Ký sự- Phóng sự:
Phượt Lão Mong Phước Minh
Rời "đường làng" Phú Mộng, tôi tiếp tục chạy cặp sông Hương về hướng Chùa Thiên Mụ. Hồi trước con đường này rất nhỏ, lồi lõm ổ gà, 2 bên có nhiều mốc sơn đánh dấu mức nước ngập lũ hàng năm, có chỗ muốn cao hơn nóc nhà. Bây giờ con đường phẳng lì, rộng rãi lại thêm một vành đai cỏ xanh với đại mộc tươi tốt trải ra tận bờ Hương Giang, kéo dài đến Chùa Thiên Mụ. Mảng xanh này làm dịu nắng cả con đường, thích hợp để khách vảng lai nghĩ ngơi và lặng nhìn giòng sông Hương đang bềnh bồng những chiếc thuyền rồng đặc sản đất thần kinh. Một bầy trâu đang lặng lẽ gặm lấy cỏ non, một đôi vợ chồng trẻ đang khẻ khàng lưới cá...tất cả đang bình dị kiếm sống mặc cho giòng đời đang sôi động phía trên đường.
Vâng, Chùa Thiên Mụ bây giờ người đến, kẻ đi tấp nập. Trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp đón đưa. Khách Tây, Ta, đen, đỏ, xanh, vàng...từ cổng chính đến tận cổng sau. Nhờ con Daehan nên lần đầu tiên tôi tới bên hông chùa Thiên Mụ, một con đường nhỏ lặng thầm đưa kẻ bụi đời này tới chốn Thiền môn nơi cửa...sau! Ở đây, phía ngoài bức tường rêu phong chùa cổ, không gian thật tĩnh lặng, chắc chẳng khác gì hàng trăm năm trước, hãy dừng bước, lặng thầm nghe đâu đó tiếng gà trưa chợt lãnh lót giữa thinh không, như vang lên từ ngần ấy thời gian, ta chợt thấy cuộc đời qua như mộng!
Tôi bước vô trong, qua cửa sau, du khách ra vào tấp nập, đủ màu da và nhiếu tiếng nói khác nhau, chùa náo nhiệt giữa hồng trần vội vã. Ô hay, cũng chẳng sao, tĩnh hay động cũng đều là hư ảo, đời cứ là đời vì đời cũng...mây trôi!
Hồi nào giờ đi viếng Chùa Thiên Mụ chỉ tới cái dốc cao nhìn xuống bến thuyền rồng, chứ chưa 1 lần léo hánh tới phía bên kia. Hôm nay sẳn xe, tôi tiếp tục vượt dốc và thấy đây là ranh giới rõ rệt giữa 2 khu vực di tích trên cùng 1 con đường. Phía này, bờ sông đã có nhà cửa, quán hàng, cơ sở sản xuất...nằm sát nhau chớ không là bờ cỏ xanh và cây đại mộc. Tôi tiếp tục chạy không xa lắm thì gặp 1 di tích hay hay, có tên là Linh Tinh Môn, bên kia sông là 1 quần thể kiến trúc cung đình mà tôi không biết là gì. Vì Huế có quá nhiều di tích, nên cái Linh Tinh Môn này chẳng thấy du khách quan tâm. Riêng tôi, đây cũng là điểm thú vị nên biết, vì cách Chùa Thiên Mụ không xa.
11 giờ hơn, tôi trở về khách sạn nghĩ ngơi để chờ giờ lên xe ra Hà Nội. Về đường Bạch Đằng tôi chợt thấy một nhà xưa xập xệ, nhưng nét cổ khá đẹp theo cái kiễu xa xưa, lén chụp 1 tấm hình để chờ sự thay đổi. Có thể rồi sẽ tiếc hoặc thích hơn...
17h tôi và con Daehan lên xe, sẳn sàng cho 1 hành trình suốt sáng.
5h sáng tới Hà Nội, mất tiêu cái mũ đẹp tôi đội mấy ngày nay, uổng thiệt.
Tôi tìm đại 1 nhà nghĩ gần đó để tắm rửa, vệ sinh...
Ngày 15-8-2018. Sau khi ăn sáng cùng thằng cháu ở căng tin khách sạn, tôi cởi con Daehan ra dạo phố phường.Trời Hà Nội, lất phất mưa, nhưng chưa đủ ướt để mình phải vướn víu cái áo cánh dơi, chạy chậm để định hướng và tìm đường tới cầu Long Biên.
Gặp 1 quán cà phê có băng ghế thấp, dựa sát hiên nhà ngay mặt trước, với mấy chiếc gối tựa lưng đặt hờ hững trên băng, trông khá hay, tôi tấp vào gọi 1 cà phê sữa nóng. Cà phê không ngon nhưng giá đến 25.000 đ, thôi cũng được vì hơn phân nửa là tiền trả cho cái chỗ ngồi!
Bác cứ chạy tiếp con đường này sẽ tới đường dẫn lên cầu Chương Dương, rẻ trái bác thấy cầu Long Biên.
Khởi công năm 1899, hoàn thành năm 1902, cầu dài 2,3km, nối liền Quận Hoàn Kiếm và Long Biên, mang tên vị Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Doumer.
Khi hoàn thành cây cầu nối 2 bờ Bắc và Nam sông Hồng này có chiều dài đứng hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklin trên sông East River bên Mỹ. Với kết cấu thép được thiết kế bởi những kiến trúc sư và kỹ sư tài hoa của Pháp, cây cầu có thể nói là đẹp nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
Màu sắt rỉ làm tăng phần cũ kỹ của chiếc cầu thép đen sì băng mình qua giòng sông luôn hồng màu phù sa đỏ. Chiếc cầu với kết cấu thép chất lượng cao, mang vóc dáng mạnh mẽ và bền bĩ, vẫn vẽ nên nét mềm mại của những đường cong chịu lực gánh phía trên, đẹp oằn oại lúc chiều tà hay trong nắng sớm khiến biết bao con tim thổn thức khi tìm lại dấu vết cuộc tình thơ!
