Khác hẳn với những ngày trước, sáng hôm nay thì hình như nó có nhiều nôn nóng ở trong lòng, cho nên cứ muốn xách cặp sách đi tới trường sớm hơn. Dì Tư, má của nó, đang nấu nướng gì đó ở trong bếp, cũng cảm thấy làm lạ, nhưng lại không muốn hỏi, mà chỉ lên tiếng nhắc chừng nó nhớ lấy đồ ăn sáng:
- Chờ thêm chút, khoai nấu cũng sắp chín rồi. Nhớ lấy theo.
Phát Đen“Ừa” một tiếng. Không biết má của nó có nghe được tiếng “Ừa” đó hay không nữa, nhưng mà lại thấy dì Tư cúi người cầm lấy cái quạt mo, rồi ngồi chồm hổm xuống đất, quạt phành phạch trước cửa miệng lò; làm cho đám lửa bên trong đó phừng phừng cháy to thêm. Rồi dì lại đứng khòm lưng lên, dói tay ra mở nấp của cái nồi đất ở trên, trong đó có mấy khoai củ khoai lang Dương Ngọc đang sôi ùn ục. Hơi nước nóng bị ép kín ở bên trong nồi nãy giờ được dịp bùng thoát ra ngoài.
*
* *
Ngày hôm qua, sau bữa học như thường lệ, hai lỗ tai của Phát Đen đã phải lùng bùng, khi nghe được một câu chuyện lạ, từ ba cái miệng tranh nói, của ba đứa bạn học cùng lớp, nhưng khác nhà; để rồi sau đó thì tự mình nó cũng phải mang nhiều tò mò, thắc mắc ở trong đầu.
Trưa ngày đó, trên con đường đất với đá lẫn lộn đầy cát bụi bay, bởi lũ trò của trường tiểu học đang tranh nhau, tan học chạy về nhà. Phát Đen cũng đang thả bộ cùng với đám bạn; mà tụi nó thì lúc nào cũng vẫn thích ồn ào, huyên náo với những câu chuyện trên trời dưới đất nào đâu. Bỗng dưng như chợt nhớ đến một tin gì đó rất ‘ư’ là quan trọng, Hưng Mập vội vàng nhảy ngay vào, cắt ngang câu chuyện đang dang dở của một đứa nào đó kể. Hưng Mập hớn hở nói:
- Tụi mầy biết hông? Ngày mai có đoàn hát Sơn Đông đến chợ mình biểu diễn đó.
Nhà của Hưng Mập là tiệm bán tạp hóa ngay một bên đường, ở đầu chợ, cho nên tin tức gì mới lạ, thì nó cũng thường biết trước hơn tụi kia cũng phải. Nhưng mà trưa nay, chỉ cần một câu báo tin đơn giản của nó như thế, lại đủ sức làm cho mấy đứa kia cũng phải ngừng bước, im miệng, lặng tiếng, lắng tai nghe, mà còn quên phứt luôn hồi nãy, tụi nó đang nói đến cái chuyện tào lao gì nữa.
Phát Đen thì không biết hát Sơn Đông là hát cái gì? Và ở đó sẽ có biểu diễn cái gì? Cho nên sau đó nó phải lên tiếng hỏi. Sơn Oắn nheo một mắt lại nhìn, có vẻ chê nó hơi ‘cù lần’:
- Hát Sơn Đông là cái gì mà mầy cũng không biết nữa à?
Phát Đen lắc đầu. Bé Hai là đứa lớn tuổi nhất ở trong bọn, tỏ ra cũng có chút chững chạc hơn những đứa khác, giải thích cho Phát Đen biết:
- Ông nội tao có nói là múa Sơn Đông Mãi Võ. Ở chỗ đó, mấy ông đó là có võ thứ thiệt, thường hay múa võ cho người ta coi. Mấy ổng đánh gậy. Múa dao. Đánh kiếm… Dùng tay chặt một cái, bể luôn mấy cục gạch. Mấy ổng còn rao bán thuốc cho bà con mua.
Sơn Oắn thì lên tiếng cãi lại:
- Ba tao nói là hát Sơn Đông. Ở đó người ta cũng có bán thuốc, nhưng mà lại hát xiệc cho bà con tới coi. Họ dám nằm lên bàn đầy đinh mà không sợ bị đinh đâm vô lưng; họ cho người khác chém một dao vô bụng mà không sợ bị đứt bụng… Họ còn dám phóng dao vô tấm ván có người khác đang đứng ở đó nữa.
