THẦY TÔI BÂY GIỜ - Bùi Thị Lợi
Những ngày tàn niên, được chị Bùi Lợi cho biết sau chuyến thăm Thầy Phạm Phi Hoành với lời than, “có lẽ không xong, Thấy rất yếu!” Kế đến, tin xấu hơn được chị Kim Nguyên gởi đi với lời nhắn hãy cùng nhau cầu nguyện cho Thầy.
Nay Thầy đã về Nước Chúa, xin mượn bài viết của chị Lợi, như lời tiễn đưa Người Thầy, chút hương lòng kính tưởng nhớ người vừa chợt rời nơi đây. Bài viết được Thầy Phan Bá Sáu trân trọng giới thiệu vào năm 2009. (Trang Nhà)
"Phải mất nhiều năm sau tôi mới có cơ hội gặp tận mặt anh Phạm Phi Hoành, và cũng có vài ba cơ hội nói chuyện với nhau. Quả thật, sự tưởng tượng của tôi và con người thực của anh không có gì khác nhau. Với dáng vóc lịch sự và giọng nói có sức thu hút người nghe làm cho anh dễ chiếm cảm tình người chung quanh. Qua công việc, tôi nhận thấy ở anh một con người rất thông minh, năng động, và thẳng thắn. Lúc ấy tôi nghĩ anh chưa gặp được đất dụng võ để sử dụng những tài năng tiềm ẩn trong anh!
Thời gian anh học tại trường Trung Học Pháp ở Đà-nẵng thì tôi học trường Phan Châu Trinh, có lẽ anh học trên tôi một lớp. Trong những kỳ tranh giải Thể Thao của thành phố, trường tôi và trường anh thường chạm trán nhau đôi khi hết sức căng, may mà chúng tôi không nắm cổ áo nhau! Nhờ thế, sau nầy chúng tôi đã có một lần dẫn nhau đi uống rượu say mèm khiến tôi phải nằm nhà gần hai ngày!
Đã hơn ba mươi ba năm không gặp mặt, không biết anh còn nhớ tôi không? Riêng tôi lúc nào cũng nhớ anh với nhiều cảm tình thật đẹp. Cầu chúc anh và gia đình được mọi sự an lành.
Với lòng quý mến nhắc nhớ chút kỷ niệm xưa về người bạn đồng nghiệp của tôi và thật hân hạnh giới thiệu bài của chị Bùi Thị Lợi viết về người Thầy của các anh chị.
Gurnee, Jan. 09.2009" (Thầy Phan Bá Sáu)
Thầy TÔI BÂY GIỜ
Còn nhớ lần đầu tiên tôi được gặp Thầy Phạm Phi Hoành trong buổi họp mặt NLS ngày 1-1-1990. Thú thật tôi không nhận thấy ở Thầy một nét mô phạm nào của nhà giáo. Thầy vui vẻ, trẻ trung, phóng khoáng và rất gần gủi với nhóm bạn NLS chúng tôi. Thời ấy thoạt nhìn Thầy trong tuổi U60 rất phong độ chúng ta dễ lầm tưởng Thầy là một doanh nhân thành đạt hay một nghệ sĩ phong lưu. Nghe giới thiệu, Thầy đang công tác bên Công Ty Du Lịch Dầu Khí (OSC) Việt Nam ở Vũng Tầu.
Thầy luôn đồng hành cùng chúng tôi trong các buổi họp mặt NLS, dần dần tôi trở thành học trò thân tín của Thầy dù rằng những năm Thầy dậy học trên trường (1964-68) thì tôi chưa nhập học. Nhưng cũng như nhiều bạn chưa từng được học Thầy, chúng tôi vẫn có cảm giác thật thân thương với Thầy, Thầy Tổng Giám Canh tài hoa của trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Thời gian gần đây, tôi thôi thúc ý định viết một bài về Thầy. Có lần, tôi ngỏ lời xin phép Thầy, Thầy từ chối. Thầy nói không muốn nhớ lại năm tháng đã qua. Tôn trọng Thầy, tôi đành xếp bút mực lại mặc dù nhiều bạn bè vẫn khuyến khích tôi viết.
Hôm nay một ngày cuối năm đẹp trời, Sài Gòn đã vào Đông. Tôi và chị Ngô Anh Thuấn xin phép lên thăm Thầy, nhân tiện mời Thầy về dự buổi họp mặt ngày 1-1-2009. Thầy tiếp chúng tôi trong tâm trạng vui vẻ, sảng khoái và câu chuyện hàn huyên của Thầy-trò đã đưa Thầy trở lại những năm tháng xa xưa đầy kỷ niệm và tôi vui mừng ghi nhớ để kể lại cho các bạn.
