Giấc mơ Anh
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến một thành ngữ rất quen thuộc, “giấc mơ Mỹ”, mỗi khi nói về xứ Cờ Hoa, một vùng đất được mệnh danh “thiên đường hạ giới”, “miền đất hứa”, bởi chỉ duy nhất ở đây, cơ hội đổi đời là có nhiều hy vọng nhất, nơi mà những ước mơ của người từ xứ khác đến, có thể dễ dàng trở thành hiện thực nhất.
Nhưng “giấc mơ Anh” của tôi thì không hề liên quan, càng chẳng có ý nghĩa gì giống với giấc mơ Mỹ kể trên. Đây đúng là giấc mơ (nghĩa đen) của riêng mình tôi. Vì rằng, hồi nào đến giờ, tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ du lịch Anh quốc. Nước Anh là một ốc đảo của Châu Âu, đứng lẻ loi tách biệt, lại không ký hiệp ước miễn visa trong khối Schengen (chỉ một visa có thể thông quan toàn khối), nên nếu có dịp du lịch Châu Âu, tôi cũng không thích chỉ đến duy nhất một nước Anh như thế này. Thời may có con cái sang làm việc, tôi được dịp đến Anh những ba tháng, là điều bất ngờ mà trước đó tôi không hề nghĩ đến. Mãi đến lúc đã yên vị trên phi cơ Vietnam Airlines bay trực tiếp, lòng tôi vẫn còn lâng lâng như đang bay trong mây.
Vương Quốc Anh, một đất nước rất quen, quen lắm. Quen, vì nơi ấy là quê hương của một ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới. Theo thống kê, hiện nay có trên 4 tỷ người đang sử dụng tiếng Anh, bỏ xa ngôn ngữ phổ thông thứ nhì là tiếng Hoa (1,5 tỷ), và tiếng Pháp (1 tỷ); là ngôn ngữ mà khi bước chân vào trung học, tôi đã chọn làm sinh ngữ chính; là ngôn ngữ mà ngoài tiếng mẹ đẻ, tôi đã làu làu tính ra đã hơn năm mươi năm, để rồi hôm nay, khi tuổi đã bước sang “bên kia đồi”, đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân lên mảnh đất đã sản sinh ra nó.
Tôi thích lạnh. Không khí lạnh của Châu Âu là một trong những điều mà những người xứ nóng luôn xuýt xoa thèm muốn. Tôi cũng thích tuyết, cái không gian tuyết dày trắng xóa, tuyết rơi mùa đông của ngày lễ hội cuối năm sao lung linh huyền ảo thế. Nên khi đi Anh, tôi đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên vì ý thích chọn dịp cuối thu đầu đông của mình, họ thương hại cho suy nghĩ “điên rồ” này (nhất là dân bản xứ, những người thường phải đi trốn mùa đông). Hà hà, cũng nên ít nhất một lần trong đời hưởng thụ cái thú tuyết sương băng giá cho biết với đời chứ.
xxxxxxxxxxxxxxxxxx
Đúng ngày (16/10/2017) tôi đáp xuống cảng hàng không Heathrow Int’l Airport (cách London 24km, là sân bay nhộn nhịp nhất Vương quốc Anh, lớn nhất Châu Âu, một trong 10 sân bay tốt nhất thế giới), cơn bão Othelia mạnh nhất kể từ năm 1961 quét qua Anh làm cho bầu trời London đỏ rực kỳ lạ, cộng thêm những cơn cháy rừng từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lan sang làm cho xứ sở sương mù càng thêm mù sương trong giá lạnh 10 độ C. Tính theo múi giờ GMT thì Anh đi sau Việt Nam 6 tiếng vào mùa hạ (đổi giờ cuối tháng 3 hàng năm) và 7 tiếng vào mùa đông (đổi giờ cuối tháng 10 hàng năm).
Trước khi London có cái tên ngắn gọn dễ nhớ này, đã từng mang nhiều tên khác: Londonium, Ludenwic, Lindeburg. Không hổ danh đế quốc, Vương quốc Anh là nền kinh tế đứng thứ năm thế giới, thứ hai Châu Âu (sau Đức), và thủ đô London là một trong ba trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới (sau New York, Mỹ và Tokyo, Nhật Bản). Nếu có dịp tìm hiểu sâu hơn về nước Anh, người ta sẽ hiểu tại sao đất nước này đã từng vang danh thế giới với một câu ví von hóm hỉnh: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.