Hưng Mập cũng đồng tình ủng hộ:
- Má tao cũng nói là ở chỗ đó người ta hát xiệc hay lắm. Họ biết biến con trâu to tổ bố chui qua ống chỉ nhỏ xíu xiu. Nhưng mà ba tao thì lại nói là họ xạo, làm sao mà họ biết biến con trâu được.
- Ừa! Ba tao cũng có nói như vậy nữa. Sơn Oắn phụ thêm lời vào. - Ba tao ổng còn nói, kiếm chỗ nào ở trên cao; đứng ở đó dòm xuống thì biết là họ xạo liền.
Hết quay đầu ngó thằng nầy, rồi đổi hướng mắt qua nhìn đứa khác; chăm chú lắng nghe mà chỉ thấy ba đứa kia cứ tranh nhau tả cảnh, diễn tuồng, khiến Phát Đen cũng sắp sửa phải phát khùng, bởi những hình ảnh tưởng tượng ở trong đầu của nó cứ liên tục thay đổi. Hình như không còn đủ kiên nhẫn chỉ để đứng nghe, cuối cùng thì Phát Đen cũng phải lên tiếng hỏi:
- “Tụi mầy có đứa nào đi coi hát, hay múa Sơn Đông gì đó chưa vậy?”
Bây giờ tụi kia mới chịu im miệng trở lại. Cả đám lặng thinh đứng nhìn nhau, để rồi sau đó, có đứa mới trề môi ra dấu, có tên lắc đầu ra hiệu, còn thằng nữa thì nói nhỏ tiếng ‘Chưa’, khiến mặt mài của Phát Đen cũng phải hiện đầy những nét thất vọng trông thấy rõ. Thế là cả đêm đó, nó cứ trằn trọc để lên kế hoạch cho buổi sáng phải đi học sớm hơn thường lệ nầy…
Theo con đường đất nhỏ trước cửa nhà, lội bộ về hướng bên trái một hồi sẽ đụng phải một con đường đất khác lớn hơn, có xe lam, xe ngựa chạy qua chạy lại được. Tiếp tục trên con đường đất lớn nầy, cũng đi về phía bên trái, một lát thì sẽ gặp một con đường nhựa xuyên tỉnh chạy cắt ngang. Còn nếu như cứ tiếp tục băng ngang qua bên kia, đi tiếp tới phía trước mặt thì sẽ tiến vào khu vực của chợ cũng nằm ở bên trái.
Nhìn theo hướng của con lộ xuyên tỉnh nầy, sẽ thấy có một cây cầu sắt to ở phía bên tay phải. Còn nằm dọc theo bên kia lề đường ở phía bên tay trái, có một bãi đậu của mấy chiếc xe lôi đạp; chủ của chúng thường ngồi tập trung ở đây chờ khách. Bên cạnh đó cũng có một bãi đáp trống khác, dành cho những chuyến xe đò chạy lục tỉnh, thường xuyên ngừng lại đổ bớt khách, hoặc đón thêm người.
Phía sau của bãi đậu xe lôi, có một cái sạp ván vuông vuông, cùng cái bàn gỗ, với vài chiếc ghế đẩu nho nhỏ của dì Ba bán “Bánh Mì Xiếu Mại”. Mỗi sáng lội bộ đến trường, đi ngang qua cái sạp nầy của dì, nhìn mấy người khách đang ngồi bên cạnh bàn ăn, thấy mấy ổ bánh mì ở trên đó, cùng với mấy cái chén Xiếu Mại nóng hổi, vừa mang ra từ trong cái xửng hấp còn bốc hơi, mùi thơm quyến rũ xông ra tới tận mũi, khiến Phát Đen đôi lúc cũng phải nuốt nước miếng của mình vô trở lại.
Hướng vào cổng chợ, bắt đầu phải đi ngang qua những tiệm buôn bán nằm dọc theo hai bên đường. Dãy phố nhà ở phía bên trái nằm trên mặt đất liền, gồm nhiều tiệm buôn bán lớn, với nhiều bảng hiệu quảng cáo màu sắc sáng sủa; nhưng rồi phải đứt đoạn ra một khúc cho lối tẽ vào cổng chợ. Nơi đây có tiệm bán trà, bán bánh ngọt, có tiệm bán cà phê với hủ tiếu hay mì. Cũng có tiệm bán thuốc Tây, có tiệm may áo quần cho khách, có tiệm bán đồ điện dùng trong nhà … (Nhà của ba má Hưng Mập là một trong những căn tiệm bán tạp hóa nằm trong dãy phố bên trái nầy.)
