Truyện ngắn:
Nào giờ Phương chỉ thích đi xe mình tự lái, vì cô rất sợ ngồi phía sau xe, thấy nó chông chênh, bị động thế nào ấy, dù Phương không hẳn là người vững tay lái. Run tay lái là khác. Cô thường hay giật bắn mình vì tiếng gầm rú của chiếc xe mô tô phân khối lớn vun vút như tên bắn phía bên làn đường ô tô, hay bất ngờ bị chiếc xe nào đó vụt phóng lên vượt trong bên phía phải. Ngay cả khi đèn xanh chưa kịp bật lên, những tiếng bóp còi, tiếng gằn giọng“ tới đi” thúc giục phía sau cũng làm cho thần kinh của cô căng như dây đàn. Tự đánh giá mình nhát gan, nhưng kèm vào đó là tự trào mình “tay lái lụa”, vì Phương không thích tốc độ, đi với vận tốc an toàn nên lụa là phải rồi. Cô an phận đi nép sát lề( dù đôi khi cũng thon thót khi mắt bắt gặp cái xe ngược chiều lù lù từ xa tiến tới), rất tuân thủ luật đi đường, dù là điều luật sơ đẳng nhất, vì biết rất rõ không phải cẩn thận là sẽ an toàn khi những người xung quanh lại thường chạy ẩu. Cẩn tắc vô áy náy, cái điều mà cô thường tự dặn mình trong bất cứ trường hợp nào, không riêng gì trong việc lưu thông trên đường, huống chi mỗi bận có việc ra đường có nghĩa là phải “xuống đường” cùng hàng loạt “ma trận”, “bát quái trận đồ” của câu chuyện giao thông bát nháo Việt Nam nói hoài không hết đã nổi tiếng trên toàn thế giới( Ôi!)
Phương chọn cách “chậm mà chắc”, cũng là cái tính cố hữu của mình, chầm chậm, từ từ, nếu ai có tính khí nhanh nhẹn nhìn Phương lù đù đều cảm thấy sốt ruột. Ai phóng mặc kệ, ai tốc độ cứ việc, còn mình rùa bò nhẩn nha ba bốn chục cây số giờ, nên rất nhiều lần bị yêng hùng vượt mặt chửi té tát “ chạy kiểu muốn chết hả“. Trời trời, đi chậm mới là muốn sống chớ, thèm sống dữ lắm đó, chạy nhanh mới là muốn chết, sao nói ngược mấy cha. Phương chỉ lầm rầm trong bụng thôi chứ không dám lên tiếng đáp trả, vốn tính nhát thít hà, Phương “sợ muốn chết” mấy chuyện xảy ra đăng hoài trên mặt báo, rằng mỗi khi có chuyện va quệt xe, chuyện đôi co trên đường phố, nếu không bên nào nhịn bên nào thì kết cuộc sẽ là có một đàng rút dao ra( đi đường mà lận dao chi ta?), đâm cái ọt, và một đàng kia sẽ chết queo. Chuyện ban đầu tưởng không có gì, sau đó lại là một kết cục bi thảm, thiệt vô lý vô duyên hết sức. Phương mãi chưa hiểu vì sao bây giờ giữa con người với nhau, không thù oán gì nhau trước đó, chỉ vì một chuyện vớ vẩn mà có thể ra tay tàn độc đến như vậy.
