Trịnh Nam & Hương Hồ
|
|
Duyên
***Bài viết thay cho lời chào thân hữu tới Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ và Phú Yên
Mỗi khi nghe câu: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng (1) tôi lại nhớ đến L. N. T., tên bạn hàng xóm của tôi. Chính tên này khi nghe tôi đọc câu này đã cười hô hố và nói: Mầy phải đọc như thế này mới đúng điệu. Nghe nhé: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện… thấy thương liền. Khi mấy con nhỏ kêu mầy vô duyên, thì mầy cứ đọc cho nó nghe câu nầy là nó sẽ “quê”, bỏ đi một nước…hê…hê…hê. Lúc đó có má nó đứng một bên, bà liếc nó, hơi mỉm cười rồi nói: Anh Nam đừng có nghe nó nói. Thằng này chỉ xúi bậy…
T. ở căn nhà gần như đối diện với nhà của tôi. Tuy vậy, tôi chỉ biết nó ở đó sau khi có chuyện này xảy ra. Một hôm vào khoảng 8 giờ sáng, có tiếng huyên náo ngay trước cửa nhà. Tôi bước ra xem thì thấy có một vụ cãi vã xảy ra giữa nhà nằm bên tay phải, sát bên nhà tôi và căn nhà phía đôi diện, hơi chếch sang phía bên trái. Đôi bên cãi nhau rất dữ dội. Tên kế nhà tôi cầm gậy xông ra. Có một tên ở phía ngược lại, tay không, từ trước cửa nhà mình phóng tới. Một người đàn ông trung niên, chắc là cha của hắn chạy vội theo, nắm tay hắn kéo lại. Ông gào lên: Đi vào nhà. Hắn dẫy dụa toan thoát khỏi tay của ông. Một cái tát tai, kèm theo tiếng quát: Tao bảo mày đi vào nhà. Mẹ nó chạy vội từ trong nhà ra, kéo nó vào nhà. Mặt hắn đỏ lựng vì dấu tay cũng như vì tức giận. Hắn khẽ vùng vằng, rồi ngoan ngoãn đi vào nhà. Bên kia thấy vậy cũng từ từ tản ra. Một lát sau, tôi nhìn sang thì thấy hắn đang ngồi vắt vẻo trên cái lan can, mặt hầm hầm nhìn sang nhà kia. Vốn tôi không thích nhà bên cạnh vì nhà này hay có xích mích với nhiều nhà trong xóm. Thêm nữa, gã con trai gây chuyện với tên kia đang tập chơi kèn saxophone. Tôi nghe hằng ngày rất mệt cái “lỗ nhĩ”, nên sinh ra ác cảm. Vì thế, đợi một lát cho êm ắng mọi sự tôi mới lò dò bước sang thăm hỏi tên ở nhà bên kia. Có lẽ hắn nghe tiếng nói chuyện ở dưới nhà nên cũng từ trên lầu đi xuống. Mẹ hắn bảo tôi: Thằng này tối qua đi chơi với bạn, gặp đám bạn của anh bên kia. Hai bên “kên”nhau, suýt nữa đánh nhau. Sáng nay, hắn lại muốn sinh sự với thằng này. T. phân bua: Tụi con đi qua, bọn nó đứng dàn ngang ngáng đường. Nó muốn gây chuyện chứ đâu phải con…Cha hắn ngắt ngang: Không phải trái gì hết, gây chuyện đánh nhau là không được. Tôi thấy ông xử sự rất đúng mực, bởi vì, lúc ấy chức vụ của ông rất dễ bắt nhốt tên kia một hai bữa chẳng cần lý do. Từ đó, tôi quen biết hắn. Biết hắn tên T.. Sau khi xin phép bố mẹ hắn, tôi và hắn đi uống cà phê ở quán Thăng Long. Tôi hỏi hắn: Cậu ở đó hồi nào, ý tôi muốn nói nhà của hắn, sao tôi không biết? “Tớ ở đó lâu rồi, cậu không gặp tớ bởi vì tớ học ở Cần Thơ. Bây giờ nghỉ hè tớ mới có mặt ở nhà.”.”Cậu học trường gì ở đó?”