NHỮNG NGƯỜI THÍCH HOÀI CỔ
Tặng chị BA BA HỦ TIẾU (theo yêu cầu )bài viết này và tặng những bạn cùng thời, trang lứa với tui, những người thích hoài cổ
Xin mời xem cho vui .
Nhân đọc một bài viết của Hoàng duy Liệu có đề cập tới con "đường đắp mới ",vậy là quá khứ tui chợt hiện về vào cái ngày xưa ta bé đó.
Đây là con đường mà ngày nào tui cũng cắp chiếc cặp da xề xệ bên hông đến trường tiểu học Nguyễn Du ,Biên hoà .
Sở dỉ người ta gọi "Đường Đắp Mới" là để phân biệt cái......."đường đắp cũ "; con đường này chỉ dài hơn 1km kéo dài từ cầu gành cho tới bùng binh (vòng xoay ) công trường sông phố .
Ngày xưa ,thời Pháp thuộc con đường này chạy xuyên qua trung tâm tỉnh lỵ, chợ Biên hoà..Đó chính là con đường Hàm Nghi.
Đến thời VNCH, cũng nghĩ tới vấn đề "bùng nổ dân số " nên chính quyền thời đó cho làm một con đường tránh vào "trung tâm châu thành" . Và thế là con đường đắp mới được hình thành, bắt đầu từ đầu cầu gành (địa danh Hãng dầu. Vì tại đây có kho xăng dầu của hãng Esso) qua rạp hát Biên Hùng, tới Đài Kỹ Niệm. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 3 km,từ đó nó nối với con đường đi miền Trung, gọi là quốc lộ 1.
Việc thành hình quốc lộ 1 (đoạn đường đắp mới) có từ khi nào tui cũng hổng biết ,vì khi cả nhà tui dọn về đó định cư sau tết năm 1959 thì con đường này đã có rồi. Tuy nhiên nhà cửa lúc đó còn thưa thớt. Trước nhà tui, bên kia đường là những cánh đồng lúa chạy sát tới đường rầy xe lửa . Chắc những nhà làm quy hoạch thời đó không ngờ con đường tránh, con đường "vành đai" ngày xưa giờ đây lọt thỏm trong thành phố đông đúc dân cư như hiện nay!
Không hiểu cuộc đời tui có "duyên"nợ gì với 2 con đường này mà suốt thời đi học cấp 1 và cấp 2 tui đều mòn gót với nó.
Số là lúc mới bắt đầu cắp vở đến trường (lúc đó nhà tui còn ở xóm đường Lương văn Thượng ).Một tối nọ ba chở tui tới nhà cô Nữ (tui nhớ nhà cổ đâu ở xóm lò heo, gần sân vận động tỉnh ,phía trên rạp Vạn khánh Hưng chút xíu ). Ba tui "gửi gắm" cô Nữ mà nói 1 câu thiệt "hãm tài" :
- Nhờ cô chăm sóc cháu kỹ dùm tui . Nó mà quậy cô cứ "quýnh" thẳng tay . Thằng này ở nhà nó lêu lỏng lắm. Cách đây mấy hôm nó bị té ao, may nhà vớt kịp. Tui để ở nhà không yên tâm cô ơi.
Sở dỉ ba tui "gửi " cô Nữ vì lúc đó tui mới có 5 tuổi, chưa tới tuổi đi học (gọi là. ...học lậu ),mà để ở nhà thì không yên tâm. Má tui thì quản tui không xiết. Suốt ngày chạy chơi trong xóm. Trong lúc cạnh nhà có cái ao cá mà tui vừa bị té ao ,ba tui sợ lỡ hôm nào tui chuyển sang. ...té giếng thì nguy to! Nó hổng bị điên cũng bị khùng. ..he he. Vì vậy ba tui mới nghĩ ra biện pháp là ...cho tui đi học sớm! Nhưng ác cái là ổng cũng đường đường là giáo viên đang dạy lớp 1 ở trường Nguyễn Du lúc đó, vậy mà ổng hổng thèm dạy thằng con "ngây thơ vô số tội"này. Chắc Phật nhà hổng linh chăng?
Tui còn nhớ lúc bắt đầu bước vào trường tiểu học Nguyễn Du,niên khóa 1956-57 tui mới có 5 tuổi lớp cô Nữ như vậy tui còn dư "sơ cua" 1 năm (theo chương trình học lúc bấy giờ ).
Sang lớp tư là thầy Nữa. Thầy này có dáng mập, lùn, đầu hói.
Lớp ba là thầy Bổ. Thầy tướng cao lớn, hiền nhưng nghiêm khắc.