Sợ thì sợ, nhưng cô đành phải đi xe ôm, vì cô không rủng rỉnh tiền bạc chi lắm để có thể đi mấy xe sang trọng bốn bánh. Taxi, Uber hay Grab gì gì đó đối với cô gái tỉnh lẻ lên Sài Gòn trọ học xem ra khá xa lạ , nên cô đã từng nê cái xe cà tàng biển số tỉnh lên làm chân chạy. Vì cà tàng nên nó hay ăn vạ bất tử lắm, chuyện phải đi xe ôm xảy ra càng lúc càng hơi bị nhiều. Phương ốm yếu, càng phải chọn xe ôm vì đỡ phải đi bộ đến trạm xe buýt. Chỉ cần bước ra khỏi ngõ là đụng ngay cánh quân xe ôm trờ tới mời mọc. Hồi mới lên thành phố, Phương rất sợ cái cảnh mình vừa bước chân ra khỏi bến xe, hay khi xuống bến dọc đường, đang còn ngồi trên xe đò đã thấy cảnh đội quân “ôm”bên dưới chỉ trỏ giành giựt ” áo xanh của tao, bà kia của tao”, như sự khẳng định chắc mẩm. Khách vừa nhảy xuống xe là “ôm” ùa tới nắm tay, nắm túi xách cho chắc, coi như đã xí phần xong. Lần đầu tiên lên thành phố, cô sợ phát khiếp mấy cảnh giành khách, chửi bới lẫn nhau, có khi còn đập lộn nhau chỉ vì hơn thua vài đồng bạc. Phương vơ vẩn mãi trong đầu, sao chỉ có mấy đồng bạc nhỏ nhoi mà người ta có thể ăn thua đủ vậy, nếu món lợi to lớn, thì người ta còn đối xử với nhau tệ đến thế nào.
Một lần, Phương đứng chờ xe buýt ở góc phố cạnh siêu thị, vì tuyến này khá thuận tiện, trả khách gần nơi Phương trọ. Một gã xe ôm chực sẵn ở đó, rà tới bắt chuyện. Anh ta đứng bên cạnh nằn nì miết, biết tuyến buýt Phương đang chờ ít đầu xe, nên càng ra sức thuyết phục. Phương ít đi buýt nên hơi dao động, có vẻ ngả lòng. Coi mòi câu được cá, anh ta tấn công tới tấp:
- Xe buýt chen lấn coi chừng bị móc túi, đi xem ôm được chở đến tận nhà, trời nắng nôi vầy đi bộ bị trúng nắng bệnh chết….
Phương xiêu lòng, hỏi giá. Giật mình vì mắc như đi taxi. Phương thầm hối hận vì không nghe lời bạn dặn đi grab bike ( cũng là xe ôm nhưng xài ứng dụng trên smartphone, giá cả phải chăng). Nhưng có muốn nghe lời bạn cũng không được, vì điện thoại cùi bắp của cô là “điện thoại ngu si”, nó đâu thông minh để có thể tải phần mềm ứng dụng app iếc gì đó được!
Giá quá bèo rồi em ! ( ảnh minh họa internet)
Thấy mặt mũi hắn bặm trợn, Phương càng ớn. Nhưng một khi đã bật miệng hỏi giá thì cũng khó lòng hắn buông tha. Coi như sập bẫy. Cò kè một hồi, cuối cùng cũng thỏa thuận cái giá của Phương trong sự bực bội của hắn. Phương líu ríu lên xe, thầm nghĩ chắc hôm nay xui. Cha mẹ ơi, bắt đầu tính từ giây ghé đít lên yên là bắt đầu đi vào phút “đánh đu với tử thần”. Hắn gài số một thật mạnh, xe lồng lên như ngựa chứng, cả người Phương bật hẳn ra phía sau, thiếu điều muốn …lọt sàng xuống, không phải nia mà là mặt đường rải đá. Gã xe ôm đã giới thiệu mình “ôm” thật ấn tượng, vì dù không ôm hắn( chắc chắn rồi), Phương cũng phải ôm quàng ôm xiên bất cứ cái gì nắm được, như một cách lột tả chính xác của từ “ôm”. Kế tiếp là màn nhảy múa với