|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Truyện ngắn:-Tình Cha |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18/6/2017
Truyện Ngắn
- Nguyễn thị Mây -
|
Truyện ngắn:
TÌNH CHA
Nguyễn Thị Mây
Đêm đã khuya, ánh trăng xuyên qua kẽ vách, đỗ những vệt sáng hình thù quái dị lên nền đất, soi lờ mờ mọi vật trong nhà. Những thứ ban ngày đã nhỏ nhoi, tồi tàn. Giờ đây, giữa cảnh tĩnh mịch, tranh tối, tranh sáng, chúng càng bé nhỏ, tệ hại.
Mẹ Phú đang nằm trên chiếc giường “sang trọng” nhất nhà. Bảo là sang trọng vì nó còn giữ nguyên dáng vẻ của mình. Mấy cái thanh giường cũ kỹ, bị mối mọt gậm nhấm sần sùi nhưng vẫn còn là cái thanh. Bốn chân giường dù xiêu vẹo, long mộng nhưng vẫn còn được chống đỡ bộ vạc chắp vá đủ thứ tre, gỗ tạp nhạp. Tuy nhiên, ít ai biết điều đó vì ba Phú đã dùng một đôi chiếu trải lên trên. Chẳng phải kiểu cách gì mà do hai chiếc chiếu đều sờn rách. Năm thằng con nít ngủ một giường, chà lết, lăn trở, thỉnh thoảng đái dầm tạo nên một cái mùi khăm khẳm thâm căn cố đế và nhiều khe hở cho muỗi tấn công. Ba Phú bắt hai chiếc chiếu xoay hai đầu lành để đùm hai đầu rách. Do vậy, nằm hướng nào cũng được thưởng thức “mùi hương con nít”. Nhưng những điều ấy không làm cho mẹ Phú chú ý, mà căn bệnh ngặt nghèo mới từng giờ, từng phút đày đọa bà. Người ta bảo mẹ Phú bị lao phổi. Đêm nào bà cũng ho ằng ặc từng hồi. Phú thương mẹ lắm ! Phú xót cả ruột khi thấy mẹ như bộ xương khô, nằm “dán chiếu”, thở hổn hển tựa vượt dốc.
Những lúc ấy, Phú tưởng mình cũng nghẹt thở, ứa nước mắt. Nó vừa sợ hãi vừa hung dữ. Phú quát lũ em, đuổi chúng vào một xó, không cho cựa quậy, nói năng. Thậm chí muỗi đốt, đứa nào gãi hay đưa tay đập cũng bị Phú tát. Hình như những đứa trẻ con nhà nghèo dễ thích nghi với hoàn cảnh. Chúng đón nhận mọi tình huống xảy ra cho mình với thái độ cam chịu đến thản nhiên, lạnh lùng. Lũ em Phú cũng thế. Chúng nín lặng , đợi phút “nguy kịch “ qua đi rồi riu ríu chui vào mùng, ngủ ngon lành. Mặc bụi bám đầy nóc mùng, muỗi vo ve bên tai và tiếng rên xiết “ken két” của cái giường ọp ẹp mỗi lần chúng trở mình.
Thường ngày thì Phú cũng như các em, ngủ như chết. Những khó khăn về ăn, mặc, ở đã quá quen thuộc. Riết rồi Phú cũng chẳng thấy khó chịu, buồn bã gì nữa. Phú xem nghèo như một người bạn thân ở bên mình. Nó làm cho Phú nổi bật giữa đám bạn cũng nghèo nhưng chưa bằng Phú.
Bạn Phú dù nghèo chúng cũng có ít nhất hai cái áo thay đổi khi đến trường, dăm ba quyển vở để ghi chép. Còn Phú, không có gì hết. Quanh năm đến lóp chỉ đóng bộ đồ nhếch nhác, quần đen, áo thun màu vàng xỉn. Nhũng vệt cáu bẩn làm cho cái áo quằn quện như hoa văn. Cô chủ nhiệm tội nghiệp Phú, về nhà lấy áo cũ của em út mình cho Phú mấy cái. Rốt cuộc, Phú hóa giàu. Còn sách vở, cũng cô lo. Tụi bạn bảo:”Cô mắc nợ Phú”. Nghèo, nghỉ học thây kệ! Đằng nầy, cô tới nhà năn nỉ ba mẹ Phú cho Phú tới trường. Mọi thứ cô hứa sẽ có cách giúp đỡ. Vì vậy , Phú thương cô như mẹ, nó ráng học để…cô vui. Tháng nào Phú cũng đứng nhất .
