Không phải đến bây giờ, khi ông Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew) đã về với thiên thu, người ta mới có dịp hiểu kỹ về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của ông, mà khi ông còn trên dương thế, danh tiếng của ông đã lẫy lừng khắp năm châu. Thế giới chẳng đã từng ngưỡng mộ ông qua những mỹ từ tuyệt đỉnh như: chính trị gia vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, nhà chiến lược quốc tế lỗi lạc, nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng nhất thế giới,v.v……
Xin không đề cập đến tài năng “trị quốc,bình thiên hạ” của nhân vật “người cha lập quốc của Singapore” quá kiệt xuất này, mà chỉ nói riêng về chuyện “tu thân,tề gia” của ông, chúng ta cũng phải nghiêng mình kính phục vì rất đáng để suy ngẫm.
Một con người tốt:
Ông luôn tự đề ra cho mình những tiêu chuẩn đạo đức cao để làm gương cho mọi người. Là Thủ Tướng đầu tiên của đảo quốc Singapore (Sing) từ khi Sing vẫn còn là thuộc địa của Anh(1959) nhưng ông luôn giản dị đến không ngờ. Người ta có thể dễ dàng thấy ông xuất hiện trước công chúng với chiếc áo khoác cũ đã nhiều năm. Nhà ở của ông cũng giản dị như bao nhà ở xung quanh, đồ đạc trong nhà không xa hoa, tráng lệ, còn khi đi công tác nước ngoài, ở khách sạn 5 sao nhưng ông vẫn tự tay giặt đồ của mình, với lý do : công giặt ủi quá mắc, số tiền đó có thể mua được bộ quần áo mới.
Bản tính của ông là thẳng thắn, không vòng vo, dù đó có là sự thật mất lòng. Ông nói : tôi cố gắng nói đúng sự thật, chứ tôi không cố gắng làm vừa lòng tất cả. Ông cũng không để ai chế ngự mình, những bài phát biểu của ông luôn dữ dội, quyết liệt. Ông tự nhận xét về bản thân: ”Tôi thấy mình là người quyết tâm và kiên trì. Khi tôi muốn làm gì, tôi sẽ theo đuổi mục tiêu đó đến khi thành công “. Dù vậy, ông cũng là một người biết uyển chuyển theo thời thế, khi thấy chiến lược mình đề ra đã lỗi thời, ông sẵn sàng có sự thay đổi cần thiết cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ông luôn đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên hết. Ông đã phủ lên nước Sing tính cách đặc trưng của mình, và cả nước Sing đã thấm nhuần những đức tính đó của ông một cách triệt để. Ông không muốn được đặt tên đường hay dựng tượng đài sau khi chết, chỉ duy nhất 1 ngoại lệ được ông chấp nhận là đặt tên ông cho trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu. Ai đến Sing hỏi tượng đài Lý Quang Diệu ở đâu, người Sing có thể tự hào nói rằng: ”Hãy nhìn mọi thứ xung quanh bạn”. Ông còn muốn căn nhà mà ông đã ở khi sinh thời sẽ được đập bỏ, chỉ với 1 mong muốn nơi này sẽ được xây cao lên, thành chung cư, để có thêm nhiều người có nhà ở…..Ông cũng không có khuynh hướng tích cóp tài sản. Số tiền kiếm được từ những buổi đi diễn thuyết, hoặc viết sách…ông đều dùng vào mục đich từ thiện.