.T. nói: Trường Trung Học Nông Lâm Súc. Chu choa, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên trường này. Tôi hỏi tiếp: Cậu học ban gì? Tôi nghĩ trường Nông Lâm Súc chắc cũng có các ban A, B như mọi trường phổ thông khác. Ai dè câu trả lời của hắn ra ngoài dự đoán của tôi. “ Tớ học lớp Đệ Nhị Công Thôn. Hết hè, tớ lên Đệ Nhất.”. Tôi học lớp Đệ Nhị niên khóa 1969-1970. Khi tôi biết T. là lúc tôi vừa đậu Tú Tài Phần Thứ Nhất. Tôi hỏi T. : Cậu thi Tú Tài ở Cần Thơ hả?. “Không, học ở trường này không phải thi Tú Tài như các cậu. Trường tự tổ chức Hội Đồng thi. Học sinh thi hai học kỳ tại trường. Đủ điểm là lên lớp và được cấp bằng Tú Tài 1 và 2 Nông Lâm Súc . Thí dụ như tớ vừa học xong Đệ Nhị là được cấp bằng Tú Tài Một rồi.”. Chu choa, sao sướng vậy hở trời (1’). Trách nào tên này lặn lội ra tới Cần Thơ học. Hắn còn cho tôi biết một thứ ưu tiên cho nam sinh nữa, đó là học ở đây sẽ được thêm tuổi hoãn quân dịch. Hồi đó, có một con đường cho hầu như tất cả các chàng trai không muốn phải tòng quân, nhập ngũ là đi học. Học, thi đậu, không được thi rớt. Bởi vì thi rớt là phải đi lính. Trước 1972, tuổi tôi coi như là học sớm một năm. Có nghĩa, tôi có quyền thi rớt một lần. T. lớn hơn tôi một tuổi, nhưng nhờ học ở trường Nông Lâm Súc, nên vẫn có quyền thi rớt một năm mà không bị bắt lính. Cái này mới ngon à nhe. Được hoãn dịch vì lý do học vấn. Nghe đã ghê.
Mấy hôm sau tôi rủ T. đi Cần Thơ thăm bà chị của tôi làm việc ở đấy. Tuy vừa mới ở Cần Thơ về nhà được mấy hôm nhưng vì có tôi rủ rê nó vẫn đi. Má nó cằn nhằn, nó vẫn cứ xin đi. Tôi phải viện cớ vì không biết đường nên nhờ nó dẫn đi, má nó mới chịu. Sau này tôi mới biết, nó không có tiền mua vé xe, nên phải cầm cái đồng hồ để có tiền đi với tôi. Hết lòng với người bạn mới quen là tôi như T. quả là hiếm có. Đúng là dân chơi “cầu ba cẳng” (2) mà. Khi xuống tới Cần Thơ, chị tôi giao chiếc xe PC để tôi và T. có phương tiện đi lại. Nó chở tôi đến bến xe mới (3) nằm ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo(3’), nơi đó có nhà của Bùi Thanh Vân(4) học chung lớp với nó. Anh V., (vì V. lớn tuổi hơn hai đứa tôi nên chúng tôi gọi là anh) rất vui vẻ và hòa đồng, dễ thân cận. Theo nhận xét chủ quan của tôi thì dân học trường Nông Lâm Súc, đặc biệt Cần Thơ, rất dễ mến và dễ thân. Vì thế, khi gặp Nguyễn Đình Hùng(4’) để cùng đi uống cà phê với nhau, chúng tôi không cảm thấy lạ lẫm và xa cách. Anh H. nhà ở Gia Định cũng trọ học như T. vậy, có chút chuyện cần thu xếp trước khi về nhà nên còn ở lại Cần Thơ, vì thế tôi mới gặp anh ở đây. Sáng hôm sau T. chở tôi đến trường hắn học. Lúc đó trường đóng cửa nghỉ hè. Tôi và T. ghé vào một quán cà phê sơ sài vách lá, bàn ghế nhựa lèo tèo vài ba cái. Hồi đó có phong trào “Thương phế binh chiếm đất cắm dùi”, quán này nằm trên khu đất đó. Có lẽ vì thế mà chỉ xây dựng tạm bợ chăng? Quán ở đối diện với trường, chủ quán là hai cô gái khá xinh xắn, da trắng, giọng nói ngọt lịm như chè bưởi. Cả hai đều mặc áo nâu, đồng phục của trường Nông Lâm Súc. T. giới thiệu tôi cho hai cô đó và nói hai cô này là lớp đàn em. Nếu tôi nhớ không lầm thì tên của một trong hai cô đó là Hoàng(?).