Di sản thế giới tại thủ đô London
Ngày đầu tiên đến Anh, chẳng cần nghỉ ngơi sau chặng bay trực tiếp dài đến hơn 13 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã háo hức muốn đi tham quan thủ đô ngay. London đã không phụ lòng “người thương mến”(là tôi), mới chỉ loanh quanh chút chút thôi, tôi đã có dịp chiêm ngưỡng đến bốn di sản hoành tráng của thế giới:
1/ Greenwich (di sản thế giới 1997), bao gồm quần thể Đài quan sát Hoàng gia (Royal Observatory Greenwich), kinh tuyến gốc Greenwich (Prime Meridian), công viên Greenwich (Greenwich Park), Bảo tàng Hoàng gia Greenwich (Royal Museum Greenwich), Bảo tàng ven biển (National Maritime Museum) và trường Cao đẳng Hải Quân Hoàng Gia (Old Royal Navy College). Đây cũng chính là địa điểm mà tôi nôn nóng muốn đến thăm đầu tiên. Giờ GMT (Greenwich Mean Time) của thế giới được tính từ cột mốc zero này đây. Biết “GMT” từ thời trung học (1966- 1973) mà đến tận bây giờ mới lần đầu “diện kiến”, được tận mắt thấy đường vạch kinh tuyến gốc Greenwich, được tận tay sờ đường ranh phân chia hai nửa đông tây của thế giới, và được “dẫm” lên đường kinh tuyến gốc màu vàng cam, mới cảm nhận sự sung sướng là như thế nào. Cảm giác đầu tiên bao giờ cũng “đã” mà! Chúng tôi đi tới đi lui, đi từ ...đông sang tây, rồi lại nhảy từ tây sang đông, tưởng tượng như mình đã ....chinh phục được nguyên một vòng trái đất rồi đó. Hết nhảy qua nhảy lại đường ranh, tôi lại tò mò dò dẫm ngón tay, tên những thành phố của các quốc gia trên thế giới được kê dọc theo kinh tuyến gốc, được ghi số độ rất chính xác. Việt Nam được định vị hai điểm: Hà Nội và Saigon, tọa độ 106 độ đông. Đài quan sát hoàng gia (Royal Observatory Greenwich) sát ngay cạnh đường kinh tuyến zero, ngoài những dụng cụ đo đạc về thiên văn từ cổ xưa lúc ngành còn sơ khai, còn là nơi trưng bày một thiên thạch cổ nhất (4,5 tỷ năm) còn lưu giữ được, khắp nơi trên tường đài quan sát là những chú thích chi chít về lịch sử ngành thiên văn học, nơi sự hiểu biết về thiên văn được hình thành, phát triển và bảo tồn....
2/Royal Botanic Gardens Kew (di sản thế giới 2003), (vườn thực vật hoàng gia Kew) thành lập năm 1759, Kew là “nhà” của hầu hết những loại thực vật trên trái đất được phát triển trong mọi địa hình, mọi điều kiện khí hậu, sinh thái. Đặc biệt The Hive, được kiến trúc như “tổ ong” khổng lồ cao 17 mét, cho du khách trải nghiệm về một thế giới đầy màu sắc, đầy âm thanh vo ve đặc trưng của loài ong, vô cùng sinh động, ấn tượng.
3/Tower of London (di sản thế giới 1988): là một trong những tòa lâu đài nổi tiếng nhất thế giới. Tên chính thức của tòa nhà này là “Her Majesty’s Royal Palace Fortress the Tower of London (cung điện Hoàng gia Nữ hoàng Pháo đài Tháp London) được xây dựng gần ngàn năm trước (1078), là một ví dụ điển hình về kiến trúc quân sự Norman trong thời kỳ người Norman (người Vikings đến từ vùng phương bắc Scandinavia, lập ra lãnh thổ Normandy) chiếm đóng Anh quốc. Có nhiều huyền thoại xung quanh Tháp Luân Đôn, trong đó có huyền thoại “ma ám” (từ năm 1100, đây là một nhà tù khổ sai, nơi giam giữ và hành hình, tra tấn các tù nhân quý tộc của hoàng gia, trong đó nổi tiếng nhất là Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất). Đây cũng là một dinh thự Hoàng gia hơn 900 năm, là pháo đài, là nơi gìn giữ những trang sức quý giá (từ 1303, tất cả các vương miện (Crown Jewels) của Hoàng gia được lưu giữ tại đây), là xưởng đúc tiền (Royal Mint), lại có một…vườn thú, hiện diện gần như đầy đủ những loài động vật, thực vật phong phú. Đến giữa thế kỷ 20 mới chuyển đổi công năng thành đài quan sát. Đây là tòa lâu đài có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Anh, với sự uy nghiêm sừng sững bên cạnh sông Thames và cầu tháp Tower Bridge hùng vĩ.