Lớp nhì là cô Trang. Cô này là giáo viên bổ túc (*) mới ra trường, rất yểu điệu thục nữ trong chiếc áo dài. Cô dạy rất hay nhưng tiếc rằng gặp cái thằng học trò "đầu óc ngu si, tứ chi phát triển " .nên tiếp thu hổng nổi. Kết quả cuối năm cô Trang tuyên bố : cho em học thêm 1 năm lớp nhì nữa cho. ...giỏi!
Đúng là cô này hổng nể ông già tía tui đồng nghiệp chung trường gì hết trơn . Lớp nhì năm nay, ba tui "gửi" thầy Phan phát Tân . Và không biết có phải vì học đúp (double ) 2 năm lớp nhì mà tui "giỏi " nên được lên lớp nhất mà không ở lại năm thứ 3 của lớp nhì! he he. Và cũng vì học đúp 2 năm lớp nhì nên 1 tuổi dư dự phòng của tui cũng "cuốn theo chiều gió" ( wind with the gone ). Bây giờ tui thành thằng học trò học đúng tuổi như các bạn trang lứa.
Thế là tui đường hoàng bước vào lớp nhất,cô Tuyết (niên khóa 1961-62 ) .Cô cũng mặc áo dài khi đứng lớp, cũng. ...đẹp như cô Trang lớp nhì . Tuy nhiên cô này cũng chẳng "nể " tui chút nào. Cổ cũng bắt chước cô Trang :
- Cho em học thêm 1 năm lớp nhất nữa cho giỏi!
Vì tui thi tuyển đệ thất bị rớt cái đụi !
Trời đất! Cô nào cũng muốn tui học đúp 2 năm hết, sao kỳ vậy nè? ! Chẳng lẻ tui "ngu si nhất nam tử " sao cà ?
Vậy là lớp nhất lần 2 này ba tui "gửi " thầy Chấn.
Thầy này ốm, cao, chải tóc tém ngược ra sau. Thầy dạy giỏi nhưng rất khó tính. Đứa nào lóc chóc, lơ đểnh không nghe giảng bài là "ăn " bộp tai như chơi. Tư Sang tui cũng bị ổng cho "ăn" mấy lần. He he. .
Và chắc cũng nhờ ăn bộp tai nhiều nên năm đó tui đường hoàng bước vào ngôi trường danh giá của tỉnh Biên hoà ngày đó : trường Trung học Ngô Quyền, Biên hoà, qua 1 kỳ thi tuyển "trầy vi tróc vảy" ! He he (*)
Tui nhớ nhà thầy nằm trên đường đắp mới. Vừa qua ngã 3 Công Lý-đường đắp mới 100m,bên tay trái (đi chừng 200m là tới trại Bạch Đằng; bây giờ là toà nhà Tỉnh Uỷ Đồng Nai ).Đối diện nhà thầy Chấn là hãng nước đá Tuyết Đông. Hồi đó mua 1 đồng nước đá uống mệt xỉu .
Như vậy tính ra tui ôm cặp da đi trên con đường đắp cũ từ đầu đường Lương văn Thượng tới trường Nguyễn Du hết 3 niên khóa ( lớp năm,tư, ba ) và đến giữa năm 1959 cả nhà tui dọn về đường đắp mới như đã nói ở đoạn trên. Lúc đó tui bước vào lớp nhì, niên khóa 1959-60.
Từ trường Nguyễn Du đi về nhà mới tui có nhiều ngõ .
Từ cổng trường ra,theo đường đắp cũ (đường Hàm Nghi ) đi về hướng cầu gành chừng 400m thì rẻ trái theo ngã ba đường Công lý. Đường này là đường đất đỏ dài khoảng 500m nối 2 con đường đắp cũ và đắp mới lại với nhau. Nói cách khác, đường đắp mới và cũ song song nhau và có đường Công lý cắt ngang. Trên đường Công lý ngày đó tập trung nhiều đại gia của Biên hoà.
Còn nếu đi thẳng không rẻ vào đường Công lý thì dọc theo đường Hàm Nghi cũng có nhiều ngõ băng qua đường đắp mới. Như qua tiệm may Đoàn Long, bên trái cũng có đường hẻm qua, rồi qua tiệm bánh canh đầu cá Tân Hiệp (lúc đó có tên bar Tân Hiệp ) , đối diện cũng có hẻm băng qua. ...
Cũng chính vì có nhiều hẻm để về nhà mà tui bị đòn tét .. .đít. he he.
Số là chiều đó tan học về tui cùng thằng bạn đi tắt trong hẻm. Hẻm này trước khi thông ra đường Quốc lộ 1 (đường đắp mới )thì là bãi đất trống. Chiều chiều lộng gió ,người lớn,con nít tập trung thả diều ở đây (xóm này gần nhà thầy Phan phát Tân ) . Nhìn hàng nghìn cánh diều đủ màu sắc tung bay tui quên hết thời gian, trong khi trời ngày càng sụp tối.