Một người chồng tốt:
Dư luận Sing đánh giá 1 trong những điểm tuyệt vời của ông là cả đời chung thủy. Là 1 chính trị gia nổi tiếng khi còn rất trẻ (36 tuổi đã làm Thủ Tướng), có biết bao nhiêu kẻ thù chực chờ bôi nhọ thanh danh nhằm hạ gục ông, nhưng chưa có 1 kẻ thù nào dám buộc tội ông ngoại tình (điều này cũng đúng với cả Thủ Tướng đương nhiệm Lý Hiển Long,con trai cả của ông). Cả đời ông chỉ biết đến người vợ duy nhất Kha Ngọc Chi, người vừa lớn tuổi hơn, lại vừa giỏi hơn ông (lúc còn học luật chung ở Đại học Raffles ). Điều này cũng chứng minh ông là người rất thoáng trong suy nghĩ, vì ông là người Hoa chính gốc, mà quan niệm của người Hoa thì chồng phải cao hơn vợ về mọi mặt. Họ sống chung thủy cả đời với nhau, cùng hy sinh cho nhau, cùng nhau lo cho tương lai đất nước Sing và cho cả gia đình riêng của mình.
Ông khẳng định về người vợ “toàn tài”của mình: nếu không có bà Kha Ngọc Chi thì ông sẽ là 1 con người khác chứ không được vị trí như ngày nay. Bà là người có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông. ”Bà ấy luôn ở bên tôi khi tôi cần”. Bà là người hiểu ông, tin tưởng ông tuyệt đối, cả khi gia đình bà, một danh gia thế phiệt không mấy tin tưởng vào chàng rể (khi ấy) chưa có nghề nghiệp ổn định. Trong 63 năm sống cùng nhau, họ đã có những kỷ niệm quý giá, là tri âm tri kỷ của nhau. Bà Lý Vĩ Linh, con gái duy nhất của Lý Quang Diệu (hiện là Giám Đốc Viện Thần Kinh Singapore) kể bà Kha thích ông chăm sóc bà hơn các y tá. Trong những ngày cuối đời của bà, tối nào ông cũng đọc cho bà nghe những bài thơ mà bà yêu thích để bà dễ ngủ. Ông kể cho bà nghe những công việc ông làm trong ngày, và bền bỉ chăm sóc bà cho đến ngày cuối cùng. Nguyện vọng xúc động của ông là trộn tro cốt của ông chung với vợ (qua đời năm 2010). ”Tôi muốn phần tro cốt của mình sẽ trộn cùng với vợ và đặt cạnh nhau. Chúng ta đã cùng chia sẻ trong cuộc sống, và muốn tro của chúng ta được để chung sau khi qua đời.”
Một người cha tốt:
Là đệ nhất danh gia vọng tộc nhưng ngay từ khi còn nhỏ, cả 3 người con của ông đều ngoan ngoãn, khiêm tốn chứ không kiêu căng như những gia đình quyền quý khác. Điều dạy đầu tiên của ông với con (và cháu) là tự hào nguồn gốc. Ông có tên tiếng Anh là Harry Lee, nhưng sau đó đã bỏ, và chỉ dùng tên gốc Hoa. Các con và cháu sau này đều không đặt tên tây trước họ.
Ông luôn là tấm gương tốt cho các con : cư xử với mọi người (dù là người giúp việc) 1 cách giản dị, thân thiện. Khi bà Âu Dương (người giúp việc cho gia đình ông Lý trên 40 năm) muốn gọi các con ông là ”cậu chủ,cô chủ”, thì bà Lý Vĩ Linh (con gái ông Lý)đã nói: ”Cha con làm Thủ Tướng chứ không phải con, vú cứ gọi con bằng tên là được rồi”. Ông dạy họ luôn ý thức tiết kiệm: xài nước xong phải khóa chặt vòi, tắt đèn, tắt máy lạnh khi rời phòng nếu không muốn bị phạt. Khi con cái mắc sai lầm, ông gọi vào phòng riêng kỷ luật, không ai dám can thiệp, kể cả bà Kha, và 3 người con không dám cãi lại một lời.
Ông không muốn con cái lớn lên với cảm giác luôn được hưởng đặc quyền đặc lợi. Ông tập cho các con tính tự lập ngay từ nhỏ, nhưng vẫn bảo đảm là họ có được tuổi thơ bình dị nhất. Ông cho lời khuyên khi cần, nhưng không bao giờ ép buộc, dù ông có hài lòng với sự lựa chọn của chúng hay không.