4/ Cung điện và tu viện Westminster (di sản thế giới 1987).Tất cả các vị vua và nữ hoàng của Vương quốc Anh đều được trao vương miện, làm lễ đăng quang tại tu viện Westminster hơn 700 năm tuổi này. Đây là ví dụ điển hình về kiến trúc Gothic thời trung cổ (1035 năm tuổi, thế kỷ 11). Còn cung điện Westminster (Palace of Wesminster) là Quốc Hội Anh từ thế kỷ 13 (Home of Parliament since the 13th century) cho đến hiện tại. Nhà thờ thánh Magaret cũng nằm trong quần thể Westminster được công nhận di sản.
Biểu tượng London
Và cũng chỉ cần loanh quanh trong thủ đô, nhất định bạn phải đến thăm nhiều nơi khác, lừng danh đến nỗi khi nhắc về nước Anh, bắt buộc phải nhắc đến chúng. Ta gọi đó là biểu tượng.
1/ Sông Thames (River Thames): dài 346km, là dòng sông hội tụ bởi bốn con sông nhánh từ vùng Cotswold, Gloucestershire, sau đó đổ ra Biển Bắc (North Sea), là dòng sông quan trọng nhất của Anh, cung cấp nước chính cho London. Thames góp phần làm đẹp thêm cho thủ đô nhờ vẻ dịu dàng, mềm mại uốn lượn quanh co. Có hơn 200 cây cầu và 20 đường hầm dọc suốt con sông, nhưng nổi tiếng thì chỉ có vài: London Bridge, Tower Bridge, Westminster Bridge, Waterloo Bridge, Vauxhall Bridge, Chelsea Bridge.....
2/ Cầu London (London Bridge): là cây cầu được xây đầu tiên bắc ngang sông Thames, nên dễ nhớ nhất và nổi tiếng nhất, lại được “minh họa’’ bằng bài hát ru em (nursery rhymes) rất dễ thương có từ vài trăm năm trước, trẻ em Anh (và cả trẻ em thế giới xem các kênh hoạt hình của Anh) nào mà chẳng thuộc như một bài đồng dao:
London bridge is falling down, falling down, falling down
London bridge is falling down, my fair lady....
3/ Cầu tháp London (Tower Bridge): thì nổi tiếng vì đẹp nhất. Người ta thường nhầm lẫn hai cây cầu này, London Bridge và Tower Bridge vì chúng gần nhau, từ cầu này có thể trông thấy cầu kia, và ngược lại. Nếu London Bridge nổi tiếng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Thames, thì Tower Bridge nổi tiếng vì nằm ngay cạnh Tháp London (Tower of London), nên có tên Cầu Tháp. Tower Bridge là cây cầu đặc biệt nhất trong số hàng trăm cây cầu bắc ngang Thames. Cây cầu treo này vắt ngang sông Thames với nét đẹp vô cùng kỳ vĩ. Được xây dựng trong vòng 8 năm (từ 1886 đến 1894) với kiến trúc Gothic, gồm hai tòa tháp nối nhau bằng một lối đi ngang, được thiết kế vững chãi để chịu được lực treo hai bên đầu cầu. Đây cũng là cây cầu nâng (cầu mở) duy nhất, là cây cầu nằm ở vị trí cuối cùng trong địa phận thành phố. Đến Cầu Tháp, không thể không mua vé để bước vào glass floor walkways trong suốt, với độ cao 45m trên sông Thames, nơi được quảng bá là “đủ khỏe cho một con voi và hai chiếc taxi bước lên cùng lúc” (The glass floors are strong enough to support an elephant and two taxis!), nơi có thể bước an toàn trên mặt kính nhìn xuống dòng Thames bên dưới với vô số tàu bè qua lại, những chiếc xe bus hai tầng màu đỏ, những chiếc xe taxi màu đen đặc trưng của London, những dòng người đang lũ lượt qua lại, và dĩ nhiên, du khách tận hưởng cái cảm giác thật đặc biệt: vừa thú vị vừa …sợ run. Cầu được vận hành (đóng, mở) từ phòng điều hành “Victorian engines” ngay sát cạnh chân cầu. Năm 1968, một phi công lái máy bay phản lực FGA 9 đã bạo gan chui qua giữa tầng glass floors và cầu đi bộ để trải nghiệm “cảm giác mạnh”, ông này đã bị bắt ngay khi máy bay vừa đáp xuống.