ổ gà. Mà ai cũng biết rồi, mặt đường ở đây thì không có cách chi phẳng cho được. Lâu lâu lại thấy ông cầu đường đào lên, lắp xuống nay khúc đường này, mai khúc đường khác, vì bao nhiêu thứ cần ngầm hóa: cống thoát nước nè, dây điện nè, cáp viễn thông nè… Mà ngộ lắm, mấy ông này không bao giờ làm đồng bộ nghen. Cứ chập chập lại thấy đào đào xới xới như tìm kiếm kho báu, ông điện lực vừa kéo đi, trám trét sơ sài mặt lộ, để lại cho dân chúng xung quanh lẫn người đi đường vô số rác xà bần và con đường lồi lõm gập ghềnh, lại thấy vài tháng sau ông thoát nước kéo tới bươi lên. Xe máy càng lúc càng nhiều, nên việc cần kíp là phải mở rộng đường, thế là mấy hố ga ngày xưa nằm trong lề bây giờ đã ra nằm giữa lòng đường, nhiều nắp lắp không đúng kích thước cứ nảy ầm ầm dưới sức nặng của bánh xe. Gã xe ôm còn đang tức tối vì bị Phương trả giá quá sát nên nhằm vào mấy cái nắp cống và các ổ lớn ổ nhỏ, lằn đường cập kênh mà tương vào. Chiều hôm trước có mưa lớn, ngoài ổ gà còn xen kẽ mấy ổ nước đọng tổ tướng, hắn nhè mấy vũng nước mà bay vào, nước dơ bắn lên tóe lóe như pháo bông. Ngồi đàng sau, Phương rúm ró người vì sợ hãi, coi như không muốn giỡn mặt tử thần cũng phải cắn răng giỡn mới ghê chớ. Thấy Phương ngồi cứng đơ như cây cơ ở phía sau, hắn càng khoái trá tợn, lao đi càng nhanh. Vượt đèn đỏ, vượt xe tải, đánh võng trước đầu xe buýt, chạy vào làn đường xe bốn bánh, luồn phía trong mấy cái xe hai bánh theo hình chữ chi….Phương càng rút người lại, bấu chặt vào càng xe phía sau, miệng rên rỉ:
- Anh làm ơn chạy chậm giùm, đừng lấn đường vượt ẩu, tội nghiệp tôi, tôi bị bệnh tim.
Gã chẳng nói chẳng rằng, coi như không nghe, tiếp tục lao nhanh, miệng la bài hãi mấy người chạy song hành ”tránh ra”. Phương xuống nước năn nỉ tiếp:
- Anh ơi, coi như tôi không trả giá, tôi sẽ trả cái giá anh ra, anh làm phước chạy cẩn thận, tôi còn cha mẹ già dưới quê.
Nói đến đó, tự dưng Phương ứa nước mắt, nghĩ đến chuyện không may xảy đến thì còn gì đời ta, tuổi trẻ, gia đình, tương lai…”Thân này là mẹ cha cho”, tự nhiên chỉ vì tiếc mấy đồng bạc mà trả giá, bây giờ gã quăng quật mình như cái bị bông, nhỡ bị tai nạn thì thật là lãng nhách….Vừa năn nỉ, vừa rên rỉ, vừa tủi thân, vừa ân hận vì lỡ “trả giá đắt” quá, biết vậy lúc hắn năn nỉ đi xe mình cứ làm mặt lạnh ráng đợi chuyến xe buýt tới, vừa rẻ vừa an toàn. Cho chừa cái tội thấy ai năn nỉ cũng động lòng trắc ẩn, giờ ai thương mình.
Nghe Phương lạy lục, hắn càng làm già. Đàn bà con gái khổ vậy đó, yếu bóng vía nên dễ bị bắt nạt. Nếu là một thanh niên đi xe ôm chắc hắn không dám làm như vậy đâu nhỉ. Phương chỉ còn biết nhắm mắt lại mà cầu trời khấn phật cho mau tới nhà. Vừa quẹo cua vào đầu đường nhà Phương, hắn mở miệng hỏi cộc lốc:
- Tới chưa?
- Anh cứ chạy đi khi nào tới tôi nói.
Cứ đi một đoạn ngắn hắn lại gắt:
- Tới chưa?