Lần đầu tiên tôi biết trường Nông Lâm Súc là khi ở bên kia đường ngó qua, chưa được bước vào bên trong. Muốn vào đâu phải dễ …
Sau chuyến đi đó, qua T. tôi biết thêm được một số bạn học ở Nông Lâm Súc, cùng lớp hay học ở dưới T. một hay hai lớp. Chẳng hạn như hai bạn On và Phi. Nhà của On ở Mỹ Tho, tôi và T. có ghé vào nhà On chơi. Cả bọn kéo nhau ra quán cà phê Mây Chiều. Quán này được xây dựng nổi trên sông, gần nơi có cây đa cổ thụ. Hồi đó, quán này khá nổi tiếng ở Mỹ Tho, có món cà phê đá cho thêm một ly rượu Rhum vào. Ly cà phê đá tự nhiên có một hương vị mới lạ, uống vào thấy lâng lâng, nghe nhạc Trịnh Công Sơn rất “phê”. Với Phi tôi có ấn tượng như sau: Phi là người có tướng “hầu”. Theo tướng pháp người có tướng này rất thông minh, lanh lợi, quyết đoán nhanh, có nhiều sáng kiến. Khi Phi thi đậu vào trường Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn, bạn có ghé vào nhà T. chơi, gặp tôi đang ở đó. Lúc đó tôi vừa viết xong một ca khúc nên đàn và hát cho Phi nghe. Phi hỏi tôi: bài này nghe được quá, tựa là gì vậy? Tôi nói: Vừa mới làm xong, chưa biết đặt tên gì cho hay. Phi cầm bản nhạc lên đọc, rồi chỉ vào một câu sẵn có trong bản nhạc, bảo tôi lấy đó làm tựa cho bài hát. Nhanh! Hay! Độc đáo! Nhân tiện, Phi có cho tôi xem bài thơ của hắn làm, được đăng trên đặc san của trường Đại Học Nông Nghiệp. Tên của bài hình như là “Tiếng Nổ”(?). Bài thơ rất hay, có nhiều ý tưởng mới lạ.
Niên khóa 1970-1971, T. và anh H. về lại Sài Gòn và học lớp Đệ Nhất Công Thôn ở trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Anh V. vẫn còn học ở trường Cần Thơ. Năm 1972 T. và anh H. thi đậu khóa Sư Phạm cấp tốc 1 năm. Học ở Nha Học Vụ, nằm ở sau lưng tòa đại sứ Mỹ. Nhờ vậy mà tôi biết thêm được các bạn học trong khóa này và có đứng thật xa ngắm các người đẹp trong lớp Sinh Hoạt Gia Đình…
Năm 1978 nhờ có người bạn giới thiệu, tôi được nhận làm giáo viên của Phân Hiệu Kỹ Thuật In. Dạy được hơn một năm thì có một tối, như thường lệ tôi đang ở nhà chờ xem có thân chủ nào đến không. Có hai người bước vào nhà. Tôi nhận ra một người là Thu Hà, học sinh lớp tôi đang dạy. Một người nữa được Hà giới thiệu là chị ruột của mình, tên Thu Hương. “Em nghe thầy C. nói thầy xem bói hay lắm nên dắt chị em xuống nhờ thầy coi dùm cho chỉ”, Hà nói. “Vậy chị em muốn xem chuyện gì? Vượt biên phải không? Nếu có chuyến đi rồi, đến coi mọi chuyện lành dữ liên quan đến chuyến đi đó thì tôi coi quẻ Lục Nhâm Đại Độn cho. Nếu chưa có một nơi chốn, tổ chức nào rõ rệt thì tôi coi Tử Vi để biết số tốt xấu ra sao trong việc đi đứng”, tôi nói. Thu Hương lên tiếng: Dạ em muốn đi nhưng, hiện tại chưa có chuyến nào cả. Tôi nói: Nếu vậy tôi xem Tử Vi cho chị. Chị có nhớ ngày sinh tháng đẻ và giờ sinh không? Cần phải chính xác đó, nếu không cũng coi được nhưng đó là số của người ta…coi trật lất. Khi lấy lá số xong, vì để kiểm tra xem có đúng số của Thu Hương không, tôi mới hỏi vài câu liên quan đến” thân thế và sự nghiệp” của nàng. Thật bất ngờ khi tôi nghe nàng nói: Trước 1975 em học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Quả đất này xem ra không lớn lắm. Thế là, một số kỷ niệm ùa về, tự dưng tôi cảm thấy gần gũi với “cô thân chủ” này hơn. Vì thế, những điều xấu trong số được khéo léo nói ra. Những điều tốt được “cường điệu” thêm một chút. Cho dù là đi xem bói cũng vậy, quen biết bao giờ cũng hơn phải không quý vị. Nếu thầy không ưa”phán” cho mạt cả đời thì “tiêu”….Xem xong hai chị em tế nhị hỏi thù lao cho thầy. Tôi cười cười bảo: Khỏi. Khi nào đi được gửi quà về cho tôi cũng không muộn. Hai chị em vui vẻ ra về.