4/ Tháp đồng hồ Big Ben: có bề dày lịch sử 150 năm, là một trong những điểm nhấn ấn tượng trong các biểu tượng. Tên Big Ben là sự kết hợp từ nick của quả chuông nặng 13 tấn được treo bên trong tháp (tên gọi chính thức là Great Bell) và tên của người ra lệnh đổ tiếng chuông đầu tiên Benjamin Hall. Chiếc đồng hồ nổi tiếng này chạy chính xác đến nỗi trải dài hàng trăm năm không sai một giây, chỉ duy nhất một lần (năm 1945), một đàn chim sáo đậu lên cây kim chỉ phút khiến nó bị chậm đi năm phút. Trong thời gian tôi lưu trú tại Anh, Big Ben đang được đại tu nên không có dịp chiêm ngưỡng nét đẹp ngạo nghễ vươn cao của nó. Một khi xuất hiện trở lại, nó sẽ càng sáng lên vẻ rực rỡ, uy nghi, và vẫn sẽ chính xác đến từng khắc từng giây như nó đã từng, tôi chắc thế.
5/ Vòng quay thế kỷ “Mắt London” (London Eye): Chính thức mở cửa từ ngày 9/3/2000, năm đầu tiên của thiên niên kỷ, nên London Eye được mệnh danh là vòng quay thế kỷ. Là vòng quay quan sát lớn thứ 4 thế giới với bánh xe khổng lồ cao 135m, gồm 32 ô khoang lồng kính có thể chứa đến 25 người cùng lúc (được đánh dấu đến con số 33, vì không có ô số 13), tượng trưng cho 32 quận của London. Bánh xe khổng lồ này không dừng lại đón khách mà quay chầm chậm với tốc độ (0,9km/h) đủ để khi tiếp đất, du khách có đủ thời gian bước vào bên trong ô ngồi. Mất khoảng 30 phút để hoàn thành một vòng quay.
London Eye là một biểu tượng không thể thiếu trong cụm biểu tượng của London. Tóm lại, tất cả các biểu tượng này nằm xúm xít dọc dài sông Thames:
-Tháp đồng hồ Big Ben,
- Cầu tháp ( Tower Bridge),
-“Mắt Luân Đôn” (London Eye).
Và hai di sản:
-Tháp Luân Đôn (Tower of London),
-Tòa nhà Quốc hội và tu viện Westminster (The Home of Parliament and Westminster Abbey).
Ngoài ra, những công trình nổi tiếng khác gần đấy càng làm cho London thêm sắc màu:
-Warner Bros Studio, nằm cạnh London Eye, là nơi sản xuất ra những bộ phim nổi tiếng nhất ai cũng biết (the making of Harry Porter, Shrek Adventure….).
- Tòa nhà Shard (nghĩa mảnh vỡ) cao nhất Châu Âu (tallest building in Western Europe) 310 mét, hoạt động từ 2013, đỉnh cao ngắm toàn cảnh London hoàn hảo nhất.
- Shakespeare’ Globe Theatre, nhà hát mang tên nhà thơ vĩ đại nhất nước Anh William Shakespeare (1564-1616).
- City Hall hình quả trứng, văn phòng Thị trưởng London.
- Tòa nhà Gherkin: một cao ốc văn phòng, có hình dáng như trái dưa chuột ngâm dấm (nghĩa của từ gherkin trong tiếng Anh) cao 180 mét, hoạt động từ 2002.
- Chiến hạm HMS Belfast neo trên sông Thames: nằm gần cầu tháp Tower Bridge, là con tàu thuộc Hải Quân Hoàng Gia (Royal Navy Floating War Museum) từng tham gia thế chiến thứ hai, nay là bảo tàng, vào đây sẽ được nghe những câu chuyện có thật, cũng như được quan sát, tìm hiểu cuộc sống trên tàu thời chiến tranh.
