30/8/2015
Tùy bút
CHỐN BÌNH YÊN NGÀY CŨ
NGUYỄN THỊ MÂY
Đó là ngôi nhà thời thơ ấu của tôi. Nơi đoàn tụ những người thân yêu nhất đời tôi và nơi để nhớ về khi vấp ngã, buồn đau.
Ngôi nhà có mái vòm cao, lợp ngói đỏ au. Những bức tường dầy thô kệch với những cây cột tròn to tướng mà vòng tay ấu thơ ôm không xuể. Ngôi nhà đã gợi trong tôi nỗi thắc về sự tương phản giàu nghèo. Tại sao những con người nghèo rớt mồng tơi như gia đình tôi lại có nó? Ông ngoại tôi đã giải thích: Sau một trận hỏa hoạn, ngôi nhà của ông bà tôi biến thành tro bụi. Để có chỗ trú cho gia đình, ngoại đã nhận làm người gác cổng cho hảng rượu. Nhưng người ta đã lường công ông tôi. Họ bắt ông tôi vừa gác cổng vừa khuân vác chum rượu cho khách mà không trả một xu suốt mười mấy năm đằng đẵng. Cả nhà phải sống dựa vào gánh hàng rong của bà. Rồi Cách mạng tháng tám thành công. Cùng với bao công nhân khác, ông đã đấu tranh quyết liệt với chủ. Tòa án đã đứng về phía người nghèo và ngoại tôi được sở hữu vĩnh viễn ngôi nhà vốn dành cho người gác cổng.
Thuở đó, tôi chưa hiểu lắm về điều nầy. Chỉ biết từng góc nhà, từng viên gạch thấm đẫm tình yêu thương, hằn sâu dấu vết kỷ niệm đẹp đẽ của một thuở bình yên. Cửa chính ngôi nhà quay về hướng đông nhưng mãi đến khi mặt trời chênh chếch đỉnh đầu thì nắng mới lọt thỏm xuống mảng sân xanh màu hoa kiểng. Bấy giờ, hảng rượu đã đóng cửa, không còn hoạt động nhưng nó mãi mãi đứng án ngữ, đưa bức tường rêu phong che khuất dòng sông với hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng. Nhưng ngoại đã làm mát dịu tầm mắt chúng tôi bằng những chậu hoa kiểng tuyệt đẹp. Tôi thích nhất cây khế cao chưa bằng tôi đã chi chít quả vàng be bé.
Gian trước, cạnh cửa sổ, ông đặt một bộ ván gõ nâu bóng, mát rượi. Ông tôi thường ngồi ở một góc ván vừa hút thuốc vừa lơ đễnh nhìn bóng mây trôi bồng bềnh ngoài khung cửa hẹp. Đó cũng là nơi tôi đẩy một giấc trưa no mắt. Khi ngoại lúi húi ủi đồ cho cả nhà thì tôi ngồi vắt vẻo trên thành cửa sổ học bài. Ông thường chế giễu tôi đọc ra rả như cuốc kêu mùa hè, chẳng hiểu nội dung nên học xong, quên liền. Nghĩ cũng lạ, tôi học như nhảy dây, khi đạt thứ hạng cao nhất, khi tụt xuống tận đáy sổ. Cũng trên bộ ván nầy, có biết bao lần tôi bị phạt nằm sấp với cây roi mây đặt trên mông. Và cũng bấy nhiêu lần, tôi thừa cơ hội đánh thêm một giấc đến khi trời xế bóng.
Đối điện bộ ván là cái bàn đá hoa cương mặt hình tròn đã cũ. Nó chỉ có ba chân lành lặn. Chân còn lại bị mẻ một miếng bằng nắm tay. Ông tôi kê chỗ “tật nguyền” của nó vào sát vách nên ít ai biết được. Đêm đêm, ba chị em tôi thường ngồi làm bài tập ở đó hoặc túm tụm nghe bà tôi kể chuyện đời xưa.
Phía sau vách song môn là giường ngủ của mẹ tôi. Từ khi ba tôi bỏ nhà theo người đàn bà khác, một mình mẹ tần tão nuôi cả nhà sáu miệng ăn. Tờ mờ sáng, mẹ đã gánh hàng ra chợ và đến tối mịt mới quay về. Người ta bảo mẹ tôi máu lạnh, chẳng biết ghen, người cứ trơ như đá. Nhưng họ nào biết nhiều đêm mẹ tôi khóc thầm. Và sáng nào bà tôi cũng mang chiếc gối của mẹ ra phơi trên đầu trụ hàng rào. Bà nói ở đó nắng tốt, mau khô. Dầu vậy, nước mắt vẫn tạo một mảng thâm kim ngày một đậm thêm.
Trong gian bếp có một hàng lu để chứa nước mưa và hai cái chứa nước sông để tắm rửa, giặt giũ. Mỗi khi nước lớn, chị tôi thường quảy cặp thùng ra sông lấy nước. Tôi với thằng em trai thường lẽo đẽo theo sau đòi phụ gánh nhưng chị bảo còn bé, gánh nặng sẽ bị lùn, cứ lo học là chị mừng rồi. Thương chị, tôi với thằng em tiết kiệm nước cho chị đỡ vất vả bằng cách mỗi lần tắm chỉ dùng có ba gáo nước. Biết được, ông mắng: “Ở dơ! Hèn chi hôi như cú. Có muốn thành hai rừng cây biết đi như truyện trong sách Quốc văn Giáo khoa Thư không?”. Sau đó, ông làm hai cặp thùng bé tí cho tôi với thằng Út. Từ đó, chiều nào, ba chị em cũng gánh nước đua, vui đáo để!
Thời gian lặng lẽ trôi. Ông bà tôi lần lượt qua đời, chị em tôi lớn dần,có nghề nghiệp ổn định rồi lập gia đình. Tôi và chị ra riêng. Mẹ vẫn còn sống dưới mái nhà xưa. Bây giờ, tóc mẹ đã ngã màu sương khói. Mẹ bị mất trí nhớ, không còn nhận ra chúng tôi là ai. Nhưng mỗi lần bị roi đời quật ngã, tôi quay về quỳ bên gối mẹ, tìm lại phút bình yên ngày cũ.
NGUYỄN THỊ MÂY
Tranh của họa sĩ Đặng Can