Thầy sinh năm 1939 tại Hà Nội nhưng theo gia đình vào Đà Nẵng năm 1953 và học ở trường Providence (Huế) rồi trung học Pháp ở Đà Nẵng. Đến năm 1957 thì vào Sài Gòn, học trường Jean-Jacque Rousseau. Năm 1960, xong Tú Tài, Thầy được học bổng "Leadership" của cơ quan viện trợ Hoa Kỳ (USOM, sau đổi thành USAID) du học ở Mỹ. Thầy học về Khoa Học Nông Nghiệp, chuyên ngành đất đai tại trường đại học tổng hợp tiểu bang Delaware (Newark, Del). Đến năm 1964, tốt nghiệp với bằng Bachelor Agriculture Science, và sau đó về nước tháng 9 năm đó. Trong một buổi họp mặt các du học sinh Việt Nam tại New York vào hè 1964, Thầy đã gặp một cựu sinh viên trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao và được nghe nói về trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Vì thế khi về tới Sài gòn, Thầy nói chuyện với Cô Nghiêm Bình Minh (bà con với Thầy Nghiêm Xuân Thịnh) đang làm việc tại văn phòng USAID và được giới thiệu gặp Bác sĩ Đặng Quan Điện, Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc. Khi gặp Thầy Điện, Thầy nhận thấy ở Thầy Điện có một phong các giản dị, chân thành, sâu sắc và pha chút ngang tàng giống một vị giáo sư người Mỹ của Thầy, Thầy rất ngưỡng mộ và Thầy có ý định muốn làm việc với Thầy Điện và Thầy quyết định xin về trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Âu cũng là cái duyên và duyên nợ của Thầy với trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc và Nha Học Vụ NLS bắt đầu từ đây.
Trước đó, vì các chính biến gay gắt ở miền Nam nói chung và trường Quốc Gia Nông Lâm Mục nói riêng, Thầy hiệu trưởng Đỗ Cao Thọ và một vài giáo sư khác đã được thuyên chuyển khỏi trường Nông Lâm Mục. Tình hình thiếu giáo sư trở nên trầm trọng và Bác sĩ Đặng Quan Điện buộc phải tuyển nhiều giáo sư mới cho trường. Đó là những kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết như các Cô Võ Thị thúy Lan, Dương tuấn Ngọc, Võ Thị Vân, Thầy Nguyễn Thanh Vân, Thầy Lê Thiện Chí, Thầy Nguyễn văn Vũ, Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn...
Đến bây giờ Thầy vẫn nhớ cảm giác lâng lâng thới thới khi ngồi trên chuyến xe đò lần đầu tiên lên vùng đất Bảo Lộc. Cảnh vật hai bên đường hoang sơ với núi đồi thơ mộng làm say đắm lòng người chứ không chen chúc như bây giờ. Lúc đó Thầy Nguyễn Viết Trực đang làm hiệu trưởng và Thầy được phân nhiệm phụ trách các môn: Vật Lý, Hoá Học, Công Thôn, Anh Văn, Pháp Văn ... tổng cộng 32 tiết trong tuần.
Đến đầu năm 1965, Thầy Đặng Quan Điện gọi Thầy về Saigòn để giao cho Thầy chức vụ Tổng Giám Canh (và Thầy Nguyễn Thanh Vân chức vụ Giám Học). Thầy từ chối với lý do không biết và không có kinh nghiệm về canh tác các loại cây trồng nhất là những loại cây vùng nhiệt đới, nhưng Thầy Điện gạt phắc, Thầy Điện nói "không biết thì phải học, anh đã học ở Hoa Kỳ, tất nhiên biết về phương pháp luận (methodology), vả lại làm Tổng Giám Canh anh phải làm "planning" nhiều hơn là thực hành các kỷ xảo. Mà cho dù anh có học các phương pháp canh tác chăng nữa thì cũng không thông thạo bằng các bác công nhân trong đội trồng trọt". Kể đến đây giọng Thầy chùng xuống và mơ màng như đang hồi tưởng lại lúc nói chuyện với Thầy Điện. Thầy nói trường NLS Bảo Lộc lúc đó đang quản lý hơn 850 hecta đất rừng giới hạn bởi quốc lộ 20 về hướng Đông, nhìn qua núi Đại Bình tới toà Hành Chánh tỉnh và Thị xã Bảo Lộc ở phiá Bắc, còn về phiá Tây là Kohinda cùng với khu vực thác Damri ngày nay và phía Nam là các cơ sở trà tư nhân như Đỗ Hữu ... (được biết một vài đồn điền trà tư nhân đã lấn đất của trường). Trường đã canh tác hơn 100 hecta trà, 20 hecta cà phê gồm các giống như Arabica, Robusta va Chari, để giúp các sinh viên trường QGNLM và học sinh Trung Học NLS thực tập, ngoài ra còn có các trại chăn nuôi heo, gà, bò sữa và đoàn trâu Murrha, nhận từ viện trợ của chính phủ Ấn Độ và một vài con ngựa.