- Nhà thờ chính tòa St Paul’s (St Paul’s Cathedral): tọa lạc trên đồi Ludgate, điểm cao nhất London. Với mái vòm đặc trưng cao 111m theo phong cách Baroque, nơi đây thường diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như đám cưới (thái tử Charles và công nương Diana), đám tang (thủ tướng W. Churchill, thủ tướng M. Thatcher….), lễ mừng sinh nhật lần 90 của Nữ hoàng Elizabeth II (2016) và mới nhất là đại lễ kim cương của vợ chồng Nữ hoàng (2017)..…. Ngày 25/12/2017 (Giáng Sinh), chúng tôi có dịp vào nhà thờ nghe hát thánh ca (carol) miễn phí, được dịp may hiếm có trong đời chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong nhà thờ danh tiếng bậc nhất thế giới này. Chỉ biết thốt lên hai từ “tuyệt vời”.
Hoàng gia
Đến Vương quốc Anh, bạn sẽ gặp và nghe rất nhiều lần từ Royal (hoàng gia): vườn thực vật hoàng gia, công viên hoàng gia, cung điện hoàng gia, thư viện hoàng gia, nhà hát hoàng gia......Điều dễ khiến du khách tò mò nhất chính là nơi sinh hoạt của Hoàng gia, một trong những đất nước hiếm hoi còn giữ thể chế quân chủ. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị (chỉ là biểu tượng của vương quốc, không tham gia chính trị) hiện đang nắm vương quyền của Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom U.K). Bà là một vị quân vương hiếm hoi “nói không với scandal”, nghĩa là không hề mang một tiếng xấu nào từ khi lên ngôi năm 1952 đến nay. Bà rất được dân chúng Anh (và thế giới) ngưỡng mộ về cuộc hôn nhân vững bền cùng hoàng tế Philip (họ kết hôn năm 1947, và vừa kỷ niệm lễ cưới Bạch Kim (Jubilee) ngày 20/11/1017). Bà cũng đang giữ kỷ lục là người trị vì ngôi báu lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.
Nơi ở chính thức của Hoàng gia là cung điện Buckingham Palace tại trung tâm London, có tổng cộng 775 phòng, nơi diễn ra lễ lên ngôi của nữ hoàng năm 1952. Đây là một trong số rất ít còn sót lại trên thế giới, những cung điện hoàng gia vẫn còn hoạt động. Thường nơi ở của Nữ hoàng là bất khả xâm phạm, nhưng kể từ năm 1993, Buckingham đã được “dân chúng hóa”, vào những tháng mùa hè hàng năm (tháng 8 và tháng 9), State Rooms của cung điện sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan nhằm tăng nguồn thu ngân sách quốc gia. Điều làm cho du khách háo hức chờ đợi là được xem nghi thức đổi gác nổi tiếng (the famous Changing The Guard) diễn ra trong khoảng từ 11-11.30 am mỗi ngày. Người ta có thể nhìn số lính gác trước cổng chính cung điện mà biết Nữ hoàng đang có mặt trong cung (bốn lính gác) hay vắng mặt (hai lính gác).Trong khi đổi gác có kèm đội quân nhạc, nên phiên đổi rộn ràng, vui tươi, chứ không chỉ là những vệ binh với những bước chân cứng nhắc buồn tẻ. Gần sát bên cung điện Buckingham là The Royal Mews (chỗ nuôi ngựa), Horse Guards Parade (thao trường kỵ binh), The Household Cavalry Museum (bảo tàng kỵ binh) và Queen Gallery (phòng trưng bày). Trước cổng chính của Cavalry Museum, vào số giờ cố định, cũng diễn ra nghi thức đổi gác, thu hút sự chú ý của mọi người ngang qua đây. Một điều lý thú du khách có thể bất chợt nhìn thấy trên đường là những chàng cảnh sát cưỡi ngựa dong ruổi đi nước kiệu (cảnh sát cưỡi ngựa đi tuần rất phổ biến ở Anh, nhất là xung quanh cung điện Buckingham). Còn một bất chợt khác lại làm du khách chạnh lòng, nhớ đến cố công nương Diana, vợ cũ của Thái tử Charles, người rất được dân Anh yêu mến, tử nạn năm 1997 trong đường hầm eo biển Manche nối Anh và Pháp. Trên con đường bộ hành trước mặt cung điện, có một viên gạch nhỏ, chỉ một viên gạch nhỏ, lẻ loi và độc nhất, khắc dòng chữ: Memorial Walk, The Diana, Princess of Wales (Tưởng niệm con đường đi dạo của công nương xứ Wales, Diana).
