8/10/2015
TẮM TRĂNG Ở LAGI
Bùi Thị Lợi
|
Thật là một cảm giác thú vị trên cả tuyệt vời. Ai chẳng đã từng đi tắm biển sáng, trưa, chiều. Chuyện tắm biển là chuyện bình thường, nhưng tắm biển đêm mà lại là một đêm trăng rằm trung thu nửa thì thử hỏi được có mấy ai? Không chỉ riêng mình tôi mà hầu hết nhóm bạn Liên Khóa Nông Lâm Mục Súc cùng đi Lagi – Bình Tuy lần nầy đều phải sửng sốt kêu lên khi nhìn thấy biển đêm với ánh trăng bàng bạc lấp lánh chiếu những tia sáng vàng óng ánh xuống mặt nước lung linh. Giửa trời biển bao la, từng cơn gió nhẹ vừa đủ xô những ngọn sóng nhấp nhô đuổi nhau chạy vào bờ. Nước mát lạnh vừa đủ xoa dịu những khách lữ hành nhuốm bụi đường xa. Tôi ngước nhìn lên bầu trời không một ánh sao, chỉ thấy duy nhất mặt trăng tròn vành vạnh rót muôn ngàn tia sáng xuống trần gian, tôi không chỉ tắm biển mà là tắm trăng. Cảnh tượng thật diệu kỳ, ước gì có cái máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời nầy dành chia sẻ với người thân và bạn bè.
Trước đây trong một bài viết đăng trên nlsbaoloc.net tôi đã giới thiệu sơ lược về sinh hoạt của nhóm Liên Khóa Nông Lâm Mục Súc tại Saigon mà đại diện là anh Nguyển Đức Cao khóa 8 Cao Đẳng. Hôm nay nhân chuyến đi nầy tôi xin phép được nhắc lại.
Không nhớ tự bao giờ nhóm Liên Khóa đã có những buổi họp mặt ăn sáng thường xuyên mổi chủ nhật đầu tháng tại nhà hàng Đoàn Viên đường Huyền Trân Công Chúa Quận 1 Saigon. Khởi đầu nhóm chỉ gồm các anh chị Cao Đẳng Nông Nghiệp, sau đó liên kết với các anh chị Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, rồi nối vòng tay lớn sang cả Trung Học NLS Bảo Lộc, Bình Dương, Cần Thơ, Định Tường, Huế, Tây Ninh…Đến hôm nay danh sách Liên Khóa đã lên đến hàng trăm người. Tôi thật hết sức ngưởng mộ cách thức sinh hoạt của các anh chị. Đơn giản mổi chủ nhật đầu tháng họp mặt ăn sáng , uống café rồi tiền ai nấy trả. Ban tổ chức chỉ tạo cơ hội cho anh chị em gặp gở thăm hỏi chia sẻ những kinh nghiệm sống vui, sống khỏe. Trao đổi những câu chuyện đời thường, nếu có những hoàn cảnh khó khăn sẽ quyên góp để giúp đở. Thỉnh thoảng tổ chức những chuyến
Du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh, kết hợp viếng thăm các cơ sở sản xuất của anh chị em trong đại gia đình NLS. Cứ như thế mà hoạt động của liên khóa ngày càng phát triển bền vửng. Chuyến đi Bình Tuy lần nầy cũng nằm trong sinh hoạt thường kỳ như vậy.
Nghe nói có đại diện NLS Bình Tuy là anh Nguyển Hùng và đại diện NLS Bảo Lộc là anh Lê Long ở địa phương sẽ đón tiếp đoàn và hướng dẩn tham quan. Tôi tò mò với cái tên Lê Long nghe vừa quen vừa lạ. Đến khi gặp, mới biết Lê Long học Mục Súc 74 và thêm một bạn tên Lê Tấn Nhâm cũng là dân NLS Bảo Lộc ra trường sau năm 75. Các bạn đón tiếp chúng tôi trang trọng với băng rôn mang dòng chử: “ Ban Đại Diên Cựu Học Sinh NLS Bình Tuy. Chào đón đoàn Liên Khóa NLM/S và nhóm ái hửu NLS” Chúng tôi đăng ký ở khách sạn Ngọc Anh của anh Nguyển Hùng, tình cờ gặp nhóm bạn NLS Bình Dương cũng đi tham quan Bình Tuy ghé qua, chào hỏi. Chúng tôi ăn trưa tại khách sạn, nghĩ ngơi một chút rồi lên xe đi tham quan Hải Đăng Kê Gà.
Xe chở chúng tôi đến bờ biển, đợi thuyền máy đưa ra ngọn hải đăng. Giửa trưa trời nắng như thiêu đốt, tôi cũng tranh thủ leo lên mỏm đá chụp vội tấm ảnh bất chấp các mảnh vỏ sò bén nhọn bám chi chít trên mặt đá có thể đâm thủng bàn chân. Đang lúc nước ròng, thuyền máy không vào sát bờ đón khách được nên chúng tôi phải đi bộ vòng qua bên kia bải đá. Cảnh quan ở đây mới thật là ngoạn mục. Những khối đá to nhỏ, vuông dài, tròn dẹp đứng một mình hay tựa vào nhau tạo thành những hình dáng hết sức ngộ nghỉnh cho du khách tha hồ tưởng tượng. Bãi cát rộng, nước trong xanh. Nghe nói lúc thủy triều rút cạn người ta có thể lội bộ qua bờ bên kia, hoặc chèo thuyền thúng, nhưng an toàn nhất vẫn là đi thuyền máy và mặc áo phao cẩn thận.
Ngọn Hải Đăng Kê Gà được người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến nay vẫn sừng sửng trên mỏm đất đá nhô ra biển nhìn từ xa có hình dáng giống cái mỏ con gà nên dân địa phương quen gọi vùng đất nầy là Mũi Kê hay Mũi Gà, lâu ngày gọi chung thành Mũi Kê Gà. Trước kia du khách đến đây còn được cho leo lên đỉnh ngọn hải đăng để ngắm cảnh. Mấy năm gần đây cầu thang bằng sắt bị hư hỏng không được sửa chửa, nên hải đăng đóng cửa. Chúng tôi chỉ quanh quẩn dưới chân ngọn hải đăng trên trăm tuổi nầy, ngắm những gốc cây Sứ già cổ thụ xen lẩn giửa hai hàng phi lao xanh rì rào. Biển chiều thật đẹp nhưng thời gian không còn nhiều để ngắm cảnh, thuyền máy đang chờ đưa chúng tôi trở vào đất liền cho kịp trước khi trời tối vì từ đây về khách sạn cũng còn xa.
6 giờ chiều, không còn sớm nhưng cũng chưa quá muộn. Mặt trời chưa lặn mà mặt trăng đã lên, chúng tôi đi bộ ra biển. Một vài chị sợ nước lạnh nên tình nguyện ngồi trên bờ ngắm trăng trông đồ đạc. Chúng tôi thư thả ngâm mình xuống làn nước lấp lánh ánh sáng, một thứ ánh sáng diệu kỳ huyền hoặc, và chúng tôi đã được trải nghiệm một lần tắm biển đêm dưới ánh trăng cực kỳ thú vị.
7 giờ, mọi người nuối tiếc khi phải rời mặt nước để về khách sạn chuẩn bị ăn tối.
8 giờ, ăn cơm xong các anh chị ra sân ngồi hóng gió mát, ai thích đi thả bộ ngắm trăng thì đi, ai ở lại thì tham gia sinh hoạt câu lạc bộ dã chiến ca nhạc khiêu vũ. Sàn nhảy là sân xi măng lổm nhổm sỏi đá, vũ công mang dép lào, guốc mộc, giày Bata, trong tiếng nhạc xập xình của chiếc cassette cầm tay nhỏ xíu, vậy mà cũng lã lướt đủ các điệu Be Bop, Tango, RumBa…Sau đó các anh biểu diển những bài tập khí công, Thái Cực Quyền.
10 giờ, chưa khuya nhưng mọi người cần nghĩ ngơi nên ai nấy về phòng mình tuy vậy vẫn nghe văng vẳng từ lầu 2 vọng lên những giọng ca quen thuộc của các ca sỹ liên khóa.
5 giờ sáng, các anh chị gọi nhau dậy sớm ra ngắm mặt trời mọc trên biển. Tập thể dục trên bải cát và tắm biển nửa. Khác với tắm trăng đêm qua, dưới ánh bình minh biển ấm áp hiền hòa hơn cho ta cảm giác thật sảng khoái. Chỉ tiếc là có hiện tượng Sứa, những con sứa bé li ti trong suốt chạm vào da gây dị ứng ngứa. Mọi người chưa kịp phản ứng thì chị Ninh Gà Ác đã pha trò rằng làm người không hề sợ ngứa chỉ sợ nhột làm mọi người phì cười vui vẻ. Rồi cũng đến lúc phải lên bờ, chuẩn bị ăn sáng để tiếp tục chương trình tham quan núi Tà K’ou.
Ở đây có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 mét cũng là một kỳ quan. Sau khi đi qua một đoạn đường Cáp treo để thử thần kinh của những người sợ độ cao, chúng tôi còn phải leo bộ mấy trăm bậc thang nửa mới tới chùa chính và rồi vượt qua 3 tượng Phật Tam Thế mới chiêm ngưởng được Phật Thích Ca. Con đường không dể dàng gì nhất là với những người cao tuổi nhưng điều đáng mừng là các anh chị trong đoàn đều đi đến nơi về đến chốn bình an cả.
Rời núi Tà K’ou, chúng tôi ghé viếng Dinh Thầy Thím. Trước kia tôi cứ tưởng nơi đây thờ cúng ông Thầy tên Thím. Hôm nay có cơ hội đọc qua sơ lược truyền thuyết dân gian được ghi chép trong đền thờ tôi mới biết Thím là danh xưng dùng để gọi người vợ của ông Thầy. Thì ra nơi đây thờ phụng công đức của hai vợ chồng người dân bình thường có công cứu giúp dân làng. Về sau được vua nhà Nguyển sắc phong thành thần.
Đã quá trưa, chúng tôi trở về lại khách sạn ăn cơm, trã phòng và tạm biệt Lagi – Bình Tuy kết thúc một chuyến tham quan thú vị. Trước khi chia tay các anh chị hẹn gặp lại lần sau trong chuyến đi Bảo Lộc ngày 11 và 12 tháng 12 năm 2015 để tham quan đèo Madagoui, thác Damri và trên hết là tham dự buổi họp mặt kỹ niệm 60 năm thành lập trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao. Tôi tin vào tinh thần đoàn kết của các anh chị Liên Khóa, tin vào sự tổ chức chu đáo của Ban điều hành Liên Khóa. Chuyến đi Bảo Lộc sắp tới của chúng ta sẽ thành công hết sức tốt đẹp.
Tháng 10 năm 2015
Bùi thị Lợi.
Các anh BLLNLS/Ninh Thuận đón đoàn NLM/S đến
Đứng:A Nguyễn văn Hùng, A Nguyễn Hửu Trí/NLS/BD Anh Lê Long NLS/BL, A Lê quang Thông NLS/BD, Quách Ngọc Lan/NLS/BD
Đoàn NLM/S- SG
Toàn cảnh Hải Đăng Mũi Kê Gà
Tiên Nữ tắm Trăng Trung Thu
Chờ thuyền đến mũi Kê Gà