò đơ..ơ..ơi v.v…. chẳng hạn! Dĩ nhiên, chợ chẳng tha trường, thì trường cũng không tha chợ! Trong trường nào chẳng có căn tin, trước cổng trường nào lại không có hàng quán? Bánh mì, xôi, bánh cuốn, bắp nấu, bánh tráng trộn, gỏi bò, xoài lắc …Trong giờ học có khi còn không thoát những đội quân tiếp thị đến tận lớp xin phép được phát” hàng mẫu không bán” cho các em những …dầu gội, kem đánh răng, sữa tươi tăng trưởng chiều cao và trí thông minh v.v….và v.v…..
Đành khuyên Yếu Mẫu một câu an ủi này: thôi, nếu trời không chiều đất, thì đất phải chiều trời, nghĩa là miễn sao thằng con còn chịu đi học ở “trường trong chợ, chợ quanh trường” đã là phước đức lắm rồi, chứ một khi nó mà dở chứng chán học thì dù Mẫu có đang dệt vải mà tức giận, cắt vải ra thành tám khúc ( như cắt băng khánh thành) thì nó cũng chẳng động lòng đâu. Yếu Mẫu ơi, chạy đàng trời!
*******
(*) Chuyện Mạnh Mẫu chuyển nhà ba lần vì con:
Mạnh Tử mồ côi cha. Mạnh Mẫu là Chương Thị, một mình nuôi con. Đầu tiên, nhà ở gần bãi tha ma. Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, khóc lóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, khóc lóc. Mạnh Mẫu nói: chỗ này không phải chỗ con ta ở được. Chuyển nhà đến gần chợ, thấy người ta buôn gian bán lận, Mạnh Tử về nhà cũng bắt chước buôn gian bán lận. Mạnh Mẫu lại nói: chỗ này cũng không phải là chỗ cho con ta ở. Chuyển đến gần trường học, thấy học trò học hành chăm chỉ, lễ phép, Mạnh Tử cũng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Mạnh Mẫu nói: đây mới đúng là chỗ ở cho con ta. Một lần đang ngồi dệt cửi, thấy Mạnh Tử trốn học đi chơi, sẵn trong tay có chiếc kéo, Mạnh Mẫu tức giận cắt đứt khúc vải thành tám khúc. Từ đó, Mạnh Tử mới chuyên tâm dùi mài kinh sử, sau trở thành ông tổ thứ hai của nho giáo, chỉ đứng sau Vạn thế sư biểu Khổng Tử.
(*) Xem bài “Lò sản xuất ….tiến sĩ” báo Người lao động ngày 21/4/2016.
25/5/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN