16/7/2015
CHUYỆN ĐỐI ĐÁP NGOẠI GIAO BẰNG THI VĂN NGÀY XƯA
Nguyễn Thị Kim-Thu
|
Trong thời gian vừa qua (7/7/2015), báo chí tường thuật rằng Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đọc hai câu thơ Kiều của thi hào Nguyễn Du trong dịp chiêu đãi phái đoàn ngoại giao cao cấp của Việt Nam:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Nhớ lại cách đây 15 năm (2000), khi thăm Việt Nam Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cũng đọc 2 câu Kiều:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Hai sự kiện này làm tôi sực nhớ đến các chuyện đối đáp trả lễ ngoại giao bằng thi văn, câu đối của tiền nhân được ghi trong sử sách. Sau đây, xin ghi lại vài chuyện để thấy cái tài ứng khẩu thành thi văn đối đáp trong lúc ngoại giao với nước Tàu.
1. Vế đối bảo vệ quốc thể của sứ thần Giang Văn Minh
Dưới thời vua Lê Thần Tông (1619-1643), Giang Văn Minh được cử làm sứ sang Trung Quốc. Trong buổi tiếp kiến, để làm nhục sứ thần Việt Nam, vua nhà Minh đã nhắc lại việc Mã Viện dựng cột đồng ở Giao Chỉ (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt) bằng một vế đối:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
(Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh)
Giang Văn Minh ứng khẩu đối tiếp vế sau:
Đằng Giang tự cổ huyết do bồn
(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)
Giang Văn Minh cố ý nhắc lại 3 lần thảm bại của quân xâm lược Trung Quốc trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938, Lê Hoàn đánh thắng quân Tống năm 981 và nhà Trần đánh thắng quân Nguyên năm 1288.
Vua nhà Minh hổ thẹn và tức giận ra lệnh giết Giang Văn Minh. Vua Thần Tông ca ngợi ông “Đi sứ không làm nhục quốc thể, thật là anh hùng kim cổ”, và ra lệnh làm đền thờ ông.
Mộ Thám hoa Giang Văn Minh. Ảnh: Wikipedia.
2. Trạng Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm tiếp Sứ Tàu.
Nhà Thanh cho sứ thần sang nước ta. Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh. Chúa giao cho Trạng Quỳnh giữ việc nghênh tiếp. Quỳnh phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa sứ bộ qua sông.
Phái bộ sứ Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền kéo vào uống nước, buông lời chọc ghẹo sàm sỡ. Một tên đọc bâng quơ:
Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy cả đoàn tái mặt ra đi, không thể ngờ rằng một bà bán nước chè bên đường lại có sức học như vậy.
Khách ra đi, xuống đò của Trạng Quỳnh. Khi đến giữa sông, một tên trong đoàn sứ Tàu chột bụng làm một tiếng "bủm", rồi còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:
Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
Trạng Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng vạch quần đái vòng cầu, vừa đái vừa đọc:
Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh, Trạng Quỳnh mắng:
Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
Cả đoàn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Cả nhóm trong bụng vừa tức, vừa sợ, đành ngậm miệng qua sông.
3. Nhà ngoại giao Quách Hữu Nghiêm
Năm Nhâm Tuất 1502, Quách Hữu Nghiêm làm Chánh sứ sang nhà Minh. Tháng 3 năm sau, sứ ta vào bệ kiến vua Minh để từ giả về nước. Nhận thấy trên sân rồng ánh nắng chiếu qua cái lọng bị thủng lỗ, vua Minh đã ra câu đối sau:
Lộc ốc nhật xuyên hình kê noãn tam tam tứ tứ
(Nhà thủng mặt trời xuyên qua, hình như trứng gà ba ba bốn bốn)
Ông đối lại ngay:
Trường giang phong động tựa long lân trùng trùng điệp điệp
(Sông lớn gió thổi giống như vẩy rồng trùng trùng điệp điệp)
Phục tài thông minh, ứng khẫu mau lẹ, vua Minh ban cho áo đại hồng, cấp cho đoàn sứ bộ một thuyền lớn để trở về nước. Vua Minh cũng ban cho ông bốn chữ "Tam Đại Di Tài", xếp ông là nhân tài thời tam đại.
Lần đi sứ này rất thành công, có thể nói rằng chưa có trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đó. Khi ông mất, nhà vua ra lệnh xây đền thờ ông tại làng Thuyền Quang, nay thuộc xã Thái Thụy, Thái Bình. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét công trạng ông là "Nhà ngoại giao đầy mưu chước chính trị".
Lễ tế ông Quách Hữu Nghiêm nhân ngày kỵ 9/9 hàng năm (Hình Internet)
4. Giai thoại Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) là người có dị tướng, thân thấp bé, nhưng nỗi tiếng thông minh tuyệt thế, thi đỗ Trạng nguyên thời vua Trần Anh Tông. Khi đi sứ sang Tàu, ông đã dùng tài năng và trí thông minh của mình làm cho vua quan nhà Nguyên phải thán phục. Vua Nguyên phong cho ông là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.
Năm 1308 Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên. Vì trời mưa làm trở ngại đường đi nên đến cửa khẩu trễ, quân canh gác đóng cửa ải, bảo phải chờ sáng hôm sau mới cho qua. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thử thách sứ bộ Đại Việt nếu đối được thì họ sẽ mở cửa. Câu đối như sau:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
(Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua ải), vế đối có 3 chữ quá và 4 chữ quan.
Mạc Đĩnh Chi bèn đối lại ngay:
Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối
(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước)
Vế đối của ông có 4 chữ đối và 3 chữ tiên, đúng với yêu cầu câu đối của viên quan ấy. Viên quan canh cửa bái phục tài ứng đối của ông và liền mở cửa để đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi qua ải.
Tới kinh đô, Mạc Đĩnh Chi được mời tiếp kiến vua Nguyên. Vua Nguyên đọc một câu đối đòi ông phải đối lại:
Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
(Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).
Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý là nhà Nguyên sẵn sàng xâm lược đè bẹp, đốt cháy nước ta, nên ông ứng khẩu đọc ngay:
Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).
Vế đối quá chuẩn, còn tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất hào hùng của dân ta, sẵn sàng đánh bại kẻ thù rằng nếu nhà Nguyên tưởng đốt được vầng trăng bằng khói lửa, thì Đại Việt dùng trăng sao bắn rơi mặt trời.
Trong lịch sử dân tộc ta, còn rất nhiều chuyện sứ ta đối đáp với vua Tàu. Chuyện nào cũng cho thấy tài ứng khẩu hùng biện, đề cao nền văn hiến, văn minh của dân tộc Việt, ý chí quyết tâm giữ nền độc lập của đất nước.
Reading, 7/2015.
Nguyễn Thị Kim-Thu