Đến tháng 3 năm 1967, Nha Học Vụ NLS mở thêm các lớp Cao Đẳng Sư Phạm và Kiểm Sự NLS, trong đó có lớp kiểm sự về ngành cây cao su phối hợp với viện Khảo Cứu Cao Su Việt Nam (IRCV), một tổ chức nghiên cứu khoa học của Pháp ở Việt Nam. Bác sĩ Đặng Quan Điện cử Thầy về làm việc với IRCV tại đồn điền S.I.P.H ở Lonh Khánh để đào tạo các chuyên viên về cây cao su. Ở đây Thầy vừa tổ chức các buổi học do các giảng viên người Pháp của viện IRCV giảng dậy, vừa tham gia các đề tài nghiên cứu của viện.
Năm 1968, sau biến cố Mậu Thân, tình hình chiến sự trở nên dữ dội, Thầy không thể ở lại Long Khánh mà phải trở về Nha Học Vụ NLS Sàigòn và chương trình đào tạo kiểm sự Canh Nông chuyên ngành cây cao su phải ngưng lại sau khi đào tạo được 2 khoá.
Từ năm 1968 đến đầu năm 1973, Thầy làm việc tại Nha Học Vụ NLS ban Cao Đẳng Sư Phạm. Trưởng ban là Thầy Trần Thiện Chu. Ít lâu sau, Thầy Chu lên làm Thanh Tra Mục Súc, và Thầy Nguyễn Thanh Vân thay thế, làm trưởng ban CĐ Sư Phạm cho đến năm 1971-72, về làm hiệu trưởng trường NLS Định Tường (Mỹ Tho). Thời gian này, Thầy Đặng Quan Điện được thuyên chuyển về Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, tức trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sàigòn, và Thầy Hà Văn Thân làm Giám Đốc Nha Học Vụ NLS, cử Thầy Hoành làm Thanh Tra Canh Nông.
Đến tháng 2 năm 1973, Thầy cùng Thầy Trần Thiện Chu, Thầy Nghiêm Xuân Thịnh nhận được học bổng Common Wealth sang Úc học tiếp chương trình sau đại học (postgraduate). Thầy Chu và Thầy Thịnh học chương trình Ph.D tại New England University, bang New South Wales, còn Thầy Hoành thì học cao học ngành Khoa Học Đất Đai tại trường đại học University of Sydney. Cuối tháng 2 năm 1975, Thầy Hoành về nước sau khi hoàn tất chương trình học và trở về làm việc tại ban CĐ Sư Phạm NLS, lúc đó do Thầy Đặng Hữu Thạt điều hành.
Tháng 5 năm 1975, trong tình hình đất nước đổi thay, Thầy Hoành cùng toàn ban giảng huấn CĐSP-NLS được đưa về trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật, khoa Nông Nghiệp tại Thủ Đức.
Cuối năm 1980, phong trào "vượt biển" đang lên, Thầy cũng thử thời vận vài phen, nhưng chẳng những không thành mà còn bị "tóm" và đưa lên rừng Đồng Phú tỉnh Sông Bé để "lao động cải tạo". Tại đây Thầy được phụ trách tổ sản xuất gồm một số kỹ sư và chuyên viên Nông Nghiệp hướng dẫn các trại viên trồng trọt vài chục héc ta lúa cạn và cả trăm hécta đậu nành. Vụ mùa năm 1980-1981, đậu nành trúng lớn, Thầy cùng các dược sĩ cùng chung số phần, chế biến tương bắc cho cả trại dùng.
Đến tháng Giêng năm 1982, Thầy được trả tự do, Thầy về làm việc tại công ty Dịch Vụ Kỹ Thuật, nơi tập hợp rất nhiều Kỹ Sư, Kiến Trúc Sư, Cử Nhân Kinh Tế ... cùng cảnh ngộ. Thầy tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cao Nguyên, chuyên nghiên cứu về các vùng đất trồng. Nhóm nghiên cứu gồm cả Thầy Nguyễn Phi Long, người một thời làm Giám Đốc Trung Tâm Thực Nghiệm Canh Nông và giảng dậy tại trường NLS Bảo Lộc, cùng nhiều kỹ sư khác. Thầy tâm sự, nhờ được đi thực địa suốt 6 năm công tác tại công ty DVKT, Thầy mới có được kinh nghiệm thực tế về những kiến thức đã học ở trường và nhất là được học hỏi thêm về một số cây trồng như lúa, mía..v..v. Đúng như lời Thầy Đặng Quan Điện đã nói với Thầy năm xưa là: "không biết thì tự học... khắc biết..."