Sau vài hôm, lúc khoảng hơn 3 giờ chiều một chút, tôi có khách đến chơi. Nhà tôi gần như là hướng Chính Tây, nên vào quãng giờ này có nắng nhuộm vàng cửa chính. Một khuôn mặt tươi cười, hơi tối vì ngược nắng, nhưng mái tóc lại rực sáng, y như có hào quang trên đó. Tấm áo nâu dài tay gần như đồng mầu với cái quần tây. Tôi ngồi ở trên cái ghế sa lông nhìn về phía gần như đối diện với khung cửa ra vào. Hình ảnh khuôn mặt và mái tóc ánh vàng mầu nắng với tấm áo nâu tạo thành một nét đẹp, duyên dáng không ngờ. Thần Eros (5) đã hiện thân nơi khung cửa hôm đó, tặng cho tôi một mũi tên. Cho “thầy” chết. Tôi có ghi lại phút giây đó: Em từ trong nắng đi vào – Vàng hoa trên tóc ngọt ngào áo nâu. Rồi “hạ quyết tâm”: Tôi xin thề với lá trầu – Quả cau làm chứng mai sau rước nàng. Thấy tôi Thu Hương cười nói: Thầy nhớ em không? Em là Thu Hương chị của Thu Hà học lớp thầy dậy. Tôi trả lời ngay: Nhớ chứ, tôi có xem Tử Vi cho chị rồi mà. Sao, có chuyến đi rồi hả? Nàng đáp: Không. Hôm nay em không có coi bói. Em nghe Hà nói thầy có làm xà bông phải không? Tôi nghĩ bụng: Mình làm cái gì sao học trò đều biết nè trời! May nó không phải là công an, không thôi đi học cải tạo” mút mùa Lệ Thủy”. Tôi cười cười nói: Có. Tôi có hợp tác với hai người bạn làm xà bông. Có gì không chị? Nàng trả lời: Vậy thầy có cần mua xút (NaOH) không? Ba em có người quen mua được xút từ Kampuchea về. Giá …../kg. Nếu mua nguyên một phuy 200kg thì giá rẻ hơn nữa. “Giá này so với giá tôi vẫn mua rẻ hơn nhiều, nhưng tôi còn phải hỏi người bạn mới có thể biết là sẽ mua bao nhiêu. Chiều mai, cỡ giờ này chị đến đây dẫn tôi đi đến chỗ đó được không?” tôi nói. “Được chứ thầy, ngày mai em sẽ tới.” nàng đáp. “Chị có rảnh không? Tôi mời chị đi uống nước.”” Dạ em cũng không có chuyện gì cần phải làm ngay…”. Nàng dẫn xe đi bộ cùng tôi đến quán của thằng bạn cũng không xa nhà tôi lắm. Thủng thẳng đi bộ cùng nàng tôi mới có thời giờ ngắm kỹ chân dung. Không có gì đâu. Chỉ là méo mó nghề nghiệp, muốn xem tướng mà thôi. Lãng mạn quá phải không thầy?
Vào quán tôi kêu một ly cà phê đen. Nàng một ly đậu xanh đá. Chuyện vãn. Tôi dẫn xe đưa nàng ra tận đường lộ rồi mới lững thững đi bộ vào quán lại. Thấy tôi, mẹ của thằng bạn cười nói: Bạn gái của cháu hả? Xinh quá. Tôi chưa kịp trả lời thì chị Cả của nó từ nơi chỗ pha chế chạy ra: Em quen cô này ở đâu vậy? Xinh quá trời. Chị thấy được đấy, Nam nhào vô đi…Tôi cười đáp: Vậy hả chị? Cô này là chị của đứa học trò, em mới biết…Chị cho em gửi tiền nước. Mẹ của thằng bạn tôi nói: Tính tiền ly cà phê của cháu thôi. Ly chè không tính. Chị của nó thêm vào: Mai mốt khi cô ấy là bạn gái của em, đến đây uống không phải trả tiền. Tất cả nhà của thằng bạn tôi đều đối với tôi thân tình như thế đó. Thật đáng quý trọng.
