Khổ cái thân ….
Mập.
Mít Nàng tròn từ nhỏ. Hồi mới sanh ra đời, Mít đã nặng ký hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Nằm cùng nôi, trong khi những đứa khác thẳng đơ như cây cơ chẳng thèm nhúc nhích cục kịch, thì Mít đã tuổi trẻ tài cao, mèo con chưa mở mắt mà đã “mập thù lù từ đầu đến chân” quậy tưng: cái đầu thì ngoẹo về phía này, còn cái chân thì cong sang bên kia (vì dài đòn mà lị), khiến nhìn Mít y như hình chữ S, bởi có thế mới đủ chỗ cho thân hình có da có thịt, cộng thêm cái tạng “nặng xương” : bốn ký sáu lăm. Ai gặp cũng khen trộm vía Mít mũm mĩm, cả người chi chít hoa sữa, tròn quay, ngấn tay ngấn chân ú nu ú nần, núc na núc ních bắt no con mắt, có nghĩa là họ đang chúc Mít hay ăn chóng lớn. Có dễ ăn, sẽ dễ nuôi, đồng thời chắc tính tình sẽ xởi lởi, dễ chịu.
Lớn chút nữa, Mít càng tròn vo, tròn lẳn, tròn trĩnh, tròn vành vạnh (nghĩa là tròn ủm, tròn như trái banh trăng rằm). Nhìn dáng chạy phục phịch, huỳnh huỵch, té xuống đứng lên chạy tiếp, trông yêu ghê, chả thế mà đã có biết bao bậc phụ huynh phải hít hà ao ước con mình giống Mít Nàng, cơ địa trời cho mạnh khỏe, họ sẽ đỡ cực biết mấy, khỏi phải hết ép ăn đến ép ngủ, từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác, y như đánh vật với lũ chúng nó (mà Mít thường nghe lỏm mấy bậc cha mẹ hay than thở với nhau “cực như nuôi con mọn”).
Đó là nói về thuở xa xưa bé bỏng, chớ bây giờ Mít đã đến tuổi cập kê, chuyện gầy hay béo đã đi vào quĩ đạo của một “phạm trù” khác. Cái đáng yêu của thời mặc bỉm chạy long nhong đã qua rồi, giờ chuyện mập ốm đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Cái thân hình quá khổ này đã có lúc “khổ quá”, mà nếu không nói ra thì không ai biết, nên phải nói thẳng nói thật ra, mục đích cho mọi người đều biết, chớ ngu sao mà để bụng cho nặng bụng tức ngực, điều này dễ khiến con người ta phát phì !
Mít, Gấu, Khủng Long, Xe tăng, Tàu bò….. Chà chà, khá là nhiều “ních nem” (nick name): từ động vật….bắc cực sang thực vật….tráng miệng, từ nòi giống đã tuyệt chủng và hóa thạch từ lâu, đến vũ khí chiến tranh trong đại chiến thế giới lần thứ …năm, tất tần tật đều được lôi ra một cách điển hình nhất, chỉ là để ….chỉ trích một người đáng thương như Mít Nàng, bởi “mập đâu phải là cái tội”. Ở đây xin được giải thích một chút, nàng có tên khai sinh là Mẹt thị Mít, nói theo nghĩa nôm là cái mặt thị mẹt tròn như cái mâm thị mít, còn nói theo nghĩa chiết tự câu đối là trái mít thì tròn quay, quay tròn như mít trái (thông cảm, Mít Nàng nói gì chính Nàng Mít còn chưa hiểu được, nói chung là Mít đang nói tào lao, tùm lum, tuột luốt, ai ngây thơ trầm ngâm suy nghĩ xem Mít nói gì, thì ráng mà chịu nhé. Nói chung ai muốn hiểu sao thì hiểu, còn Mít thì “hiểu được Mít chết liền”. Xin cảm ơn).
Thật ra, Mít Nàng luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu một lẽ rất đời thường là, chẳng bao giờ có thể chiều chuộng được tất cả mọi người. Ca dao dạy rằng:
Ở sao cho vừa lòng người,
Ở hẹp người cười, ở rộng người chê.
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn nhô ra.
Có một dạo, Mít Nàng cũng rất buồn về thân hình “vạm vỡ vĩ đại” của mình, nên đã hạ quyết tâm là phải đai ẹt (diet, ăn kiêng) trong nhiều tháng ròng rã may ra “ba vòng bằng nhau” của mình sẽ có ít nhất một vòng bỏ cuộc chơi (đại khái là vòng hai), để chí ít, nhìn Mít còn ra được hình dạng con người, nếu không thiên hạ dễ nhầm lẫn với “cục giò di động” mất. Mít đã làm đủ mọi cách: nhịn ăn, bớt ngủ, làm nhiều, nhất là lắc vòng cho mau xuống mỡ bụng (vậy mà vẫn bị mang tiếng là làm ít ăn nhiều mới đau)…(Tại Mít rất nhột mỗi khi bất chợt gặp lại người quen, câu mở hàng đầu tiên bao giờ cũng là : chời ơi, sao dạo này mập thấy ớn . Kèm theo sẽ là lời khuyên chí tình phải ăn dzầy, phải ngủ dzầy, phải tập dzầy….).Tập thể dục, chơi thể thao, cầu lông, chạy bộ, bơi lội, nhảy cao…Mít thực hành tuốt. Mỗi lần tập xong, thao trường đổ mồ hôi, Mít cứ để mồ hôi mồ kê nhễ nhại thế mà nóng lòng leo ngay lên bàn cân, bởi em có một ước ao, em có một khát khao (một bài hát của ca sĩ Phi Thanh Vân), xuống nửa ký hay ba trăm gờ ram cũng được, miễn là có xuống. Lòng hồi hộp nhìn theo cây kim đang run rẩy trước sức nặng ngàn cân, rồi rùng mình dừng lại ở con số tám mươi tư phẩy chín không đổi. Sau thời gian cố gắng hết sức mà vẫn như cũ, Mít chán nản, tung hê xả láng luôn, ai gọi mình là mập này bự nọ, big bang (không phải đồng hồ Big Ben của nước Anh), giant (khổng lồ), bự xự…gì gì, Mít tỉnh bơ, chai mặt và mặc kệ. Mít chấp nhận mang tiếng béo phì, big size bốn số XXXXL. Cho vừa lòng, hỡi mọi người. Nhẩm tủi thân, cỡ Mít chắc chắn là không thể bay bổng vào văn thơ nhạc họa được vì …nặng, phải tiểu thư khuê các (càng nhẹ ký càng tốt) cỡ “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi (Như cánh vạc bay, Trịnh Công Sơn) thì may ra mấy nhạc sĩ, thi sĩ mới mê mẩn, mê tít thò lò mà phả nàng vào thơ nhạc. Bao nhiêu cái xấu đổ dồn lên đôi “vai u thịt bắp” của những người bự con như Mít:
Nam thực như hổ
Nữ thực như nam
Nữ thực như heo
Nữ thực như trâu
Nữ thực như voi, v.v..và v.v…..
Đó là thơ có vần điệu, còn văn xuôi thì vô thiên lủng: thùng tô nô (tonneau, tiếng Pháp), bà bành, mập lòi chành, mập thù lù, mập thu lu, mập địt….
Người ta nhẫn tâm chế diễu những người mập mạp như Mít, mà không cần biết nguồn gốc gây ra cái sự mập. Bởi mập cũng có dăm bảy đường mập chớ. Chẳng hạn: mập bẩm sinh, mập theo thời gian, mập có điều kiện….. Về vấn đề này Mít quyết tâm làm cho ra ngô ra khoai, giải thích tận tường, may ra mới được người đời thông cảm và thấu hiểu cho nỗi lòng của Mít.
Mập bẩm sinh: là mập theo cái kiểu của Mít ú ù đã nói từ đầu câu chuyện, xin chịu khó đọc lại đoạn “văn chương” nhập đề trực khởi ở trên, Mít không nhắc lại nữa, kẻo không sẽ bị qui kết rằng văn gì mà rườm rà, lùng thùng, điệp ý, điệp ngữ tè le. Vô phúc gặp độc giả là các thầy giáo cô giáo dạy văn, trong tay lại đang cầm cây bút đỏ, thể nào Mít cũng bị cho ốc tọt, còn phê trong ô “Lời phê của giáo viên”là “văn lủng củng, ý nghèo nàn”. Tội nghiệp Mít, bảo đảm tháng này Mít phải “đội sổ”.