Tụi bạn lại bảo :”Cái gì mầy cũng hạng nhất. Nghèo nhất mà học cũng giỏi nhất”. Cô cũng quý Phú lắm. Đó là nguyên do mà các bạn ganh ghét với Phú. Chúng hoạnh họe Phú đủ điều. Đón đường bắt nạt hoặc nói xa, nói gần v.v…Phú đã quen lao động , giúp ba mẹ mọi việc nhà nên sức vóc của Phú đâu có tệ. Nó có thể đánh ngã lũ bạn hống hách hoặc dùng lời lẽ để đối đáp với chúng. Nhưng Phú nhịn. Mẹ nó thường dặn thế. Nghèo là một cái tội. Phải nhịn hết, nhịn ăn, nhịn mặt…nhịn đủ thứ. Nghèo không được cười lớn. Không được nói to. Thấy người dữ lánh đi nơi khác là xong. Phú không đồng ý như thế. Cô chủ nhiệm lại bảo khác. Nghèo không có nghĩa là hèn, không phải để chịu nhục. Cô còn bảo nghèo là thước đo nghị lực của con người. Nghèo mà học giỏi mới hay, chứ giàu mà tài cũng chưa lạ lắm. Phú thương mẹ, thương cô, nó chẳng muốn hai người buồn nên Phú nhịn. Chúng bạn lại không hiểu, cứ lấn tới. Sáng nay, các bạn đã làm cho trái tim của Phú tan nát, đau đớn vô cùng, vô tận.
Giờ chủ nhiệm, cô tuyên dương các bạn có thành tích trong tuần. Phú cũng được cô nhắc tới, cô bảo:
- Tuần qua, có hai lần em Phú nhặt của rơi mà đem trả lại. Các em nên noi theo gương tốt này. Phú nghèo như vậy mà không tham của. Em ấy xứng đáng là một đóa sen trong bùn.
Phú sung sướng giữa tràng vỗ tay tán thưởng của các bạn. Nhưng, bỗng dưng, Thái đứng lên phát biểu:
- Bạn Phú chỉ làm bộ tốt thôi ạ! Chứ bạn tham lắm!
Cô nghiêm nét mặt:
- Vì sao em nói vậy?
- Thưa cô, nhà bạn hay ăn cắp lắm.
Phú run lên vì giận, nó hét to:
- Thằng nói láo!
Thái nghinh mặt:
- Tao nói thật. Chính ba mày đã nạy gạch ở mấy cái mã đá để bán.
Phú kêu lên:
- Mầy nói láo…, ba tao không bao giờ làm vậy.
Phú nghẹn ngào:
- Thưa cô, ba em là thợ hồ mà…hu…hu….
Phú òa khóc, cô giáo cũng lặng đi vì xúc động và ngỡ ngàng trước tình huống nầy. Cô ôn tồn:
- Em có thấy không mà nói?
Thái thản nhiên đáp:
- Thưa cô, em không thấy nhưng em biết rất rõ . Ba bạn Phú thất nghiệp cả tháng rồi. Túng quá phải đi ăn cắp gạch.
Cô giáo gằn giọng:
- Tại sao em biết?
- Thưa cô, vì ba bạn bán gạch cho…má em.
Cả lớp bật cười dù đang căng thẳng. Cô chủ nhiệm mím chặt môi, trở lại chỗ ngồi. Cô ném mình xuống một cách nặng nề. mệt nhọc. Tiếng cười ngừng bặt. Cả lớp chờ đợi những điều không ai muốn nghe và thấy nữa. Giây lâu, cô đứng lên, giọng quả quyết:
- Vì có người mua đồ gian nên mới có kẻ cắp. Cô không dám phê phán ba má các em nhưng trước sự thật đau lòng này , chúng ta cần phải suy nghĩ. Chúng ta cần đoàn kết, yêu thương nhau hơn nữa. Người giàu nên giúp đỡ bạn nghèo để bạn mình không lâm vào bước đường cùng, trở thành người xấu. Các em có đồng ý với cô không?
Cả lớp hân hoan hô to: “Đồng ý!”
Cô còn cẩn thận dặn dò:
- Từ nay, chúng ta không nên nhắc lại chuyện nầy. Hãy xem như một cơn gió thoảng qua, se lạnh, rồi thôi! Điều đáng để ý là Phú học giỏi và đạo đức tốt, phải không các em?
Các bạn đồng thanh:” Dạ phải!”
Dù vậy, nỗi đau vẫn còn oằn nặng bên lòng Phú. Nó làm Phú biếng ăn, buồn nói và không ngủ được. Phú lăn qua, trở lại vẫn không sao dỗ giấc. Nước mắt cứ tuôn ướt đầm một mảng gối. Các bạn đánh Phú, Phú sẵn sàng nhịn. Các bạn mắng Phú, Phú sắn sàng giả điếc. làm ngơ. Nhưng nói nặng ba, xúc phạm người mà Phú kính yêu, Phú không sao chịu nỗi. Nó muốn đập vỡ đầu thằng bạn khốn kiếp, vả phù cái mỏ nhiều chuyện. Nhưng Phú lại chua xót hơn khi nhận ra điều Thái nói có lẽ đúng . Gần đây ba đi về thất thường. Ông ít nói, lại hay quạu quọ. Có khi ba nằm cả ngày, thở dài sườn sượt. Khi ấy, những buổi cơm thường chỉ có tương chao qua quít. Đã vậy, máy ngày nay, mẹ Phú trở bệnh, Bà ho dữ dội. Một lần nọ, bà khạc ra một nhúm nước bọt đỏ quạch rồi ngất đi. Ba định đưa mẹ đi bệnh viện nhưng chẳng có tiền. Thêm vào, lúc tỉnh, mẹ Phú cương quyết ở nhà, chờ…chết. Cả nhà như ốm nặng vì cơn đau của mẹ. Lạ làm sao, liền đó vài ngày, ba vui vẻ đem về một con cá lóc khá to, tự tay nấu cháo cho vợ rồi hào phóng cho mỗi đứa một ngàn đồng ăn bánh. Mẹ Phú ngạc nhiên quá, hỏi mãi, ông mới nói:
- Khổ quá, bệnh không lo, tôi mới trúng …mánh đó.
- Mánh gì vậy ông? Đừng làm bậy rồi khổ cả nhà. Nghèo cho sạch…
Ba Phú phì cười:
- Rách cho thơm phải không? Thôi đi bà ơi! Tối ngày cứ nghiền ngẫm ba cái ca dao, tục ngữ. Tôi khổ cũng vì cái hiền của bà.
Trước khi bước ra sân, ba đùa:
- Nếu có ăn cắp, tôi cũng lựa chỗ an toàn, không ai thưa gởi, bắt bớ.
Tưởng ba đùa, nào ngờ…Chẳng lẽ ba lại đi ăn cắp của người chết sao? Trời ơi! Phú còn nhớ có lần được ba dẫn đi theo làm mã. Một người láng giềng mướn ba xây mộ cho cha. Phú và ba cặm cụi làm đến khi mặt trời đứng bóng, ba bảo vào chỗ gốc cây râm mát nghỉ trưa. Ba vừa hút thuốc vừa thả tầm mắt ra khoảng trời ngập nắng. Những nấm mồ đứng lặng, phơi mình buồn bã. Màu trắng của mộ đá xen lẫn màu nâu của mộ đất như những ngôi nhà tường bên những mái lá xiêu vẹo, ba buộc miệng:
- Cõi chết mà cũng phân biệt hèn sang nữa. Chết chưa hẳn là đã hết.
Phú hiểu ba nghĩ gì nhưng nó cũng góp chuyện:
- Nhà giàu chết cũng sướng, hả ba.
Ba cười buồn:
- Ừ, mai mốt ba chết chắc không được nằm trong mộ đá đâu.