Hôm sau, như lời hẹn, Thu Hương đến nhà để dắt tôi đến chỗ bán xút. Tôi có cái xe đạp của vua Bảo Đại để lại. Xe này gánh tôi, lúc đó khoảng trên dưới 40 ký đã rên la ầm ỹ rồi, nếu chở thêm nàng nữa chắc nó vẫy tay chào tôi lần cuối quá, vì thế tôi nói: Đi xe của “em” (sau khi uống nước bậc thang giá trị của Thu Hương đã xuống một bậc. Cà phê ơi! Ta cám ơn người) nhé. Tôi chở em. (Dù trong bụng muốn nói là: em chở tôi nhé, nhưng nói như thế thì “mất mặt bầu cua”quá, nên đành phải ‘dối lòng”.).Thế là tôi và nàng cùng “tiến về…Chợ Lớn”. Ấn tượng đọng lại trong tôi sau cái lần đầu tiên có” nụ cười khúc khích sau lưng” (6) là : Cái xe mini của Thu Hương có cả hai thắng trước và sau. Quá đã. Đi từ Tân Bình sang Chợ Lớn, xa như vậy mà xe không bị tuột xích(sên) lần nào. Quá sướng.
Tôi còn có một kỷ niệm nữa với chiếc xe này. Một người bạn khác của tôi thấy chiếc xe của nàng hơi cũ nên bảo tôi: Nam mang xe đến đây, tôi sơn lại cho mới. Tôi nói Thu Hương giao xe cho tôi. Bạn tôi hì hục tháo ra, sơn phết cẩn thận rồi kêu tôi đến lấy xe. Khi dắt cái xe tôi có cảm giác hơi có gì dinh dính nơi tay, nhìn kỹ lại thì thấy đó là vệt sơn màu hồng. Tôi mới hỏi: T. à! xe sơn mấy ngày rồi mà có vẻ như còn ướt vậy. Nó hơi lúng túng, chưa kịp trả lời thì cậu em kế nó cười nói: Ông T. hà tiện lấy dầu hỏa pha sơn, nên sơn nó không khô đấy mà. Bạn tôi gãi đầu: Pha sơn với xăng thơm thì nó sẽ khô ngay. Nhà có dầu hỏa, mình lười không đi mua xăng thơm. Ai dè sơn pha với dầu hỏa để hai ngày rồi mà nó vẫn còn ướt…Tôi dở khóc dở cười nhìn cái xe. Sơn lại nữa thì không được còn giao xe trong tình trạng này cho Thu Hương thì không biết ăn nói làm sao với nàng…Tuy vậy tôi vẫn đạp xe này mang cho nàng, kèm theo lời dặn: Cẩn thận sơn còn ướt. Khi tôi về nhà, mẹ tôi gọi lại bảo: Con đi đâu mà sao quần dính sơn kìa. Tôi nghĩ thầm: Người ta son môi dấu tình hồng, còn mình là sơn ướt dấu ….hồng. Chán thật.
Tôi làm xà bông, Thu Hương có đến lấy để bỏ mối cho vài người quen, nhờ vậy tôi mới có dịp gặp nàng nhiều hơn. Sau khi dùng hết 50kg xút, vợ chồng người bạn không chịu làm nữa. Lý do: Vợ hắn bán vàng chui cho mấy dân vượt biên, buôn lậu. Bán vàng vừa nhẹ nhàng vừa có lời hơn nghề làm xà bông, lại không bị Công An phường để ý do có nhiều người lui tới lấy xà bông đem bán. Xong một chuyện. Phân Hiệu Kỹ Thuật In mà tôi làm giáo viên ở đó, khoảng chừng hơn một năm sau, tính từ khi tôi quen Thu Hương, bị Bộ Thông Tin Văn Hóa cho giải thể vì nội bộ không đoàn kết. Té ra, tôi dạy ở Trường In. Tôi làm xà bông chỉ là “cái cớ” để cho “DUYÊN” nảy sinh, để tôi có “duyên gặp gỡ “với nhà tôi. Sau khi xong việc rồi thì xà bông đi đàng nó, Trường In cũng kiếm lối mà “chuồn”…Ngộ không?