Còn nằm dọc theo phía bên phải thì có tiệm bán than, bán cũi, bán cát, gạch với xi-măng, cũng có tiệm bán tạp hóa khác nữa… nhưng mà những căn nhà ở bên nầy thì lại có kiến trúc khá đặc biệt hơn. Một nửa cửa hàng dùng để bán buôn thì nằm trên đất liền, một nửa còn lại là nhà sàn dùng để ở, thì lại nằm cao trên mặt nước của con sông lớn chạy dọc dài ở phía sau.
Trước cửa những tiệm buôn bán ở hai bên nầy, mỗi sáng thường thấy có những nông dân từ trong những ruộng đồng lân cận. Họ chèo ghe ra, hoặc bơi xuồng tới, ghé vào bày bán nhanh những thúng rau, rỗ cải, hoặc trái cây tươi, hoa quả mới thu hoạch, trước khi phải vô tiệm, hay vào chợ mua sắm thêm nguyên liệu, vật dụng, đồ dùng khác mang về.
Sau khi đi qua khỏi dãy tiệm đầu tiên, quẹo trái là tiến thẳng vào hướng của chợ. Bên ngoài cổng chợ có những gian hàng lộ thiên không mái che. Những bạn hàng nơi nầy thì buôn bán cá tôm tươi, hay gà vịt sống… thường tụ về một bên phải; những người quảy gánh bán hàng ăn uống như sôi, chè, khoai, bắp… thì gom thành một nhóm ở bên trái. Đi vào bên trong nhà lồng chợ, nơi có mái cao chống nắng, che mưa thì sẽ gặp ngay những quày bày bán thịt tươi, hay những gian hàng trưng bày đồ khô, ngũ cốc, lúa gạo, hoặc bột đường...
Đi xuyên qua nhà lồng chợ, bước tới cổng sau, sẽ thấy có một bãi sân trống khác cũng khá lớn; thường ngày thì không thấy có ai tụ tập mua bán gì ở nơi nầy. Qua hết sân sau của chợ có con đường đất nhỏ, chạy xuyên không ngoằn ngoèo; nhưng cứ nếu tiếp tục đi đến cuối đường, thì sẽ tới được phía sau sân trường.
Những đứa học trò của trường tiểu học nơi nầy, áo quần thường chỉnh tề vào mỗi sáng, thì không có đứa nào muốn bịt mũi đi qua nơi bày gà vịt sống, hay phải kéo ống quần lên cao, để bước ngang qua những hàng cá tôm tươi, mà mặt sân thì lúc nào cũng luôn ẩm ướt, và cũng không muốn lội bộ xuyên qua những quày hàng trong nhà lồng chợ lúc đó thì đèn vẫn chưa đủ sáng. Chúng sẽ đi ngang qua bãi đậu xe lôi, đi qua khu tạm ngừng của những chuyến xe đò lục tỉnh, hướng đến một con đường khác nằm song song với con đường dẫn tới chợ. Con đường nhựa đá với đất vẫn thường hay lẫn lộn nầy, thì tương đối nhỏ hơn so với con đường xuyên tỉnh, với lại không có nhiều xe cộ chạy qua, cho nên nếu đàng hoàng đi trên đó, thì đứa nào cũng sẽ an toàn tới được cổng chính của trường trước ba hồi trống đánh.
(Thế mà có những buổi sáng phải lội bộ đi học một mình, nhìn quanh không thấy có đứa bạn nào cùng trường xuất hiện trên đường, Phát Đen chắc chắn sẽ chọn ngay lối ‘phóng nước đại’, để chạy xuyên qua nhà lồng chợ nầy đến trường, vì nghi rằng mình sắp trễ giờ đến lớp.)
*
* *
Đúng như dự tính trước, sau khi bỏ hai củ khoai còn nóng hổi vô trong túi sách, Phát Đen đã vội vàng bước ngay ra cửa. Má của nó có đứng lên đưa mắt nhìn theo, chờ đến khi nó khuất bóng thì dì Tư mới ngồi xuống, trở lại với công việc của mình ở trong bếp. Dì phải chuẩn bị cơm nước với đồ ăn trưa mang ra cho dượng Tư đang ở ngoài đồng, rồi sẽ ở lại đó với chồng lo xong việc đồng áng, đến xế chiều mới trở về nhà.