Phú lẹ làng an ủi:
- Con sẽ xây mã đá cho ba, ba đừng lo.
Nhưng Phú chợt rùng mình, nó nhớ ra một điều quan trọng:
- Nhưng ba đừng chết. Ba chết, ai nuôi tụi con với mẹ?
Ông phì cười xoa đầu Phú:
- Ừ, thì không chết. Nói vậy chớ chết là riêng mình sung sướng, được an nghỉ. Còn bao người sống phải vật vã, khổ sở.
Phú nhìn ba thán phục. Mẹ vẫn thường bảo ngày xưa ba học giỏi lắm. Hình như hết cấp hai, cấp ba gì đó. Nhưng vì…nghèo mà lấy vợ cũng nghèo nên mới ra nông nỗi. Mẹ còn bảo, Phú giống ba ở chỗ thông minh.
Bây giờ, chết cũng không được yên. Chính ba đã khuấy động cõi chết, nơi con người gởi nắm xương tàn và ba đã ném Phú vào bùn bằng những viên gạch lấy từ nghĩa trang để đổi lấy áo cơm hằng bữa.
Chung quy cũng vì Phú, vì các em và mẹ. Ôi, Phú thương ba lắm! Nó phải làm sao đây?
Rột! Phú giật nẩy mình, nhìn ra. Ba đang rón rén mở cửa trước. Ánh trăng ập vào, soi tỏ một bên tay ba là cái bao bố và cây cuốc. Phú chợt đau nhói ở ngực. Có lẽ ba sắp…đi làm. Ông sắp dùng cái cuốc kia để đào, xới một cái mộ nào đó. Nó ôm lấy mặt. Vậy là thằng Thái nói đúng. Ba nó ăn cắp. Không. Nó không muốn như vậy. Phú tốc mùng chun ra rồi len lén mở cửa, đuổi theo.
Trăng trải một làn sáng yếu ớt lên vạn vật. Bóng ba đỗ dài , chập chờn trên con đường vắng tanh. Phú chạy nhanh hơn. Nó ôm choàng lấy ba rồi vừa khóc vùa van xin:
- Ba đừng …nạy gạch nữa ba ơi. Ngày mai con sẽ nghỉ học luôn.
Thoáng ngỡ ngàng, ba Phú bỗng hiểu, ông hỏi:
- Sao lại nghỉ học?
Phú kể lại câu chuyện ban sáng ở lớp cho ba nghe rồi kết luận:
- Tại con, tại mẹ mà ba khổ. Kể từ ngày mai con sẽ nghỉ học để kiếm việc làm giúp đỡ gia đình. À, con sẽ đi bán vé số, bán báo ban ngày. Còn ban đêm, con sẽ đi bán bánh mì như Bác Tư kế bên nhà mình. Đừng ăn cắp nữa ba ơi!
Người đàn ông ôm lấy con nghẹn ngào:
- Ờ, thì không ăn cắp nữa nhưng con phải đi học. Ráng đi con! Chẳng lẽ con muốn sau này cũng khổ như ba . Thôi để ba lo. Ừ, sao ba lại không nghĩ ra chuyện đi bán bánh mì hay bán vé số trong lúc chưa có việc làm. Con đừng lo, ba làm bất cứ việc gì để con được đi học.
Phú lật đật nói:
- Nhưng đừng ăn cắp, ăn trộm, ba ơi. Nghèo cho sạch….
Ông phì cười:
- Mẹ mầy! Đúng là mẹ nào, con nấy mà.
Ông cúi xuống hôn lên tóc con, bỗng Phú thấy ba chum mũi:
- Úi chà chà, rách cho thơm hổng nổi rồi. Cái đầu của con chua òm hà. Chắc nuôi một ổ chí trên nầy.
Phú cười bẽn lẽn. Hồi chiều, vì buồn, nó đâu có tắm táp gì. Phú nắm lấy tay ba, lòng nao một nỗi gì rất lạ!
Trăng bàng bạc trên cao, trải thảm vàng lên mặt đường cho Phú và ba quay lại ./-
Tranh của danh họa Đỗ Duy Tuấn.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061804 visitors (3174549 hits) |