Một người ông tốt:
Trong điếu văn của ông Lý Hiển Dương, người con trai út của ông Lý(hiện là Chủ tịch Cục Hàng Không dân dụng Singapore) có đề cập đến vai trò người ông của Lý Quang Diệu như sau:
Mẹ tôi là người cổ điển, rất vui khi tôi sanh con trai, trong khi đó cha tôi luôn cho rằng ông sẽ vẫn vui dù ông có ba đứa cháu gái đi nữa. Khi các cháu còn nhỏ, ông thường cho chúng đi chơi cùng mình vào buổi tối khi ông đi dạo. Dịp cuối tuần, ông dẫn chúng đi thăm vườn thú, các trung tâm khoa học. Khi hơn 70 tuổi, ông ít dùng thời gian vào việc xã hội, để có thể dành nhiều thời gian cho con cháu hơn
Ông khuyên con cháu phải sống mạnh mẽ, không sợ hãi bất cứ điều gì, vì hoảng sợ không đem lại lợi ích gì cả. Sự thành công của con cháu trong học tập và sự nghiệp, chứng tỏ họ đã được giáo dục rất kỹ ngay từ tấm bé, và ông bà là tấm gương rực rỡ nhất mà con cháu tự hào noi theo…..
Tôi không phải là công dân Sing, nhưng đã ở Sing vào thời điểm Sing tổ chức quốc tang cho ông Lý Quang Diệu. Có tận mắt chứng kiến đoàn người dài dằng dặc (trong đó có nhiều người nước ngoài như tôi) kiên nhẫn trong trật tự (và im lặng) xếp hàng từ 8-10 tiếng đồng hồ để chỉ vào viếng ông đúng 1 giây, đủ hiểu rằng họ kính trọng và ngưỡng mộ ông đến thế nào. Trước đó Sing chỉ là một làng chài nhỏ bé, nghèo nàn tài nguyên, lạc hậu khi vừa thoát khỏi ách thực dân Anh, lại bị trục xuất khỏi liên bang Malaysia, vậy mà chiếc đũa thần của ông Lý thoắt cái đã biến Singapore thành một cường quốc về kinh tế, giàu có, an toàn, ổn định, sạch (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và xanh nhất thế giới. Ước lượng có đến cả triệu người đến viếng ông ở khắp nơi trên đất Sing trong thời gian diễn lễ quốc tang. Ông đã từng chuẩn bị cho cái chết của mình từ lâu lắm trước đó. ”Cuộc sống sẽ tốt đẹp khi nó ngắn, khỏe và tròn trịa. Và cuộc đời là một cuộc đua marathon, chứ không phải là đua nước rút. Ông đã sống tròn trịa với cuộc đua marathon“dai sức “của đời mình. Và ông mãn nguyện !
Bỗng tôi chợt nhớ đến câu nói: ”Khi ta sinh ra, mọi người xung quanh ta đều cười vui mừng, còn ta lại khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc mà ta lại mỉm cười”. Ông Lý Quang Diệu chính là một người như thế. Cả tuần quốc tang trời âm u nhưng nóng bức đến khó chịu. Vậy mà đúng vào ngày đưa tiễn ông, trời lại mưa xối xả ngay từ sáng sớm mới thật lạ chứ. Ông trời cũng rơi lệ tiếc thương một con người vĩ đại như ông!!!
Đã từng có những vĩ nhân trong quá khứ được chúng ta ngưỡng mộ như George Washington(Mỹ), Tôn Dật Tiên(Trung Quốc), Minh Trị Thiên Hoàng(Meiji,Nhật)…..Ông Lý Quang Diệu là một vĩ nhân của thì hiện tại. Tôi thật sự kính phục và ngưỡng mộ ông.
Singapore, đầu tháng 04/2015
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
|