Bên ngoài, đường vắng, chưa có bóng dáng của một đứa học trò nào khác, thế mà Phát Đen đã phải vội vàng như sắp sửa trễ giờ đến lớp. Thoát ra khỏi cửa là nó chạy một lèo trên con hai con đường đất, đá quen thuộc để tới được ngã tư, nơi phân chia với con đường nhựa xuyên tỉnh, mà ngừng lại thở lấy hơi.
Từ bên nầy đường, chợt nghe được tiếng trống đánh kêu ‘tùng, tùng, tùng…’, cộng thêm với tiếng gõ phèng la ‘xèng, xèng, xèng…’ đang cùng nhau phát lên từ phía bên kia đường, trong khu vực chợ, lại làm tăng thêm sức mạnh cho Phát Đen. Nó không còn thấy hụt hơi như hồi nãy, mà cũng quên luôn những cơn thở khì khì, khào khào, như con ngựa sùi bọt mép trong trường đua đang chạy nước rút. Phát Đen tiếp tục băng ngang qua đường.
Sắp bước vào cổng chợ mà vẫn chưa nhận ra được ở nơi nào là hát hay múa Sơn Đông gì đó, Phát Đen nhìn vô nhà của Hưng Mập, hi vọng gặp được thằng bạn nầy để hỏi thăm, rồi cũng sẽ ‘rũ rê’ đi cùng, nhưng lại không thấy bóng dáng nào quen thuộc.
- “Hay là thằng Hưng Mập cũng đang ở chỗ đó coi hát xiệc? Với thằng Sơn Oắn? Với thằng Bé Hai nữa cũng không chừng”
Phát Đen đoán ở trong bụng của mình là như vậy, cho nên nó tiếp tục chạy thẳng vào nhà lồng chợ để tìm. Có tiếng ai đang nói to, phóng qua cái loa miệng, phát ra từ bãi sân trống ở phía sau của nhà lồng chợ, mà nó chỉ thoang thoáng nghe không rõ lời. Rồi lại có tiếng trống đánh, cộng với tiếng gõ phèng la nghe được, đang đồng loạt phát ra, cũng từ nơi đó… Phát Đen vui hẳn lên trong lòng.
Phía sau của nhà lồng chợ thì đông ngẹt người với người. Trên cái sân trống của những ngày trước đó, họ đang vây quanh một cái lều trắng cũ, được dựng sát một bên vách của chợ để che nắng. Những người lớn tuổi, đa số là đàn ông, thanh niên thì đang đứng thành mấy vòng ở bên ngoài. Có chú thì đang đứng khoanh tay trước ngực, có bác thì để hai tay trong túi của chiếc áo bà ba. Nhưng cũng có mấy dì muốn đi buôn xa, vẫn còn kẹp cái rỗ trống bên hong… đứng nhìn, cũng có mấy thiếm muốn vô chợ mua thức ăn mang về, mà vẫn còn cái túi 'cà-gòn’ xẹp lép cầm trên tay… đứng ngó.
Trên gương mặt của mọi người vẫn còn hiện rõ những nét hứng thú, nhiều thỏa mãn với một màn biểu diễn nào đó đã xãy ra, trước khi Phát Đen có thể chen chân len vào đám đông, tìm được một chỗ đứng ở phía trước. Thì ra là đám con nít cùng trang lứa, (có đứa thì nhỏ tuổi hơn, nhưng cũng có đứa khác thì tác to hơn nó) bây giờ thì Phát Đen mới phát hiện là bọn chúng cũng đang ngồi chồm hổm, vây quanh thành hình bán nguyệt ở phía trước, đối diện với căn lều.
Ngay bên dưới cái lều trắng, có một người đàn ông trung niên đang cầm cái loa tay phát thanh trước miệng. Ông ta đang nói to, quãng cáo một thứ thuốc nào đó với mọi người. Trước mặt ông có mấy cục gạch tiểu đã được sắp xếp thành hàng, đàng hoàng trên mặt đất. Một dàn giáo dựng nào là côn với trượng, nào là dao với kiếm cũng ở bên cạnh.