Lúc đó cả nhà nhốn nháo đi tìm. ...trẻ lạc. Từ xa, nhìn thấy tui ngồi trên đống đất ngắm. ...diều, ông già tía xông tới mở hàng bằng cái xoắn tai nổ đom đóm . Rồi. ..."giận thì giận mà thương thì thương " ,ổng lôi về nhà quất 1 trận tơi bời khói lửa!
Kể từ ngày đó ba tui quản lý tui "kỷ" hon .
- Hai đứa bây về chờ ba ở lại đầu đường Công lý ,ba rước.
Số là thời gian này ba tui được điều về làm văn phòng ty Tiểu học ở ngay phía sau trường Nguyễn Du với nhiệm vụ phát ngân viên (phát lương cho tất cả giáo viên trong tỉnh Biên hoà )
Hai anh em tui (tui và em thứ năm, thằng Phúc )lúc tan trường phải ôm cặp đứng chờ ba ớ đầu đường Công lý, dưới tàng cây bã đậu ,cạnh hàng rào cây keo đầy gai ( hiện nay ngay góc đó là quán cà phê rất đông khách buổi sáng ). Đối diện ngã ba này là nhà bảo sanh tư nhân Ông Nguyễn sơn Cao mà người ta thường gọi là "nhà thương ông Cao".
Tui còn nhớ hồi đó ba đi làm bằng chiếc xe Sachs cà tàng. Mỗi khi đi làm và tan sở về ba thường đèo thằng Phúc. Lúc nhỏ thằng Phúc được ba cưng nhứt vì học giỏi . Còn tui thì ba nói con lớn rồi đủ sức đi bộ tới trường! Nhưng cũng nhờ vậy mà tui có dịp "ngao du sơn thủy ". Hang cùng ngõ hẻm nào tui cũng biết.
Nhắc lại, khi đi ngõ đường Công lý ra quốc lộ 1 (khúc này gọi là đường đắp mới )rẻ phải, qua nhà máy nước đá Tuyết Đông chừng chục mét là biệt thự của bác sĩ Nguyễn văn Hoài, giám đốc dưỡng trí viện Biên hoà (có tấm bảng nhỏ gắn ở cổng ). Đây là ngôi nhà khá khang trang thời bấy giờ ). Biệt thự nằm thụt sâu trong vườn cây râm mát. Nhưng sát hàng rào có làm 1 căn nhà sàn nhỏ (vì đất thấp trũng, muốn cao bằng mặt đường thì phải cất nhà sàn hoặc đổ nền cao ).
Chắc lúc đó chủ nhà cất thêm căn nhà phụ này để thư giản và làm việc thay vì ở trong biệt thự 4 bức tường tù túng chăng? .Tuy nhiên theo tui biết lúc đó thì ông BS Hoài không còn nữa mà là ......con của ổng ,thầy Thuyết! ? Thầy Thuyết đang ở nhà đó. Thầy là đồng nghiệp của ba, cùng làm chung trong ty giáo dục Biên hoà (mà xếp trưởng ty lúc đó là ông Trần Huyến! ,ba của Trần minh Tuyên ,bạn tui. Hehe)
Sở dỉ tui đề cập tới cái nhà sàn đó là vì con chó. ...berger ! Số là ở trước nhà sàn của thầy Thuyết có cột 1 con chó berger to đùng. Mặc dù nó bị xích cổ nhưng mỗi lần thấy thằng nhỏ 9 - 10 tuổi như tui ôm cái cặp xề xệ, ,đi chân đất ngang qua là nó thấy. ..ghét! Nó chồm lên như muốn bứt xích, nước dải chảy 2 bên mép trắng thấy mà ghê. Vì vậy mỗi khi đi gần tới nhà sàn đó là tui chuẩn bị tư thế ....tay đua thế thức 1.chạy xanh mắt,chạy thấy mụ nội cho qua lẹ căn nhà sàn đó! he he. (Chắc bị cái đám nhóc đi học về chọc phá ném đá nên nó thù dai, gặp tui hiền. ...như ma sœur mà nó không tha. )
Và cũng vì sợ chó cắn nên tui mới đi con đường khác, mới bị đòn. ..tét đít và mới. ..được ba rước đi học về ! Cái nào cũng có nguyên nhân của nó. Cũng may hồi đó chở 3 không bị cảnh sát phạt. Hehe.
Thế rồi bước vào ngưỡng cửa trung học Ngô Quyền, ba thưởng cho chiếc xe đạp và cây viết pilot. Ba còn "chúc " tui :
- Hy vọng lên trung học con qua được cái "dốt "của tiểu học nha.