Cuối năm 1988, Thầy chuyển công tác về công ty Du Lịch Dịch Vụ Dầu Khí (OSC-VN) làm ở bộ phận đối ngoại. Thời đó Việt Nam vừa mở cửa đón nhận các công ty phương tây vào làm ăn, nên các tổ chức kinh tế của Việt Nam cần các chuyên viện thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức. . . Lần đầu tiên từ sau 1975, Thầy được cử đi Thái Lan (1989), Malaysia (1991)... Thầy nói "lại một sự đổi đời nữa". Thầy nhớ lại những khoảng năm 1985-1986, có lần Thầy cùng nhóm chuyên viên đang lội bùn để lấy tiêu bản đất ở huyện Duyên Hải, (Cần Giờ ngày nay), Thầy nhìn lên trên trời cao theo dõi bóng một chiếc phản lực bay vút qua trên không phận Việt Nam, lúc ấy Thầy chua xót thở dài: chẳng biết mình còn có cơ hội nào để ngồi trên máy bay như khi xưa?!!!". Đúng là số phận thăng trầm.
Khi công ty OSC-VN xuất bản tờ nguyệt san "Du Lịch Bốn Mùa", Thầy phụ trách phần phiên dịch thành tờ báo tiếng Anh (Four Season Travel), thế là Thầy làm quen với nghề làm báo. Năm 1992, Thầy được giới thiệu với tờ Việt Nam News, tờ nhật báo tiếng Anh đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975. Tờ báo này thuộc cơ quan Thông Tấn Xã Việt Nam và có văn phòng đại diện ở miền Nam. Thế là Thầy của chúng ta, lúc ban đầu chỉ là cộng tác viên, sau hai năm đã trở thành biên tập viên của Việt Nam News.
Trong thời gian hơn 10 năm làm công tác báo chí, Thầy có dịp tiếp xúc với các tổ chức kinh tế nước ngoài đến Việt Nam làm ăn. Thầy được mời đi tham dự nhiều cuộc họp báo, hội thảo chuyên đề ở trong và ngoài nước như Singapore, Malaysia, Pháp...
Còn nhớ khoảng thập niên 1990, Sài gòn chưa sử dụng điện thoại di động rộng rãi, mỗi lần gửi thư mời họp mặt, tôi thường đích thân gửi đến tận tay mỗi người. Hồi đó tôi rất vui khi được gặp Thầy ở toà soạn báo Việt Nam News. Trong khi nhiều người trí thức của chế độ cũ phải nghỉ hưu sớm, thì Thầy là một trong những người may mắn vẫn còn làm việc. Có lẽ người ta nể trọng kiến thức và trình độ ngoại ngữ của Thầy.
Thầy tự hào mà không kiêu ngạo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc gì đúng thì Thầy làm, Thầy không chịu khuất phục dưới áp lực nào. Bản tính Thầy phóng khoáng, ở tuổi U60 mà Thầy đi làm bằng xe Honda 250cc chạy ào ào giữa Sài Gòn như anh hùng xa lộ. Nhiều lần tình cờ gặp Thầy, tôi chưa kịp chào thì Thầy đạ chạy vụt qua.
Đến năm 2004 thì Thầy chính thức nghỉ hưu, nhưng vẫn viết bài cho các báo từ đó đến bây giờ. Tuy nhiên công việc của Thầy có một thời gian bị gián đoạn vì căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi của Thầy nhiều sức lực và thời gian. Sau nhiều lần phẩu thuật, hiện nay bệnh trạng của Thầy tương đối ổn định. Định mệnh đã tuyên cho Thầy một bản án treo. Dù vậy Thầy vẫn lạc quan yêu đời, bình thản chấp nhận số mạng.
Hôm nay ngồi viết những dòng nầy tôi thầm cầu xin Thiên Chúa ban phép lạ cho sức khoẻ của Thầy hồi phục, để Thầy còn đi cùng chúng ta một quảng đường xa hơn, dài hơn trong cuộc đời này
Thầy hứa sẽ viết lại một vài kỷ niệm trên trường để tặng trang nhà nlsbaoloc.net, như chuyện dẫn học sinh NLS Bảo Lộc đi bắt lâm tặc, hay chuyện tai nạn lật xe Jeep ở cột cờ...
Thầy ơi, tụi em đang chờ để được đọc bài của Thầy
Sài Gòn tháng 12 năm 2008
Bùi Thị Lợi
|