Phát Đen nhìn quanh nhưng không thấy có đứa nào khác trong bọn đang có mặt ở đây. Nó cũng không thấy có con trâu đen nào ở đâu, như lời của Hưng Mập diễn tả; mà cũng không biết được cái bàn đầy đinh như Sơn Oắn đã nói đang để ở chỗ nào. Chắc đây mới đúng là câu chuyện Sơn Đông mãi võ như Bé Hai đã kể.
Phát Đen nghe được tiếng đối đáp của hai người đàn ông lớn tuổi đang đứng ở phía sau lưng mình; họ đang bình phẩm với màn biểu diễn võ thuật hồi nãy. Một người có bộ râu mép hai bên chạy dài xuống hợp cùng chùm râu ở càm nói:
- Thằng nhỏ đánh phèng đó giỏi thiệt. Nó múa trọn bài Nam Sơn Quyền, tấn thủ không sai một bước nào hết
Người kia, không có râu, cũng góp ý:
- Nó đá liên hoàn cước cũng khá hay. Chắc nó là con trai, hay là học trò ruột của ông thầy võ đang rao bán thuốc ở đó cũng không chừng.
Phát Đen nhìn đứa nhỏ cùng trang lứa, đang ngồi đối diện với nó, phía bên phải của căn lều. Trên tay của đứa nầy đang cầm một cây gõ để sẳn sàng khua vào cái phèng trước mặt. Còn ở phía trái căn lều, lại có một thanh niên khác đang đứng thẳng người, trong tay của anh ta cũng đang nắm giữ hai dùi cây để nằm yên trên mặt trống. Phát Đen cảm thấy ngưỡng mộ đứa nhỏ đánh phèng la kia, cho dầu chưa xem được màn múa võ hồi nãy như thế nào; bởi vì trong lòng của Phát Đen đã từng mơ ước có ngày nó cũng được biết… đánh võ. Nhớ đến những giờ ra chơi, trong một góc trên sân trường, bọn bốn đứa của tụi nó cũng từng chia thành hai nhóm múa chân, múa tay như những người kép… cải lương, hay hát bội.
Hai người đàn ông khi nãy vẫn đứng nơi đó nói tiếp. Ông lão có râu nói
- Một chút nữa, ông thầy võ đó sẽ múa cây cho coi.
Người kia hỏi:
- Cây trượng dài hay cây đòn ngắn?
- Cây ngắn. Ổng múa bài ‘Đả Cẩu Bổng Pháp’, tuyệt chiêu của Hồng Thất Công, thuộc môn phái Cái Bang.
Chỉ nghe nói đến cái tên ‘Đả Cẩu Bổng Pháp’ thôi, cũng đủ làm cho Phát Đen mừng đến muốn… phát điên luôn ở trong đầu. Bởi vì truyện tiểu thuyết kiếm hiệp đó của Kim Dung, thường được đăng trên tờ nhật trình Trắng Đen mỗi ngày một chút. Hưng Mập thì hay cắt giữ lại những trang đó từ mấy tờ báo cũ, trước khi ba má của nó dùng làm giấy gói hàng. Hưng Mập thỉnh thoãng cũng đưa nó mượn đọc cho đở ghiền…
Người cầm loa nói to lên:
- Một chai thuốc trật gân đả xương cho chú Tư đứng ở bên trái.
Có một người phụ việc chạy nhanh đến giao hàng rồi nhận tiền, trong lúc đó thì tiếng phèng vang lên như thay lời nói tiếng cám ơn.
- Một chai nữa cho bác Tám ở bên nầy… Hai chai cho cô Hai ở phía trước….
Người phụ việc tiếp tục chạy quanh, cùng lúc với cái phèng la liên hồi phát tiếng mỗi khi có bà con nào đó đưa tay lên cao ra dấu. Sau màn rao bán chấm dứt, người hướng dẫn đoàn cầm loa trên tay nói to với mọi người:
- Cám ơn bà con đã nhiệt tình ủng hộ cho gia đình của chúng tôi. Sau đây chúng tôi xin phục vụ lại cho bà con cô bác một màn biểu diễn võ thuật khác.