Kể từ lúc nầy tui mới đàng hoàng cơm lê đồng phục áo trắng, quần xanh ,giày bata trắng ra vẻ thanh niên. Hàng ngày đạp xe trên con đường đắp mới đến trường khoảng gần 3km mà không còn sợ chó dữ nữa.
Nhưng thiệt ra, cái "ngu " vẫn theo đuổi tui mãi tới năm đệ tứ (bây giờ là lớp 9 ) thì chỉ số IQ của tui mới phát triển và lần đầu tiên tui được lãnh thưởng hạng nhất lớp Tứ 3 trường trung học Ngô Quyền Biên hoà. Người phát thưởng tui lúc đó là thầy Phạm khắc Thành, giám học. (Sở dỉ tui nhớ lâu là vì lần đầu tiên trong đời mà). Rồi từ đó hình như qua được cái "đốt" chậm tiêu của thời tiểu học năm nào tui lên lớp cũng đứng nhất, nhì hết á . Người xưa có nói, sông có khúc, người có lúc mà. He he.
Nhưng sau đó cuộc đời tui rẽ qua khúc quanh khác là bước vào môi trường khác, lớp đệ tam, trường NLS Bảo lộc
Thế rồi, thời gian qua đi, người ta lớn. Tôi từ giả gia đình đi học ở trường NLS Bảo lộc năm 1967, vào lớp đệ tam , bỏ lại sau lưng những kỷ niệm vui buồn thời cắp sách đi học ở trường Nguyễn Du và Ngô Quyền trên con đường đắp cũ và mới
Đường Hàm Nghi bây giờ đổi tên là Cách mạng tháng Tám.
Đường đắp mới bây giờ là Hà huy Giáp
Đường Công lý bây giờ là Võ thị Sáu. Lúc trước giao nhau với đường Đắp Mới là ngã 3,bây giờ thành ngã tư kéo dài thăm thẳm cho tới. ..Tam Hiệp. ..Hiện nay là con đường Cà phê, nhà hàng và quán nhậu ì xèo.
Ôi, thời gian mãi trôi, vật đổi sao dời, có chăng là kỷ niệm!
Bình Dương, ngày 11 .9.2018
CHÚ THÍCH :
(*)Giáo học bổ túc : tui không hiểu thời trước tại sao gọi giáo viên tiểu học, dạy cấp 1 là giáo học bổ túc?
Thật ra đây là giáo viên hệ chính quy có thi tuyển đàng hoàng và khi ra trường trình độ rất chuẩn, giỏi ( có thể dạy cấp 2 được ). Khi ra trường được quyền chọn trường trong danh sách đưa ra công khai theo ưu tiên thứ hạng học tập của mình, không có màn chạy chọt, lo lót. Khi đã trúng tuyển vào trường sư phạm rồi thì đương nhiên là công chức, không cần phải qua kỳ thi tuyển "công chức " nữa!
Không giống hệ bổ túc hiện nay.
(*) ngày trước gần như mỗi tỉnh chỉ có 1 trường trung học (cấp 2- 3)công lập. Học sinh nào lọt được vào trường đó là rất hảnh diện. Cha mẹ cũng tự hào vì con. Vì vậy khi nghe anh này xuất thân từ Ngô Quyền là biết dân Biên hoà, anh kia học Nguyễn đình Chiểu là dân Mỹ tho, Phan thanh Giản là biết dân Cần thơ, Hoàng Diệu là biết dân Ba Xuyên, ....
Chú thích bản đồ :
1)dưỡng trí viện (nhà thương điên )
2)ngã 3 vườn Mít. Đài kỷ niệm
3)trường Ngô Quyền
4)ga xe lửa
5)rạp hát Biên Hùng
6)cây xăng nhà Tài lé
7)nhà cũ đường Lương văn Thượng
8)sân banh, rạp Vạn khánh Hưng, nhà cô Nữ
9)chụp hình Phạm Lung
10)khám đường
11) phòng thông tin
12) tòa hành chánh tỉnh, dinh tỉnh trưởng
13)cầu mát
14)trường Mỹ nghệ thực hành
15)ty Tiểu học
16)trường Nguyễn Du
17)nhà thờ lớn
18) nhà thương ông Cao
19) chỗ đứng chờ ba rước
20) nhà thầy Chấn
21) nhà máy nước đá Tuyết Đông
22) nhà BS Hoài
23) khu vực thả diều gần nhà thầy Tân
24) trại Bạch Đằng(bây giờ là văn phòng tỉnh uỷ Đồng nai
25) nhà mới ,từ 1959 tới nay
26) rạp Vạn khánh Hưng
27) chợ chồm hổm
28) trường Đồ Chiểu
29) hãng Dầu
30) )bar Tân hiệp
31) dốc sỏi đi cổng 2 phi trường
32)nhà cô Nữ
33)bệnh viện tỉnh Biên hoà