Lập gia đình với Thu Hương thật lâu rồi tôi mới biết thêm được một số bạn cùng học với nàng ở Trung Học Đệ Nhất Cấp Nông Lâm Súc Phú Yên. Những kỷ niệm với trường này đầy ắp tiếng cười và niềm vui của thưở “Thu Hương còn thơ”. Rất ngộ nghĩnh. Rất hồn nhiên. Rất vui theo lối” Nhất quỷ Nhì ma thứ Ba học trò.”.Vì thế, tôi đã lẳng lặng đứng sang một bên để nhà tôi hàn huyên, tâm sự cùng bạn bè. Tôi e rằng sự có mặt của mình sẽ làm tắc nghẽn dòng kỷ niệm với bạn cũ, trường xưa, nên thường tránh mặt trong các buổi họp mặt của nhà tôi với các bạn ở Nông Lâm Súc Phú Yên. Mong rằng các bạn ấy sẽ thông cảm, dù muộn màng, với tôi. Còn với các bạn ở Nông Lâm Súc Cần Thơ thì, cho đến năm 2010, tôi vẫn chỉ nghe nói chứ chưa gặp mặt một ai, trừ T. S., cô này có ghé vào thăm và ở chơi với nhà tôi mấy ngày. Trong những lời nhắc nhớ của nhà tôi với thầy xưa, bạn cũ ở Cần Thơ, Phú Yên, tôi nghe được một tình cảm chan hòa, thắm thiết với cô B. L., cô K., cô L. v.v…Với bạn ở Cần Thơ tôi biết được danh hiệu Tứ Cô Nương, một cô bạn có giọng hát làm “xao xuyến ánh trăng vàng” và một số bạn nam sinh khác trong lớp. Bởi vì tôi đã quen với các bạn của Thu Hương ở trường Nông Lâm Súc Cần Thơ bằng “tai”rồi, nên khi gặp mặt, hầu như, tôi không có cảm giác lạ lẫm, cần phải thích ứng với các bạn ấy nữa. Người cùng nhà cả. Và theo nhịp sống mới, trang Facebook đã giúp tôi quen biết thêm nhiều quý thầy cô và các bạn mới. Vui ghê.
Một trong hai người bạn thân nhất của tôi thời đi học trước năm 1975 là học sinh trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Người tôi yêu, sau này trở thành vợ tôi là học sinh của cả hai trường Nông Lâm Súc Phú Yên và Cần Thơ. Cổ thư Trung Hoa có câu: Bách thế tu lai cộng thuyền độ - Thiên thế tu lai cộng chẩm miên. Có nghĩa là: Tu trăm năm mới được chung một chuyến đò – Tu ngàn năm mới được chung chăn gối. Tất cả đều nằm trong chữ “DUYÊN”. Nếu vậy, đúng là tôi có duyện với trường Nông Lâm Súc rồi. Thật may. Thật hạnh phúc.
Arizona, cuối mùa Đông
Trịnh Đình Nam & Hương Hồ
31 tháng 3 năm 2019
Chú thích:
1- Câu này có nghĩa: Có duyên dù xa ngàn dặm vẫn gặp được nhau – Không duyên dù nhìn thấy nhau vẫn không được họp mặt.
1’- Vì thế có nhiều học sinh trường Nông Lâm Súc, ngoài bằng tú Tài của trường còn có thêm được hai bằng Tú Tài Phổ Thông do nộp đơn thi như các thí sinh bình thường
2- Tên một cây cầu ở Chợ Lớn. Cầu này vì quá cũ nên đã bị sập năm 1990
3 và 3’- Tên đường và vị trí tôi viết theo trí nhớ, nêu có sai lạc xin quý vị sửa dùm. Xin cám ơn.
4 và 4’ : Tôi xin lỗi vì đã không xin phép mà để nguyên tên, không viết tắt
5- Eros là vị thần Tình Yêu trong thần thoại Hy Lạp. Thần này có cái cung nhỏ xíu và nhiều mũi tên cũng nhỏ xíu. Gặp người khác phái thần bắn một phát, ai bị trúng tên ắt phải “toi” vì tình
6- Lời nhạc bài Quỳnh Hương của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
|