Bây giờ Phát Đen mới nhìn thấy hai cái dùi cây trong tay của người thanh niên kia đứng tấn, bắt đầu liên tục đánh mạnh lên trên mặt trống. Tiếng trống kêu ‘tùng, tùng, tùng…” đều nhịp vang dội lên trên không, nhưng lại thấu đến tận màn tai, mà cũng thấm vào từng giọt máu, với từng nhịp tim đang đập ‘phình phịch” của nó. Rồi kế đến là tiếng phèng la “xèng, xèng, xèng…” cũng phát lên liên hồi, hòa nhịp cùng nhịp trống không ngưng. Phát Đen phát hiện ra những âm điệu nầy, khác với những âm thanh của những đoàn lân múa, trong những ngày đón Xuân về trên xóm nhỏ.
Rồi đột nhiên tiếng trống với tiếng phèng cùng một lúc ngưng lại. Nó nghe có ai đó đứng ở phía sau nói, rằng mỗi khi cả hai tiếng đó ngừng lại như thế, là sắp có một màn biểu diễn mới, trong lòng Phát Đen mừng lên rối rít. Mọi người đang đứng, hay ngồi ở chung quanh thì ai cũng tự nhiên im lìm, lặng thinh, để chờ xem người trình diễn kế bước ra giữa sân là ai? Và người đó sẽ biểu diễn với vũ khí gì?
Trong giây phút đầy căng thẳng nầy, hình như có ai đó thương tình lên tiếng nhắc:
- Tới giờ đi học rồi…còn đứng đó!
Bây giờ Phát Đen mới chợt nhớ đến việc quan trọng của mình. Nó hoảng hồn, hoảng vía, sợ đến tối tâm cả mặt mài, nên cuống quít tháo lùi chân trở ra. Nó phải cố hết sức mới lách mình thoát khỏi được lớp rào người đang càng lúc càng bao chặt.
Trên con đường đất nhỏ, Phát Đen cắm đầu chạy thật nhanh. Nó mong sao hai lỗ tai của mình sẽ nghe được đợt trống trường đầu tiên đánh lên, chỉ với ba âm thanh rời rạc “Thùng… Thùng… Thùng… ”.
Đó là tiếng trống báo hiệu cho tất cả học trò, đang chơi đùa đâu đó trên sân trường, phải chuẩn bị áo quần gọn gàng, tập sách ngăn nắp… vì đã sắp sữa tới giờ vô lớp. Như vậy thì nó vẫn còn có chút hi vọng xuất hiện kịp thời trước cửa lớp, để rồi cùng cả bọn đồng ca lên một bài cửu chương nào đó, do tên trưởng lớp khởi xướng.
Hình ảnh của trưởng môn phái Cái Bang, Hồng Thất Công, với đòn Đả Cẩu Bổng Pháp mà khi nãy nó đang tưởng tượng sẽ như thế nào, bổng dưng biến mất. Thay vào đó, trong đầu của nó bây giờ là bóng dáng của thầy Khoa, với cây roi mây ‘dẻo dẹo’ mà lúc nào cũng thấy nằm sẳn trên mặt bàn.
Mới tháng trước đây, thầy Khoa cũng đã từng múa đòn roi mây nầy vô mông của Sơn Oắn ngay trong lớp. Thằng đó, ngày đó không biết đã học phi thân như thế nào để tránh đòn, làm cho cây roi mây của thầy lại in rõ một lằn bầm tím vào bắp chân, không che hay dấu ai được.
Sáng ngày hôm sau, tội nghiệp cho ba của Sơn Oắn. Dượng Hai Cầu-Sắt đã một mình lội bộ đến trường, tìm gặp thầy giáo Khoa để nói đôi lời chân thành; nhưng nếu Sơn Oắn mà nghe được, chắc nó cũng muốn ‘độn thổ’ vì xấu hổ:
- Cám ơn Thầy đã ra công dạy dỗ cho thằng con của tui, tên của nó là P. T. Sơn. Thầy dạy nó như vậy, thì sau nầy nó mới được nên người. Tui cám ơn Thầy nhiều lắm
*
* *
Chạy được hơn nửa đường, Phát Đen mới nghe văng vẳng tiếng từ xa, những âm thanh liên hồi quen thuộc. Ông Năm lao công của trường, đang đều tay đánh nhanh những nhịp trên mặt trống, “Thùng, thùng, thùng, thùng…”.
Đây mới là tiếng báo hiệu chính thức, cho tất cả học trò phải tập trung về, xếp thành hai hàng trước cửa lớp. Phát Đen cảm thấy rụng rời cả tay chân, nhưng mà nó cũng phải cố lên, với hi vọng rằng thầy Khoa của nó cũng sẽ… trễ giờ lên lớp.