Trời ạ, con đường chỉ non cây số mà hắn cứ “tới chưa” năm sáu lần. Đến lúc tới thiệt, Phương còn ngầy ngật như người say sóng, xây xẩm như chưa tỉnh “rượu”, bước xuống xe mà thân hình lắc lư như vừa đi “biển mồ côi”. Đưa trả đúng số tiền hắn ra giá ban đầu, vậy mà hắn còn hạch:
- Hồi nãy là giá đầu đường, còn đây cuối đường, xa quá phải trả thêm. Biết gặp xe ôm giang hồ, Phương lẳng lặng rút thêm số tiền hắn đòi, thầm tự an ủi: “còn người còn của, đến nhà an toàn là phước đức lắm rồi”. Và thề, không bao giờ đi xe ôm nữa.
Nhưng thề là một chuyện, mà thực hiện lời thề là chuyện khác. Cũng phải đi xe ôm nhiều lần nữa chứ ít ỏi gì khi mà cái xe máy cà tàng càng già càng hay trở chứng vẫn chưa có tiền để tút tít lại hay đổi xe khác. Chắc trời còn thương người lành, nên những lần sau không còn gặp ai bặm trợn như gã xe ôm lần đó. Một lần khác Phương đi xe của một chú xe ôm già( nghe cách Phương dùng đại từ nhân xưng là biết ngay cô trọng người ấy thế nào), với chiếc xe chắc cũng già như chú. Rút kinh nghiệm đau thương của lần hú hồn hú vía trước, Phương cẩn thận nhìn mặt trước khi chủ động gọi xe ôm, chứ không để xe ôm gọi mình nữa. Thấy Phương đang lơn tơn ra đầu hẻm, chú giơ ngón trỏ lên, như ngầm hỏi ”đi không”. Nhìn gương mặt già nua quắt queo, Phương tội nghiệp, thôi cứ đi cho người ta kiếm sống, Phương hay thương người mà. Người già thường chạy chậm chứ không tốc tốc như cánh trẻ, hợp với bản tính chậm chạp của Phương. Chú chạy chậm thiệt, Phương chạy đã chậm mà chú còn chậm hơn, chậm dưới bốn chục kilomet giờ. Vì chú ý thức mình là lao động chính, đang còn phải nuôi một vợ bệnh và hai con đang học đại học( chậc, người chồng người cha vĩ đại). Bao nhiêu cực nhọc đổ lên tấm thân còm cõi của chú, dù trời nắng hay mưa, dù trời khuya hay sáng. Phương nghèo, mà nghe ra tình cảnh chú còn nghèo hơn gấp bội, đáng thương thay. Bộ dạng tiều tụy nên trông chú già hơn tuổi, mà những người nghèo chạy ăn từng bữa thì có mấy ai trẻ đâu. Ngồi sau lưng, nhìn cái áo rách vá chằng, nhìn cái nón bảo hộ dán băng keo chỗ nọ chỗ kia, rồi nhìn cái chai nước lã cáu bẩn, mà cám cảnh cho nhiều phận đời. “Kẻ ăn không hết, người lần không ra” là đây. Xem ra mình còn sướng hơn chú rất nhiều .Phương chợt nhớ đến một câu nói:
Nhìn lên thì chẳng bằng ai,
Ngó xuống thì thấy chẳng ai bằng mình.
Và lần đó về, Phương không còn dị ứng với cánh xe ôm nữa, hiểu rằng nghề gì cũng có người tốt người xấu, hôm nào xui thì gặp ác ôn, hôm nào hên thì gặp hiền lành, giá nào đi cũng được, chẳng kỳ kèo. Tánh Phương ngộ lắm, chỉ cần chút xíu dễ chịu bắt gặp trên đường là Phương cảm thấy nhẹ nhõm, vui vẻ trọn cả ngày. Vậy sao người ta không đối xử nhau dịu dàng, độ lượng đi, hằn học, ác độc nhau làm chi? Mỗi lần có điều gì vui vui, Phương thường hay nổi hứng nghêu ngao hát, chỉ một câu này thôi:
- May mà có em, đời còn dễ thương.(*)
Dù chú xe ôm đáng tuổi chú, không phải đáng tuổi …em.
21/9/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(*)Bài hát “Còn chút gì để nhớ” , thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc.