Nguyễn Thị Mây
Anh Khoa đến đúng lúc tôi định chuồn khỏi nhà. Tay phải anh ôm ngang cây đàn, nét mặt rạng rỡ. Tôi chạy ra:
- Anh mới đến hả anh Khoa? Chị em đang chờ anh trong nhà. Chào anh, em đi chơi đây.
Không đợi cho anh có phản ứng, tôi phóng ra sân, chạy biến vào con đường mòn dẫn đến chòm dầu. Đó là “khu du lịch xanh của tôi”. Băng dọc dãy mộ cổ xám xịt, cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng tôi. Vẫn những cây thánh giá trầm mặc đứng lặng nhìn thời gian bào mòn những nấm mồ phủ đầy cỏ úa quanh đó. Nửa như thương hại, nửa kiêu hãnh với chỗ yên nghỉ của những người nghèo. Chúng chìm trong buồn bã nhớ nhung những sợi khói nhang từ lâu vắng bóng. Tôi bỗng sợ toát mồ hôi, co giò phóng như bay tới trước.
Chòm dầu kia rồi. Những hàng cây đứng ngay hàng, thẳng lối như những người lính canh giữ bầu trời. Chúng căng những chiếc ô thiên nhiên nối tiếp nhau, thành một vòm cao xanh sắc lá. Nắng bực tức nhảy múa trên tán cây. Vài tia hiếm hoi len lỏi qua khe hở rót một dòng sáng trong vắt, dọi lỗ chỗ lên những chiếc lá vàng rơi, trải đầy mặt đất. Tôi hít đầy buồng phổi làn không khí trong lành, buột miệng “Khỏe quá!”
- Đồ khùng!
Quay phắt lại, tôi bắt gặp một thằng nhóc đen bóng, đang nhăn hàm răng trắng ởn ra cười. Hất hàm, tôi cao giọng:
- Ê nhóc, mi nói ai khùng đó?
Có vẻ sợ, nó lùi lại, lọt ngay vào dòng sáng cho thấy cái áo thun đỏ cũ rích, nhưng chiếc quần cụt xanh có hai mảnh vá màu trắng thì tươi tắn hẳn lên.
- Ê, Bốn Màu, sao không trả lời.
Nó trợn mắt trắng dã:
- Này, cái đuôi gà mái, mi gọi ai là Bốn Màu hả? Bốn Màu đâu?
Chỉ tay vào nó, tôi cười cười:
- Dám so sánh chùm tóc buộc nhỏng của người ta như vậy hả? Vậy chứ áo đỏ, quần xanh, hai mảnh vá trắng và cái mặt đen xì của mi nữa, không bốn màu thì là mấy màu?
Nó há mồm định cãi. Nhưng chẳng hiểu sao nó lại dịu giọng, thân thiện:
- Nè bạn, bộ tui đen lắm hả?
Đưa tay che miệng cười, tôi gật đầu:
- Ừ, không đen gì cho lắm, chỉ giống cột nhà cháy. Đi đêm không ai nhìn thấy đâu!
Bốn Màu ngồi bệt lên trên xác lá vàng, hai bàn tay bưng lấy mặt, cặp mắt mơ màng:
- Mẹ tui bảo tui giống ba tui lắm!
Ngồi xuống cạnh nó, hai tay tôi vòng quanh gối:
- Ba bạn cũng… đen thui như vậy sao?
Bốn Màu lại nhoẻn cười hồn nhiên :
- Ừ, mẹ tui bảo ba tui hiền và học giỏi lắm.
Tựa lưng vào gốc cây, cũng vòng hai tay quanh gối như tôi, nó nhìn đâu đâu. Tôi cười:
- Còn bạn thì …học dở phải không?
- Mình có đi học đâu mà dở. Ba mình chết rồi. Mẹ mình hay bệnh, cơm không đủ ăn, tiền đâu lo chuyện học hành?
- Đi học đâu có tốn nhiều tiền. Ở trường mình, học sinh nghèo còn được cấp tập vở, sách bút nữa kìa. Bạn đi học đi!
- Nhưng ai sẽ kiếm tiền phụ với mẹ nuôi hai đứa em tui?
Như chợt nhớ, nó đứng dậy, đi thẳng đến chỗ có một đống lá dầu khô đã được gom thành một “ngọn đồi” nhỏ. Khom người nhặt lên một cái bao đặt cạnh đó tự bao giờ. Vạch rộng miệng bao, nó quơ lá khô vào bao. Tôi đến bên cạnh:
- Bạn đem bán hả?