Lâu đài Windsor, cách London 33km về phía tây (thuộc thị trấn Windsor, Berkshire) cũng là nơi ở thường xuyên của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Bà sử dụng nơi đây cho mục đích giải trí cá nhân trong những kỳ nghỉ cuối tuần. Windsor vừa là pháo đài (nghĩa nguyên thủy, castle-fortress là pháo đài, chứ không phải lâu đài), vừa là nơi cư ngụ của Hoàng gia, là nơi thiết triều, là cung điện nguy nga, và đôi khi còn là nhà tù giam giữ những hoàng thân quốc thích phạm tội. Đây là tòa lâu đài lớn nhất và cổ nhất thế giới còn có người ở. Diện tích lâu đài 45 km2, có từ thời triều đại vua thứ nhất William I Conqueror (lên ngôi 1066). Các triều đại sau: vua Henri II (năm 1154), Henri VIII, nữ hoàng Victoria đệ nhất ...nối nhau xây dựng từ 1200, đến nay hơn 900 năm vẫn vững bền cùng thời gian. Cũng như Buckingham, Windsor mở cửa cho du khách tham quan mỗi ngày (đến 16 giờ chiều), và cũng chỉ tham quan được một số phòng (không được chụp hình bất cứ phòng nào) như phòng khánh tiết, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vẽ của nữ hoàng, phòng đọc sách, thư viện, phòng khiêu vũ của hoàng gia..., Windsor cũng được xem là thư viện hoàng gia (Royal Library), là nơi tập trung lớn nhất những bức danh tác cổ của những nghệ sĩ lớn như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Holbein….. Mọi phòng đều được trang hoàng với những tác phẩm hội họa tuyệt mỹ, những hoa văn điêu khắc trên trần nhà, trên khung cửa sổ, rất hoành tráng. Lâu đài đánh dấu sự hiện diện của Nữ hoàng như sau: nếu Nữ hoàng vắng mặt, trên đỉnh cao nhất của lâu đài sẽ treo lá cờ quốc gia, còn khi Nữ hoàng lưu trú, lâu đài sẽ treo lá cờ hoàng gia. Vào Windsor, hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị và Hoàng tế Philip hiện diện khắp nơi, những bãi cỏ, ghế đá đều ghi chữ “Jubilee”, đánh dấu ngày kỷ niệm đám cưới bạch kim của vợ chồng Nữ hoàng vừa diễn ra trước đó không lâu. Điều này không lấy làm lạ tại sao những dòng người xếp hàng rồng rắn, đợi cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt mà người ta vẫn hồn nhiên kiên nhẫn để được vào chiêm ngưỡng tòa lâu đài, qua hơn 900 năm vẫn vững bền cùng thời gian.
Trong khuôn viên rộng lớn của lâu đài, du khách còn có thể tham quan tu viện thánh George (St George’ Chapel), tên một vị thánh hộ mệnh của Hoàng gia Anh. Tu viện này là nơi diễn ra các lễ tấn phong, lễ cưới, lễ rửa tội...cho các thành viên Hoàng gia.
Và nếu có đến thăm Windsor, du khách đừng quên tham quan trường trung học tư thục Eton nổi tiếng ven bờ sông Thames hợp lưu với sông Kennet, được xây từ thế kỷ 19 dành cho con cái các bậc đế vương danh giá, nơi mà các hoàng tử cận đại William và Harry (con công nương mệnh bạc Diana) từng theo học. Từ trạm tàu nhanh Paddington station hoặc Waterloo station ở London, ta có thể mua vé xe lửa đi khoảng 30 phút, sẽ đến trạm Windsor & Eton Riverside, là nơi có những địa điểm nức tiếng không thể bỏ qua trong hành trình khám phá nước Anh.
(Ngoài hai cung điện kể trên, Nữ hoàng còn có một nơi ở yêu thích khác là cung điện Holyrood (the Palace of Holyroodhouse) tại Edinburgh, Scotland. Là lâu đài cổ trên 500 năm, Holyrood là nơi ở chính thức của Hoàng gia (Royal Family) mỗi khi đến Scotland).
(tòa nhà Quốc Hội)
(còn tiếp)
|