Mập theo thời gian: nghĩa là các bà các ông, tuổi càng cao, dễ trở nên mập bệu, mập bủng, mập xệ, mập xề. Mấy thứ mập này thường trú trên người già cả là phải rồi, vì họ có còn làm được gì nặng nhọc hay tập gì nặng nề đâu mà không xệ, không bệu? Xương cốt lỏng lẻo, đi đứng khó khăn, thịt da nhão nhoét, ba vòng đảo lộn thứ tự, ưu ái dồn mỡ hết cho vòng hai mới khổ quá, nhiều người lầm tưởng u sáu mươi sao còn đẻ được, trông y hịch mang bụng bầu sắp bể.
Mập có điều kiện: nhại theo định luật phản xạ có điều kiện của ngài Páplốp (*), người ta gộp những người này là nhóm “lợi ích nhóm”, nghĩa là họ thường hay rủ nhau ăn chung, làm việc chung, hội họp chung, nên mập cũng …chung. Điều kiện ở đây: thân thế quyền tiền.
Nhìn mấy ông bà quan lớn (nghĩa là đương chức đương quyền), trông ai cũng phương phi, tai to mặt lớn….bằng nhau. Không biết các ngài làm được cái tích sự gì, chỉ biết là sau một thời gian ngắn cầm trịch quyền sinh sát, họ bỗng giàu lên thấy rõ và mập lên thấy …sợ (chắc nhờ nuôi…lợn, chạy xe ôm, buôn chổi đót?). Thân hình họ trở nên phì nộn đến “phù nề”, núc ních nạc nọng hẳn: bụng phệ (vì bia), mắt híp (vì tiền), mặt mâm chảy nọng (vì ăn), chân ngắn ( cho dễ lăn, vì đã mất chức năng… đi). Cái này được nhân gian ta khen: mập, lùn, đeo kiếng đen (lùn mà lối, lồi mà lún). Đeo kiếng đen? Để họ không thấy bao nhiêu con người đang sống lầm than tận đáy xã hội chung quanh cái biệt phủ to đùng như cung vua, để họ không nghe bao nhiêu con người còn vất vả chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, trong khi đống tài sản quốc gia cứ ung dung chui vào cái túi tham không đáy của họ.
Mít Nàng thầm nghĩ: nếu được chọn giữa hai thể…. mập (mập bẩm sinh và mập có điều kiện), nàng sẽ không ngần ngại mà chọn thể mập thứ nhất. Vì dù có bị chê bai là mập thô, không sang, Nàng vẫn có quyền vô tư ăn ngon ngủ yên, còn hơn thể mập thứ hai, chẳng bao giờ biết đến ngủ ngon ăn yên. Vìì trong mọi câu chuyện đầu ngày, cũng như trong lúc trà dư tửu hậu cuối ngày, tất thảy thiên hạ khi đề cập đến họ đều đồng thanh lên tiếng rủa xả, khinh miệt những khuôn mặt bóng mỡ kia. Mập béo gì chuyện ăn bẩn như thế nhỉ?
02/10/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(*) Ivan Petrovich Pavlov sinh tại Ryazan, Nga. Ông từng học chuyên ngành khoa học tự nhiên tại Trường Đại học Sankt-Peterburg và nhận bằng tiến sĩ năm 1879.
Vào thập niên 1890, Pavlov nghiên cứu chức năng dạ dày của loài chó bằng cách quan sát sự tiết dịch vị của chúng, sau đó ông tính toán và phân tích dịch vị của chó và phản xạ của chúng dưới các điều kiện khác nhau. Ông để ý rằng chó thường tiết dịch vị khi phát hiện ra các tín hiệu báo hiệu sự xuất hiện của thức ăn. Sau này Pavlov đã xây dựng lên định luật cơ bản mà ông gọi là "phản xạ có điều kiện" dựa trên hàng loạt thí nghiệm mà ông tiến hành trước đó. Tại Hội nghị sinh học quốc tế lần thứ 15, vị chủ tịch đã nhận xét:"Không còn nghi ngờ gì nữa, Pavlov là nhà sinh lý học bậc nhất của thế giới”(Wikipedia)
|