- Đem về chụm thay củi, đỡ tiền dử lắm đó. Hốt xong, mình đi bán vé số.
- Vậy là buổi tối bạn rảnh phải không? Bạn đi học lớp đêm đi. Đó là lớp dành cho những người bạn nghèo như bạn đó.
- Chi vậy, lợi lộc gì đâu?
- Có chứ, đặng giỏi như ba bạn, đặng có thể kiếm được một nghề gì đó khi ra trường. Hổng lẽ bạn đi bán vé số suốt đời?
Thấy nó có vẻ nghĩ ngợi, tôi liền trổ tài thuyết phục:
- Đi học vui lắm. Biết nhiều điều hay lắm kìa.
- Không tin. Đâu, kể thử một chuyện coi!
- Nhưng nếu hay thì bạn phải hứa là đi học nghe.
Bốn Màu gật đầu, đưa tay ra ngoéo tay tôi. Tôi liền kể:
- Ngày xưa, ở một vùng đất bên Hy Lạp có tục lệ rất kỳ cục. Họ hay đãi ăn. Nhưng nếu buổi tiệc nào có vua dự thì không được phép lật con cá lên để ăn. Ai trái lệnh sẽ bị chém đầu vì họ cho rằng đây là biểu hiện của người định tạo phản. Một hôm, vua nước Pháp là Charlemagne cử một vị đại sứ sang Hy Lạp để thương lượng chuyện ban giao hai nước. Vua Hy Lạp cho mở tiệc chiêu đãi sứ thần. Thức ăn dọn lên ê hề trong đó có một con cá hấp to tướng với nhiều gia vị thơm lừng. Sứ thần thích quá, liền lật con cá lên định xắn một miếng thì…tất cả quan triều liền đứng bật dậy, giận dữ xin nhà vua chiếu theo phép nước mà trừng trị. Đức vua nở môt nụ cười nham hiểm. Ngài phán:
- Này, sứ thần, ta biết làm sao hơn. Ta muốn cứu đại sứ nhưng không thể làm ngược lại luật lệ nước ta. Thôi thì trước khi ngài chết, ta ban cho một ân huệ. Ta sẽ làm cho ngài hài lòng, dù khó đến đâu, ta cũng chiều, trừ việc xin được sống.
Ngừng kể, quay sang Bốn Màu, tôi hỏi:
- Theo bạn, vị đại sứ kia có chết không?
- Không.
- Ồ, bạn thông minh lắm. Tại sao bạn đoán như vậy?
- Nếu ông ta chết thì còn đố làm chi. Bạn kể tiếp đi, chuyện tới lúc hồi hộp quá.
Sứ thần không hề run sợ. Ông ta nghĩ ngợi một hồi rồi tâu:
- Tâu bệ hạ! Thần không dám trái ý bệ hạ và các triều thần. Thần chỉ xin một điều “ Hãy móc mắt những ai trông thấy thần lật con cá!”
Bốn Màu vỗ tay reo lên:
- Vậy là các quan lẫn ông vua đều bị móc mắt!
- Trật lất! Mấy ông đều chối là không nhìn thấy vị đại sứ lật con cá. Buồn cười nhất là vua chối kịch liệt hơn cả các quan. Và, bấy giờ con người thông minh ấy đưa ra kết luận “Không ai nhìn thấy thần lật con cá. Vậy là thần vô tội!” Vua nước Hy Lạp đành để sứ thần an toàn trở về nước.
Tôi cũng đưa ra kết luận:
- Hồi nãy bạn bảo chuyện này hay, vậy bạn phải đi học.
Bốn Màu bật cười, gật đầu:
- Ừ, mình sẽ đi! Chắc mẹ mình vui lắm khi mình chịu đi học. Trước đây, mẹ mình cũng bảo dù nghèo cũng phải đi học cho biết chữ, cho ba vui lòng nơi suối vàng. Nhưng mình…làm biếng. Cảm ơn bạn nghe, bạn…”Cái đuôi gà mái”.
Tôi bật cười:
- Không có chi, bạn Bốn Màu. Tạm biệt bạn. Hẹn hôm khác sẽ gặp lại nhá.
Bốn Màu còn đang ngơ ngác thì tôi đã phóng đi. Con đường về nhà bỗng dưng đẹp lạ.
Minh họa của họa sĩ Thái Học Sinh Sinh Thai)