2 Kẻ lang thang khám phá nước Mỹ (tt)
Mong Phước Minh
Như các bạn đã biết, trong chuyến đi từ Austin(Texas) qua San Jose bằng xe lữa, chúng tôi đã tới ga Union Station, L.A. vào sáng sớm ngày 16-6-2017. Từ đây chúng tôi phải chuyển sang xe bus của công ty Amtrak để tiếp tục đi đến Bakersfield, sau đó, lên xe lữa đi tiếp lên Stockton. Cuối cùng phải ngồi thêm một chuyến xe bus ngắn qua San Jose.
Như vậy, vào ngày 16-6-2017, chúng tôi đã có dịp đi qua một đoạn ngắn free way 5 từ L.A đến Bakersfield, rồi sau đó là băng ngang “hoang mạc” bang California.
Đến ngày 02-7-2017, chúng tôi lại quay về L.A. bằng free way 5, nghĩa là tôi đã 2 lần đi ngang qua vùng đất này của bang California. Cùng với những vùng khô cằn khác trên sa mạc khi đi ngang qua bang Texas, tôi đã thấy những hình ảnh thú vị về hoạt động sản xuất nông nghiệp của Mỹ.
Tôi không ca ngợi nhiều về những thành tựu nổi bậc của Mỹ mà nhiều người đã biết thừa mứa qua các kênh thông tin, tôi chỉ “kể lại” những điều mắt thấy tai nghe, dĩ nhiên có hạn chế, để mọi người đọc chơi cho biết.
Đất Mỹ quá rộng lớn, bao gồm nhiều vùng , miền có khí hậu khác nhau rõ rệt. Riêng vùng đất miền Trung Tây nước Mỹ, từ Texas qua California thì cái hình ảnh mênh mông của đất đai càng thêm ấn tượng. Nhất là cái mênh mông đó lại khô cằn trong nắng cháy! Màu xanh mượt mà của những rừng thông dày đặc miền Viễn Đông Hoa Kỳ được thay thế bằng những mảng sắc xám, vàng.. khô khốc, chạy thênh thang đến tận chân trời, thỉnh thoảng là những rặng núi trọc, những đồi trơ, mọc lơ thơ xương rồng và cây buội thấp, như thách thức cái nắng cháy, cái nghiệt ngã của vùng đất tưởng chừng như không thể trồng trọt được. Thỉnh thoảng cũng có nhà cửa, thấp thoáng đơn độc phía xa giữa mênh mông nắng dội cát khô. Đôi lúc cũng có khu dân cư thật nhỏ,chỉ vài mươi nóc nhà xuất hiện đâu đó cạnh đường ray, ven cao tốc. Tôi không biết người ta làm gì nơi đó. Nhưng chắc chắn rằng vùng đất khô khan mênh mông còn lại, không phải vô dụng mà chỉ là vì người Mỹ không cần thiết phải khai thác.
Tổng diện tích mặt đất của Mỹ là 9.161.923km2, nhưng chỉ có 0,21% diện tích là được trồng trọt thường xuyên. Vậy mà một nông dân Mỹ lại tạo ra sản lượng lương thực nuôi sống đến 155 người. Với số dân khoảng 322 triệu người, chỉ 1% trong số đó hoạt động nông nghiệp, mà lại cung cấp 1 sản lượng lương thực, hoa quả khổng lồ. Năm 2012, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 394.6 tỷ đô la Mỹ, trong đó giá trị các sản phẩm trồng trọt là 219.6 tỷ đô la, giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 171.7 tỷ đô la. Người ta nói Mỹ là nước có ngành nông nghiệp hiện đại nhất thế giới, chiếm 18% thị phần thương mại nông sản toàn cầu.
Đó là những con số thống kê khô khan nhưng khá thú vị.
Người nông dân Mỹ ngày nay không còn “chân lấm tay bùn” như cha ông họ, nhiều nông dân “kính cận”, ngồi vận hành các công cụ nông nghiệp trong những cabin có điều hòa nhiệt độ, với sự kiểm soát của computer và hổ trợ của GPS, “vẽ” lên những cánh đồng mênh mông các bức họa kỹ hà khổng lồ, với sắc màu rực rỡ đến kinh ngạc; điều quan trọng là các bức bích họa ấy là sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chúng ta có thể dễ dàng xem được các video clip liên quan trên You Tube. Riêng với chúng tôi, thì các hình ảnh ngoài thực địa tuy không chi tiết bằng, nhưng rõ ràng thú vị hơn nhiều vì nó diễn ra ngay trước mắt.
Đó là những vườn cây xanh mướt, những cánh đồng hoa màu mênh mông, thẳng tắp, nằm kề cận bên một vùng khô khan cát bỏng. Có những con kênh nổi dẫn nước đến vườn cây, có những “cụm máy” làm nhiệm vụ cấp nước cho các cánh đồng lớn hay những nông trại khổng lồ. Những giàn tưới phun di chuyển ngang qua cánh đồng mênh mông rộng, nhưng cũng có những đường ống nhỏ dẫn nước đến từng gốc cây theo tiêu chuẩn được tính toán tiết kiệm tối ưu! Tôi thực sự không biết có nơi nào trên đất Mỹ giống như vùng đồng bằng Nam bộ hay chăng, nhìn đâu cũng thấy sông nước tràn bờ, còn các vùng mà tôi đã đi ngang, thiệt sự chẳng có vẻ dồi dào nước chút nào, vậy mà tại những nơi được khai thác, trồng trọt, chưa lần nào tôi thấy cảnh đồng khô hay vườn hoang héo úa!
Nhìn lại Việt Nam, cho đến thời điểm này, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam luôn thấp nhất trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp và không thể bắt kịp được năng suất lao động của các nước này kể từ năm 2005. Theo thông tin từ Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), giá trị gia tăng nông nghiệp trên mỗi lao động của Việt Nam năm 2011 đạt chưa tới 400 USD/người, thấp hơn cả Lào và Campuchia. Mặc dù nông nghiệp cũng là lĩnh vực duy nhất của Việt Nam luôn có xuất siêu trong nền kinh tế. (Nhật Hạ, Đại Kỷ Nguyên).