Tôi và bà xã đã từng 4 lần qua lại chiếc cầu này năm 2015, trên đường lên Việt Bắc, chụp những bức ảnh kỷ niệm cho chuyến đi, nhưng rất tiếc thiếu các kỹ niệm "cuộc tình thơ" vì nó ở nơi khác!
Bây giờ là lần thứ 5 và thứ 6 cho 2 lượt qua lại giữa bờ Bắc và Nam. Cầu Long Biên vẫn vậy, đẹp âm thầm trong nắng sớm tháng chớm Thu. Tôi nói đẹp âm thầm bởi lúc này đây, có mấy ai quan tâm tới nó, khi dòng chảy người, xe đang vội vã, ngược, xuôi? Ngoại trừ tôi và đôi ba người đang tìm ghi lại những góc đẹp của cầu.
Cuối cùng rồi cũng đến Hà Nội sau một đêm dài lập lại lần thứ 3 cái điệp khúc "lắc lư con tài đi". Khỏi cần nhắc lại cái tình hình rất là đáng " quan ngại" cho cái bo đì bị bó chưn trong chiếc giường nằm cao cấp! Tui vội vàng nổ máy con xe để lượn lờ phố vắng Hà nội chuẩn bị vào Thu, để tìm chỗ nghĩ lưng và vệ sinh, tắm rửa!
5h30 sáng bấm chuông cái nhà nghĩ Ngọc Anh 2. Một bà chủ phốp pháp xuất hiện dần từ chân lên đầu, giống như từ...dưới đất chui lên, khi cái cửa cuốn kéo lên hết cở, nói: bác cứ chạy thẳng lên, vào nghĩ...này này, sáng sớm mở hàng bác cứ vào, vào đi...
He he, tui thấy tình hình nếu muốn mở hàng bằng món "chửi" thì cứ quay đầu xe, mà món "chửi Bắc Kỳ" thì danh bất hư truyền, nó cũng thuộc loại hình nghệ thuật độc đáo mà muốn thưởng thức thì phải có sức chịu đựng và có thì giờ. Đàng này, cái con Daehan nặng nề của tui đã nằm gọn nơi phòng tiếp tân, muốn quay đầu xe cho lẹ cũng chẳng dễ. Hơn nữa sau 1 đêm dài xe chạy không nghĩ, "bầu tâm sự" cũng chưa trút được nơi đâu, chạy không kịp bả chửi cho một tăng thì dám...đái trong quần lắm nghen. Tui đành cười cầu tài nói : tui tạm nghĩ ít giờ để tìm bà con...
Ít giờ cũng tính tiền...trăm tám tới 6 giờ chiều, 20.000 mỗi giờ tiếp theo...tầng 3, phòng 3 linh 3.
Tôi mệt mõi khiêng hành lý lên tầng 3. Phòng máy lạnh, khá sang trọng, cũng được.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cái thân già, tui nằm dài cho tĩnh. Chợt điện thoại réo. Thì ra thằng cháu gọi bằng bác, là Giám đốc bán hàng toàn quốc, các dự án của sơn TOA, vừa từ Sài gòn ra công tác, rủ lại chỗ nó ở chung cho vui. Có một mình con ở 1 phòng rộng mênh mông bác ơi. He he, tui nói tao mệt quá, phải nghĩ cho khỏe đã, chiều tính.
Khách sạn Imperial số 44, đường Hàng Hành, phòng 6009. Vậy là có phần không cần gì lo, tự nhiên đi bụi lại được ngự khách sạn có sao, mà khỏi tốn tiền. He he, mấy chú tiếp tân trong khách sạn sang trọng nhìn cái bộ dạng bụi đời của tui chắc cũng hơi...hoài nghi đúng! Nếu không có thằng cháu rủ thì đời nào tui léo hánh tới đây.
Do thằng cháu có báo trước tên họ người sẽ nghĩ ghép, nên khi tui đưa passport thì OK...mời bác lên phòng rồi trao chiếc thẻ từ.
Thằng cháu thuê ks để ngã cái lưng ban đêm, còn ban ngày thì để chứa cái va ly, chớ đâu có ở, vì phải làm việc và tiếp khách. Có tui ở ghép, cũng đỡ... lỗ tiền phòng.
Từ đây, tui có thể lang thang khu phố cổ, coi Tây Đầm du lịch xứ Việt Nam, thêm khách Tàu đông đúc, luôn xí xô xí xào, lao xao! Thiệt tình tui chẳng ghét gì du khách Tàu, chỉ căm cái bọn bá quyền đang cai quản họ, luôn miệng bảo Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ không tranh cãi, rồi chiếm cứ, gây chuyện khó khăn cho ngư dân mình!
Lang thang cho tới tối, thăm lại Hồ Gươm, nhớ về Vua Lê Thái Tổ.
Quân Minh đô hộ nước Nam, coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều tàn ác, khiến người người căm giận. Vị anh hùng áo vải đất Lam sơn, đã nằm gai nếm mật, kháng chiến suốt 10 năm và đuổi được giặc Tàu xâm lược. Truyền thuyết kể rằng vua được Long Vương ban kiếm báu, nhờ đó kháng chiến thành công, Thần Kim Qui đòi lại kiếm thiêng tại hồ này, nên có tên là Hồ Hoàn Kiếm.
Sau buổi tối lang thang tôi về phòng thằng cháu cũng chưa lú đầu dìa!
( còn tiếp)
|